Kết nối những tấm lòng, các bạn tuổi teen tham gia chương trình Đèn Đom Đóm không chỉ tiếp sức cho nhiều học sinh nghèo đến lớp mà còn thắp sáng những mơ ước đơn sơ trong ấm áp tình người.
Quang cảnh chương trình Đèn Đom Đóm được tổ chức tại huyện Đồng Xuân - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
NƯỚC MẮT VÀ SỰ SẺ CHIA
Ở xóm Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa), cậu học trò lớp 6 Lê Xuân Hậu sống với người mẹ bị bệnh tim khá nặng, trong sự đùm bọc của những người láng giềng. Chương trình Đèn Đom Đóm số 7 được tổ chức ngay trước cửa nhà Hậu, kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình em.
Sau phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, máy chiếu được bật lên. Những người tham dự cùng dõi theo câu chuyện bằng hình ảnh về những tháng ngày nuôi mẹ và đến trường đầy nhọc nhằn của Hậu. Video clip do các “đom đóm” thực hiện. Bố cục hình ảnh đôi chỗ còn chưa ổn song những gì cần chuyển tải, các bạn trẻ đã chuyển tải trọn vẹn.
Bà Trần Thị Như Hằng - Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên: “Chương trình Đèn Đom Đóm xuất phát từ tấm lòng thương bạn của các em nhỏ. Biết được có những bạn cùng trang lứa gặp cảnh khó khăn, các em muốn giúp đỡ các bạn có điều kiện học hành. Biết được ý tưởng đó, Trung tâm tạo điều kiện để các em “kết nối” các nhà hảo tâm, giới thiệu những hoàn cảnh khó khăn để các nhà hảo tâm đến tận nơi giúp đỡ. Từ đó, những nhà hảo tâm ở Phú Yên tham gia chương trình này”.
Rất ít lời nhưng rất nhiều nước mắt đã rơi trong suốt chương trình. Nước mắt của người mẹ bệnh tật không còn đủ sức cất nên lời, khóc vì bất lực trước sự thiếu thốn vất vả của đứa con. Nước mắt của cậu học trò nghèo thương mẹ nhưng không biết làm gì hơn ngoài việc chăm ngoan học giỏi, lo cơm nước, giặt giũ và mua ít bánh kẹo rẻ tiền về bán, kiếm 5.000 đồng đi chợ mỗi ngày. Nước mắt của hàng xóm láng giềng - những phụ nữ ngày ngày vẫn phải làm thuê cuốc mướn song đã cưu mang hai mẹ con Hậu bằng trái bí củ khoai, bằng bó củi hái được trên rừng, bằng những lon gạo, đồng tiền ít oi mà họ quyên góp sau một ngày làm lụng vất vả. Và nước mắt của những người đến từ TP Tuy Hòa để giúp Hậu có thêm quyển vở, chiếc áo lành lặn…
Hơn 9 triệu đồng cùng 7 phần quà được trao cho gia đình Hậu. Số tiền ấy không nhiều song đó là nỗ lực của nhóm bạn trẻ Đèn Đom Đóm, là tấm lòng của các nhà hảo tâm và các em học sinh. Đặng Thị Minh Thùy, học sinh lớp 12S5 Trường THPT dân lập Duy Tân, thành viên chương trình Đèn Đom Đóm tặng Hậu 50.000 đồng tiền tiết kiệm và 5 quyển vở. Tập thể “đom đóm” cũng có quà tặng Hậu, đó là số tiền 500.000 đồng gồm rất nhiều tờ bạc lẻ, do các bạn trẻ quyên góp ở chợ Tuy Hòa.
Nhận những phần quà đầy ắp tình cảm, Hậu nói trong nước mắt: “Cảm ơn các cô chú, các anh chị. Con sẽ cố gắng để giúp má con”.
Khởi động từ tháng 12/2010, đến nay, chương trình Đèn Đom Đóm do các bạn tuổi teen ở Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên) tổ chức đã huy động hơn 350 triệu đồng hỗ trợ hàng chục học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trong đó có một số em được trao học bổng hàng tháng. Chương trình nào cũng diễn ra đầy xúc động. Số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi đã tăng lên gấp đôi, gấp ba số tiền mà Lê Xuân Hậu được nhận khi đó.
Thật khâm phục các “đom đóm” bởi để có một chương trình thành công, các bạn trẻ phải đầu tư nhiều công sức. Đầu tiên là đi xác minh, thu thập thông tin và ghi hình để về dựng thành video clip. Sau đó, các bạn soạn thư ngỏ gởi các nhà hảo tâm kêu gọi sự giúp đỡ. Huy động được tài chính, các bạn mới tổ chức chương trình, mời đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan và chính quyền địa phương tham dự, đồng thời đưa các nhà hảo tâm đến tận nơi để họ trao tiền, quà giúp đỡ học sinh nghèo. Từ sự kết nối của các bạn trẻ Đèn Đom Đóm, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đồng hành với chương trình tiếp sức cho các học sinh nghèo, như bà Võ Thị Minh Trang, Hội từ thiện Tình Thương, các DNTN: Vạn Tín, Vĩnh Thái, Lý Anh Tuấn, nhà xe Hồng Ân…
“Chương trình diễn ra vào buổi chiều song tụi em đã có mặt từ sáng để chuẩn bị mọi thứ. Tham gia hoạt động này, em mới biết rằng nhiều em nhỏ có hoàn cảnh rất khó khăn, và em cảm nhận được tình yêu thương đến từ sự cảm thông, chia sẻ” - Huỳnh Vi Vũ, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi - thổ lộ. Còn Đoàn Xuân Tú Oanh, học sinh lớp 12 Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, nói: “Đây là một hoạt động bổ ích, giúp em có cơ hội chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Vương Thị Lượm - học sinh lớp 9E Trường THCS Nguyễn Anh Hào từ nhân vật trở thành thành viên Đèn Đom Đóm - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
ÁNH SÁNG CỦA “ĐOM ĐÓM”
Trong 40 thành viên Đèn Đom Đóm, nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh rất khó khăn, em thì mồ côi, em có cha hoặc mẹ thường xuyên đau bệnh. Sau giờ học, có những bạn trẻ phải vất vả kiếm sống. Thế nhưng các “đom đóm” vẫn hăng say gom góp lửa từ sự sẻ chia, đồng cảm để thắp sáng những mơ ước đơn sơ.
Một trong những thành viên tích cực của Đèn Đom Đóm là Vương Thị Lượm, học sinh lớp 9E Trường THCS Nguyễn Anh Hào (huyện Tây Hòa). Lượm cũng chính là nhân vật đầu tiên của chương trình. Cha qua đời, cuộc sống túng quẫn đẩy mẹ Lượm vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bán vé số. Lượm sống với bà nội đã già yếu, với người chị bệnh tật cùng đứa em trai ở xã Hòa Bình 1. Hàng ngày, ngoài giờ học, Lượm đi nhặt phân bò về bán. Những đồng tiền ít oi kiếm được từ những tờ vé số của mẹ và từ việc bán phân bò của Lượm, mấy bà cháu tằn tiện trang trải mà vẫn thiếu trước hụt sau. Thế nên dù biết Lượm bị bướu cổ, cả nhà không dám nghĩ đến chuyện đưa em đi chữa bệnh.
“Đom đóm đầu đàn” Lê Thoại Kỳ nhớ lại: “Khi tụi em lên Hòa Bình 1 để tổ chức chương trình, trời mưa và nước ngập lênh láng, ai nấy phải xăn quần lội. Tuy hơi vất vả nhưng tụi em thấy rất vui. Trong chương trình đầu tiên, tụi em huy động chưa được nhiều nên số tiền hỗ trợ Lượm hơi ít, chỉ hơn 5 triệu đồng. Rất mừng là sau đó, qua báo chí, một Việt kiều biết được hoàn cảnh của Lượm và đã gởi tiền về giúp em ấy phẫu thuật”.
Được chương trình Đèn Đom Đóm tiếp sức, Lượm có thêm niềm tin để vượt qua những thử thách, trở thành một trong những học sinh vượt khó học giỏi tiêu biểu ở Phú Yên được tuyên dương tại Hà Nội, cùng những tấm gương đến từ mọi miền đất nước. Và Lượm tham gia chương trình này. “Em thấy nhiều bạn có hoàn cảnh giống mình. Em tham gia chương trình là để góp sức giúp các bạn ấy tiếp tục đi học” - cô học trò lớp 9 nói rất giản dị.
Một thành viên khác của chương trình Đèn Đom Đóm cũng trải qua tuổi thơ cơ cực, từ năm học lớp 6 đã đi kéo xe ba gác, gánh nước thuê, giúp việc ở quán ăn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có lẽ vì lớn lên trong khó khăn nên hơn ai hết, các “đom đóm” đồng cảm với những gập ghềnh, trắc trở trên đường đến trường của những học trò nghèo.
VƯƠN LÊN TỪ NHỮNG YÊU THƯƠNG
Một thời gian sau khi chương trình Đèn Đom Đóm được tổ chức tại Đồng Din, cùng các “đom đóm”, tôi trở lại căn nhà của Hậu và thấy ấm áp biết bao khi gặp nụ cười bừng sáng trên gương mặt cậu học trò nghèo. Thì ra qua báo chí, câu chuyện xúc động về Hậu và “quầy hàng” bánh kẹo nhỏ xíu của em tiếp tục lay động các nhà hảo tâm, và gia đình Hậu được giúp đỡ. Đáng mừng hơn cả là sức khỏe của mẹ Hậu đã khá hơn trước rất nhiều, chị có thể làm một số việc nhà phụ giúp con trai.
Có một chi tiết làm các “đom đóm” vô cùng xúc động, khi họ tình cờ nhìn thấy trang giấy mà Hậu ghi vào đó mơ ước của mình. Không ước ao trở thành bác sĩ, kỹ sư, không mơ có nhiều tiền, có nhà đẹp, quần áo đẹp…, cậu học trò lớp 6 chỉ ước mơ lớn lên làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo! Đọc đến đây, các “đom đóm” rơi nước mắt…
Mỗi tháng một chương trình, mỗi tháng vài chuyến đi, các bạn trẻ tham gia Đèn Đom Đóm đã học được nhiều bài học từ tình thương yêu, sự cảm thông và chia sẻ. Trong chương trình Đèn Đom Đóm tổ chức ở xã An Dân (huyện Tuy An), những người tham dự không cầm được nước mắt khi biết rằng, với chiếc xe đạp cũ, không ít lần cậu bé Nguyễn Trắng (học sinh lớp 7D, Trường THCS Lê Thánh Tông) chở người mẹ bệnh tật đi trong đêm tối, vượt khoảng 4 cây số đường đất gồ ghề để đến trạm y tế xã. Mẹ Trắng bị tai biến, đi đứng liêu xiêu, nói chuyện rất khó khăn. Còn trong cơ thể Trắng, một quả thận đã ngừng hoạt động và em thường xuyên khó thở. Bé như cái kẹo, lại đau bệnh nhưng Trắng vẫn ráng sức chở mẹ đến trạm xá, vì sợ mẹ sẽ không qua khỏi khi trái gió trở trời. Cha mất sớm, cậu bé này trở thành trụ cột trong gia đình. Ngày ngày Trắng đi lượm nhôm nhựa bán kiếm tiền mua gạo mắm, có khi túng quá, em phải đi xin…
Sau khi được chương trình Đèn Đom Đóm tiếp sức, cuộc sống của hai mẹ con Trắng đã bớt ngặt nghèo. Một thầy thuốc đông y trong vùng châm cứu miễn phí cho mẹ Trắng và “phép màu” đã xảy ra, bà mẹ nghèo nói được.
Xúc động trước hoàn cảnh và lòng hiếu thảo của Trắng, bà Nguyễn Thị Lan ở phường 2 (TP Tuy Hòa) - một phụ nữ có gần 30 năm dành phần lớn thời gian chăm sóc những người già neo đơn, bệnh tật - tuyên bố tặng Trắng một quả thận của mình, nếu như các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ Trắng chi phí phẫu thuật.
“Tôi rất ngạc nhiên khi các em tổ chức được những chương trình như vậy, giúp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được người khác quan tâm, nâng đỡ. Thận của tôi còn tốt, tôi muốn tặng Trắng một quả thận vì tương lai của cháu còn dài” - bà Lan nói với nụ cười.
PHƯƠNG TRÀ