Thứ Tư, 09/10/2024 01:26 SA
Từ thái tử trở thành tay trắng
Thứ Hai, 28/05/2007 08:00 SA

Trong suốt 150 năm, gia đình của Johnny Clunies-Ross làm đế vương trên quần đảo Cocos-Keeling xinh đẹp ở Ấn Độ Dương (gần Australia). Nhưng người đàn ông được nuôi dạy để trở thành vua giờ đây phải làm nghề nuôi hến để sống qua ngày.

 

070528-thai-tu.jpg

Johnny Clunies-Ross ngắm nhìn vương quốc đã mất của mình - Ảnh: Telegraph

Clunies-Ross kiếm sống bằng cách nuôi những con hến khổng lồ cho các trung tâm hải dương học. Còn cha ông, vị vua cuối cùng của quần đảo, sống tại khu ngoại thành Perth, ở Western Australia.

 

Johnny, 49 tuổi, kể câu chuyện cuộc đời mình: “Lúc bấy giờ, tôi mới 21 tuổi và được chuẩn bị cho việc lên ngôi vua. Tôi học nghề làm thợ máy, lái thuyền, chăm sóc nông trại. Tất cả đều hướng vào tương lai đó. Nhưng mọi việc sau đó đã thay đổi”. Johnny là người thừa kế của một vương triều khởi phát từ năm 1827, khi tổ tiên của họ, một thủy thủ Scotland đến đây trên quần đảo không người ở. Sau khi đưa những người Mã Lai tới đây, các thế hệ của dòng họ Clunies-Ross xây nên một vương quốc kinh doanh cùi dừa. Tới năm 1886, nữ hoàng Anh Victoria cho họ quyền cai quản quần đảo vĩnh viễn.  

 

Clunies Ross và các thành viên khác trong gia đình khi đó sống trong một tòa biệt thự thế kỷ 19. Giờ đây, chủ nhân của nó là một người từng làm nghề lái xe taxi ở Perth. Trên quần đảo hiện vẫn còn khoảng 350 người Mã Lai. Dưới triều đại Clunies-Ross, họ được trả bằng đồng rupee Cocos, loại tiền do gia đình vua đảo định ra, và chỉ có thể tiêu tại cửa hàng trên đảo. Người nào rời quần đảo, vốn nằm giữa AustraliaSri Lanka, sẽ bị cấm quay trở lại. Những quy định khắc nghiệt này khiến Liên Hợp Quốc và chính phủ Australia lên án chính quyền Clunies-Ross.

 

Chịu áp lực của các nghiệp đoàn và chính trị gia Australia, cha của Johnny buộc phải bán quần đảo cho Canberra năm 1978 lấy 5,1 triệu USD. Ông đầu tư số tiền này vào lĩnh vực hàng hải, nhưng sau đó bị phá sản.

 

Năm 1984, những người dân đảo Mã Lai bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo gia nhập Australia, và giờ đây được hưởng thụ mọi mặt của đời sống văn minh. Nhưng các trang trại trồng dừa thì bị bỏ hoang, một phần do giá cùi dừa thế giới giảm, và 65% dân đảo thất nghiệp.

 

Quần đảo gồm 27 hòn đảo, nhưng chỉ có hai đảo là có người sinh sống. Tổng dân số của Cocos là 500 người. Người dân ngày nay vẫn còn tranh cãi về thời kỳ Clunies-Ross. “Khi mới làm việc cho Clunies-Ross, tôi chỉ được trả 3 rupee/tuần, nhưng mọi thứ trong cửa hàng trên đảo rất rẻ”, Jim Ben Janin, 88 tuổi, từng làm nghề mộc cho biết. “Ông ấy là một người rất tốt. Nhưng giờ chúng tôi có nhiều tiền hơn, và chính phủ xây cả nhà tránh bão cho chúng tôi”.

 

Cree bin Haig, 67 tuổi, thì nhận xét: “Chúng tôi có nhà đẹp hơn và đồ ăn ngon hơn. Nhưng chúng tôi cũng có những vấn đề hiện đại như bệnh tiểu đường, bệnh tim và cholesterol cao”.

 

John Clunies-Ross vẫn sống trên đảo trong ngôi nhà một tầng khiêm tốn được trang trí bằng bánh lái của một con tàu và những cái chai cũ kỹ: “Cha tôi vẫn coi mình trước hết là một người của đảo Cocos, sau đó mới là một người Anh. Bạn bè tôi khi rủ tôi đi uống bia (trên đảo có một quán bia duy nhất) hay gọi tôi là thái tử. Sau bao nhiêu năm, họ vẫn thấy chuyện đó thật ngộ nghĩnh”.                        

 

Theo Telegraph

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek