Nghe đồn chuối hột rừng ngâm rượu gạo là đặc sản độc đáo của vùng cao nguyên Vân Hòa, chúng tôi quyết định vượt cao nguyên lộng gió để tìm loại chuối này.
Theo người dân ở các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), chuối hột rừng ngâm rượu ở vùng đất này thơm ngon bậc nhất tỉnh Phú Yên, bởi sinh trưởng trên chất đất đặc thù và khí hậu mát mẻ, se lạnh quanh năm nơi miền sơn cước này.
Một buồng chuối khá to, nhiều nải, màu đẹp được tìm thấy- Ảnh: P.NAM |
HIẾM NHƯ CHUỐI RỪNG
Nhờ có anh Phạm Văn Lai ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn, cũng là người quê gốc nơi miền sơn cước dẫn đường và giới thiệu cho chúng tôi một anh Hiệp ở thôn Vân Hòa (xã Sơn Long), địa bàn chuối rừng mọc nhiều nhất và có đặc trưng riêng biệt. Sau một hồi cùng chúng tôi luồn lách trong rừng, chúng tôi đến một nơi gọi là hố Cựu, nằm trên suối Giếng Dốc. Theo anh Hiệp, cách đây vài năm, tại con suối này, bạt ngàn cây chuối hột rừng sai nải. Tuy nhiên, đến nay chuối hột rừng trở nên hiếm vì quá nhiều người tìm chặt cả thân, buồng đem ngâm rượu, làm quà.
Anh Năm Lại, một người trong nhóm, đưa chúng tôi đến khu vực suối Nhà Mùa và may mắn tìm thấy một vạt chuối hột rừng mọc chen chúc, xanh ngắt. Chỉ một cây có buồng to và sai nải nhất, anh Năm Lại nói: “Buồng này khá lớn, trái đẹp lại vừa già, đem ngâm rượu thì không chê vào đâu được”. Theo anh, chuối hột rừng buồng nào to nhất cũng chỉ 5-6 nải, mỗi nải chừng 15-20 trái. Chuối rừng có hai loại, trái lớn và trái nhỏ. Tất cả ngâm rượu đều thơm, ngon nhưng loại trái nhỏ có phần nhỉnh hơn vì nhựa nhiều. Theo anh Năm Lại, chuối càng nhiều nhựa ngâm rượu càng ngon và ngót.
“ÐẶC SẢN” CỦA CAO NGUYÊN VÂN HÒA
Theo người dân địa phương, cao nguyên Vân Hòa có rất nhiều loại cây, củ ngâm rượu uống mát, bổ như sâm cau, củ ba độ, đất tiên… nhưng chuối hột rừng được xếp vào loại được “ưa” nhất. Chuối rừng mọc ven suối, vùng đất đỏ mới có giá trị vì thơm ngon, có vị chát, khi ngâm với rượu gạo uống thơm, ngọt thanh chứ không ngọt lịm như chuối hột dưới đồng bằng. Chuối sau khi hái về, chỉ cần xắt lát hoặc để nguyên quả, đem sao vàng hoặc ngâm trực tiếp trong rượu vài ngày là có thể uống được. Càng ngâm lâu, màu rượu có màu đỏ đẹp, rất bắt mắt. Nhiều người cao niên ở Vân Hòa cho hay, trong chiến tranh, địch phun thuốc khai quang, các loại cây trồng đều bị chết, riêng chỉ chuối rừng chịu được vì thường mọc dưới thung lũng, ven bờ suối, dưới tán cây rừng. Thời đó, chuối rừng còn được dùng để luộc ăn thay cơm.
Anh Phạm Văn Lại cho chúng tôi biết: “Vào dịp tết, hầu như nhà nào ở Vân Hòa cũng có một thẩu rượu ngâm chuối hột rừng để đãi khách. Năm nào cũng vậy, nhiều người thân chúng tôi ở Bình Định, Khánh Hòa về thăm quê mà không uống được rượu chuối rừng là họ tiếc nuối lắm. Mới đây, một đoàn của quân đội về thăm Nhà thờ Bác ở xã Sơn Định, được bà con tặng mỗi xe hai buồng chuối hột rừng về làm quà ngâm rượu ngày xuân, họ mừng lắm!”.
Theo người dân địa phương, thân và củ chuối hột rừng đem um với cá lóc, lươn đồng cũng là một đặc sản truyền thống đã từng gây nhiều ấn tượng khó quên đối với khách phương xa khi thưởng thức món ăn này…
ký sự của PHƯƠNG