Thứ Ba, 26/11/2024 08:34 SA
Má hồng nổi trôi
Thứ Bảy, 20/08/2011 18:00 CH

Họ còn rất trẻ, có người trẻ đến mức ngoài sức tưởng tượng. Xinh xắn dễ thương, song hầu hết họ đều không có cơ hội học hết bậc tiểu học, một số người thậm chí còn không biết chữ! Cuộc sống chật vật nghèo túng xô đẩy họ vào con đường mại dâm và đứng trước hiểm họa khôn lường.

 

Cac-co-gai-boc-vo-hat-dieu1.jpg

Học viên đang lao động tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh - Ảnh: N.PHƯƠNG

CUỘC ĐỜI XÔ ĐẨY

 

Khi tôi bước vào căn phòng nhỏ ở Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Phú Yên, họ cặm cụi bóc vỏ hạt điều. Không son phấn, không áo quần là lượt nhưng trông họ vẫn khác biệt với hàng trăm phụ nữ vẫn ngồi bóc vỏ hạt điều lúc nông nhàn. Có lẽ vì mái tóc nhuộm vàng và làn da trắng của những người không dãi nắng dầm mưa.

 

T, cô gái có gương mặt bầu bĩnh, rụt rè cho biết mình là dân miền Tây, vào trung tâm đã hơn một tháng. Trước đó, T và 4 cô gái cùng quê “làm việc” tại thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An). Ba mẹ T có bảy người con, T là con thứ sáu. Cả bảy anh chị em T, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Quanh năm làm mướn làm thuê, cuộc sống quá chật vật, phải chăng vì thế mà ba má T không còn thời gian và tâm sức để nghĩ rằng các con mình cần được đến trường?

 

Dường như T cũng không quá bận lòng về việc mình không biết đọc, biết viết. Mấy tháng trước, cô theo các chị cùng quê ra Phú Yên và cùng họ “đóng đô” tại thị trấn Chí Thạnh. Rất trẻ và xinh, họ nhanh chóng thu hút sự chú ý của đám đàn ông ham của lạ. Không chỉ đàn ông tại huyện Tuy An mà nhiều “quý ông” từ TP Tuy Hòa cũng háo hức phóng xe ra ngã ba Chí Thạnh. Khách dập dìu, có khi còn xảy ra xung đột. Nhưng các cô gái miền Tây không quan tâm đến tình hình trật tự, họ chỉ quan tâm đến thu nhập của mình. Mỗi tháng, T gởi về cho gia đình khoảng 3 triệu đồng, số còn lại cô giữ cho mình.

 

Tôi hỏi:

 

- Em biết gì về HIV/AIDS?

 

- Dạ, em chỉ nghe nói sơ sơ.

 

- Vậy, em có biết làm thế nào để bảo vệ mình khỏi HIV/AIDS?

 

- Em thường xuyên dùng “bao”, vì nghe mấy chị nói vậy.

 

T nói, khi nào ra khỏi trung tâm, cô sẽ về quê, học nghề làm đẹp. Tôi nghe nhưng quả thật không tin lắm về điều này. Nhiều cô gái cũng nói thế, nhưng vừa ra khỏi trung tâm thì họ tập tức trở lại với “nghề” cũ. Không được học hành đến nơi đến chốn, họ không thể nào tìm được một công việc mang lại thu nhập khả dĩ. Lao động chân tay với tiền công ít ỏi khiến họ dễ nản lòng và trở lại với “nghề” bán thân.

 

“Không biết chữ, vậy mỗi khi muốn đi đâu, em tìm đường bằng cách nào?”. Nghe tôi hỏi, T cười hồn nhiên: “Em đi cùng với mấy chị”. Tôi nhìn gương mặt bầu bĩnh như trẻ thơ của T, thấy thương sao là thương! Trượt vào cảnh sống lấm láp này, T vẫn còn là một đứa trẻ.

 

Khi bị lực lượng chức năng phát hiện và đưa vào trung tâm, T khai mình 16 tuổi. Nhưng sau đó, căn cứ vào giấy chứng minh nhân dân thì T mới 14 tuổi và cô đã được phép rời trung tâm.

 

Những người đàn ông đã thành niên từng quan hệ tình dục với T hẳn sẽ tái mặt khi biết rằng họ đã phạm tội giao cấu với trẻ em, theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Hình sự; mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm!

