Thứ Tư, 27/11/2024 19:31 CH
Nơi hai dòng sông đi qua
Thứ Năm, 06/10/2005 18:24 CH

Gà gáy canh hai giục giã trời sáng. Con đò khua mái chèo trên dòng sông tối om om. Rau chất đầy khoang. Tiếng phụ nữ râm ran cười nói. Đò trôi giữa muôn sao nháp nháy, đưa sản vật của đất, của phù sa sông Ba sông Chùa đến chợ sớm Tuy Hòa.

 

Từ xa xưa, nơi này được coi là vùng đất của rau. Mỗi mùa tết đến, đây còn là điểm hẹn của người buôn hoa từ Bắc chí Nam. Bình Ngọc – mảnh đất nằm giữa hai dòng sông – là một bức tranh tô điểm cho đô thị Tuy Hòa.

 

VÙNG ĐẤT CỦA RAU VÀ HOA

 

Từ phía Tây núi Chóp Chài, con sông Bầu Dài thẩn nha theo hướng Nam tìm về với biển. Qua khỏi cầu Ông Chừ, gặp bạn đồng hành từ Vĩnh Phú đi xuống cùng một nhánh nhỏ Sông Ba từ thôn Đông Bình chảy qua, nó trở nên mạnh mẽ hơn trong cái tên mới: Sông Chùa. Dòng sông soi bóng tháp Nhạn uy nghi trước khi hăm hở tuôn ra cửa Đà Diễn. Tả ngạn là phố xá nhộn nhịp tiếng còi xe từ tinh mơ, sáng rực ánh điện khi chiều tắt. Hữu ngạn là một vùng bình yên xanh ríu rít tiếng chim, rập rờn ong bướm. Vào mùa mưa hàng năm, Sông Chùa và Sông Ba hào phóng đưa phù sa lên mảnh đất này. Mồ hôi của nông dân rơi xuống, và những chồi non rẽ đất vươn lên.          

 

Núi Nhạn - nhìn từ Ngọc Lãng - Ảnh: Lâm Vy

       

 

Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ viết về Bình Ngọc: “Xã này ở phía Nam và Tây Nam nội thị, ngăn cách bởi sông Bầu Dài, cầu Ông Chừ và sông Chùa. Phía Tây Bình Ngọc giáp Hòa Trị, Hòa An; phía Nam cách một dòng nước là bãi cát rộng của sông Đà Rằng. Bình Ngọc là đất trồng rau: cải, xà lách, rau thơm, hành, ớt, các loại dưa, khổ qua, còn trồng hoa cúc, vạn thọ… Rau và hoa thành từng luống. Màu xanh tươi nõn nà xen lẫn với màu hồng, màu vàng màu tím…là một bức tranh làm dịu mắt dịu lòng”. Trong một trang viết  khác, tôi tìm thấy câu ca dao:

 

Muốn về Soi Bún ăn dưa

Sợ e Soi Bún đã đưa nhiều lời

 

Soi Bún là tục danh của thôn Ngọc Lãng, mảnh đất nhỏ nằm giữa hai dòng sông lớn. Nghe nói trước kia dưa hấu được trồng nhiều ở các bãi soi. Thế nhưng không như nhiều người vẫn nghĩ, ở Bình Ngọc, “vựa rau” thuộc về Ngọc Phước 2, Ngọc Phước 1, sau đó mới tới Ngọc Lãng. Những tấm thảm rau đan xen nhau với đủ sắc độ, trong đó màu xanh là chủ đạo, tổng diện tích lên tới trên 45 ha!

 

Nói về nghề trồng rau, cần phải kể đến một “lão làng”. Đó là ông Nguyễn Văn Hối ở thôn Ngọc Phước 1, chủ nhân của 6 sào rau và dưa hấu phủ bạt. Muốn gặp ông, tốt nhất là tới soi tìm.

“Tui trồng rau từ ngày lập gia đình, tính ra đã ba mươi mấy năm” -Trong cái chòi tuềnh toàng cất bên ruộng rau, lão nông rít thuốc rồi thủng thẳng kể. Dáng cao gầy, da sạm nắng, nét mặt khắc khổ làm cho ông giàø hơn cái tuổi 57. Ông Bốn Hối gốc ở Ngọc Lãng, làm dân Ngọc Phước 1 đã 5 năm. Nối nghiệp cha mẹ với 2 sào rau, vợ chồng ông cặm cụi gieo trồng. 5 đứa con ông cũng nhờ cây rau trái dưa mà lớn lên, 4 người trong số họ lại tiếp tục cái nghề mà ông gọi là “làm mướn cho mình” này. Ông nói: Hồi xưa tướùi rau bằng cần giọt, ai giỏi lắm cũng chỉ được hai sào, trồng nhiều sức đâu mà tưới? Năm bảy năm nay cái máy bơm nó thay đôi thùng, đỡ nhọc  phần nào.    

 

Ngoại trừ 2 tháng mưa lụt dầm dề (tháng 9 tháng 10 Âm lịch), phải “giao đất cho trời”, thời gian còn lại trong năm, người trồng rau không lúc nào rảnh tay rảnh chân. Nghề này không nặng nhưng tốn công, thu nhập khiêm tốn, giá cả lại nay vầy mai khác. Nhưng người Bình Ngọc yêu cây rau cây dưa bằng tình yêu máu thịt. Ông Bốn Hối thiệt thà: “Hồi nào tới giờ sống bằng nghề này thì cũng theo đó làm miết, khỏe thì làm nhiều, mệt thì làm ít. Có năm khá thì dư chút đỉnh, không thì cũng đủ ăn”.

 

Trồng hoa cũng là môït nghề truyền thống, xuất hiện ở Bình Ngọc từ năm 1970. Khởi đầu chỉ có 1-2 ngườøi trồng lay-ơn hồng, giống mua từ Đà Lạt, sau gây giống tại vườn. Cuối những năm 90, cây lay-ơn nhung đánh bạt lay-ơn hồng, trở thành độc tôn trên đất này. Hầu như người trồng rau nào cũng trồng hoa tết, gọi là cho vui, trúng thì kiếm tiền tiêu tết.

 

Muốn nói chuyện trồng hoa thì phải tìm gặp ông Nguyễn Vui ở Ngọc Phước 2. Cái tên không giống với người, nhưng ông Vui cũng là một người dễ bắt chuyện. Làm bạn với hoa lay-ơn từ trước giải phóng, ông được coi là chuyên gia trong lĩnh vực này. 5 anh em nhà ông: Vui, Sang, Sớt, Thu Hà… đón tết với trên 1 mẫu lay-ơn nhung. “Chuyên gia” trồng hoa cho biết: “Nếu tiết trời thuận lợi, giá cả tương đối, 1 sào lay-ơn nhung thu trên 10 triệu đồng, trừ chi phí lãi được 5 triệu”.

 

Bình Ngọc có 20 ha lay-ơn nhung trong mùa tết. Những đêm tháng Chạp, hành khách trên các chuyến xe ngang qua Tuy Hòa ngỡ ngàng trước vô số ánh điện lung linh như sao thắp trên những luống hoa. Ánh điện thúc giục hoa lên nhanh, đồng thời canh chừng… kẻ trộm. Nhiều căn chòi được dựng lên trên ruộng hoa, là nơi dừng chân của khách buôn gần xa. Từ 20 tháng Chạp, ở phía bên kia cầu Chùa, chợ hoa họp nhộn nhịp bên lề Quốc lộ 1A. Xe tải nối nhau chờ đưa hoa vào nam ra bắc.

 

Thời điểm đó, Bình Ngọc thật nhộn nhịp rộn ràng! Năm được mùa, cái tết đến từ ruộng hoa, sau đó mới gõ cửa những ngôi nhà trong xóm. 

 

LÀNG DU LỊCH CỦA THÀNH PHỐ TUY HÒA         

        

Thuộc về TP Tuy Hòa song những ồn ã náo nhiệt của phố xá đều đã bị dòng Sông Chùa chặn lại ở bờ bên kia, Bình Ngọc với diện tích tự nhiên 407 ha, 5200 dân - có những con đường làng quanh co nép mình dưới rặng tre, những ngôi nhà cất theo kiểu quê, mái ngói tường vôi đã bạc đi cùng năm tháng, trước sân tô điểm bằng nọc rơm vàng. Một vẻ đẹp bình dị và hiền hòa, được những luống rau xanh hút mắt làm cho nổi bật. Trên cái nền xanh ấy còn có một nét quê khác: những cây cần giọt mà lâu nay đã không còn nghe tiếng kẽo kẹt. Sáng sáng chiều chiều, máy bơm tạo những cầu vồng nước dịu dàng phả xuống từng luống rau trong khi gió từ sông Ba lồng lộng thổi vô.

 

Được thiên nhiên ưu ái, Bình Ngọc nói chung, Ngọc Lãng nói riêng có thể trở thành điểm du lịch. Tỉnh Phú Yên đã nghĩ đến vấn đề này. Tháng 8/ 2002, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thanh Đồng cùng lãnh đạo các ngành liên quan đã về Bình Ngọc làm việc để có hướng quy hoạch khu du lịch sinh thái Ngọc Lãng. Đất cù lao “nóng” lên. Dân mình vốn rất nhạy bén. Họ hiểu rằng rồi đây, sau khi thị xã Tuy Hòa lên thành phố, Ngọc Lãng - cù lao xanh nằm giữa hai dòng sông - sẽ có một gương mặt khác.

 

Vùng đất của rau và hoa dần đổi thay. Dễ thấy nhất là những con đường bê tông hóa ở Ngọc Lãng, Ngọc Phước 2 dài gần 1600m, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nằm bên cạnh phố phường ồn ã, làng quê Bình Ngọc tất nhiên cũng “đô thị hóa”. Những ngôi nhà lô phố mọc lên, khang trang nhưng xa lạ với cảnh quê.

 

Kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng, khi đề xuất ý tưởng xây dựng những “công viên xanh” trong thành phố Tuy Hòa, đã phác họa: “Riêng ở Ngọc Lãng nên làm những con đường bê-tông hoặc đá cấp phối đủ cho đôi làn xe ngựa đi qua. Trong làng xây dựng những ngôi nhà sàn hoặc biệt thự nhỏ. Nơi này có làng nghề truyền thống, không gian đẹp và rất trong lành, các đơn vị kinh tế  nên đầu tư xây dựng những công trình du lịch ở đây”.

 

Chúng ta thử hình dung một tour đưa du khách về với thiên nhiên ngay trong lòng thành phố: Sau khi tham quan núi Nhạn, từ đường Bạch Đằng, những cỗ xe ngựa chở khách qua cầu, rẽ vào con đường làng quanh co la đà bóng tre. Ngang qua những ngôi nhà cất theo kiểu quê, những liếp nhà sàn, những biệt thự nhỏ, du khách đắm mình trong màu xanh mát rượi của rau, của bầu bí dưa cà. Ai qua tâm đến nghề trồng rau, hãy theo hướng dẫn viên đi trên bờ cỏ êm ái nhấp nhô, đến tận chân ruộng. Ở đây các lão nông sẽ trò chuyện với họ về cái nghề truyền thống của làng mình. Du khách sẽ tham quan mô hình trồng rau sạch, và có thể mua các loại rau quả tươi ngon ngay tại soi, với giá rẻ hơn ở chợ trung tâm thành phố. Nếu thấm mệt, hãy ghé vào những cái chòi tranh xinh xắn như cây nấm mọc bên đường, thưởng thức ly nước mía ngọt lịm hoặc các thứ quà quê rẻ tiền mà không kém phần hấp dẫn như bắp nướng, ốc luộc… Đối với những ngườøi yêu sông nước, chiếc thuyền buồm no gió sông Ba sẽ đưa họ ngược dòng để câu cá hoặc xem dân địa phương đãi sạn. Mùa tết, chuyến tham quan sẽ thú vị hơn nếu tổ chức vào ban đêm. Khách đến vườn hoa, hòa mình vào không khí kẻ bán người mua rộn rịp…

 

Để làng rau Ngọc Lãng trở thành làng du lịch sinh thái, cần phải định hướng, quy hoạch ngay từ bây giờ. Trước hết, cù lao này cần có một cái kè để ngăn nước sông Chùa “lấn” qua, một khi kè sông Ba ở tả ngạn đã được xây dựng. Mai đây, khi cầu Hùng Vương phóng qua sông, Ngọc Lãng vì thế càng gần hơn với các phường của thành phố Tuy Hòa. Sẽ không còn những chuyến đò chở rau sang sông trong tiếng gà thao thức gọi trời sáng. Sẽ có những chuyến đò ngang chở khách tham quan. Giữa một vùng bình yên xanh khua rộn tiếng chim, du khách rũ bỏ lo toan khi đứng trước những vườn rau vườn hoa như một bức tranh “dịu mắt dịu lòng”.

 

Ngày đó không còn xa.

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lặng lẽ mang niềm vui cho đời
Thứ Ba, 13/09/2005 08:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek