Ít nhất 133 người chết và gần 400 người bị thương trong hai vụ nổ xảy ra ngay gần chiếc xe đang chở cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto đêm 18/10, khi nhiều người tụ tập tại thành phố Karachi chào mừng bà về nước sau tám năm sống lưu vong. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Pakistan Javed Cheema cho biết bà Bhutto đã thoát chết trong âm mưu ám sát trên.
|
Bà Bhutto được khẩn cấp đưa khỏi nơi xảy ra vụ nổ ở Karachi đêm 18/10 - Ảnh: Reuters |
Đây là vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử Pakistan, đã phủ bóng đen lên hy vọng việc bà Bhutto về nước với sự chấp thuận của Tổng thống Pervez Musharaf sẽ chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài trong thời gian qua tại đất nước này. Đầu tiên là một vụ nổ nhỏ và tiếp đó là một vụ nổ lớn xảy ra ngay trước mũi chiếc xe đang chở bà Bhutto, làm vỡ kính xe và làm một xe cảnh sát đi hộ tống bốc cháy. Ngay lập tức, bà Bhutto được đưa khỏi hiện trường tới tư dinh của bà theo kế hoạch đã được vạch sẵn. Hàng ngàn người ủng hộ bà Bhutto đã vây quanh đoàn xe chở bà trong bối cảnh an ninh được siết chặt tại Karachi, thành phố lớn nhất Pakistan.
Bà Bhutto đã bay về nước để lãnh đạo đảng Nhân dân Pakistan của bà trong các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 1 tới, thu hút được nhiều người ủng hộ tập trung chào đón. Cảnh sát trưởng TP Karachi cho biết có tới 15.000 người đổ xuống phố reo hò, tạo thành một đoàn diễu hành lớn. Bà đã trở thành kẻ thù của các chiến binh Hồi giáo khi theo đường lối thân Mỹ và đàm phán để thiết lập một liên minh chính trị với Tổng thống Pakistan, Musharraf.
Ước tính có 20.000 nhân viên an ninh đã được triển khai để bảo vệ bà Bhutto tại Karachi. Nhà chức trách trước đó đã hối thúc bà Bhutto sử dụng trực thăng để giảm nguy cơ bị tấn công giữa lúc có những lời đe dọa từ Taliban và al-Qaeda, song bà đã bác bỏ những lo ngại này. “Tôi không sợ. Tôi đang nghĩ về sứ mạng của tôi. Đây là một bước đi vì dân chủ bởi vì chúng ta đang chịu những mối đe dọa từ các phần tử cực đoan và các chiến binh”, bà Bhutto nói với các phóng viên trên máy bay từ Dubai.
Tháng trước, bà Bhutto nói với CNN rằng bà nhận ra mình là một mục tiêu tấn công. Theo bà, các chiến binh Hồi giáo không tin vào việc phụ nữ lãnh đạo đất nước, do vậy họ sẽ cố mưu sát bà. “Tôi sẵn sàng đón nhận những nguy cơ đó”, bà nói.
Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Aftab Sherpao khẳng định hai vụ nổ trên là hành động khủng bố nhằm vào bà Bhutto, tuy nhiên ông không đưa ra thông tin liên quan đến thủ phạm gây ra hai vụ nổ. Trong khi đó, chồng bà Bhutto là ông Asif Ali Zardari, đã bác bỏ những thông tin cho rằng vụ đánh bom do các tay súng thực hiện và khẳng định một cơ quan tình báo Pakistan đã đứng đằng sau hành động này. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận với bà Bhutto cho rằng lời cáo buộc của ông Zardari không nhằm vào cơ quan tình báo Inter-service của quân đội Pakistan.
Tổng thống Musharaf đã lên án vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe chở bà Bhutto, gọi đây là một “âm mưu chống lại nền dân chủ”. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã ra tuyên bố mạnh mẽ lên án vụ đánh bom đẫm máu trên. Liên minh châu Âu (EU) và các nước Pháp, Anh... đều ra tuyên bố lên án vụ đánh bom khủng bố là một hành động “kinh hoàng”, làm nhiều thường dân vô tội thiệt mạng. Mỹ đã lên án vụ tấn công bạo lực này, phát ngôn viên đối ngoại Gordon Johndroe của Tổng thống Bush nói. “Những kẻ cực đoan sẽ không được phép ngăn Pakistan khỏi việc bầu các đại diện của họ thông qua một tiến trình dân chủ và cởi mở”. Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng các quan hệ đối ngoại ở New York, nói rằng cuộc tấn công cho thấy “một trong những thực tế cơ bản tại Pakistan ngày nay là chính phủ không hoàn toàn kiểm soát đất nước”. Ông cho rằng Tổng thống Musharraf sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau vụ đánh bom này, nói rằng có nhiều thách thức nghiêm trọng hơn đối với quyền lực của nhà nước gần đây, chẳng hạn như sự đối đầu giữa các chiến binh và cảnh sát ở Thánh đường Đỏ tại Islamabad.
BTV (tổng hợp)