 

Tại “điểm đến” của đám đàn ông ham của lạ ở ngã ba Chí Thạnh có một cô gái rất xinh, 17 tuổi, cũng là dân miền Tây. Tháng 9 năm ngoái, nói dối ba má là đi Sài Gòn tìm việc, M ra Phú Yên “làm nghề”. Mỗi ngày cô tiếp hai, ba khách, kiếm được từ 200.000 đến 300.000 đồng. Hàng tháng, cô gởi tiền về cho người mẹ bị bệnh tim mua thuốc. Ba M làm thuê, kiếm được đồng tiền cũng khó khăn. Và M tự nhủ mình phải kiếm tiền để phụ giúp ba má, nhất là khi mảnh đất mà gia đình cô thuê để dựng lên ngôi nhà lá che mưa che nắng sắp đến hạn trả cho người ta.

 

Nhà M chỉ có hai chị em. Ít con, nhưng vẫn nghèo. Và chỉ có em gái M là được đi học. “Em cũng biết đọc, nhưng mà chậm lắm” - M nói. Nghe hỏi về HIV/AIDS, cô gái trẻ lắc đầu: “Vô trung tâm em mới biết về HIV”.

 

Khác với phần đông các cô gái ở trung tâm này, tuổi xuân đã ra đi từ lâu nhưng bà A ở Quảng Nam vẫn “làm nghề”. Gần 50 tuổi, nhan sắc đã tàn, bà A dựng một túp lều trên đèo Cù Mông (TX Sông Cầu) để đón khách - thường là cánh tài xế xe tải. “Có người đối xử tốt với mình, nhưng cũng có người đối xử tàn nhẫn” - bà nói, mặt buồn xo. Không biết chữ, không nghề nghiệp, người đàn bà này ném đời mình vào những cuộc bán - mua phũ phàng, rẻ mạt và chóng vánh trên ngọn đèo giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Những lúc buồn, bà nhậu. Nỗi buồn thường trực nên bà nhậu thường xuyên. Kết quả là không để dành được đồng nào. Tháng Chạp năm ngoái, sau một đợt truy quét của lực lượng chức năng, bà A buộc phải thôi “hành nghề”.

 

ĐÂU LÀ TƯƠNG LAI?

 

Ông Huỳnh Phước Thái, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Phú Yên, cho biết: “Sau một thời gian học tập, theo quy định, 9 học viên đã rời trung tâm, tại đây chỉ còn 6 người”. Khi được đưa vào trung tâm, hầu hết họ đều mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc đầu tiên là nhân viên y tế khám và điều trị các bệnh phụ khoa, xét nghiệm HIV. Ngoài học nghề may dân dụng và làm một số công việc như bóc vỏ hạt điều, nhổ cỏ trong vườn…, hàng tuần, vào thứ năm, họ tập trung tại hội trường, nghe tuyên truyền về cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS. Điều này là vô cùng cần thiết đối với những phụ nữ mại dâm, nhưng có lẽ đã quá muộn với một cô gái trẻ trong số đó. Cô đã nhiễm HIV.

 

Câu hỏi đặt ra là, kể từ khi mang mầm bệnh thế kỷ, cô gái xinh xắn này đã tiếp bao nhiêu khách mà không dùng bao cao su?

 

Thực tế, không ít khách làng chơi vẫn tin rằng làm gì có chuyện những cô gái xinh xắn mơn mởn thế kia mà lại mắc bệnh. Và họ kiên quyết không sử dụng biện pháp bảo vệ, ngay cả khi các cô gái yêu cầu. Còn các cô thì không muốn mất đi một khoản thu nhập. Nhất là khi biết mình nhiễm HIV, nhiều phụ nữ bán dâm càng buông thả, muốn trả thù…

 

Có vẻ như cô gái kia đã biết mình nhiễm HIV. Điều này mới đáng sợ hơn: Cô rất đắt khách. Và trước đây, cũng như một số “đồng nghiệp”, cô không biết HIV là gì!

 

Anh Võ Tất Đạt, Trưởng Phòng Y tế (Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Phú Yên) nói: “Dù đã lồng ghép tuyên truyền về việc phòng ngừa lây nhiễm nhưng với phụ nữ mại dâm nhiễm HIV, sau khi họ ra khỏi trung tâm, chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào lương tâm của họ”.

 

NAM PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi lo “hung thần” chở gỗ lậu
Thứ Năm, 18/08/2011 07:00 SA
Kỳ công nghề đan thuyền thúng
Chủ Nhật, 14/08/2011 07:45 SA
Những người xà ích… mê nghề
Thứ Bảy, 13/08/2011 18:00 CH
Đời đá, đời người…
Chủ Nhật, 07/08/2011 14:00 CH
Bao la tình người giữa đại dương
Thứ Bảy, 30/07/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek