Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể sở hữu một bộ rà điện (hay còn gọi là xung điện) để bắt tôm, cá, lươn... Việc đánh bắt bằng “ngư cụ” mang tính hủy diệt này đã và đang làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
Dùng xung điện để rà bắt tôm, cá, lươn trên các cánh đồng lúa, ao hồ, đầm là chuyện… thường ngày. Những người làm công việc này thản nhiên “càn quét” nguồn lợi thủy sản nước ngọt cả ngày lẫn đêm.
Hai chiếc xuồng phía trên có đặt bình ắc quy và biến thế được ngụy trang bằng lớp nhựa để bắt cá tại kênh mương thủy lợi thuộc khu vực xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) - Ảnh: NGUYỄN QUANG
DỄ DÀNG MUA XUNG ĐIỆN
Ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 01 nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt thủy sản. Đến nay, đã gần 13 năm trôi qua, nhưng xem ra việc thực thi chỉ thị này ở nhiều nơi vẫn còn chưa nghiêm, nên dân rà điện bắt tôm, cá mới có điều kiện hoành hành.
Khi tìm hiểu nguồn gốc của loại “ngư cụ” mang tính hủy diệt này, tôi được người bạn tên T. V. C, chuyên đi bắt tôm, cá bằng xung điện ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) giới thiệu đến một cơ sở điện cơ - bình ắc quy ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Trong vai một người bắt cá, tôm bằng xung điện đến đặt mua bình ắc quy và biến thế, tôi nghe ông L. V. H, chủ cơ sở này, ra giá: “Nếu đặt bình ắc quy và bộ biến thế để cải tiến thành điện xoay chiều có điện thế 220V thì giá 1 triệu đồng. Loại này chỉ bắt được tôm, cá nhỏ ở ruộng lúa ít nước, còn muốn bắt tôm, cá lớn sống ở sông, hồ thì phải đặt loại bình ắc quy và biến thế lớn hơn có điện thế trên 350V, giá 3 triệu đồng”. Thấy tôi lưỡng lự, ông H nói: “Đã làm công việc này thì phải sắm “đồ nghề” tốt để bắt được tôm, cá ở sông, thu nhập mới cao. Tôi bảo đảm khi sử dụng loại này, cá cỡ vài ba ký trốn sâu dưới nước 3-4m cũng phải trồi lên mặt nước ngay. Tôi cung cấp bình ắc quy và biến thế cho nhiều người, nên tôi rõ hơn ai hết”. Nghe ông H nói tới đây, tôi không khỏi giật mình, vì với điện thế cao như vậy, rủi bị giật thì trâu bò cũng chết, nói chi đến người.
Theo những người chuyên đi bắt tôm, cá bằng xung điện, loại “ngư cụ” này khá hiệu quả. Chỉ cần mang bình điện trên vai hay lắp đặt trên xuồng, dòng điện từ bình ắc quy được chuyền qua biến thế, sau đó trở thành điện xoay chiều. Dòng điện này được đấu nối vào dây dẫn và kẹp vào hai cây gỗ dài 2-4m để chích xuống chân ruộng, đáy sông rà bắt tôm, cá. Chính vì tính năng cơ động mà ngày càng có nhiều người sử dụng loại dụng cụ này để thay thế các loại ngư cụ truyền thống. T. V. C cho biết: “Để làm một chiếc xuồng có lắp đặt bốn bình ắc quy và bộ biến thế trên 350V phải mất chục triệu đồng. Bù lại, hiệu quả đánh bắt cá, tôm khá cao, bởi xuồng có thể đi xa và len lỏi vào các ngóc ngách của sông, hồ”.
Một người bắt cá, lươn bằng xung điện trên cánh đồng ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: NGUYỄN QUANG
NGUỒN LỢI THỦY SẢN BỊ SUY KIỆT, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Mỗi tối đi trên quốc lộ 1, đoạn từ phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đến xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) hoặc dọc tuyến ĐT 645 đoạn qua huyện Tây Hòa, không khó để bắt gặp ánh đèn của những người đi bắt tôm, cá. Trên đồng ruộng, họ vác bình ắc quy trên vai, trên sông, hồ thì đặt bình trên xuồng để rà tìm thủy sản. Mọi hoạt động diễn ra công khai mà không có sự truy cản của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Dõi theo những người làm công việc này, thi thoảng chúng tôi mới thấy họ bắt được vài con cá nhỏ. Thậm chí, có chỗ xuồng này vừa “rà” xong thì có xuồng khác tới rà tiếp! Bà Nguyễn Thị Nga ở thôn 5, xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), nhà ở cạnh sông Bàn Thạch, kể: Ngày nào cũng có 2-3 chiếc xuồng đến khu vực này để rà điện bắt cá. Mấy năm trước, họ bắt được nhiều tôm, cá, nhưng nay tôi thấy có bắt được gì đâu. Còn ông Nguyễn Hữu Ngọc ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) cho biết: Trước đây, tôi chỉ cần đặt 100m lưới xuống sông, vài giờ sau bắt được vài ký cá. Nay do có quá nhiều người đi rà điện nên tôm, cá chẳng còn.
Ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Đông Hòa bức xúc: Nạn khai thác tôm, cá bằng xung điện đang làm suy giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản nước ngọt. UBND huyện đã nhiều lần chỉ đạo các xã và ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc bắt tôm, cá bằng xung điện. Tuy nhiên, hiện công tác này đang gặp nhiều khó khăn, vì các đối tượng hoạt động vào ban đêm và sử dụng điện thoại để liên lạc với nhau trong quá trình bắt tôm, cá. Nếu phát hiện, truy đuổi thì họ liên lạc với nhau cùng lẩn trốn.
Số lươn bắt được sau một đêm T.V.C dùng xung điện trên các cánh đồng ở huyện Đông Hòa - Ảnh: NGUYỄN QUANG
Việc bắt tôm, cá bằng xung điện không chỉ làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản, mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Hiện nay là thời điểm lúa vụ hè thu sắp thu hoạch, nhưng nhiều ô ruộng tại các xã ở huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa bị đổ ngã một phần do những người bắt cá bằng xung điện lội vào. Bà Lê Thị Ngọc ở xã Hòa Vinh bức xúc: “Ba sào lúa của gia đình tôi sắp đến kỳ thu hoạch, vậy mà những người bắt tôm, cá bằng xung điện lợi dụng ban đêm vào ruộng giẫm đạp gây hư hại nặng”.
Không chỉ chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc ngăn chặn, truy bắt các đối tượng bắt tôm, cá bằng xung điện, mà ngay cả ngành Nông nghiệp cũng lúng túng trong công tác này. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó chi cục phụ trách Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN-PTNT), cho biết: Hiện đơn vị chỉ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, còn việc quản lý nguồn lợi thủy sản trên sông, hồ đã bàn giao cho Thanh tra Sở NN-PTNT hai năm nay. Trong khi đó, đại diện Thanh tra Sở NN-PTNT thì nói, công tác này thanh tra không quản lý!
NGUYỄN QUANG