Một ngày cuối năm, chúng tôi tổ chức cuộc hành trình về thăm vùng đất cực Đông của Tổ quốc - hải đăng Mũi Đại Lãnh. Xuất phát từ TP Tuy Hòa, chỉ hơn một giờ đi bằng mô tô là đến được bãi Môn. Từ bãi Môn đi bộ leo núi khoảng hai cây số là đến hải đăng mũi Đại Lãnh.
Lau chùi, bảo dưỡng những tấm pin năng lượng mặt trười là công việc rất quan trọng, nhằm tránh sự ăn mòn của nước biển - Ảnh: ANH NGỌC
Đến với ngọn hải đăng
Hải đăng mũi Đại Lãnh (thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) là điểm cực Đông trên dải đất liền của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 12053’40’’ vĩ độ bắc, 109027’12’’ kinh độ đông, ở độ cao 112m so với mặt nước biển (riêng từ chân tháp đến ngọn đèn hải đăng cao 26m).
Hải đăng mũi Đại Lãnh là một trong những ngọn hải đăng cấp I quốc gia, hiện do Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải 201 thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 02 quản lý. Sống và làm việc ở đây có năm anh em, đều là nam. Anh Nguyễn Ngọc Thắng, Trạm trưởng là người có thâm niên công tác lâu nhất (21 năm), anh cho biết: “Từ năm 1997 - sau khi Nhà nước cho khởi công sửa chữa, xây dựng lại hải đăng mũi Đại Lãnh và chính thức đưa vào hoạt động ngày 2/7/1997 - đến nay, ngọn hải đăng này chưa bị sự cố gì lớn, chỉ có những trục trặc nhỏ đều được anh em ở trạm khắc phục. Do đó đèn hoạt động tốt, xuyên suốt, chưa có đêm nào ngưng hoạt động kể cả mùa nắng lẫn mùa mưa”. Công việc của các anh hàng ngày là phân công trực theo ca. Ban ngày 3 ca, ban đêm 5 ca. Ca đầu tiên của ban đêm là từ 18h đến 22h, 4 ca tiếp theo sau đó cứ 2 giờ một ca. Nhiệm vụ trực: ban đêm trực cơ quan, trực đèn; ban ngày trực cơ quan, vệ sinh và lau chùi đèn cẩn thận, kiểm tra, bảo dưỡng bình ắc quy, pin mặt trời… Ngoài ra, các anh còn phải tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn.
Anh Ngô Xuân Hùng nhân viên của trạm đưa chúng tôi lên tham quan tháp đèn. Thật khâm phục, mỗi ngày các anh lên xuống hàng chục lần với 108 bậc cầu thang xoắn ốc dựng đứng, cao đến 26m. Anh tâm sự: “Những ngày đầu mới vào nghề, hầu như anh em nào cũng đều nhớ nhà. Vì bấy lâu sống chung với gia đình, nay phải xa vợ con lại sống biệt lập, xa khu dân cư, giống như ở ngoài đảo xa… Nhưng với ý chí xác định ngay từ đầu, đã vào nghề này thì phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành tốt công việc. Đồng thời anh em động viên giúp đỡ lẫn nhau, xem nơi làm việc như nhà của mình, nên dần dần cũng vượt qua… Đó là những ngày đầu mới vào nghề, còn bây giờ thì quen rồi!”. Anh Hùng giới thiệu với chúng tôi cụ thể về nguyên tắc hoạt động của đèn: Đèn hải đăng sử dụng thiết bị thu năng lượng mặt trời của Australia với 32 tấm pin năng lượng, 24 bình ắc quy (mỗi bình 12v) với dung lượng 120N và sử dụng đèn điện tử của Mỹ. Ngoài việc cung cấp điện cho hải đăng hoạt động, mọi sinh hoạt về điện thắp sáng đều nhờ vào những tấm pin năng lượng này. Trạm còn dự phòng một máy phát điện đề phòng khi những tấm pin năng lượng bị sự cố. Hải đăng có tầm nhìn địa lý 26,5 hải lý, tầm hiệu lực ánh sáng 24 hải lý, có đèn chính và đèn phụ với thiết bị hiện đại, đảm bảo chiếu sáng theo đúng quy định (khi cường độ ánh sáng xuống dưới 200 lux, đèn tự động phát sáng; phát ánh sáng trắng, chớp nhóm 3, chu kỳ 15 giây), tạo nên sự nối kết giữa người đi biển với đất liền.
Đón giao thừa ở hải đăng Đại Lãnh
Nhớ lại Tết Canh Thìn năm 2000, tôi tham gia cùng nhóm bạn đón giao thừa tại điểm cực đông này. Ngày đó chưa có đường Phước Tân – Bãi Ngà nên chúng tôi phải vào Vũng Rô băng rừng để đến được hải đăng. Muốn đến hải đăng mũi Đại Lãnh không phải là chuyện dễ. Có hai cách: Đường biển thường đi từ cảng Vũng Rô, với thuyền công suất lớn. Hai là đi băng rừng qua dãy núi đèo Cả. Nhưng hôm đó biển động, sóng to, gió lớn không thể đi được nên chúng tôi buộc phải đi đường bộ, băng rừng. Đây là con đường mòn có từ rất lâu, phải luồn lách qua những dốc núi cao, đường rừng núi rất khó đi. Bắt đầu từ cảng Vũng Rô, chúng tôi đi thuyền qua bãi Chính. Rồi từ bãi Chính băng rừng hơn năm cây số mới đến nơi. Vì trong nhóm có người không quen đi rừng núi với những dốc đá như vậy nên chúng tôi mất hơn 4 giờ mới đến được hải đăng Đại Lãnh…
Thật tuyệt vời khi chúng tôi có mặt tại điểm cực đông trên dải đất liền của Tổ quốc hình chữ S đúng vào thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới của hai thế kỷ… Hôm đó cũng có nhiều nhóm tổ chức đến đây, có cả anh em truyền hình đến làm chương trình đón ánh bình minh đầu tiên từ đất liền của thiên niên kỷ mới. Chúng tôi chúc mừng sức khỏe và cùng anh em ở trạm hải đăng đón ánh bình minh. Mặc dù suốt đêm không ngủ, nhưng trong chúng tôi ai cũng háo hức, chờ đợi, phấn khởi được chiêm ngưỡng cảnh bình minh từ trên cao, cách mặt nước biển gần 100m. Những tia nắng đầu tiên làm đỏ ửng cả một vùng trời. Tuyệt vời không gì bằng khi được đắm mình bởi cảnh đẹp thần tiên trong những giây phút thiêng liêng nhất của năm mới. Xa xa những chiếc tàu rẽ sóng vươn khơi, hứa hẹn một năm mới bội thu và thành đạt…
Điểm du lịch sinh thái lý tưởng
Dưới chân núi của mũi Đại Lãnh là bãi Môn – một trong những bãi biển đẹp nhất khu vực Nam Trung Bộ. Bãi biển ở đây rất tự nhiên và còn nguyên sơ, nước trong vắt như pha lê với bãi cát trắng mịn màng chạy dài theo từng con sóng vỗ lăn tăn vào bờ cát. Trên những dãy núi bao bọc xung quanh bãi Môn, những lộc non xanh biếc đang vươn lên khắp núi rừng sau một mùa ngủ đông. Hàng nghìn, hàng vạn nhành hoa rừng đua nhau khoe sắc dưới cái nắng xuân dìu dịu. Thật là một khung cảnh hữu tình, nên thơ làm chúng tôi không sao cưỡng lại được trước vẻ đẹp tự nhiên như một nàng tiên xõa tóc phơi mình dưới nắng xuân ấm áp. Đứng trên những mỏm đá nhô ra biển, nhìn xuống biển với màu nước trong vắt, chúng tôi thấy rõ những gợn cát trắng chạy dài dưới đáy đại dương với độ sâu hơn mười sải nước. Bãi Môn – là nơi lý tưởng dành cho những cuộc dã ngoại, tắm biển, câu cá, ngắm phong cảnh thiên nhiên… sau những ngày lao động vất vả. Tuyệt vời hơn nếu chúng ta ghé lại Phú Lạc hoặc Vũng Rô mua các loại hải sản tươi của ngư dân vừa đánh bắt được để làm những món nướng… thì không gì bằng. Nhưng thú vị nhất là ở lại qua đêm, đốt lửa trại chờ đến rạng đông đón ánh bình minh đầu tiên của một ngày mới từ đất liền.
Xuân này càng vui hơn, bởi cuối năm 2008, Phú Yên đón nhận hai trong số các quyết định của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch về việc Xếp hạng di tích quốc gia Danh lam thắng cảnh Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn và Núi Đá Bia. Nếu kết hợp với Khu di tích lịch sử Tàu không số Vũng Rô thì đây quả là ba viên ngọc quí của Phú Yên. Ba viên ngọc này cách nhau không xa, đều nằm trên địa bàn huyện Đông Hòa. Những viên ngọc ấy đã tỏa sáng qua chiều dài của cội nguồn lịch sử, nhưng càng tỏa sáng hơn khi những nơi này thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và du lịch.
Cuối thế kỷ XIX, đại úy hải quân người Pháp Varella phát hiện và ghi dấu tầm quan trọng của mũi Đại Lãnh trên bản đồ hàng hải và người Pháp gọi là mũi Cap Varella. Năm 1890, người Pháp cho xây dựng hải đăng trên đỉnh núi mũi Đại Lãnh. Năm 1945, hải đăng mũi Đại Lãnh tạm ngưng hoạt động. Năm 1961, chính quyền Sài Gòn khôi phục hải đăng nhưng hoạt động chưa bao lâu thì phải tạm dừng bởi mũi Đại Lãnh nằm trong khu vực căn cứ Miền Đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ - ngụy ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng. Hơn 35 năm sau, tháng 8/1996 Nhà nước cho khởi công sửa chữa, xây dựng lại hải đăng mũi Đại Lãnh và chính thức đưa vào hoạt động ngày
ANH NGỌC