Không rầm rộ xe pháo, không kẻ đón người đưa, vị tướng quân y quân đội nhân dân lặng lẽ trả ơn quê hương, nơi cha ông đã từng chiến đấu và hy sinh, bằng cách khám chữa bệnh cho những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và những người dân còn nghèo khó. Ông là thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc (sinh năm 1952), từng là bác sĩ tình nguyện ở chiến trường Campuchia, nay là Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.
Thiếu tướng, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Phục Quốc thăm và khám bệnh cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điệp ở thôn Thạch Lâm, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa - Ảnh: T.THẢO
Tôi cảm thấy vinh dự và xúc động khi được tháp tùng thiếu tướng về Phú Hòa, nhìn thấy ông ân cần thăm hỏi, khám chữa bệnh cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghe ông kể những kỷ niệm thời chiến đấu, chữa bệnh cho chiến sĩ ở chiến trường Campuchia và cả những dự định góp phần xây dựng quê hương Phú Yên trong tương lai.
GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Quê gốc của thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc ở Quảng Trị. Ông bà nội cùng gia đình ông do tham gia kháng chiến chống Pháp đã vào Sài Gòn; cha và hai người chú ruột tham gia bộ đội chủ lực thuộc Quân khu V, đóng quân ở Phú Yên. Cả gia đình ra Phú Yên định cư để phục vụ kháng chiến.
Cha ruột của thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc là ông Nguyễn Bân, biệt danh là “Bân râu”, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 804, là một tay súng thiện xạ lúc bấy giờ. Tiểu đoàn của cha ông và hai người chú làm nhiệm vụ chỉ huy pháo cao xạ yểm trợ cho bộ binh phục kích đèo Cổ Mã (Khánh Hòa) đánh tan đoàn Công-voa, tập kích đồn Ai-nư và bắt nhiều tù binh Pháp. Sau đó, đơn vị tiến ra đánh trận núi Hiềm (Hòa Xuân), diệt máy bay địch đánh phá đập Đồng Cam cắt đứt nguồn nước tưới cho đồng lúa Tuy Hòa (1949) và trận cuối cùng đánh ở La Hai, huyện Đồng Xuân. Sau khi rút quân về đóng ở Hòa Quang (nay là Hòa Quang Nam), huyện Phú Hòa, ông Nguyễn Bân đưa vợ con ra Phú Yên. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Lan Anh, cùng bà nội tiếp tục nuôi giấu chiến sĩ. Hai người chú và cô ruột lập gia đình và xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Năm 1954, Hiệp định Giơneve được ký kết, cha ông công tác ở Ban Kiểm soát đình chiến liên hiệp quân sự 4 bên và cũng vào năm đó, gia đình ông tập kết ra Bắc. Nhưng cậu bé Nguyễn Phục Quốc lúc bấy giờ vẫn không thể nào quên thời thơ ấu cơ cực được chòm xóm bảo bọc thương yêu.
Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Phục Quốc nối nghiệp cha, xung phong vào quân ngũ, và là một trong mười người được quân đội chọn đi học ở Học viện Quân Y (1970). Năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, ông Nguyễn Phục Quốc vừa ra trường, hòa cùng các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn. Sau đó, ông là một trong những người đầu tiên tiếp quản các bệnh viện Sài Gòn. Hai năm sau (1977), ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây
“TÔI LÀ MỘT THẦY THUỐC”
Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng hình ảnh về những ca cấp cứu thương binh trên chiến trường Campuchia dường như vẫn còn hiển hiện.
Thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc nhớ lại: Ngày ấy, tôi là bác sĩ nội khoa tim mạch, nhưng ca đầu tiên là phẫu thuật cắt cụt hai chân cho một thương binh nặng thuộc ngoại khoa. Trước cảnh người thương binh bị mất máu quá nhiều, có nguy cơ tử vong, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về chuyên môn ngoại hay nội khoa. Lúc ấy tôi chỉ biết mình là một bác sĩ, thầy thuốc, bằng mọi cách làm sao cứu sống người thương binh kia. Tôi đã vận dụng kiến thức rất cơ bản trong trường về ngoại khoa cùng với hành trang của mình là quyển sách “Phẫu thuật thực hành” mà giáo sư Hoàn Văn Cầu tặng. Cuối cùng, ca phẫu thuật ngoại khoa đầu tiên thành công. Từ đó đến suốt những năm ở chiến trường Campuchia, tôi đảm nhiệm luôn vai trò bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa và là một phẫu thuật viên có tiếng lúc bấy giờ.
Tinh thần cứu người của bác sĩ Nguyễn Phục Quốc được mọi người nhắc đến nhiều nhất là lần ông không làm theo đồng đội để cứu một tên sĩ quan Pôn Pốt.
Lần đó, đang trên đường tiền trạm cứu chữa thương binh, bác sĩ Nguyễn Phục Quốc gặp một sư phó phía Pôn Pốt bị thương nặng, nhiều ngày chưa được cứu chữa nên bàn tay bắt đầu thối rữa. Đứng trước sự sống và cái chết của một con người bên kia chiến tuyến, ông đã quyết định chữa thương, mặc dù đồng đội không ai là không phản đối. Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 20 năm, nhớ về lần cứu địch ấy, thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc không hối hận về quyết định của mình. Ông nói: “Hắn là một tên ác ôn, nhưng trong lúc bị thương thì hắn cũng là con người, cũng đau đớn và mong được sống. Trong khi mình là một thầy thuốc thì không thể thấy chết mà không cứu. Sau lần ấy, tôi bị kiểm điểm, nhưng vui là sau đó nghe tin tên ác ôn sư phó kia đã không cầm súng cho bọn diệt chủng Pôn Pốt nữa”.
ĐÁP NGHĨA QUÊ HƯƠNG
Năm 1983, bác sĩ Nguyễn Phục Quốc kết thúc nghĩa vụ quốc tế, về nước và công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Năm 1990, ông tiếp tục đi học ở Hà Nội và bảo vệ luận án tiến sĩ tim mạch năm 1995. Sau đó, ông lần lượt giữ những trọng trách tại Bệnh viện Quân y 175. Năm 2008, tiến sĩ Nguyễn Phục Quốc giữ chức giám đốc bệnh viện, cũng vào năm ấy ông vinh dự được phong quân hàm thiếu tướng. Một năm sau, thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.
Thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc không quên Phú Yên - quê hương thứ hai của mình. Ông chia sẻ: “Đã hơn 4 lần tôi về với quê hương đất Phú trời Yên này. Quê mình còn nghèo, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn khiêm tốn, lạc hậu. Tôi luôn canh cánh trong lòng phải làm việc gì đó trong khả năng chuyên môn của mình để đáp nghĩa quê hương, nơi đã nuôi nấng tuổi thơ và nâng bước để mình có ngày hôm nay”.
Năm 2009, thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc đưa đoàn bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 về chuyển giao công nghệ cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, tặng 2 máy lọc thận cho bệnh viện và nhiều trang thiết bị khác cho Bệnh xá Tỉnh đội. Mới đây, ông cùng các đồng nghiệp tổ chức đợt khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách. Hai nguyện vọng lớn nhất mà thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc quyết tâm thực hiện đáp nghĩa cho quê hương là vận động tài trợ để nâng cấp Bệnh xá Tỉnh đội Phú Yên thành Bệnh viện Quân dân y kết hợp và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Ở thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc, tôi cảm nhận được nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh bác sĩ hòa quyện với nhau. Người trong ngành Y gọi thiếu tướng là người có đôi bàn tay vàng và trái tim nhân hậu. Thiếu tướng tâm niệm: Là người lính Cụ Hồ thì dù ở mặt trận nào cũng phải xứng đáng với lời dạy của Bác dành cho người lính: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
THÙY THẢO