Không còn cảnh lén lút, tránh né lực lượng chức năng để tuồn gỗ lậu bằng đường bộ về xuôi tiêu thụ. Hiện mỗi đêm trên quốc lộ 25, cả chục “lâm tặc” ngang nhiên sử dụng xe máy không đăng ký, cột gỗ sau yên đi thành từng tốp, nối đuôi nhau phóng như bay trên đường. Đây là nỗi kinh hoàng của nhiều người dân Sơn Hòa thời gian gần đây…
Xe gỗ đưa về tập kết tại một nhà dân thôn Tân An (xã Suối Bạc). - Ảnh: A.BANG
MỘT LẦN CHỨNG KIẾN
Khoảng từ 18g đến hơn 21g mỗi ngày, đoạn QL 25 từ xã Krông Pa đến ngã tư Cây Me (thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) trở nên vắng vẻ, lâu lâu mới có vài chiếc xe máy, ô tô qua lại. Theo nhiều người dân, mọi phương tiện “ngại” qua đây bởi từ lâu, cung đường này dường như “dành riêng” cho các đối tượng vận chuyển gỗ lậu. Từ rừng đặc dụng Krông Pa, Suối Trai, các loại gỗ quý như: lim, trắc, hương, cà te… được lâm tặc dùng xe máy vận chuyển qua các tuyến đường như: QL 25 (xã Krông Pa) - xã Ea Chà Rang - ngã tư Cây Me theo ĐT 646 về khu phố Tây Hòa (TT Củng Sơn); từ ĐT 646 (xã Sơn Phước) chạy dọc theo QL 25 về xã Suối Bạc hoặc theo đường vòng từ xã Suối Trai qua đập tràn thủy điện Sông Ba Hạ về xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) qua cầu Sông Ba về tập kết tại khu phố Tây Hòa (TT Củng Sơn).
Chiều tối, tạt vào quán nước ven đường gần ngã tư Cây Me, chúng tôi được chị chủ quán nước, cho biết: “Cứ chập choạng tối là lúc lâm tặc lại rục rịch về xuôi. Chúng đi theo từng tốp, mỗi lần từ 20 - 30 xe, có lúc lên tới 50 - 60 xe, hầu hết đều là Honda 67, xe Trung Quốc “độ” chạy với tốc độ cao. Ngồi đây có thể nghe tiếng xe cách 100m”. Lúc này phía sau ghế chúng tôi ngồi, xuất hiện một người khách đeo kính đen, mặc đồ rằn ri, ngồi rít thuốc liên tục, mắt cứ ngó nghiêng dò xét mọi động tĩnh xung quanh. Người bạn đi cùng vội ghé thầm tai tôi: “Thằng cha này đi canh xem thử có công an, kiểm lâm không đấy. Với tình hình này, độ nửa tiếng nữa là “bão đêm” sẽ về”. Để tránh mặt, chúng tôi vội lên xe chạy ngược về phía cầu Chầm Mâm (xã Suối Bạc) để mật phục. Lúc này trên đường thi thoảng xuất hiện một vài mô tô chở cưa máy, rìu, rựa chạy qua, những người điều khiển đều nhìn chúng tôi chằm chằm rồi luồn tay rút điện thoại di động ra gọi…
Đợi thêm một tiếng đồng hồ trên cung đường tối mịt mùng trong không gian im ắng đến rợn người, chúng tôi chợt thấy những ánh đèn xe máy sáng bừng và kéo dài. Dù đứng cách khá xa nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng rền vang của xe máy đến chát chúa. Khi đoàn xe đến gần, chúng tôi thấy trên mỗi xe máy chất từ 2-3 lóng gỗ to, có xe kéo theo một lóng gỗ dài có gắn hai bánh xe nhỏ. Đợi tốp đầu qua khỏi, chúng tôi lập tức lên xe bám theo, anh bạn ngồi sau rút vội máy ảnh để sẵn chế độ chụp liên tục. Thấy ánh đèn máy ảnh chớp liên hồi, những người chở gỗ lậu nẹt pô, rú ga phóng điên cuồng do tưởng cơ quan chức năng truy đuổi. Đi được khoảng 2 cây số, bỗng phía sau xe chúng tôi xuất hiện ba chiếc xe máy ép xe chúng tôi vào giữa, một người mặt mày bặm trợn gằn giọng “Chụp gì đấy?”. “Dạ mới mua máy, tụi em chụp vu vơ ban đêm để thử máy”. Thấy chúng tôi ăn mặc bình dân, vai không đeo túi xách như những nhà báo, lại cũng không có “tướng” như trinh sát công an hay kiểm lâm nên bọn chúng cho xe vọt đi, không quên để lại lời nhắn: “Ranh con ra đường giờ này là gan lắm đấy. Liệu tìm đường mà đi, bọn tao mà còn thấy sẽ “thịt” đó”. Người này chưa kịp dứt lời thì chiếc xe thứ hai chợt vọt lên, một tên ngồi sau cố đưa chân đạp một cái vào xe chúng tôi, rất may tôi vội lạng xe né kịp… Tiếp tục bám theo khoảng 500m, chúng tôi thấy có hai xe máy chạy chậm lại, trở ngược đuôi xe hướng về phía chúng tôi. Biết chuyện chẳng lành, tôi vội vàng quay đầu xe, nhưng rồi chợt tá hỏa khi trước mặt xuất hiện hàng chục xe gỗ lậu đua nhau chạy như thể đây là đường… một chiều. Chúng tôi chỉ còn cách lao đại xuống rãnh sâu ven đường để tránh. Đợi đoàn xe vút qua, chúng tôi vội chạy vào nhà dân gần nhất tránh mà không khỏi tim đập chân run!
Đến 21g, khi xe tuần tra của lực lượng chức năng xuất hiện thì chẳng còn thấy bóng dáng của xe chở gỗ. Chúng tôi được biết, mặc dù lực lượng chức năng đã lập khá nhiều trạm kiểm soát trên QL 25 nhưng gỗ lậu vẫn “lọt” qua được và đưa về thị trấn Củng Sơn cất giấu. Khi có mối muốn mua hàng, đầu nậu sẽ đi đến từng nhà thu gom lại, đánh chuyến về xuôi bằng xe tải …
NỖI ÁM ẢNH NGƯỜI DÂN
Với người dân địa phương, nhất là những hộ ở hai bên đường, từ lâu lâm tặc đã đem đến những nỗi kinh hoàng, khiếp đảm. Do đó vào ban đêm, những nhà sống ven đường thường đóng chặt cửa và có rất ít người dám ra đường. Em T.T.K.O, 8 tuổi ở thôn Tân An, xã Suối Bạc cho biết: “Trước đây, bọn cháu thường rủ nhau ra trước cửa để chơi đùa cho mát, một lần nọ suýt bị một xe chở gỗ mang phải. Mặc dù chú lái xe đi sai đường nhưng lại còn quay lại hô hét, hù dọa nên từ đó trở đi bọn cháu không còn dám ra đường vào ban đêm”.
Anh Nguyễn Văn Quang, nhân viên của một công ty bảo hiểm ở TP Tuy Hòa, cho biết: “Do tính chất công việc nên mỗi tuần tôi thường hay qua lại một số khu vực quanh thị trấn Củng Sơn. Từ ngày xảy ra tình trạng lâm tặc chở gỗ về xuôi tôi đều cố gắng hoàn thành công việc trước 17g để về lại Tuy Hòa. Những hôm làm việc muộn, tôi thường không dám ra về mà chọn cách ở lại. Một lần, về muộn, dù đi thật chậm, luôn sát lề, mắt dán chặt vào gương chiếu hậu nhưng để tránh xe gỗ, tôi phải điều khiển xe rẽ vào ngõ nhà dân hoặc lao xuống rãnh ven đường. Điều này làm cho tâm trí luôn lo sợ, căng thẳng”.
Đến nay, người dân thôn Tân An vẫn chưa thể quên trường hợp chị Nguyễn Thị Xem (SN 1962) ở cùng thôn bị đối tượng Đặng Thanh Được (trú TT Củng Sơn) chạy xe máy chở gỗ húc từ phía sau ngay trước cổng nhà đến mức phải vào bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chữa trị. Chị Xem nhớ lại: “Lúc đó khoảng 6g chiều, từ nhà hàng xóm trở về, tôi bỗng nghe một cái rầm từ phía sau rồi không biết gì nữa. Ba ngày sau tỉnh dậy, mới thấy mình đang nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, toàn thân băng bó trắng toát. Vụ tai nạn làm tôi bị gãy chân và chấn thương vùng cổ phải lưu lại hơn một tháng trời để các bác sĩ theo dõi, điều trị. Sắp tới, TAND huyện Sơn Hòa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án trên”. Chồng mất sớm, chị Xem đang ở cùng với bốn người con. Khi còn khỏe mạnh chị đi làm thuê, cuốc mướn để có thu nhập. Từ khi bị tai nạn “trên trời rơi xuống” đến nay, chị không đủ sức khỏe để làm việc được nữa, vậy là các con phải tạm nghỉ học để phụ mẹ lo cái ăn cái mặc cho gia đình. Hiện gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn do phải liên tục vay tiền hàng xóm, người thân để mua thuốc chữa bệnh…
Xe máy chở gỗ nối đuôi nhau trên ĐT646 qua khu phố Tây Hòa (TT Củng Sơn). - Ảnh: A.BANG
CƠ QUAN CHỨC NĂNG “BÓ TAY”?
Ông Phạm Quang Lý, Trưởng thôn Tân An (xã Suối Bạc) cho biết: “Lâu nay tình trạng vận chuyển gỗ lậu xảy ra thường xuyên trên địa bàn thôn. Ngoài người dân các địa phương khác, trong thôn cũng có một vài thanh niên tham gia chở gỗ vào lúc nông nhàn. Tuy biết vậy nhưng chúng tôi cũng đành bó tay vì không có chức năng kiểm soát, ngăn chặn. Thôn chỉ có thể vận động các đối tượng trên bỏ nghề, đồng thời khuyến cáo bà con phải cẩn thận khi đi ra đường, nhất là vào ban đêm”.
Còn ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa cho biết, hiện nay, việc ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ lậu rất khó khăn, phức tạp do hầu hết các đối tượng đều rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị truy đuổi. Ông Tâm kể: “Ngày 30/7 vừa qua, khi chúng tôi chặn một xe chở gỗ lậu, lập tức 20 lâm tặc ùa lại, tay lăm lăm rìu rựa, mã tấu, hăm dọa anh em. Mặc dù có súng trong tay nhưng do các đối tượng trên chưa chống trả quyết liệt nên chúng tôi chưa thể nổ súng để tự vệ. Sau đó, lực lượng công an tới kịp nên các đối tượng trên “bỏ của chạy lấy người”. Cách đây hơn mười ngày, chúng tôi cũng bị một nhóm lâm tặc khác bao vây tại buôn Ma Toàn (xã Ea Chà Rang). Nhờ bà con kéo ra giải cứu nên các đối tượng trên bỏ chạy. Mặc dù chúng tôi tăng cường xử phạt, thậm chí đưa một số vụ ra tòa như trường hợp Nguyễn Quy Vương (trú TT Củng Sơn) bị phạt 9 tháng tù do vận chuyển gỗ lậu trái phép, nhưng cũng chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng còn lại”.
Theo ông Tâm, ngoài việc chạy xe không đăng ký, các đối tượng chở gỗ lậu còn sơn lại màu xe hoặc xịt mờ biển số để qua mặt cơ quan chức năng. Nếu bị đuổi bắt, chúng chống đối quyết liệt, thậm chí lao thẳng vào xe kiểm lâm rồi bỏ chạy. Trước khi hoạt động, những đối tượng này cắt cử người thường xuyên túc trực khắp nơi để theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng. Bất cứ động tĩnh nào đều được “tai mắt” của những người vận chuyển gỗ lậu điện báo cho đồng bọn. Nếu thấy xe tuần tra xuất hiện, những người này cũng lên xe bám sát tìm cách đối phó. Khi thấy đồng bọn bị truy đuổi, các xe này làm nhiệm vụ cản đường bằng cách lạng lách, đánh võng trước xe tuần tra, thậm chí sẵn sàng chạy vượt lên dàn hàng ngang và chủ động tông vào đầu xe kiểm lâm để đồng bọn tẩu thoát. Ngay cả khi có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chúng cũng không ngại đối phó. Mới đây, một thượng sĩ CSGT đã bị đánh đến ngất xỉu phải đi cấp cứu vì chặn xe máy của một đối tượng chở gỗ lậu.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa thừa nhận: “Việc ngăn chặn gỗ lậu gặp nhiều khó khăn do lực lượng chuyên trách mỏng; trong khi mức xử phạt những trường hợp bắt giữ được lại chưa đủ sức răn đe. Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết không tiếp tay với cái ác, cái xấu, làm trái pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, sẵn sàng phối hợp hành động, đồng thời xử lý nghiêm để ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển gỗ lậu”.
Phóng sự của XUÂN HUY - AN BANG