Thứ Bảy, 28/09/2024 20:24 CH
Những tiến bộ của hội nghị hòa bình Trung Đông
Thứ Bảy, 01/12/2007 07:30 SA

 * Nga sẽ đăng cai hội nghị quốc tế lần 2 về hòa bình Trung Đông

 

Kết quả đầu tiên của Hội nghị hoà bình Trung Đông lần này được xem là một tín hiệu lạc quan, người vui mừng nhất dĩ nhiên là Mỹ. Mỹ đứng ra tổ chức hội nghị Annapolis với mục đích đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn diện giữa Israel và Palestine.

 

071201-Hoi-nghi-Trung-Dong.jpg

Từ trái qua: Thủ tướng Olmert, Ngoại trưởng Rice và Tổng thống Abbas tại hội nghị  - Ảnh: abc.net.au

 

Hội nghị hòa bình Trung Đông diễn ra tại Annapolis (Mỹ) đã đạt được những tiến bộ ban đầu khi IsraelPalestine đồng ý nỗ lực để đạt được một hiệp định hòa bình trước khi kết thúc năm 2008. Mặc dù thỏa thuận này mang lại nhiều hy vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông, song dư luận vẫn nhìn vấn đề với sự thận trọng.

 

Kết quả đầu tiên của Hội nghị hòa bình Trung Đông này được xem là một tín hiệu lạc quan, người vui mừng nhất dĩ nhiên là Mỹ. Mỹ đứng ra tổ chức hội nghị Annapolis với mục đích đặt nền móng cho một thỏa thuận toàn diện giữa Israel và Palestine. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Bush đã ngay lập tức loan báo về thỏa thuận mới nhất trong phiên họp đầu tiên của hội nghị. Tổng thống Bush cho biết, Israel và Palestine sẽ tổ chức các cuộc thương lượng song phương để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu 2 nhà nước Israel và Palestine cùng sống trong hòa bình. Trước đại diện của gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị, ông Bush đề nghị các bên liên quan quảng bá một nền văn hóa hòa bình, phi bạo lực và bắt tay ngay vào các cuộc thương lượng về qui chế cuối cùng.

 

Nguồn tin cho biết, các bên liên quan dự định sẽ thành lập một ủy ban định hướng để tổ chức các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 12/12 tới, theo đó cứ 2 tuần sẽ có một cuộc họp bổ sung của Tổng thống Abbas và Thủ tướng Olmert. Các bên cũng đồng ý thực hiện những nghĩa vụ theo đề xuất của Lộ trình hòa bình năm 2003 do nhóm Bộ Tứ bảo trợ. Trong các phát biểu tại phiên họp đầu tiên, Thủ tướng Israel và Tổng thống Palestine đều tỏ ra quyết tâm đạt được thỏa thuận tổng thể trước khi kết thúc năm 2008, hay đúng hơn là trước khi Tổng thống Bush rời nhiệm sở.

 

Thế nhưng giới quan sát vẫn tỏ ra thận trọng với kết quả ban đầu này. Lý do thứ nhất là vì các bên liên quan vẫn chưa tỏ ra một dấu hiệu nhượng bộ nào đối với các vấn đề tranh cãi. Lý do thứ hai là các nhân vật chính đều không phải là những người có đủ khả năng để mang lại sự khai thông hòa bình. Tổng thống Mỹ Bush đang lãnh đạo một chính phủ không có sự ủng hộ của 2 viện quốc hội và sự ủng hộ trong dư luận đối với ông cũng rất thấp - khoảng 30%, so với 50% ủng hộ Tổng thống Clinton khi ông cố gắng kiến tạo hòa bình cho Trung Đông vào năm 2000. Thủ tướng Israel Olmert đang bị điều tra vì những lời cáo buộc tham nhũng và giới quan sát cho rằng ông Olmert khó có thể vượt qua cơn bão táp chính trị ở Israel trong thời gian tới. Còn Tổng thống Abbas hiện chỉ lãnh đạo một phần lãnh thổ bị chia cắt của Palestine. Nói cách khác cả ba nhà lãnh đạo này đều không có đủ uy tín và sự ủy nhiệm cần thiết để có thể thống nhất về qui chế cuối cùng, vì thế cho dù họ có đạt được thỏa thuận gì thì cũng khó có thể biến thỏa thuận đó thành thực tế.

 

Một lý do nữa mà các nhà phân tích nói tới, đó là ở thái độ của “nhà kiến tạo hoà bình” - Tổng thống Mỹ Bush. Khác với thái độ vồn vã, sốt sắng của Tổng thống Bush thể hiện tại Annapoliz, giới phân tích cho rằng ông Bush sẽ không can dự sâu vào việc trung gian giữa IsraelPalestine sau hội nghị. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ông khéo léo từ chối danh nghĩa “người kiến tạo hòa bình” hay “trung gian”, mà chỉ nhận vai trò “xúc tác” và để cho người Israel và Palestine “định đoạt số phận của chính họ”.

 

Sở dĩ như vậy là bởi ông Bush không muốn đặt trọng tâm chương trình nghị sự trong năm cuối nhiệm kỳ vào vấn đề Trung Đông, mà vấn đề này cùng việc tổ chức hội nghị hòa bình Annapolis chỉ là một khía cạnh ngoại giao trong chiến lược của Mỹ ở Iraq khi chú trọng tới tiến trình hòa bình Arập – Israel mà thôi.

 

Một tín hiệu đáng mừng khác từ hội nghị AnnapolisWashington đang niềm nở hơn trong đường lối ngoại giao với Syria. Các đại diện Syria đã nhận những cái bắt tay nồng ấm và những lời cám ơn từ Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Syria có thể sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc chính trị ở Libăng về cuộc bầu cử tổng thống mới. Điều này cũng có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của Iran trong khu vực. 

 

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nêu ra sáng kiến tổ chức hội nghị Trung Đông lần 2 tại Moscow, đã nhận được sự hoan nghênh của các bên liên quan, trong đó có nhóm ‘’Bộ tứ’’ đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ). Báo “Bưu điện Washington” số ra ngày 29/11 dẫn lời các quan chức Nga, Ả-rập và châu Âu, cho biết các bên chủ chốt tham gia hội nghị hòa bình Trung Đông hy vọng trong hội nghị lần tới tại Moscow, họ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc về một hiệp định hòa bình toàn diện trong đó bao gồm cả các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Israel và Syria.  

                      

H.K (tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek