Thứ Năm, 03/10/2024 05:27 SA
Tìm dấu ngục xưa
Thứ Bảy, 16/10/2010 19:00 CH

Di tích ngục Trà Kê (thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) - nơi Pháp, Nhật từng giam cầm những người yêu nước nổi tiếng, những nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 của các tỉnh Trung Bộ, trong đó có Phú Yên - cần được sớm bảo tồn, giữ gìn 

Từ ĐT646 đi qua xã Sơn Hội, chúng tôi chạy xe máy trên một bờ vùng rộng chừng 8 tấc lên một vùng đồi thấp, nơi người dân trồng mía bạt ngàn. Bây giờ, mía vùng này lên cao hơn đầu người vài tấc, sắp cho thu hoạch. Từ bên ngoài bờ vùng, ông Ba Kha (Trần Lê Kha, 60 tuổi, phóng viên Đài Truyền thanh huyện Sơn Hòa) - người rất nhiều lần đến Trà Kê - chỉ lùm cây to vươn cao giữa một đám mía, cách bờ vùng khoảng 100m đường chim bay, cho biết: “Đó là nơi Tây đóng đồn cai quản tù Trà Kê. Còn nhà tù thì nằm chệch về phía dưới kia, chỗ đám mía chân đồi, giờ chẳng còn vết tích gì”.

 

nhanguc1101016.gif

Di tích nhà ngục Trà Kê hiện chỉ còn phần phế tích của khu đồn Tây - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

LUỒN RỪNG MÍA TÌM DI TÍCH

 

Để đến được đồn Trà Kê, chúng tôi xổ tay áo xuống, kéo sụp kính mũ bảo hiểm, cho tay vào túi quần để tránh bị lá mía cắt da thịt khi luồn vào. Nhắm hướng một cách chính xác, ông Ba Kha đi trước, tôi theo ông sát gót vì trong đám mía dày đặc này, kẻ lạ như tôi nếu bị lạc thì không biết đường đâu mà ra. Thú thực, tôi vừa đi vừa… run vì sợ trong nền đất ẩm ướt, dưới chân chằng chịt lá mía khô và cỏ dại giữa đồi núi thế này, lỡ rắn rít xông ra thì… Song, nhờ đã nhắm hướng kỹ lưỡng, ông Ba Kha không khó để tìm được nơi còn sót lại những dấu vết của di tích này. Đó là một khoảng đất nơi đỉnh đồi, người ta không trồng mía được vì tán cây si cổ thụ xòe ra che phủ một vùng rộng. Cây si ấy mọc ngay góc ê ke của phế tích nơi hai bức tường xây vuông góc với nhau. Hai bức tường giờ chỉ cao khoảng nửa mét, dài khoảng 1,5m, gạch, vữa lộ ra, rêu phong, cũ kỹ và ẩm mốc…

 

Ông Ba Kha giới thiệu, ở khu đồn Trà Kê này còn lại trụ cổng khá nguyên vẹn, có cả chữ Tây trên ấy. Đương nhiên là tôi “đòi” đi. Nếu nhắm hướng đến đồn Tây cũ dễ dàng vì có cây si to, thì việc xác định vị trí cổng đồn không dễ dàng vì… chẳng có gì cả. Bằng kinh nghiệm đã nhiều lần đến đây, ông Ba Kha nhắm hướng rồi bảo: “Chắc là phía này”, rồi luồn vào mía. Tôi lại theo sát gót ông. Chúng tôi loay hoay hoài trong rừng mía. Vài lần ông Ba Kha dừng lại để định hướng, rồi đi ngược, lại đi xuôi… Mồ hôi vã ra. Có lúc tôi đề nghị thôi không tìm nữa vì nghĩ lòng vòng hoài trong mía thế này khó mà tìm ra nơi cần đến. Mất gần 20 phút, chúng tôi mới tìm ra cổng đồn bị mía bủa vây, bao phủ. Hai trụ cổng được tô xi măng còn khá nguyên vẹn, hoa văn trên trụ còn nguyên. Biển gác ngang hai trụ cổng cũng bằng bê tông, trên đó còn dấu tích của những dòng chữ tiếng Pháp, lại có cả những chữ sơn vàng, nhưng không còn đọc được rõ ràng. Theo tài liệu của Bảo tàng Phú Yên, cổng đồn cao 3,6m, rộng 3,8m. Ngày trước, hai trụ cổng vững chãi này hẳn là niềm tự hào của người Pháp, là nơi khẳng định sự cai trị của chúng ở vùng núi rừng thâm u này, là nơi thách thức đối với những lực lượng chống đối lại.

 

“TRẠI AN TRÍ” CƯỠNG BỨC

 

Theo tài liệu của Bảo tàng Phú Yên, nhà tù Trà Kê – Pháp gọi là trại an trí Trà Kê – là một trong loạt trại tập trung lao động cưỡng bức những người tù cách mạng, được thực dân Pháp thành lập năm 1940. Nơi mà tôi và ông Ba Kha tìm đến là đồn lính khố xanh với quân số thường xuyên có mặt thời đó khoảng 100 quân, do một thiếu úy người Pháp làm đồn trưởng.

 

Trong tập hồi ký “Trại tập trung an trí Trà Kê” của các ông Huỳnh Lắm – Phan Sung, những người từng bị tù đày tại đây, có đoạn mô tả: Trại an trí Trà Kê xây dựng trên một đồi trọc có nhiều cỏ tranh, chung quanh xa xa có nhiều cụm rừng… Dân cư thưa thớt. Trại giam làm bằng tranh, tre, vách và nền bằng đất, một gian, dài khoảng 100m, ngang 15m, chung quanh có hàng rào dây thép gai, có đường hào cắm chông tre. Trong nhà có sạp nằm bằng tre, có hai dãy sạp dài bố trí dọc theo chiều dài của nhà giam, đấu đầu vào nhau. Ở phía đông nhà lớn có một phòng cách ly, giam những người bị bệnh truyền nhiễm; phía tây nhà lớn là nhà ăn chung cho cả trại. Trước trại có một cửa ra vào, có 20 lính luân phiên nhau canh gác cả ngày đêm; ở 4 góc cũng có 4 chòi canh, có lính gác liên tục. Phía tây bắc trại giam là đồn Tây và trại lính. Nhà tên đồn trưởng là nhà ngói, có vườn rộng; chung quanh nhà có hàng rào cao bằng gỗ. Hai bên cửa đồn, phía trong hàng rào có hai trại lính.

 

Tồn tại trong 5 năm (giải tán vào tháng 3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp), dưới sự cai quản khắc nghiệt của ba đồn trưởng là Sam Pave, Re Nun và Bazia, nhà tù Trà Kê đã giam cầm hàng trăm người tù là những nhà cách mạng, người yêu nước. Trong tập hồi ký “Trại tập trung an trí Trà Kê” có nêu: Tại đây lúc cao điểm có hơn 100 tù nhân, đa số là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Một số tù nhân đã hết hạn tù ở các nhà lao Buôn Ma Thuột, Côn Đảo hoặc nhà lao khác, nhưng địch không thả về mà giam giữ lại đây. Trong đó có những người nổi tiếng như Hà Huy Giáp, Bùi Công Trừng, Nguyễn Hưng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Hài… Một số khác bị địch bắt đưa đi tập trung tại đây như Phan Sung, Huỳnh Lắm, Trần Chí Hiền, Trần Đình Tri, Lưu Quý Kỳ…

 

Cũng theo tập hồi ký trên, những người tù ở Trà Kê bị viết trên áo hai chữ TS rồi đến số tù nhân. TS là chữ viết tắt tiếng Pháp “travailleur spécial”, nghĩa là người lao động đặc biệt. Ban đầu, các TS bị buộc làm các công việc như đốn gỗ, cắt tranh, hái củi, làm ruộng, đan đát, làm bàn ghế, rèn dao cuốc, làm vườn, làm nhà cửa cho Tây ở đồn… Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Sĩ Huệ, trong bài Trà Kê xưa đăng trên Phú Yên Cuối Tuần số 243 ra ngày 7/9/2002 viết: “Theo nhà văn Nguyễn Vỹ, ông bị bắt ở Hà Nội hồi Tết Nhâm Ngọ 1942, bị đưa vào giam ở Trà Kê với số tù TS69 (…) Trong lúc bị giam ở Trà Kê, ông Nguyễn Vỹ có viết bài thơ “Trăng, Chó, Tù”, xin trích mấy câu:

 

… Ngục Trà Kê đoàn tù nằm trong tối

Chỗ giường tôi đối diện với trăng thu

Nhưng kẽm gai giăng lưới mọc âm u

Ngoài sáng tỏ, trong mịt mù băng kín

Ai nấy ngủ hai dãy sàn kê khít

Cửa nhà lao dây xích khóa ba vòng”.

 

Bấy nhiêu đó đủ nói lên sự khắc nghiệt, sự giam hãm đến nghẹt thở ở ngục Trà Kê. Lúc đứng nơi phế tích của đồn Tây, tôi hình dung, từ nơi này, từ điểm cao này, dưới bóng mát này mấy mươi năm trước, các quan Pháp, lính Pháp mặc quần soạt, áo kaki, nịt ngang bụng, đội mũ cối, tay lăm lăm roi, súng đứng theo dõi, chỉ trỏ, quát tháo, đánh đập những người tù cách mạng đang bị chúng giam cầm và bắt lao động khổ sai dưới kia. Nơi mà tôi đứng đây hẳn từng bị những nhà cách mạng, những người dân yêu nước căm thù, mong muốn và nhiều lần lên kế hoạch tiêu diệt lắm…

 

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Nhân cơ hội này, các tù nhân đã tự tổ chức giải thoát, phân thành nhiều hướng và nhanh chóng rời khỏi nơi “an trí”. Thoát khỏi trại giam Trà Kê, những cán bộ cách mạng và đảng viên cộng sản tỏa về nhiều hướng, có người về quê cũ, có người đi xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi, có người ở lại tiếp tục hoạt động tại Phú Yên… Họ đã góp phần quan trọng trong việc củng cố các tổ chức cơ sở đảng, tuyên truyền vận động xây dựng lực lượng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhiều người trong số họ về sau là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.

 

nhanguc101016.gif

Cổng vào “Trại an trí” Trà Kê vẫn còn khá nguyên vẹn.- Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

CẦN ĐƯỢC BẢO VỆ

 

Sau giải phóng (tháng 4/1975), Huyện đội Miền Tây đã về nơi từng là đồn Trà Kê để đóng quân tạm. Ông Lê Xuân Phức, nguyên chiến sĩ Đại đội 209 Huyện đội Miền Tây, nhớ lại: “Hồi chúng tôi mới tiếp quản nhà tù Trà Kê thì nơi đây còn cây vải, cây mít, bông gòn… và cái nền nhà, chúng tôi tu bổ để ở. Năm 1977, khi nhập huyện Miền Tây và huyện Sông Hinh thành huyện Tây Sơn thì lực lượng của Huyện đội rút về Củng Sơn hết, trên này chỉ còn một trung đội. Đến năm 1979-1980 gì đó thì rút hết luôn”. Ông Dương Văn Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết: “Khi Huyện đội Miền Tây đóng ở Trà Kê thì người dân ở xung quanh. Khi Huyện đội rút đi rồi, bà con mới vào đây chiếm giữ đất để sản xuất”.

 

Nhưng hiện nay, những thứ còn lại của di tích này không còn nhiều và có khả năng biến mất vĩnh viễn nếu không có kế hoạch gìn giữ, tu bổ, bảo tồn. Ông Nguyễn Luân, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Sơn Hòa sau Cách mạng Tháng Tám nói: “Theo tôi, việc tôn tạo lại di tích Trà Kê là khó khăn, nhưng không phải khó là ta bỏ mặc, mà cần phải bảo vệ những gì còn hiện hữu, đừng để mất thêm. Cùng với đó, phải dựng được hình ảnh bất khuất của người tù Trà Kê - những người có lý tưởng cách mạng cao cả - để tuyên truyền, giáo dục các thế hệ sau”. Còn ông Nguyễn Sinh Màu, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội nói: “Người dân Sơn Hội cũng thấy buồn khi một di tích đặc biệt – nhà lao giam giữ những người cách mạng nổi tiếng của đất nước một thời – bị hoang phế như vậy. Vì thế, là những người đại diện nhân dân Sơn Hội, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm bảo vệ di tích này. Làm sao để nhiều người biết đến di tích Nhà tù Trà Kê, để nơi đây thành một địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử và truyền thống hào hùng của cách mạng, là điểm du lịch lịch sử, tìm về cội nguồn nhiều ý nghĩa cho thế hệ trẻ”.

 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên Phan Đình Phùng:

 

Vào tháng 9/2008, Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã thực hiện hồ sơ Trại an trí Trà Kê đề nghị được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hội đồng Xét duyệt công nhận di tích cấp tỉnh, dự kiến sắp tới sẽ xét duyệt khoảng 20 di tích toàn tỉnh, trong đó có nhà ngục Trà Kê. Khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, thì nhà ngục Trà Kê và các di tích cấp tỉnh khác sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

 

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Rộn ràng Đại lễ nghìn năm
Thứ Bảy, 09/10/2010 11:00 SA
Tướng về quê
Thứ Bảy, 02/10/2010 16:00 CH
Nghề dán keo làm đẹp đồ dùng
Chủ Nhật, 26/09/2010 11:00 SA
Giàu nhờ trồng sanh cảnh
Thứ Bảy, 25/09/2010 18:00 CH
Nhớ mùa cá trôi, đứng nhá...
Chủ Nhật, 19/09/2010 13:29 CH
Nữ vệ sĩ
Chủ Nhật, 12/09/2010 11:02 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek