Không phải ngẫu nhiên chỉ trong vòng 10 ngày vừa đi thực tế vừa sáng tác mà các nhà văn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 40 bài thơ, truyện ngắn, bút ký cùng nhiều ý tưởng phác thảo về Phú Yên. Ngoài sự nồng ấm tình người thì vùng đất lịch sử một thời trấn biên này đã mang lại cho các nhà văn nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo bất ngờ. Trại sáng tác đã khép lại, tình Phú Yên đang mở ra trên trang văn...
Đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh dự trại sáng tác tại Phú Yên đi thực tế ở đập Đồng
MỘT Ý TƯỞNG MỚI
Từ nhã ý ban đầu của anh Trình Quang Phú, chủ Doanh nghiệp Sao Việt và là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, muốn mời Ban Chấp hành Hội khóa mới một chuyến tham quan du lịch cùng gia đình ở Sao Việt, đã hình thành nên ý tưởng mở luôn trại sáng tác văn học đầu tiên tại Phú Yên. Tôi được cử lên đường về quê tiền trạm. Nhờ sự nhiệt tình hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, đặc biệt là sự tài trợ của Công ty TNHH Du lịch Sao Việt, trại sáng tác đã diễn ra trong 10 ngày (19-28/9/2010).
Đây là lần đầu tiên một trại sáng tác văn học được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với một công ty kinh doanh du lịch tổ chức, thu hút lực lượng tương đối hùng hậu các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình. Ngoài thành phần khách mời là các thành viên trong Ban Chấp hành Hội: Lê Quang Trang - chủ tịch, Phạm Sỹ Sáu - phó chủ tịch, và tôi, cùng các nhà văn Trần Thanh Phương, Trần Thị Thắng, Nguyễn Tiến Toàn, Hà Đình Nguyên tham gia ngắn ngày; còn lại 11 thành viên chính thức đã có mặt gần xuyên suốt trại sáng tác: Quang Chuyền, Đoàn Thạch Biền, Trần Hữu Dũng, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Thu Trân, Phố Giang, Trần Xuân An, Đặng Hồng Quang, Ngô Liêm Khoan, Trần Hoàng Nhân. Có người cầm bút từ trước năm 1975. Có người còn rất trẻ. Có người xuất thân từ quân đội. Có người là kỹ sư, nhà giáo, nhà báo… vốn sinh trưởng từ mọi miền đất nước, hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả đều cùng háo hức về Phú Yên - vùng đất trấn biên một thời trên đường mở cõi của tổ tiên mà năm tới sẽ kỷ niệm 400 năm thành lập (1611-2011).
NỒNG ẤM TÌNH NGƯỜI
9g sáng 19/9, sau hai tiếng đồng hồ đặt chân đến khu du lịch Sao Việt, đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh do Chủ tịch Lê Quang Trang dẫn đầu đã đi dâng hương đền thờ Lương Văn Chánh - bậc tiền hiền có công khai khẩn đất Phú Yên từ thời chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong.
15g cùng ngày, trên đỉnh Núi Thơm tuyệt đẹp bên bờ biển Đông, lễ khai mạc trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã diễn ra với sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo tỉnh Phú Yên: Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quang Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch; Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các cựu bí thư, phó bí thư và chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Duy Luân, Nguyễn Thành Quang, Huỳnh Trúc, Văn Công… cùng đông đảo văn nghệ sĩ địa phương như: Trần Huiền Ân, Kpa Y Lăng, Đào Minh Hiệp, Ngọc Quang, Nguyễn Tường Văn, Phạm Ngọc Sơn, Phan Thanh Bình, Triệu Lam Châu, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Thị Thu Trang, Lê Minh, Mạnh Minh Tâm, Trần Quốc Cưỡng, Đào Đức Tuấn, Nguyễn Hoài Sơn, Trần Quỳ, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Pha Lê…
Sau khi nghe nhạc sĩ Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, thuyết trình khá thú vị và sâu sắc về lịch sử - văn hóa địa phương, đặc biệt là sự phát hiện bộ đàn đá và kèn đá, mọi người đã có dịp thưởng thức âm thanh tuyệt vời của báu vật âm nhạc tổ tiên qua biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển. Tiếp đó là cuộc giao lưu thân tình từ buổi tiệc do UBND tỉnh Phú Yên chiêu đãi dưới thác nước thơ mộng của khu du lịch Sao Việt và thưởng thức tiết mục hò bá trạo nổi tiếng của những ngư dân - nghệ sĩ dân gian trình diễn.
Nhà văn - nhà tư liệu học nổi tiếng Trần Thanh Phương nói rằng anh từng dự rất nhiều trại sáng tác nhưng chưa có trại nào được tổ chức chu đáo, hoành tráng và được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương như thế. Nhà thơ quân đội kỳ cựu Quang Chuyền nói thêm: “Chỉ có tình yêu mạnh mẽ đối với văn học thì người Phú Yên mới rất trân trọng các nhà văn!”.
Giữa không khí ấm áp tình người đất Phú trời Yên, vợ chồng nhà thơ Lê Quang Trang - nhà văn Trần Thị Thắng chạnh lòng nhớ về người bạn thân Trần Vũ Mai, nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp gắn với vùng đất khói lửa này qua trường ca nổi tiếng Ở làng Phước Hậu.
Lễ khai mạc ấn tượng đầy xúc động ấy cũng là chìa khóa mở ra nguồn cảm hứng cho các nhà văn trên hành trình thâm nhập thực tế sáng tác ở một tỉnh duyên hải miền Trung còn tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp bất ngờ.
CUỘN TRÀO CẢM HỨNG
Không phải ngẫu nhiên chỉ trong vòng 10 ngày vừa đi thực tế vừa sáng tác mà các nhà văn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 40 bài thơ, truyện ngắn, bút ký cùng nhiều ý tưởng phác thảo về Phú Yên. Ngoài sự nồng ấm tình người thì vùng đất lịch sử một thời trấn biên này đã mang lại cho các nhà văn nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo. Dù đã đến Phú Yên nhiều lần, nhưng với Nguyễn Bính Hồng Cầu, Thu Trân, Ngô Liêm Khoan thì đây là chuyến đi dài ngày nhất, giúp hiểu sâu hơn về một vùng đất còn nhiều mới lạ.
Tại huyện Sông Hinh, cách TP Tuy Hòa hơn 60km, trong cơn mưa của cao nguyên, với sự hướng dẫn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh, đoàn nhà văn đã vào thăm các buôn làng dân tộc thiểu số, các công trình công cộng vùng cao, thưởng thức biểu diễn cồng chiêng, uống rượu cần, gặp gỡ nhà văn Y Điêng - già làng của người Ê Đê. Đoàn cũng được anh Trần Thơ Ấu, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh ân cần tiếp đãi. Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thay mặt đoàn đã bày tỏ nỗi xúc động trong hơi men rượu cần. Còn nhà thơ Trần Hữu Dũng “xuất khẩu” ngay bài thơ Cụng ly với nhà văn Y Điêng.
Về huyện Tây Hòa, đoàn đã đến thôn miền núi Phú Thọ, xã Hòa Mỹ viếng tổ đình Long Tường - ngôi chùa cổ nhất ở phía nam Phú Yên, nơi nương náu anh linh của tiền nhân trên đường khẩn hoang mở đất, và cũng là một di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với nhiều chiến tích trong kháng chiến cứu nước.
Vượt qua cánh đồng lúa Tuy Hòa mênh mông, đoàn đã vào đèo Cả thuộc huyện Đông Hòa chiêm ngưỡng ngọn Đá Bia (Thạch Bi Sơn) kỳ vĩ gắn liền với huyền sử “lưng kiếm túi thơ” chinh Nam của minh quân Lê Thánh Tôn cùng bao huyền thoại khác. Đoàn cũng xuống thăm Vũng Rô, nơi gắn liền với chiến công lừng lẫy Tàu không số, ngắm hải đăng Mũi Điện. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm trên đường đi đã ghi chép kỹ lưỡng cho bút ký Vũng Rô - ngày ấy bây giờ, còn hai nhà thơ Quang Chuyền và Phố Giang đêm ấy có hai bài thơ Nghe trong tiếng đất tiếng người và Thạch Bi Sơn.
Ngược về phía Bắc, đoàn đã ra Tuy An thăm hai thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa nổi tiếng, viếng chùa Đá Trắng - nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Phật giáo oai hùng do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo, nhà thờ cổ Mằng Lăng. Dưới chân đèo Quán Cau, đoàn đến dâng hương đền thờ chí sĩ Lê Thành Phương - một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Phú Yên và Nam Trung Bộ. Đoàn cũng dành một ngày đi TX Sông Cầu thơ mộng, thâm nhập vào các làng chài ven vịnh Xuân Đài được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, nơi đánh dấu cuộc bang giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời nhà Nguyễn.
Đoàn cũng đã lên huyện Phú Hòa tham quan di tích khảo cổ Chăm thành Hồ, gành Đá gắn liền với sử thi dân tộc Ê Đê. Đặc biệt, đoàn còn leo núi thăm đập Đồng
Xen giữa những chuyến đi xa là những cuộc giao lưu ngay tại TP Tuy Hòa với Báo Phú Yên, Hội Văn học nghệ thuật, Thư viện Hải Phú… và tham quan núi Nhạn - nơi hơn 30 năm tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu, góp phần khai sinh Ngày Thơ Việt Nam. Trưởng trại Đỗ Viết Nghiệm còn tranh thủ vượt hơn 60km lên huyện Sơn Hòa thăm thầy của mình là nhà văn Ka Sô Liễng - già làng của dân tộc Chăm Hroi. Nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng tranh thủ đi giao lưu các cây bút trẻ gia đình Áo Trắng. Nhà văn Nguyễn Tiến Toàn về thăm lại xóm Trường ở huyện Đồng Xuân, nơi bị tan hoang trong cơn lũ lớn năm qua, giao lưu với ban giám hiệu Trường THPT dân lập Duy Tân ở Tuy Hòa…
Đặc biệt, các nhà văn luôn quan tâm tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển của khu du lịch độc đáo Sao Việt qua hướng dẫn của Tổng Giám đốc Huỳnh Thị Kim Hương và anh Trình Quang Phú. Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã viết ngay bút ký Có một Sao Việt như thế, nhà văn Đặng Hồng Quang có truyện ngắn Biệt thự Hoa Cẩm Chướng cùng nhiều bài thơ về núi Thơm của Quang Chuyền, Trần Hữu Dũng, Phố Giang,…
Trại sáng tác ở Phú Yên đã khép lại. Những trang văn đã và đang hình thành. Và như lời nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong lễ bế mạc, sự phối hợp hiệu quả ngoài mong đợi giữa Hội và Công ty Sao Việt đã mở ra một hướng đi mới cho hoạt động sáng tác văn học trong tương lai.
Ghi chép của PHAN HOÀNG