Thứ Ba, 01/10/2024 22:40 CH
Bước vào “Trận đồ” Internet và game online
Thứ Hai, 10/10/2005 07:36 SA

Vài năm trở lại đây, dịch vụ Internet phát triển rầm rộ góp phần thúc đẩy việc trao đổi thông tin được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó các trò chơi trực tuyến và những hệ luỵ của nó thật đáng báo động. Sức cuốn hút của thế giới ảo đã biến không ít “cậu ấm, cô chiêu” trở thành của internet và game online…

 

BƯỚC VÀO “TRẬN ĐỒ”

 

Hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet và game online (trò chơi trực tuyến trên mạng Internet) ở TP Tuy Hoà đang khá nhộn nhịp, nhất là ở các tuyến phố Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Trường Chinh, Lê Thánh Tôn… Càng gần trường học, dịch vụ này càng rầm rộ hơn. Đoạn đường Nguyễn Huệ dài chưa đầy 2 km mà đã có gần 10 điểm kinh doanh dịch vụ Internet, game online hoạt động liên tục từ  7 – 8 giờ sáng đến 22 giờ tối. Khách hàng chủ yếu là thanh thiếu niên (đa phần là học sinh – sinh viên), được coi là những game thủ điêu luyện nhất.

 

"Mê hồn trận" với game online - Ảnh: Đ.NGUYÊN

Với diện tích chưa đầy 20m2, tiệm Internet Tú Sơn trên đường Nguyễn Huệ lắp đặt gần 20 máy vi tính. Một không gian chật hẹp, thêm vào đó là âm thanh hỗn tạp của nhiều trò chơi cùng phát ra một lúc. Thế nhưng, cả khách chơi lẫn chủ tiệm say sưa giết “quái vật”, nhanh tay lia “chuột” lượm tiền và binh khí để tăng cấp. Thỉnh thoảng, Nguyễn Hoàng Vũ, sinh viên Học viện N. lại đập tay xuống bàn kêu “đàn em” đang chơi ở dãy bên kia: “Sói xám đâu! Chém! Quái vật kìa, nhanh lên!”. Thấy tôi ngơ ngác, một khách chơi game trên áo có đeo bảng hiệu học sinh trường L.T.V phân trần: “Chuyện thường như ăn cơm bữa đấy mà. Vào Internet để chat là chuyện xưa rồi, bây giờ là thời của game trực tuyến”.Cả nhóm chăm chú vào cuộc giao chiến đang đến hồi gay cấn thì bỗng có một người đàn ông trạc tuổi 45 đi thẳng vào trong tiệm như để tìm con với vẻ mặt lạnh lùng. Thấy vậy, chủ tiệm và người trông xe xuất hiện tiệm người ta làm ăn không phải muốn vô làm gì cũng được nha!”.

 

Những người “nghiện” game đã thừa nhận, lúc đầu chỉ theo bạn bè lên mạng chơi, nhưng thấy hấp dẫn, muốn khám phá rồi thử….và nghiện từ lúc nào chẳng hay. Mỗi ngày không lên mạng thì cảm thấy như thiếu cái gì đó. Xu hướng chơi game ngày nay không đơn giản là những trò chinh phục, tính phiêu lưu cao mà còn phải là game 3D (không gian ba chiều), game online. Theo các “game thủ” đàn anh, MU online vẫn thống trị trong thế giới trò chơi hiện nay. Để thu hút khách hàng, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này chịu đầu tư một số vốn không nhỏ trang bị những dàn máy vi tính mới, nâng cấp đường truyền ADSL và giảm giá cước. Tiện nghi hơn nữa là lắp đặt phòng máy lạnh, mỗi máy trang bị thêm các thiết bị âm thanh và chiều “thượng đế” một cách tối đa. Hoạt động của những dịch vụ này ngày càng tấp nập kẻ ra người vô. Một số dịch vụ trên đường Lê Thánh Tôn, Hùng Vương… chịu bỏ tiền mướn nhân viên bảo vệ chuyên trông coi xe cho các “game thủ” yên tâm lạc vào “mê hồn trận”, phục vụ, trà đá miễn phí để lấy lại tinh thần cho cuộc chiến tiếp theo. Còn có những tấm biển quảng cáo khá lớn được treo lên hoặc lập ra một trang web để quảng bá cho trò chơi này. Không ít dân chơi game cao thủ còn truyền tai nhau về một loại game mới xuất hiện, có thể tải trên mạng xuống nhưng đòi hỏi máy có cấu hình khá mạnh, độ phân giả cao nên chưa được phổ biến rộng rãi.

 

CÁI GIÁ CỦA CHƠI

 

Trong thế giới game vẫn có những trò chơi mang tính giáo dục. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có những thành phần thích các địa chỉ “cấm” trên mạng, khi bị chủ dịch vụ nhắc nhở thì tỏ thái độ bực dọc, thậm chí còn la hét gây rối. Ngay cả những em nhỏ trong độ tuổi tiểu học cũng đã có sở thích này. Hôm chúng tôi đến dịch vụ Internet Duy Vũ trên đường Hùng Vương thấy một nhóm học sinh đang đứng hò hét và dùng những lời lẽ khiếm nhã để đáp lại lời nhắc nhở của chủ dịch vụ. Chủ dịch vụ này cho biết: “Cơ sở tôi nhất định không chiều khách trong các trường hợp này. Đặc biệt những em còn quá nhỏ thì không cho vào chơi”. Thế nhưng, thực chất ở trong tiệm có nhiều khách chơi là học sinh tiểu học.

 

 

Tiệm Internet công cộng có game online luôn luôn chật khách - Đ.NGUYÊN

 

Để có tiền thoả mãn cuộc chơi kéo dài hàng tiếng đồng hồ trên mạng, không ít những tay chơi đã nghĩ ra những “tuyệt chiêu” đáng nể. Nguyễn Thanh, nhà ở đường Duy Tân tiết lộ: “Nhà em cũng có máy vi tính, nhưng chơi ở nhà không khoái bằng ở ngoài, được hò hét với bạn bè “đã” hơn. Chơi ở nhà chỉ được một lúc là cha mẹ bắt ngồi vào bàn học. Có lần em đã nhờ thằng bạn thân giữ giùm mấy quyển sách, giả vờ làm mất hoặc kêu hết tập để xin tiền mẹ đi mua quyển khác. Mỗii sáng ba mẹ cho thêm 5000 đồng ăn sáng, cộng tất cả lại chơi cũng được mấy bữa. Nhà em cũng nhiều báo, giấy vụn, cha mẹ cho bán lấy tiền ăn vặt, mỗi tháng cũng được hơn 15.000 đồng chứ bộ! Khi nào kẹt, nghỉ chơi vài hôm thì có “xăng” (có tiền) chơi tiếp à!”. Trường hợp của Trần Thị Phương Hiền (đang học lớp 11) lại khác. Em cho biết: “Thỉnh thoảng em xin tiền để mua sắm mấy thứ của con gái. Chẳng lẽ cha mẹ lại không cho”.

 

Có không ít học sinh lớp 1, lớp 2 đã mê chơi quên cả giờ học. Nếu học buổi sáng thì phần nhịn ăn sáng để có tiền chơi, tranh thủ chỗ nào mở cửa sớm vào chơi vài phút cho “đỡ ghiền”. Chủ tiệm Internet Thanh Phong cho biết: “Thường 6 giờ sáng tôi thức dậy quét dọn thì đã thấy có khách vào chơi, chủ yếu là học sinh nhỏ tuổi. Còn các bậc phụ huynh cứ ngỡ con mình đi sớm để ăn sáng”.

 

Anh Duy, quản lý dịch vụ Internet Tú Sơn đã đưa ra danh sách dài dằng dặc những người chơi thiếu nợ. Kiểu này cũng đang thịnh hành ở nhiều điểm chơi game. Lại có không ít trường hợp viện kế để “chơi quỵt”. Chiêu thức phổ biến nhất là bỏ quên tiền ở nhà để hôm khác quay lại trả, hôm sau biến mất. Anh Duy cho biết: “Tôi đã từng gặp một học sinh PTTH đến chơi từ 7 giờ đến 14 giờ nhưng không có tiền trả, đành phải thế chấp cả cặp sách vở và máy tính điện tử. Thế nhưng gần một tháng nay vẫn không thấy đến chuộc lại. Ngoài ra còn cả trăm trường hợp chơi lố giờ, lố tiền trong túi, thiếu nợ, rồi biến mất”. Hầu hết các trường hợp này, chủ nhân cũng bỏ qua luôn, vì có tìm đòi nhiều khi còn vô ích hơn. Trong giới game thủ choai choai, chuyện để lại những món đồ không có giá trị làm vật cầm tin đang trở thành “mốt”.

 

GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG NÓI GÌ?

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương, nhà ở đường Nguyễn Thái Học, tâm sự: “Vì mải lo làm ăn nên vợ chồng tôi quên đi việc học hành, giao tiếp của con cái với bạn bè. Một vài lần thấy cháu đi học về trễ, gia đình không nghĩ cháu đi chơi. Khi hỏi ra mới biết con mình đã tập tành “trò chơi trên mạng” với mấy đứa bạn cùng lớp từ lúc nào chẳng hay. Bây giờ có nhiều thứ để bọn trẻ say mê, quên ăn quên học nhưng không biết ngăn chặn bằng cách nào?. Làm cha, làm mẹ, ai mà chẳng muốn con cái mình nên người. Ơû nhà thì có thể quản lý được chứ ra khỏi nhà làm sao biết chúng đi đâu, làm gì?”.

 

Không ít phụ huynh đã mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền để hạn chế con cái tụ tập, chơi bời với bạn bè nhưng cũng không mấy tác dụng. Nhìn chung sự giáo dục của gia đình có ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách và lối sống của từng học sinh. Nhiều bật cha mẹ vì mải lo cho công việc làm ăn mà vô tình quên đi sự quản lý con cái. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình học sinh và nhà trường. Theo thầy Hồ Đức Phụng, giám thị trường PTTH dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, tình trạng cúp tiết ra ngoài chơi game, vẫn xảy ra ở một số em, nhất là vào đầu và cuối buổi học. Với những trường hợp này, nhà trường đều gọi điện đến nhà, trực tiếp báo cho phụ huynh biết để có biện pháp giáo dục, uốn nắn kịp thời. Trong thời gian qua, một số trường đã áp dụng biện pháp quản lý học sinh một cách có hiệu quả như: sử dụng sổ liên lạc ghi đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và chữ ký mẫu của phụ huynh học sinh, giữ mối quan hệ thường xuyên giữa gia đình và nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm quan tâm sâu sát học sinh, đề xuất với phụ huynh những phương pháp hướng dẫn con cái họ học và chơi sao cho hợp lý. Nhưng, điều quan trọng hơn hết là mỗi bật phụ huynh phải dành thời gian nhiều hơn nữa quan tâm đến việc học, việc chơi của con cái mình. Đặc biệt không nên quá dễ dãi về tiền bạc và chú ý đến những việc làm của chúng để có biện pháp uốn nắn kịp thời.

 

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, chúng ta không phủ nhận những tiện ích đem lại từ  Internet nhưng bên cạnh đó vẫn có những mặt trái đang tác động xấu đến thế hệ trẻ. Quản lý chặt hơn nữa các dịch vụ kinh doanh Internet, game online đang là vấn đề cấp thiết nhằm ngăn chặn và giảm bớt những việc ảnh hưởng không tốt cho xã hội.

 

   ĐĂNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nơi hai dòng sông đi qua
Thứ Năm, 06/10/2005 18:24 CH
Lặng lẽ mang niềm vui cho đời
Thứ Ba, 13/09/2005 08:59 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek