Thứ Tư, 27/11/2024 04:30 SA
Lên rừng “săn”… mai
Thứ Tư, 02/02/2011 07:00 SA

Trước đây mai rừng mọc nhiều trên các cánh rừng ở Phú Yên, nhiều nhất ven sông Ba, sông Kỳ Lộ và trên rừng Ðèo Cả. Vào những ngày cuối năm, có rất nhiều người lên rừng săn tìm, chặt mai rừng về chưng lấy lộc, lấy hên cho cả nhà trong những ngày tết...

 

Một chiều cuối năm, khi nhận được điện thoại của những người đi lấy mai rừng, tôi chỉ kịp trang bị cho mình vài thứ cần thiết bỏ vào ba lô. Xong xuôi, tôi tốc hành lên xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) theo nhóm của anh Nguyễn Đức Hùng, một người “săn” mai rừng có tiếng ở địa phương này, chuẩn bị lên rừng tìm mai về chơi tết.

 

mai2110125.jpg

Phát hiện một cây mai giữa rừng - Ảnh: Đ.HÙNG

 

BĂNG RỪNG TÌM MAI

 

Giới chơi mai cho hay, mai rừng ở Phú Yên hiện có hai chủng loại. Loại thứ nhất là mai xuân nên hoa chỉ nở vào dịp Tết Nguyên đán. Trong loại này, hiếm gặp nhất là mai thân đỏ, lá bầu, hoa có 12 cánh và cánh hoa dày. Loại thứ hai là mai liễu có thân nhỏ, dẻo, hoa nở chùm và mai da beo có thân cứng, hoa 6-7 cánh mỏng…

 

Bình quân, vào dịp tết cổ truyền, mỗi chậu mai rừng có giá dao động từ 500.000-5 triệu đồng, tùy vào hình dáng và sự quý hiếm của cây. Còn với mai cành, giá khoảng 300.000-1 triệu đồng/cành.

“Chúng ta sẽ đi bộ, leo núi khoảng ba giờ đồng hồ là đến nơi có một vài vạt mai rừng còn sót lại” - anh Hùng vừa thông tin, vừa giục mọi người trong nhóm khẩn trương lên đường, hướng về phía Hòn Đát

 

Cột lại ba lô, chúng tôi len lỏi đường mòn để vào rừng. Có lẽ đêm qua trời mưa to, nên đường trơn và ướt sũng nước… Vừa đi, anh Hùng vừa cho biết, việc đi chặt mai rừng không chỉ đòi hỏi người đi rừng phải có sức khỏe, mà còn phải thông thạo địa hình để định hướng cho cuộc săn tìm mai. Sự thành công của cả nhóm phụ thuộc vào người dẫn đường đó. Mỗi khi đã tìm ra mai rừng rồi, người thợ phải biết chọn thời điểm tuốt lá để vừa dưỡng sức cho cây vừa để hoa bung nụ đúng đêm giao thừa hoặc đầu năm thì mới… ăn tiền. Vì thế, kinh nghiệm tuốt lá cho mai rừng rất quan trọng. Rồi còn phải chọn thời điểm và kỹ thuật chặt mai sao cho đừng sớm quá và gốc không bị trầy trụa, mất nhựa, dễ bị thối, coi như đồ bỏ. “Ngoài ra, người đi lấy mai cũng phải biết đốt gốc, sao cho đừng cháy quá và cũng đừng non quá, gốc mới không bị úng thối khi ngâm vào nước. Đó là cả một quy trình “kỹ thuật” đấy”- anh Tuấn, người cùng nhóm anh Hùng, nói.

 

Sau ba giờ băng rừng vượt suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Trước mặt chúng tôi lúc này là một vài gốc mai rừng đang nhú những chồi non xanh mượt. Trong lúc mọi người nghỉ ngơi lấy sức, anh Hùng và anh Tuấn rảo một vòng xem mai. Cuối cùng, các anh cũng chọn được hai cành mai có nhiều nụ và cành nhánh mập mạp…

 

Vừa huy động mọi người trong nhóm, anh Hùng vừa giải thích thêm: “Trước đây, mai ở vạt rừng này nhiều lắm, nhưng bây giờ ngày càng khan hiếm! Có lẽ sau chuyến này, chúng tôi phải đi rừng Sơn Phước và phải lên tận đầu nguồn sông Ba một chuyến nữa, chứ bây giờ mai rừng ở núi này hết sạch rồi, chỉ còn cây con và gốc thôi! Chuyến đi này chúng ta cũng may đấy, chứ năm ngoái mất gần cả tháng trời săn lùng mà bọn anh chỉ  kiếm được hai gốc mai”…

 

Cũng theo anh Hùng, do mai rừng càng ngày càng khó kiếm nên sự cạnh tranh, thậm chí chụp giựt giữa những người đi lùng mai trở nên khốc liệt. Trước tết vài tháng, nhiều người đã bỏ công vào rừng sâu lùng mai. Phải mất nhiều ngày trời tìm kiếm, họ mới phát hiện ra được những cây, cành mai ưng ý. Tìm được rồi, họ phải làm lán ngủ ngay cạnh để canh giữ mai, chăm sóc và tuốt lá cho nó. Nếu không như thế hoặc coi ngó không cẩn thận là bị chặt trộm ngay…

 

mai110125.jpg

Hoa mai nở trong rừng - Ảnh: Đ.HÙNG

 

MỘT MAI MAI MỘT… MAI RỪNG

 

Chúng tôi cũng cẩn thận đánh dấu và chờ khoảng ngày 10-15/1 sẽ lên chặt mai. Về đến nhà, chưa kịp đặt ba lô xuống đã có các đầu nậu chờ sẵn đến đặt cọc. Dù chưa đến thời điểm, nhưng qua mô tả hình dáng cành mai, đầu nậu cho biết có thể sẽ trả giá mỗi cành mai 1 triệu đồng.

 

Anh Nguyễn Danh, một đầu nậu thu gom mai rừng ở TP Tuy Hòa, cho biết đã là mai rừng thì cành mai có vẻ đẹp tự nhiên và hoa lâu tàn là có giá trị. Sau khi mai được mua về, công việc đầu tiên là trảy lá, đốt gốc, ngâm vào chậu nước để nuôi cành. Thời gian để lá non và nụ mai nở là 15 ngày. Ai cũng thích bông nở rộ đúng vào đêm giao thừa, nên đi đặt mua mai vào giữa tháng Chạp là hợp lý nhất. Không chỉ vậy, khi săn mai rừng bứng cả cây về, một số người còn ghép với mai nhà để cho ra nhiều loại hoa có màu sắc độc đáo. Xem ra, chơi mai rừng cũng là một thú chơi khá công phu và tốn kém..

 

Những người sành mai rừng cho hay, trước đây, dọc những cánh rừng bên sông Ba, sông Kỳ Lộ và rừng cấm Đèo Cả đều có mai rừng. Ngay tại núi Nhạn (TP Tuy Hòa) mai rừng cũng hiện diện. Những ngày cuối năm người thích chơi mai nhộn nhịp lên rừng tìm chặt vài cành về chưng lấy lộc, lấy hên cho cả nhà trong năm đó! Thấy có nhiều người tỏ ra thích thú với loài hoa đẹp hoang dã này, nắm bắt được nhu cầu của “thượng đế”, nhiều “thợ săn” đổ xô đi vào rừng chặt cành và đào bứng mai rừng… Với tình trạng săn mai rừng như hiện nay, không lâu nữa, các rừng mai sẽ dần biến mất. Khi đó, những người yêu mai sẽ cảm thấy thiếu vắng mai rừng mỗi độ xuân về…

 

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek