Thứ Tư, 27/11/2024 00:29 SA
Tây kể chuyện ăn tết Phú Yên
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA

Ðối với nhiều người nước ngoài ở Tuy Hòa, Tết cổ truyền Việt Nam luôn là một thời khắc ấn tượng, khó quên, luôn để lại nhiều kỷ niệm đẹp và ăm ắp ân tình.

 

tay2110125.jpg

Samuel Bakkila, người Mỹ cùng các em nhỏ tại Trung tâm Vòng Tay Ấm trong dịp Tết Kỷ Sửu - Ảnh: X.HUY

 

1 Samuel Bakkila, 22 tuổi, người Mỹ, sinh viên Đại học Harvard (Mỹ), đến làm việc tại Phú Yên cách đây hai năm. Cũng giống như những bạn trẻ khác, Samuel rất ham học hỏi, thích khám phá bản thân và cuộc sống xung quanh. Vì vậy, khi đang học năm thứ hai ở Đại học Harvard, Samuel chợt nghĩ: “Học là sự nghiệp cả đời. Mình còn trẻ nên đi đây đó để cảm nhận cuộc sống và đem lại niềm vui cho mọi người”. Nghĩ sao làm vậy, Samuel xin bảo lưu kết quả học tập, đăng ký làm tình nguyện viên trong thời gian 6 tháng tại TP Tuy Hòa, bất chấp sự ngăn cản, lời khuyên từ phía gia đình, bạn bè. Thời điểm mà Samuel làm tình nguyện cũng trùng vào dịp Tết Kỷ Sửu. Không giống với những người nước ngoài khác thường về nước trong thời gian tết, Samuel quyết định ở lại Tuy Hòa ăn tết. Tá túc tại một gia đình người Việt, Samuel được gia chủ nhờ giúp những công việc như sơn nhà cửa, quét mạng nhện, dọn dẹp đồ cũ, dọn cơm gia đình... Với Samuel ấn tượng lớn nhất là khi hai cô con gái chủ nhà dẫn anh đi chợ, đi siêu thị mua sắm trong tiết trời se lạnh của mùa xuân. Samuel chia sẻ: “Ở nước tôi, giao thừa là lúc mọi người cùng nhau xuống đường xem bắn pháo hoa, tổ chức tiệc tùng đón chào năm mới thâu đêm suốt sáng. Ở Phú Yên, giao thừa qua đi, mọi người lại trở về với không gian yên bình của riêng mình: người lên chùa hái lộc, người đi dạo phố, đón ánh bình mình… Riêng tôi, thích nhất là lúc cùng với gia đình bạn về nhà xem ti vi, nằm trong chăn ấm, ngửi mùi hương thơm ngào ngạt, lòng cảm thấy bình yên vô cùng”.

 

2 Ông Robert Marshall Jonston từng có mặt tại Việt Nam những năm khói lửa chiến tranh 1965-1968. Thời gian sau, ông trở về Mỹ sống bên gia đình nhưng trong lòng luôn cảm thấy nhớ Việt Nam. Năm 2007, ông đã trở lại Việt Nam. Ở Sài Gòn được 2 tháng, cảm thấy không hợp với cuộc sống xô bồ, vội vã của một thành phố công nghiệp nên ông đã rong ruổi khắp các vùng miền để tìm một môi trường sống lý tưởng cho mình. Cuối cùng ông đến Tuy Hòa – mảnh đất ông cho là tốt nhất để định cư và tham gia dạy học từ đó cho đến nay. Với ông, Tuy Hòa tuy nhỏ nhưng thơ mộng, không khí trong lành, thức ăn tươi ngon và con người thì hiền lành, chân chất. Nhưng ấn tượng lớn nhất với Robert Marshall Jonston vẫn là ba mùa tết mà ông đã trải qua. Ông thích được thưởng thức các món ăn đặc trưng ngày Tết Việt Nam như: hạt hướng dương, mứt gừng, bánh chưng, bánh tét... hoặc ghé những nhà hàng, quán ăn, quán cà phê mang đậm hồn Việt - điều mà ông ít khi nào có được trong cuộc sống hằng ngày. Ông cho biết ngày cuối năm, ông thường chạy xe quanh các con phố, thưởng lãm các hội hoa xuân, tìm đến cửa hàng trưng bày cây cảnh, ngồi ở một góc vỉa hè ngắm cảnh thiên hạ nô nức về quê ăn tết, chở nhau đi chợ hoa xuân… như một cách để cảm nhận và chia sẻ niềm vui với mọi người. Do biết tục lệ “xông đất” nên ngày mùng 1 tết, ông thường ở nhà xem ti vi. Sáng mùng 2, ông dậy thật sớm, chuẩn bị rượu, trà … để làm quà cho những gia đình ghé thăm. Ông tâm sự: “Tôi rất thích cách mọi người trao cho nhau những bao lì xì đỏ thắm nhằm cầu chúc may mắn, hạnh phúc vào dịp năm mới. Năm nào tôi cũng chuẩn bị nhiều phong bao lì xì để tặng các em nhỏ trong gia đình bạn bè người Việt. Trong những ngày đầu năm mới, những người tôi gặp đều dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, những nụ cười thân thiện với mong muốn trong năm mới, mọi người sẽ gặp nhiều điều tốt đẹp, khỏe mạnh và an lành. Với tôi, những điều này thật hay và ý nghĩa”.

 

Ăn tết ở quê vợ

 

tay1110125.jpg

Vợ chồng ông Rober Marshall Jonston trong ngôi nhà nhỏ xinh 43 Nguyễn Đình Chiểu, phường 7, TP Tuy Hòa  - Ảnh: X.HUY

Robert Marshall Jonston nhớ lại: “Tối mùng 3 tết năm ngoái, cảm thấy cô đơn, trống trải, tôi lên mạng chat và gặp được cô bạn gái tâm đầu ý hợp người quê Phan Rang tên Diệp Minh Phượng. Chỉ trong vòng ba ngày, cả ông và cô bạn gái đều cảm thấy như thân quen từ trước. Ðược nàng cho phép, ông cùng “con ngựa sắt” vượt hơn 200km đường trường từ TP Tuy Hòa đến TP Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) để gặp tận mặt “một nửa của đời mình”. Nửa tháng sau họ tổ chức đám cưới và chọn Tuy Hòa là nơi xây tổ ấm. Hiện nay hai vợ chồng Robert mở quán Café Mỹ (Cafe America - tại số 43, đường Nguyễn Ðình Chiểu, phường 7, TP Tuy Hòa) nhỏ xinh để làm kế sinh nhai. Robert Robert Marshall Jonston tâm sự: “Năm nay, tôi sẽ về quê vợ ăn tết. Ở đó, tôi hy vọng sẽ cảm nhận được không khí sum vầy bên người thân, điều mà những cái tết khác không có”.

 

 

XUÂN HUY 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Chuối rừng ký sự
Thứ Bảy, 05/02/2011 11:00 SA
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Làng H’Mông ở vùng giáp ranh Phú Yên
Thứ Năm, 03/02/2011 15:09 CH
Lên rừng “săn”… mai
Thứ Tư, 02/02/2011 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek