Cụ bà Phan Thị Xạ, thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp (Tuy An, vừa tròn 85 tuổi) là người hiếm hoi còn nhớ rõ về hát rập, hò khoan, bài chòi, hát bội, những làn điệu dân ca truyền thống của người dân đất Phú xưa. Lắng mình trong những làn điệu do cụ Xạ thể hiện, người nghe thấu rõ cội rễ vẻ đẹp tinh thần của người xưa.
Cụ Phan Thị Xạ - Ảnh: T.DIỆU
Tuổi đã cao, chân đã mỏi, miệng móm mém nhai trầu nhưng cụ Xạ có một trí nhớ rất tốt. Cụ Xạ đưa người thưởng thức về với không gian sinh hoạt của người dân vùng đất Tuy An giữa thế kỷ XX trở về trước bằng những câu hát rập, hò khoan đối đáp. Cụ Xạ chia sẻ: “Đó có thể là vào lúc làm cỏ lúa, làm cỏ mía, chẻ cau, giã gạo ban đêm... Nam thanh, nữ tú ở các xã lập thành rập hát (đội hát), mỗi rập ít nhất có hai người hát nối hơi nhau gọi là hát rập”. Cụ Xạ vẫn còn nhớ cả hát đối lẫn hát đáp của cả nam và nữ. Rồi như vui quá, cụ cất giọng hát một câu chào hỏi trong một lần hát rập năm xưa mà các chàng trai nối hơi chào hỏi rập các nàng: Hò ờ ớ/bạn ơ/bạn người/bạn ơi/tui đến đây chào bạn/bớ cao phi/tui chào luôn một tiếng nữa/tiếc công đi mà xa đàng/mở rương ra/ớ lấy bộ bớ/gối lang/tui lấy đâu chiếu ngược mà/trải màn với kết tơ/bình phong chạm đến hờ ở bốn bên/chớ chén vàng chén ngược mới nên lời chào/hiu chào hiu/ngọn gió/ớ thổi vào trên thôn mà dưới thủy má đào mình có mang/trước tui chào quân chị hờ ớ bá quan/ sau chào nữ tỉ hai nàng tiên có nga/than phần tui là quê quán hò lờ bớ ở xa/tui đến đây xa mẹ còn hòa chỉ có em/ rượu chua cho bậu ớ non hèm/rót ra chén ngược mời trăm bạn vàng/trước tui mời yên ấm ớ nghiêm trang/chớ sau mời tái hiến phù lang thanh trà/tui đến đây quan cộng ớ như nhà/ lều tranh mà có nghĩa hơn tà ngó có cao/anh nghiêng tai mà nghe tiếng em chào/dưng không dưng nghe chửi đừng nói sao bạc rồi/ơi quý tình.
Một câu chào của người nam phải có “lớp lang” như thế, rồi bên rập nữ hát đáp trả lời chào. Sau đó người nam lại tiếp tục hát hỏi và bên rập nữ lại đáp trả, cứ như thế mà có khi hát mãi tới tận đêm khuya.
Qua lời kể và giọng hát của cụ Xạ, không gian của hò khoan cũng hiện ra sống động. Hò khoan “tác chiến độc lập” chứ không vào rập. Chàng trai hát: “Trèo lên cây trắc bắt ổ chim chìa/anh mong gá nghĩa sao nàng làm ngơ...”. Nàng đáp trả: “Bạn ớ/người bạn ơi/trèo lên cây trắc í bắt ổ chim sâu/chớ thế gian mà đồn tếu lẽ đâu mà nghi ngờ...”. Hát qua, đối lại, phục cái tài đối đáp nhau, nên có không ít người yêu nhau rồi cưới nhau. Cụ Xạ và người chồng trước cũng nên duyên vợ chồng từ những câu hát đối đáp đó. Người chồng trước không may lâm bệnh qua đời năm bà 21 tuổi. Người chồng thứ 2 là ông Phạm Quyền không giỏi hò hát nhưng mến phục tài hát hay “tiếng lành đồn xa” của cụ Xạ mà hỏi cưới bà. Ông cho biết: “Trước khi cưới, tôi đã nghe bà ấy hát rất nhiều lần trong những cuộc hò đối đáp xóm gần, làng xa. Khi nghe bà hò hát, tôi đã “phải lòng” cái giọng hát “đẹp” mà thương. Hơn 50 năm chung sống, tôi rất hạnh phúc khi được nghe bà ấy hát mỗi ngày”.
Hồi những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ Xạ là đào hát trong gánh hát của ông Hai Thành ngày ấy (ông Thành nay đã mất), hô bài chòi, hát bội tuyên truyền thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ ở xã An Hiệp. Ở cái tuổi 85, cụ Xạ vẫn còn nhớ như in những vở tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn, Hạ Nam Đàn... Rồi cụ hát luôn 4 đoạn dài tình tiết Lưu Kim Đính “bắt” Trương Công Bảo làm chồng trong vở tuồng Hạ Nam Đàn rất được mến mộ thời ấy. Tuy không còn cất tiếng hát được lâu nên nhiều câu hát chỉ lại thuật như văn kể. Nhưng có lúc nhập tâm, bà ngân lên giai điệu lảnh lót của các đoạn cao trào.
Từ trong những câu hát, câu hò, những làn điệu dân ca với những ca từ đẹp và ý vị người nghe cảm được cái cội rễ truyền thống của người dân đất Phú: Truyền thống lấy chữhiếu làm đầu, tận trung với quê hương, đất nước… Những lời ca của cụ Xạ khiến ta đắm chìm vào không gian sinh hoạt văn hóa của người Phú Yên xưa với hát rập, hò khoan, bài chòi, hát bội.
Ông Phan Văn Tánh, cán bộ Phòng VH-TT xã An Hiệp cho biết: “Gần đây nhất, cụ Xạ có hát rập cho Hội diễn văn nghệ các làn điệu Khu 5 tại Lễ hội Đền Lê Thành Phương (năm 2010) đoạt giải nhất. Tiếc rằng nay tuổi đã cao, cụ Xạ không còn đi diễn được nữa. Nhiều người con của cụ Xạ ảnh hưởng từ mẹcũng hát rất hay và có nhiều đóng góp trong phong trào văn nghệ xã An Hiệp”.
Tiếc thay, những người ở thế hệ cụ Xạ phần lớn đã mất, người còn thì tuổi cao, trí nhớ giảm sút. Và kho tàng văn hóa dân gian cụ Xạ đang lưu giữ cũng sẽ mai một nếu chưa được ngành chức năng quan tâm và khai thác để lưu giữ đúng mức.
DIỆU ANH