Ở tuổi 76, ông vẫn dành dụm tiền hàng tháng để làm từ thiện với phương châm “Còn cho được là mừng”. Ông tặng quà, tặng tiền cho người nghèo do chính ông “thẩm định” với nhiều hình thức khác nhau. Thỉnh thoảng, ông còn lãng mạn làm thơ vì cảm xúc không thể kìm nén sau đợt làm từ thiện.
Ông Lê Thành hỏi thăm gia cảnh cụ Nguyễn Thị Luôn, một trong số 53 hộ được ông hỗ trợ gạo hàng quy – Ảnh: Q.KHƯƠNG |
Ông tên là Lê Thành, hiện sống trong một căn nhà cấp bốn bình thường, quay mặt ra cánh đồng xanh ngát ở thôn Bình Thạnh, xã
TÌM NGƯỜI NGHÈO
Tôi phải thuyết phục mãi ông mới chịu nói về chuyện làm từ thiện, bởi theo ông “đó là mình làm vì tâm nguyện chứ không phải làm để báo cáo cho mọi người biết”.
Ông rủ tôi đến thăm cụ bà Nguyễn Thị Mốc ở thôn Bình Thạnh
Rồi, vẫn chạy chiếc cub 50 cà tàng nhọc nhằn vượt qua những con đường hẹp, dốc, đá lởm chởm, ông đến nhà cụ Nguyễn Thị Luôn, 88 tuổi, cũng ở thôn Bình Thạnh Nam – một người già nghèo khó được ông hỗ trợ 10kg gạo mỗi quý. Cụ Luôn móm mém: “Nhà tui thuộc diện đói quanh năm, nhờ có số gạo hỗ trợ của cậu Thành mà cũng đỡ ngặt mỗi khi vào giáp hạt. Số gạo ấy với người ta là không lớn, nhưng với người già cả, nghèo đói như tui thì là của quý”. Cụ Luôn là một trong số 53 người nghèo ở xã Xuân Bình được ông Lê Thành hỗ trợ thường xuyên mỗi quý 10kg gạo. Khi người nghèo đến nhận gạo, ông Thành còn cho thêm “tiền lộ phí” mỗi người lúc 10.000 đồng, lúc 30.000 đồng tùy tiền túi của ông có ít hay nhiều!
Ngồi trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe cụ Luôn, ông Thành tình cờ hay tin gần nhà cụ có gia đình bà Đồng Thị Chanh rất khó khăn, vậy là ông đến thăm. Bà Chanh nằm liệt giường hai năm nay, chồng thì già yếu, hai người con gái lấy chồng xa và cũng khổ cực nên chẳng giúp được gì cho cha mẹ. “Tui thiệt có lỗi, vì không biết gia cảnh chú thím khó khăn vầy nên không đưa vô danh sách hỗ trợ gạo hàng quý”. Nói đoạn, ông móc túi, còn hơn trăm ngàn, ông dúi cả vào tay người chồng, nói: “Cầm đỡ cho tui vui”.
Ông nói, có người ông hỗ trợ suốt đời, có người ông chỉ cho mỗi ngày 2.000 đồng để phụ tiền ăn sáng, có người ông hỗ trợ gạo hàng quý, có người ông tặng bằng hiện vật… Chẳng hạn, ông Nguyễn Thơm ở xóm Đủi, thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình quá nghèo, vợ lại liệt tứ chi phải ngồi xe lăn, nhà sắp sập, được nhà nước hỗ trợ vẫn không đủ sửa chữa. Ông Thành thấy vậy, thuê xe chở 10 bao xi măng và 2 tấn gạch ống giúp ông Thơm làm căn nhà cấp bốn. Hồi mới đến thăm, thấy gia cảnh ông Thơm khổ cực vậy, ông Thành về làm thơ: “Nhà thì sụp đổ thiếu ăn/ Vợ thì bệnh hoạn, xe lăn suốt đời/ Ai ơi nên giúp lấy người/ Làm nhiều phước đức cho đời nở hoa”. Ngày ông Thơm về nhà mới, ông Lê Thành xúc động làm bài thơ tiếp theo: “Nhà tranh dột nát rung rinh/ Mùa mưa nước chảy ướt mình các con/ Lòng người tình nghĩa sắt son/ Dù cho nước chảy đá mòn không phai/ Nhà nước hỗ trợ làm nhà/ Ta cùng giúp đỡ xây nhà tình thương”.
Dù làm từ thiện ngẫu hứng và… lãng mạn, nhưng có một điều chắc chắn là ông Thành luôn tìm đúng người nghèo, người khó khăn thực sự để giúp. Khi đề nghị Ủy ban MTTQVN xã Xuân Bình lập giúp danh sách người nghèo để hỗ trợ gạo thường xuyên, ông viết thư: “Đó là những hộ nghèo không được nhà nước trợ cấp, hỗ trợ. Ủy ban giúp tôi lập danh sách số hộ ở từng thôn. Tôi đến tận nhà từng người để thăm viếng và tìm hiểu, nếu không phải là người nghèo thì tôi xin từ chối hỗ trợ”
Trên chiếc xe cub 50 cũ kỹ, hàng ngày ông Thành tìm đến với người nghèo – Ảnh: Q.KHƯƠNG
.
“CHO ĐƯỢC LÀ MỪNG!”
Vốn là một doanh nhân ở TP Tuy Hòa, bây giờ ở tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”, ông Lê Thành và vợ về lại quê ở thôn Bình Thạnh, ở cùng các cháu trong ngôi nhà hương hỏa của ông bà. Ông nói là về quê để an dưỡng, nhưng xem ra việc làm từ thiện ngốn của ông hầu hết thời gian. Ông bảo, ông hối hả làm từ thiện vì quỹ thời gian không còn nhiều. “Tôi theo Phật nên nhớ lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sinh là cúng dường cho Phật”. Với tôi, còn cho người ta được là tôi còn mừng” – ông nói.
Ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Xuân Bình: Xuân Bình là xã còn rất nghèo, có đến hơn 200 hộ nghèo, chiếm 10,64% dân số (theo tiêu chí mới) rất cần được giúp đỡ. Việc làm giàu nhân ái của ông Lê Thành những năm qua khiến chúng tôi rất xúc động. Ở tuổi của ông Lê Thành lẽ ra chỉ nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu, nhưng ông lại rất tích cực trong công tác xã hội, từ thiện và làm có hiệu quả, giàu ý nghĩa.
Tại sao vậy? Một đời làm doanh nhân, nổi tiếng với nghề dệt vải ở TX Tuy Hòa trước lẫn sau giải phóng, ông tích cóp được số vốn kha khá. Ông kể, nhưng khi lớn tuổi, ông đổ bệnh ngặt nghèo, đi chữa khắp nơi, bệnh viện ta, bệnh viện tây đủ cả mà không hết. Về quê, một lần thập tử nhất sinh, ông được bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cứu sống. Từ đó, ông nguyện, hễ còn sống là còn làm từ thiện, để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn ở quê nhà bớt đi nỗi cực nhọc. Ông “bước vào” con đường làm từ thiện từ năm 2007 đến nay và chỉ làm ở quê nhà.
Ông kể, hai năm đầu, tiền dành dụm còn nhiều, ông làm một số công trình công cộng tốn kém hơn. Đó là cải tạo, xây dựng lại Niệm Phật đường Xuân Lộc, làm đường cấp phối để phật tử đi lại dễ dàng hơn. Rồi làm cầu bê tông cốt thép ở xóm Soi, thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc. Rồi mỗi dịp Vu lan và tết Nguyên đán, ông lại tặng quà cho người nghèo khó. Ông cũng tham gia góp kinh phí đi cứu trợ các nạn nhân bị thiên tai trong tỉnh và ở khu vực miền Trung… Ông cho biết, hai năm 2007, 2008, mỗi năm ông chi gần 65 triệu đồng để làm từ thiện. “Bây giờ thì vốn để dành cạn rồi, tôi không đủ sức “làm lớn” nữa, mà chủ trương một năm dành ít nhất 1 tấn gạo để giúp bà con nghèo khó. Những người nghèo khác, tùy hoàn cảnh, tôi biết được sẽ giúp bằng mọi hình thức có thể” – ông Thành thổ lộ.
Nói vậy, nhưng năm nay, ông Lê Thành cũng đề xuất với địa phương xin đổ đất cấp phối làm con đường dài khoảng 600m, rộng 3m dọc theo bờ vùng ở địa phương để giúp nông dân đưa được xe bục bịch ra ruộng, thu hoạch lúa dễ dàng hơn là phải gánh gồng khó khăn như hiện nay. Ông nói, chờ địa phương đồng ý là ông triển khai thực hiện ngay.
“Chú nói hết tiền dự trữ rồi thì “vốn” ở đâu nữa mà làm từ thiện?” – tôi hỏi. Ông cười khà khà: “Tui có “lương” hàng tháng chứ. Mấy đứa con tui ở trong Tuy Hòa đang kinh doanh cây xăng tui đầu tư trước kia. Mỗi tháng chúng phải trả tui 5 triệu đồng. Tui với bà nhà ăn uống vừa phải, dành một phần lo chuyện hiếu hỷ, còn lại làm từ thiện. Không nhiều, nhưng mỗi năm tui cũng có ít nhất 20 triệu đồng để giúp đỡ người nghèo. Cần nhiều hơn, tui gọi các con hỗ trợ”.
Khi tôi từ giã ra về, ông nằn nì hoài, bảo thôi đừng viết báo làm gì. Tôi lại phải thuyết phục, rằng tôi viết bài này không phải vì ông, mà vì muốn xã hội sẽ có thêm nhiều nhà từ thiện lãng mạn như ông, để “làm nhiều phước đức cho đời nở hoa” như ông từng viết.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG