Thứ Năm, 03/10/2024 03:41 SA
“Moi ruột” rừng đặc dụng
Thứ Sáu, 29/10/2010 07:17 SA

Những đám khói mù mịt, khét lẹt bốc cao, lan tỏa khắp cánh rừng. Tiếng máy cưa lốc rộ lên bốn phía. Những cây keo lá tràm được trồng hàng chục năm bị chặt từng dãy. Vài tháng nay, khu rừng cấm Sông Hàn thuộc rừng đặc dụng Đèo Cả bị lâm tặc tàn phá dữ dội.

 

Từ khu du lịch Đập Hàn (thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa), chúng tôi vượt qua những tảng đá lớn, đi khoảng 1,5km để vào sâu trong rừng cấm Sông Hàn – Hảo Sơn, nơi trồng rừng theo dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (rừng 327), giáp ranh với rừng trồng theo dự án 5 triệu hecta rừng (rừng 661).

 

daphan2101029.jpg

Một cây keo lá tràm lớn bị lâm tặc cưa hạ để lấy gỗ. Phía dưới là một “nữ lâm tặc” đang chuẩn bị hầm than trong rừng Sông Hàn - Hảo Sơn - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

ĐỐN HẠ RỪNG TRỒNG

 

Mời bạn xem phóng sự truyền hình về nội dung này tại địa chỉ: www.baophuyen.com.vn

Nhìn từ xa, khu rừng đặc dụng vẫn bạt ngàn xanh. Nhưng vào sâu bên trong mới thấy “ruột” của rừng đang bị “khoét” không thương tiếc. Trên khu rừng 327 của các hộ Phạm Hùng, Lê Thanh Nghĩa, Nguyễn Sáu, Lê Văn Toàn, Nguyễn Thành Sơn… thuộc khu vực Trảng Cồn trong rừng Sông Hàn - Hảo Sơn, những cây keo lá tràm được trồng từ những năm 1990-1996, cao 15-17m, đường kính thân cây từ 15-40cm đã bị chặt phá nham nhở. Bên cạnh những gốc cây bị đốn hạ cũ vừa nhú lên những mầm mới là hàng loạt gốc cây vừa bị chặt còn tươm nhựa.

 

Đưa chúng tôi đi, ông Nguyễn Thành Sơn, 58 tuổi, ở thôn Phú Khê 2, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, chép miệng than thở: “Từ năm 1982, chúng tôi gồm 9 hộ dân lên đây khai hoang để trồng màu với diện tích 49,5ha. Sau này, năm 1996, khi nhà nước triển khai dự án rừng 327, chúng tôi tham gia trồng rừng và được giao chăm sóc, bảo vệ. Bây giờ, keo lá tràm đã đến thời kỳ thu hoạch thì bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Trước kia, chúng có phá nhưng không đáng kể vì cây còn nhỏ, gần đây – đặc biệt là từ tháng 6/2010 đến nay – chúng chặt phá tan tành”. Chỉ tay về hướng núi bên cạnh, ông Nguyễn Sáu, một chủ rừng ở Trảng Cồn, nói: “Hồi trước, lâm tặc chủ yếu phá rừng 661. Chúng phá sạch bên đó rồi, giờ đây mới tấn công sang rừng trồng của chúng tôi”.

 

Nghe có tiếng cưa máy rộ lên bên cạnh, chúng tôi đi về phía đó. Ông Lê Long, cha của anh Lê Văn Toàn – người làm chủ của 6,9ha rừng trồng ở khu Trảng Cồn - xót xa nhìn những cây keo lá tràm 14 năm tuổi, đường kính thân khoảng 30-40cm mới bị lâm tặc dùng cưa lốc triệt hạ chừng chục phút trước, ngã ngổn ngang. Những miếng gỗ xẻ thành phẩm chưa kịp tẩu tán vì lâm tặc nghe tiếng động mà chúng tôi gây ra, đã nhanh chóng rút sâu vào rừng. Quanh đó, mạt cưa, dăm cây bị vạt ra la liệt… “Tôi mới đứng ở dưới mấy gốc cây này khoảng nửa tiếng, giờ thì chúng bị hạ rồi…” – ông Long buồn bã.

 

Không chỉ cưa, chặt cây để lấy gỗ, lâm tặc còn đốn những cây nhỏ, đường kính thân khoảng 10-20cm để hầm than. Thậm chí, nếu ở vùng gần hầm than hết cây nhỏ, họ sẵn sàng hạ cây lớn hơn, sau đó dùng cưa lốc phân thành từng đoạn khoảng 2,5m, xẻ thành những khúc gỗ vuông cạnh khoảng 10-15cm để đưa xuống hầm làm than. Hầm than hiện diện khắp nơi trong cánh rừng này. Cứ đi khoảng chục mét lại thấy một hầm than. Có hầm vừa mới lấy than đi, có hầm đang ngún khói, có hầm lộ lên lớp lá cây tươi rói chứng tỏ vừa mới được “ủ” xong... Xung quanh một hầm than là cảnh tan hoang của rừng, cây cối bị chặt trụi một khoảng rộng. Đứng ở một vị trí thoáng đãng giữa khu vực Trảng Cồn, nhìn xung quanh thấy hàng chục cụm khói bốc lên thì biết đó là những nơi lâm tặc đang hầm than.

 

daphan14101029.jpg

Một chủ rừng bên những tấm gỗ bị lâm tặc xẻ bằng máy cưa lốc ngay trong khu rừng của ông - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

CHỦ RỪNG “CHỈ BIẾT NĂN NỈ...”

 

Buổi sáng, rừng còn mờ hơi sương, nhưng khá nhiều người, nam có, nữ có, kể cả thiếu niên, kẽo kịt gánh những bao than lớn băng dốc, vượt đá từ rừng đi xuống. Một số “thợ rừng” vác trên vai những súc gỗ xẻ từ rừng thản nhiên đi ra. Trong rừng, chúng tôi gặp khá nhiều người đốt than, gánh than, vác gỗ đi trên các lối mòn.

 

Bị ba chủ rừng đi cùng chúng tôi giữ lại, bà Nguyễn Thị Đào, người dân thôn Hảo Sơn, hạ gánh than xuống, phân trần: “Tui mới làm gánh này là gánh thứ hai thôi, để có chụm trong những ngày mưa sắp tới chứ có làm thường xuyên đâu. Tay yếu chân mềm, chỉ chặt mấy cái cây ngã xuống đã khô rồi làm hầm than, đâu dám chặt cây tươi của mấy ông”. Dù vậy, bà Đào nói rằng giá bán hiện nay của hai bao than mà bà đang gánh khoảng 70.000 đồng. Theo các chủ rừng, thường một hầm than, lâm tặc chặt cả chục cây keo; một người một ngày làm rất nhiều hầm than cùng lúc, sau hai ngày là “thu hoạch”. Tôi tính, cứ cho một ngày một lâm tặc làm ít nhất 3 hầm than, thì rừng mất đi khoảng 30 cây đã được trồng cách đây 14-15 năm, quả là một sự mất mát quá lớn.

 

Cô gái Nguyễn Thị Tuyết Trinh, 24 tuổi, đang ngồi bên một hầm than vừa mới làm xong đang bốc khói trong khu rừng của con trai ông Lê Long, đã bị “bắt quả tang”. “Nữ lâm tặc” này cho biết đã một mình vô rừng làm than mấy tháng nay. “Vì gia đình em khổ quá nên dù biết là rừng có chủ, vẫn lén chặt cây để làm. Nhiều người ở Hảo Sơn cũng làm nghề này” – Trinh nói. Dù bắt được người phá rừng của mình, nhưng ông Lê Long cũng chỉ nhẹ nhàng: “Thôi, làm hầm này nữa rồi nghỉ nghe chưa. Tụi bay phải thương tụi tao chứ. Trồng rừng, chăm sóc cả mười mấy năm rồi giờ bay rủ nhau vô phá tan tành vầy, chúng tao chỉ nước khóc”.

 

Những người chủ rừng đi cùng chúng tôi nói rằng lâm tặc đa số là dân địa phương, ở khu vực dưới chân núi, thuộc thôn Hảo Sơn này. Rất nhiều lâm tặc hung hãn. Ông Nguyễn Sáu cho hay: “Có lần gặp chúng đang phá rừng, tôi quá bức xúc, hơi lớn tiếng thì có thằng giơ máy cưa tay lên hăm dọa, bảo: “Mày nói ít tao phá ít, mày nói nhiều tao phá nhiều, san bằng rừng của mày luôn”! Tụi nó coi trời bằng vung, mình chỉ còn nước năn nỉ để chúng “tha” cho”. Còn ông Lê Long cho biết, nhà ông ở cách rừng hơn 10km, nhưng ngày nào cũng phải vô rừng để giữ, thậm chí có khi mang cả cơm trưa theo ăn, để “thấy có mặt mình tụi nó né bớt. Vậy nhưng 4g chiều mình xuống núi là tụi nó lên “làm thịt” rừng mình ngay”.

 

daphan6101029.jpg

“Nữ lâm tặc” chuẩn bị cho một hầm than trên rừng Sông Hàn - Hảo Sơn  - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

“Vậy lực lượng kiểm lâm không đi tuần tra, giúp bà con bảo vệ rừng sao?”, nghe tôi hỏi vậy, ông Nguyễn Thành Sơn nói: “Kiểm lâm thì chỉ có vài ông. Lâu lâu mấy ổng mới ghé vô rừng, lâm tặc thấy “động” là nghỉ “hoạt động”. Kiểm lâm đi, chúng lại hiện ra ngay”. Các chủ rừng cũng cho biết, bây giờ điện thoại di động phổ biến, nên thấy người lạ đi vào rừng, nghi là kiểm lâm, là người của các cơ quan chức năng, người nhà của lâm tặc gọi điện lên báo ngay để chúng nghỉ làm, rút đến nơi an toàn, chờ hết “động” là hoạt động rầm rộ trở lại. Trong chuyến đi thực tế của chúng tôi, lúc mới vào rừng đã nghe tiếng cưa máy vang khắp nơi, nhưng chỉ khoảng 30 phút sau là tất cả im bặt. Vài hầm than mới làm xong đang ngún khói, bị các chủ rừng bức xúc đào lên phá, thì đi lòng vòng khoảng mươi phút sau quay lại đã thấy hầm than đó được khôi phục. Điều đó chứng tỏ lâm tặc luôn hiện diện trong khu rừng này.

 

Nếu cứ với đà này, chẳng mấy chốc, những cánh rừng 327, rừng 661 trong khu rừng cấm Sông Hàn - Hảo Sơn thuộc rừng đặc dụng Đèo Cả sẽ rỗng ruột! Đáng lo hơn, như lời ông Nguyễn Sáu, đây là rừng đầu nguồn, nếu không có phương án ngăn chặn lâm tặc hữu hiệu, nay mai mất rừng thì chắc chắn các cánh đồng phía dưới thiếu nước tưới, mùa mưa có thể gây lũ quét. “Chúng tôi mong mỏi các ngành chức năng sớm có biện pháp giữ được những cánh rừng này” – ông Lê Long tha thiết.

 

MUỐN CÓ THÔNG TIN TỪ KIỂM LÂM, PHẢI CHỜ XIN Ý KIẾN!

 

Có quá nhiều vấn đề được chúng tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn sau khi đi thực tế trong khu rừng Sông Hàn và chứng kiến cảnh phá rừng hãi hùng tại đây. Đó là diện tích rừng nơi này bao nhiêu, giao cho bao nhiêu hộ quản lý và chăm sóc, công tác bảo vệ rừng do ai đảm trách và được triển khai thế nào, phải làm gì để ngăn chặn tình trạng phá rừng đang diễn ra rầm rộ tại nơi này…

 

Để tìm câu trả lời, trưa 27/10, chúng tôi đến Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, có trụ sở tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Tuy nhiên, tại đây, ông Ngô Trọng Nghĩa, Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, nói rằng chỉ trả lời báo chí khi được chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên hoặc Huyện ủy Đông Hòa! Ông Nghĩa nói, kể cả khi được chỉ đạo của cấp trên, ông cũng chỉ trả lời bằng văn bản chứ không trả lời trực tiếp báo chí. Thậm chí, khi chúng tôi đặt một câu hỏi đơn giản là “Rừng phía Đập Hàn do ai quản lý và bảo vệ?”, thì ông Ngô Trọng Nghĩa vẫn kiên quyết không trả lời.

 

Chúng tôi liên hệ với ông Lê Văn Bé, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, thì được hẹn đầu giờ chiều ngày 27/10 đến chi cục để làm việc. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc này, ông Bé nói phải chờ ông xin ý kiến Chi cục trưởng, nhưng ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì lúc bấy giờ đang đi họp. Ông Bé nói khi nào có ý kiến chỉ đạo của Chi cục trưởng, ông sẽ liên lạc lại.

 

Thưa bạn đọc, do vậy chúng tôi cũng chỉ phản ánh được vụ việc này ở mức độ thông tin mà mình nắm bắt được, dù biết rằng đòi hỏi của bạn đọc nhiều hơn. Chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi những thông tin liên quan đến vụ việc từ ngành Kiểm lâm Phú Yên. Dẫu biết rằng, trong khi chúng ta chờ đợi để được thỏa mãn nhu cầu thông tin, thì hàng ngày một số cánh rừng trong rừng đặc dụng Đèo Cả vẫn bị lâm tặc “moi ruột” không thương tiếc!

 

QUỐC KHƯƠNG – NGỌC THẮNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đi bắt “ma lai”
Thứ Bảy, 23/10/2010 18:00 CH
Ấm nồng tình đất, tình người Phú Yên
Thứ Sáu, 22/10/2010 18:30 CH
Tìm dấu ngục xưa
Thứ Bảy, 16/10/2010 19:00 CH
Rộn ràng Đại lễ nghìn năm
Thứ Bảy, 09/10/2010 11:00 SA
Tướng về quê
Thứ Bảy, 02/10/2010 16:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek