Chủ Nhật, 06/10/2024 05:50 SA
Vì sao máy bay Brazil lao vào tòa nhà?
Thứ Sáu, 20/07/2007 15:19 CH

Các chuyên gia đang tranh cãi về nguyên nhân chiếc Airbus A320 tăng tốc thay vì bay chậm lại khi hạ cánh và gây ra vụ tai nạn làm 189 người chết, sự kiện đang làm dấy lên lời kêu gọi đóng cửa sân bay nhộn nhịp nhất Brazil.

070720--Dien-bien.jpg

Diễn biến vụ tai nạn thảm khốc. Đồ họa: BBC.

Hình ảnh từ camera an ninh của không quân cho thấy, chiếc phi cơ của hãng TAM Airlines đáp xuống đường bằng với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với các máy bay khác vào khoảng thời gian đó. Điều này dẫn đến khả năng có lỗi của phi công hoặc sự cố kỹ thuật chứ không phải đường băng ngắn và trơn trượt như nhiều người phân tích trước đó.

Chiếc Airbus A320 có dấu hiệu muốn cất cánh trở lại sau khi đã lăn bánh trên đường băng Congongas trong màn mưa tầm tã. Nhưng nó chỉ bay được quá đầu dòng xe cộ đang lưu thông vào giờ cao điểm trên xa lộ cạnh đó, trước khi lao vào một tòa nhà và nổ tung làm toàn bộ 186 người trên máy bay và 3 người dưới mặt đất thiệt mạng.

Đây là thảm kịch hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil và là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trên thế giới liên quan đến loại máy bay chở khách Airbus A320.

Thiếu tướng Jose Carlos Pereira, giám đốc cơ quan quản lý các sân bay Brazil (Infraero) thừa nhận, ông bị lúng túng bởi đoạn băng video nói trên và hy vọng việc phân tích hai hộp đen của máy bay đã được gửi sang Mỹ sẽ giải thích rõ tại sao chiếc phi cơ này hạ cánh với tốc độ cao như vậy.

Tướng Pereira nhận định thêm: "Có cái gì đó trục trặc trong quá trình hạ cánh vì chiếc máy bay đã không hề giảm tốc độ. Phải có chuyện gì đó xảy ra và phi công đã cho tăng tốc chiếc máy bay".

Trong khi đó, một quan chức ngành hàng không Brazil là Elias Gedeon cho rằng, hiện còn quá sớm để đổ lỗi cho phi công. "Điều cơ bản là chúng ta không biết chuyện gì xảy ra. Tại sao phi công lại cho bay nhanh như vậy? Anh ấy không thể hãm phanh? Hay tại có nước trên đường băng? Hoặc do khả năng thao tác của phi công? Chúng ta đều không biết", Gedeon nhấn mạnh.

Mới đây, sân bay Congonhas ở Sao Paulo làm lại bề mặt đường băng để hệ thống phanh máy bay hoạt động hiệu quả hơn khi trời mưa. Tuy nhiên, mặt đường băng mới lại thiếu những đường rãnh nhỏ để thoát nước và gia tăng khả năng bám đường của bánh máy bay. Do đó nhiều máy bay vẫn thường gặp sự cố trượt trên mặt đường băng mới.

Trong khi các chuyên gia đang tranh cãi gay gắt về nguyên nhân tai nạn, các công tố viên Brazil yêu cầu thẩm phán liên bang ra lệnh "tạm ngừng hoạt động" hoàn toàn đối với sân bay Congonhas, một động thái có thể gây rối loại nghiêm trọng giao thông đường không ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này.

Các công tố viên cho rằng sân bay cần phải đóng cửa cho đến khi nào "hoàn tất việc nâng cấp cả hai đường băng để có thể đảm bảo cho các máy bay hoạt động tốt". Về khả năng Congonhas ngừng hoạt động sẽ gây ra rối loại đi lại và ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của các hãng hàng không, công tố viên Marcio Schusterschitz tuyên bố: "Sinh mạng con người quý hơn chuyện tiền bạc".

070720--Congonhas.jpg
Một chiếc phi cơ cất cánh ở sân bay Congonhas, ngay phía bên trên hiện trường tai nạn máy bay hôm 17/7. Ảnh: AP
Quyết định của thẩm phán về số phận của sân bay Congonhas sẽ được đưa ra sớm nhất vào thứ hai tới. Đây là phi trường có vai trò chủ chốt đối với mạng đường bay nội địa ở Brazil. Do chỉ cách trung tâm Sao Paulo có 8 km nên sân bay Congonhas rất thuận tiện đối với hành khách, bất chấp việc vị trí không thích hợp và bị "biển" nhà cửa vây quanh. Các đường băng của nó cũng bị coi là quá ngắn và bị một xa lộ chắn ngay ở phía trước.

Nhưng phát ngôn viên chính của cơ quan quản lý sân bay Brazil Leonardo Mota Netto cho rằng, việc đóng cửa sân bay Congonhas là điều không thực tế. Sân bay quốc tế của Sao Paulo mang tên Guarulhos nằm ở ngoại ô, cách trung thành phố gần 40 km và không có khả năng "gánh" thêm toàn bộ các chuyến bay ở Congonhas.

"Chuyện đóng cửa Congonhas sẽ chỉ có thể được thực hiện sau 15 năm nữa. Đó là khoảng thời gian cần thiết để xây dựng thêm các sân bay mới thay thế và sắp xếp chuyển hướng các đường bay sang những phi trường khác trong vùng vốn cũng cần phải nâng cấp điều kiện cơ sở hạ tầng", ông Mota Netto phân tích thêm.

Cũng theo lời quan chức trên, mỗi năm sân bay Congonhas đón tiếp 18 triệu lượt hành khách, vượt quá 6 triệu hành khách so với công suất thiết kế khi sân bay khánh thành vào năm 1936. Thời kỳ đó, Congonhas vẫn nằm ở xa ngoại ô Sao Paulo và là một trong những sân bay lớn nhất thế giới.

Giới chức hàng không Braril cũng khẳng định rằng đường băng dài 6.362 feet (tương đương 1.939 mét) là không phải quá ngắn đối với việc hoạt động an toàn của máy bay. Tuy nhiên, từ lâu các phi công vẫn phàn nàn về hiện tượng trơn trượt trên đường băng này khi có mưa và có quá ít phần đường băng dự trữ cho trường hợp xảy ra sự cố.

Năm 1996, một chiếc Fokker-100 cũng của hãng TAM Airlines đã lao vào các khu nhà gần sân bay ngay sau khi cất cánh làm chết toàn bộ 96 người trên khoang và 6 người dưới mặt đất. Hôm thứ năm vừa qua, một chiếc máy bay khác của hãng cũng phải hủy quyết định cất cánh do góc tiếp đất không an toàn, buộc nó phải bay vòng vòng và đến lần thứ hai mới hạ cánh được. Đây là dạng sự cố xảy ra khá thường xuyên tại sân bay Congonhas.

Chỉ một ngày trước khi xảy ra thảm kịch, có tới hai chiếc máy bay bị trượt khỏi đường băng ở sân bay này nhưng may mắn không làm ai bị thương. Ngày 22/3/2007, một chiếc Boeing 737-400 cũng trượt khỏi đường băng khi trời mưa và chỉ kịp dừng lại ngay trước một con dốc thẳng đứng, tránh một thảm kịch khôn lường.

Theo VNE

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek