Thứ Năm, 03/10/2024 11:38 SA
Về nhà trư ớc giao thừa
Thứ Sáu, 16/02/2007 23:30 CH

Trong cuốn tạp văn Ngôi nhà và con người, tác giả Huỳnh Như Phương viết: “Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc bước vào cõi vô cùng, con người luôn gắn bó chặt chẽ với ngôi nhà. Sống xứng đáng với phẩm cách con người là sống giữa căn nhà của mình...”.

 

Tự trong cội nguồn văn hóa Việt, ngôi nhà luôn là chỗ dựa, là của cải quan trọng của con người. Ngôi nhà gắn với quê hương, nên hay gọi là quê nhà! Quê nhà không phải là miền quê, đất nước chung chung mà là vùng đất ruột thịt có ngôi nhà và những người thân yêu của ta. Mọi cuộc ra đi cuối cùng là để trở về. Về nhà ăn Tết! Mấy tiếng đó thật giản dị mà náo nức, xúc động biết bao trong những ngày này.

 

070216-qua-song.jpg

(Ảnh: Kim Sa)

 

Ngày xưa, đi ra khỏi lũy tre làng là một sự kiện lớn, vì cả sự ra đi và trở về đều khó khăn, vì “Ngày đi trúc chửa mọc măng / Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre”. Tuy nhiên khoảng cách về không gian, về thời gian đều không đáng sợ bằng khoảng cách của lòng người. Cô gái làng của Nguyễn Bính mới lên tỉnh hôm qua, hôm nay đã thành người khác. Khác không phải vì áo, khăn “rộn ràng” phủ bên ngoài, mà khác vì “hương đồng gió nội” đã “bay đi ít nhiều”. Trách ai, sao lại trách cô gái? Đã nhìn thấy đèn thành phố “ngọn xanh, ngọn đỏ” thì màu dân dã “chân quê” không thể giữ vẹn nguyên rồi! Hạnh phúc và bi kịch chính là chỗ này!

 

Cái cần giữ là gì: áo quần bề ngoài? đạo đức bên trong? hay tiếng nói? cách ứng xử?... Thực ra cái cần giữ chính là con người anh. Nếu đổi thay là tất yếu thì anh hãy tận tụy với điều anh chọn, miễn sao mỗi khi quay về người thân vẫn nhận ra anh và anh vẫn nhận ra chính mình.

 

Trong mỗi con người đều có những khát vọng lên đường, đều muốn đổi thay để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn. Và không phải chỉ đầy đủ với ý nghĩa đơn giản là các tiện nghi vật chất, mà điều quan trọng là con người được giải phóng tối đa về năng lực, tình cảm. Hạnh phúc chính là được sống hết mình, được làm việc và được yêu thương, san sẻ, được cống hiến hăng say và được đánh giá đúng giá trị thực của mình.

 

Cuộc sống càng văn minh, hiện đại, người ta càng chăm chút ngôi nhà. Chẳng những mặt tiền trang hoàng lộng lẫy mà mặt hậu, nội thất với các đồ đạc tiện nghi mới là nơi quan trọng thể hiện đẳng cấp chủ nhân. Tuy nhiên, con người trong ngôi nhà mới là thứ của cải đắt giá, đáng trân trọng nhất. Những bi kịch “người giàu cũng khóc” và những hài kịch “người nghèo cũng cười” vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Hạnh phúc chính là được sống trong bầu không khí yêu thương, đầm ấm của gia đình, được nghe tiếng cười của con trẻ, được chia sẻ mọi vui buồn với người thân.

 

Gần rằm tháng chạp và nhất là từ sau rằm, trên các bến xe, bến tàu, sân bay lúc nào cũng tấp nập. Những người xa nhà vội vã trở về đón Tết. Nụ cười và nước mắt tràn ngập. Chuyện ra đi và quay về dần trở thành bình thường trong điều kiện sống ngày nay. Có người xa quê năm, mười năm nay mới quay về, không khỏi bồi hồi ngỡ ngàng khi đứng nhìn tổ cũ của mình. Có người sáng còn ở nhà, trưa ăn cơm ở một thành phố miền Trung, chiều ăn cơm ở tại thành phố miền Nam, tối lại quay về; hoặc đi ra nước ngoài công tác chỉ trong một ngày. Ước muốn có cánh như chim, ước muốn thu hẹp khoảng cách không gian giờ ở trong tầm tay của con người. Ngày xưa Tản Đà, Nguyễn Tuân là người của chủ nghĩa xê dịch, thích đi đây đó. Tản Đà còn thích lên cung trăng trò chuyện với chị Hằng Nga. Nguyễn Tuân mong đi để “thay đổi thực đơn cho giác quan” và nói rằng muốn sau này chết đi da mình sẽ được đem thuộc làm cái va-li để lại tiếp tục lên đường. Có những lần đi vô nghĩa lý, chỉ thu được nỗi mất mát, thất bại cay đắng. Có những cuộc lên đường đồng nghĩa với sự thăng tiến, đổi đời may mắn. Hạnh phúc là luôn có niềm mơ ước, khát vọng; là được biết, được thử thách và nắm bắt được cơ hội may mắn trên đường đời.

 

Trần Hoàng Nhân có câu thơ: “Cuối năm chuyển bánh xe đò / Mười hai thương nhớ tự cho là nhiều...”. Chuyến xe cuối năm nào cũng chở đầy thương nhớ. Chuyến tàu cuối năm nào cũng chất nặng những toa nhớ thương. Ai đi xa mới cảm được sự nôn nao nhớ nhà vào những ngày giáp Tết, mới biết tình quê nặng như thế nào với mình. Những người xa quê mang theo gia đình, sống cùng con cái vẫn có tâm trạng nhớ cha mẹ, người thân và những kỷ niệm đầm ấm của quê nhà. Làng quê dù nghèo nàn, ngôi nhà dù cũ kỹ, chật hẹp nhưng đôi khi con người vẫn thèm được về dù chỉ để vài phút được “ngồi yên dưới mái nhà”, lắng nghe sự bình yên, giản dị từ cỏ cây thiên nhiên, từ chính con người chân thực của mình. Hạnh phúc là còn có nhiều kỷ niệm, còn có cội nguồn để mà yêu thương, gắn bó. Cuộc sống tiến đến ngày mai từ ngày hôm qua, hôm nay.

 

Giao thừa là cái mốc của chu kỳ một năm. Giờ phút linh thiêng ấy ngôi nhà luôn là người chứng quan trọng nhất. Những người đi xa quay về, mọi công việc dừng lại, tạm nghỉ; khói nhang làm nhiệm vụ mời gọi hồn thiêng của những người đã khuất qui tụ, trở về. Hạnh phúc là giờ phút mọi người đều sum họp dưới mái ấm gia đình. Đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao chủ trương và hành động xây nhà tình nghĩa cho người nghèo của Mặt trận Tổ quốc, của các doanh nghiệp, đoàn thể. Có một ngôi nhà, dù sơ sài hay nhỏ bé để che nắng che mưa vẫn còn là niềm mơ ước của rất nhiều người nghèo trên đất nước Việt Nam.

 

Ai đó nói rằng cuộc đời chỉ là “cõi tạm”. Nhưng nếu trên cõi tạm mênh mông này, ta không tìm thấy một ngôi nhà nào là của mình để quay về, không có chỗ nào để trú ngụ thì người đó thật bất hạnh. Hãy về nhà kịp trước giao thừa để bắt đầu một năm mới. Hãy chăm sóc, sửa sang ngôi nhà của mình, con người của mình để yêu thương và được yêu thương. Khép lại và mở ra. Trong ngôi nhà là con người! Chính con người chứ không phải ngôi nhà có khả năng làm thay đổi cuộc sống và chất lượng sống...

NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek