Thứ Tư, 27/11/2024 01:20 SA
Ra Hòn Chùa…
Thứ Ba, 08/02/2011 11:01 SA

Từ cửa Đà Rằng (phường 6, TP Tuy Hòa) theo tàu của Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng Phú Yên) chúng tôi ra thăm Hòn Chùa vào một ngày cuối năm ấm áp. Không mấy khi được ngắm thành phố trẻ đẹp từ biển nên ai cũng say sưa dõi mắt về phía bờ cát trắng, nơi những Cendeluxe, Sài Gòn- Phú Yên, Kaya… đang vươn mình lên trời cao, bừng bừng sức sống. Chẳng mấy chốc , Đồi Thơm và bãi biển Long Thủy xinh đẹp đã hiện ra, tàu đã vào gần sát đảo Hòn Chùa. Và chúng tôi lên đảo bằng thúng chai.

 

ra-hon-chua-1-110222.jpg

 

TRUYỀN THUYẾT VỀ NGÔI CHÙA CỔ

 

Nằm đối diện với bãi biển Long Thủy xinh đẹp, từ đất liền nhìn ra Hòn Chùa như một tấm thảm xanh được trải trên mặt biển, cách bờ khoảng hơn 3 hải lý. Đảo còn khá hoang sơ. Ngoài một số phi lao, bàng và dừa do người từ đất liền mang ra trồng, trên đảo chủ yếu là cây cối thuộc loại lùm bụi rậm và nhiều loại cỏ gai. Mạn sườn Đông - Bắc vách đá thẳng đứng, do sự xâm thực liên tục của sóng biển đập vào, nhất là mùa mưa bão. Trong lòng biển quanh Hòn Chùa và Hòn Than, Hòn Dừa gần đó có rất nhiều rạng san hô với nhiều màu sắc sặc sỡ, là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cua biển…; thích hợp cho du lịch lặn biển khám phá đại dương. Đặc biệt, Hòn Chùa nổi tiếng với mực nang mà lời trong bài Nẫu ca nổi tiếng của Phú Yên có nhắc đến: “Qua Phú Lễ ăn ổi chua/ Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt/ Ra hòn Chùa ăn mực nang”. Theo một số người dân, trên đỉnh Hòn Chùa, mạn Tây – Nam trước đây có một ngôi chùa. Nó được một bà phi của chúa Nguyễn Ánh xây nên sau thời gian đào tẩu nhà Tây Sơn trú ẩn ở đảo này. Khi giành lại vương triều, vua Gia Long đưa bà về lại hoàng cung, do không có người trông coi nên ngôi chùa đã bị sóng gió biển vùi dập, lụi tàn. Chính vì vậy, người dân nơi đây đặt tên cho đảo là Hòn Chùa (?). Tuy nhiên, đây chỉ là truyền thuyết. Theo một số nhà nghiên cứu, Hòn Chùa không in đậm dấu ấn của nhà Phật mà mang đậm dấu ấn Chămpa. Hòn Chùa cùng với Hòn Than, Hòn Dứa và Long Thủy, Đồi Thơm… là điểm đến lý tưởng của khách du lịch.

 

DUYÊN PHẬN VỚI BIỂN, ĐẢO

 

Người mà chúng tôi gặp đầu tiên trên hòn đảo nhỏ có diện tích 0,22km2 này là ông Ba Cụt. Sở dĩ ông có tên gọi như vậy vì ông bị cụt mất một tay. Ông kể: Hồi trai trẻ, tui cũng như bao trai tráng của làng biển Mỹ Quang (An Chấn- Tuy An), cũng gắn với nghề đi biển và thường xuyên ra khơi xa đánh bắt cá, mực… Trong một lần chân vịt tàu bị vướng dây neo, tui phải lặn xuống biển để gỡ, không may bị vướng vào đó nên phải cắt đi một phần cánh tay.

 

ra-hon-chua-2-110222.jpg

 

Tuy chỉ còn một cánh tay phải lành lặn, nhưng ông Ba Cụt vẫn không chấp nhận số phận tàn tật. “Những ngày đầu nằm nhà với cái tay cụt tui xót xa, buồn và nhớ biển kinh khủng. Chẳng lẽ mình thành người ăn bám vợ con? Chẳng lẽ mình với biển không còn duyên nợ gì sao?”, ông Ba Cụt tâm sự. Và ông quyết định trở lại với biển. Không đi khơi đánh bắt cá, tôm như bao người, ông quyết định ra Hòn Chùa, dựng lán, bám đảo, mượn vốn nuôi trồng thủy sản. Lúc đầu ông nuôi tôm hùm bằng lồng. Có vụ được, có vụ mất, nhưng chung quy cũng có lãi đủ nuôi sống gia đình. Về sau, có thêm nhiều người nuôi tôm nên ông chuyển sang nuôi thêm ốc hương. Hôm chúng tôi ra đảo, cũng là lúc ông và “đám lính” của ông đang lặn xuống đáy lồng thăm “nàng” hương. Bưng một rổ ốc hương cỡ bằng đầu ngón tay vừa được vớt lên từ trong lồng, Ba Cụt cho biết: “Nuôi tôm hùm hay ốc hương cũng như đánh bạc vậy. May thì trúng đậm, không may thì ngược lại. Nhìn thấy nó mập mạp, khỏe khoắn vậy chứ lăn ra chết lúc nào không hay”.

 

NGHỀ MỚI TỪ SAN HÔ

 

Ở trên đảo Hòn Chùa lâu năm, những lúc ngồi một mình không có việc gì làm, nhìn lớp lớp san hô trắng tinh gãy vụn được sóng đưa lên từ biển, Ba Cụt đã nghĩ ra một công việc mới. Khác với những người chuyên lặn biển để tìm những cành san hô đẹp, khai thác trái phép đem bán gây hại đến môi trường biển, Ba Cụt thu gom những cành san hô gãy vụn tưởng như bỏ đi này, phân loại nó theo từng cỡ và tìm mối bán. Một số lao động trẻ, chủ yếu là nữ chưa có việc làm được ông tuyển ra đảo làm công. Nguyễn Thị Gương, một trong số lao động này cho biết, bình quân mỗi ngày, cô có thể phân loại trên dưới một tạ san hô. San hô sau khi đã phân loại được cho vào từng bao, chờ đủ số lượng cần thiết, chỉ cần “a lô” là khách hàng từ trong Nam sẽ ra chở đi. Với nghề mới này, bình quân mỗi ngày cô được trả công từ 35 – 50 ngàn đồng, một khoảng tiền không nhỏ đối với lao động nữ ở vùng biển như An Phú, An Chấn…  Theo Ba Cụt, san hô hiện được đầu nậu trong Nam mua về dùng để trang trí phòng ốc, nhà cửa, chậu hoa cây kiểng, trải thảm lối đi ở các điểm du lịch biển và nhiều nơi thích hợp khác. Tuy không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng nó giải quyết được khoảng thời gian nhàn rỗi, đơn độc trên đảo; nhiều người nhờ nó cũng có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Tây kể chuyện ăn tết Phú Yên
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
Chuối rừng ký sự
Thứ Bảy, 05/02/2011 11:00 SA
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Làng H’Mông ở vùng giáp ranh Phú Yên
Thứ Năm, 03/02/2011 15:09 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek