Hòa Hiệp - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là một trong những địa phương đầu tiên của Phú Yên được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong cuộc chiến vệ quốc, quân và dân ở làng cát này đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong những chiến công ấy không thể không nhắc đến việc góp phần làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hòa Hiệp bây giờ gồm 3 phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung và Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa).
Niềm vui gặp mặt của những nhân chứng lịch sử bến tàu Không số Vũng rô (từ phải sang: Thượng úy Tống Trọng Điểm, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, dân công Nguyễn Thị Tảng và các đồng chí đơn vị K60). Ảnh: TRẦN QUỚI |
1. Sau nhiều ngày cùng anh em trong đơn vị vào Vũng Rô nắm bắt tình hình, ẩn mình trong các gộp đá, theo dõi, quan sát tàu địch 1 ngày tuần tiễu bao nhiêu lần quanh khu vực này, thượng úy Tống Trọng Điểm, Trung đội phó thuộc Đại đội K60 nhận được chỉ thị của cấp trên: “Tối nay, các đồng chí có nhiệm vụ đón tàu chở hàng từ ngoài Bắc vào”.
Đêm tháng 11 trên vùng biển miền Trung, những cơn gió mùa đông se sắt lạnh. Bốn bề yên tĩnh, chỉ có tiếng sóng rì rầm dội vào ghềnh đá. Tổ đón tàu có 4 người là dân làng cát Hòa Hiệp gồm: Trung đội phó Tống Trọng Điểm, tiểu đội trưởng Ngô Văn Định, tiểu đội phó Trần Dưỡng và đồng chí Trà Văn Hòa. Dù thấm mệt sau nhiều ngày chờ đợi tàu, ăn trái sung, nhưng nghĩ đến cảnh bộ đội có vũ khí, đạn dược để đánh giặc, trong lòng ông Tống Trọng Điểm cùng các anh em trong tổ đón tàu không khỏi hồi hộp, vui mừng. Giữa mịt mùng bóng đêm, họ căng mắt đợi chờ.
Nửa đêm, một chiếc tàu sắt đồ sộ tiến vào Vũng Rô, ánh đèn pin lóe lên ba chớp sáng. Nhận ra tín hiệu đúng như mật hiệu quy định, họ vui mừng khôn xiết dẫn đường, đón tàu vào bến. Lúc 23 giờ 50 đêm 28/11/1964, tàu 41 do ông Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng cập bến Vũng Rô. Phút gặp gỡ ban đầu, những người lính hải quân, cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào vui mừng, nước mắt thấm qua vai áo. Trong đêm tối, hàng trăm dân công Hòa Hiệp và Hòa Xuân khẩn trương bốc dỡ vũ khí, cất giấu vào các hang đá để vận chuyển về kho hậu cứ...
Đêm 28/11/1964 là một đêm vô cùng đặc biệt không chỉ với ông Tống Trọng Điểm mà trở thành cột mốc không thể nào quên trong ký ức của quân, dân Phú Yên. Đó là đêm quân dân ở bến Vũng Rô đón chuyến tàu Không số đầu tiên cập bến an toàn. Chuyến tàu Không số khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển vào bến Vũng Rô.
Bến Vũng Rô nằm ngay dưới chân đèo Cả, phía Đông quốc lộ 1, là bến nước sâu, êm sóng, liền kề có nhiều hang, gộp đá có thể làm nơi cất giấu nhiều loại khí tài. Từ Vũng Rô có những tuyến hành lang an toàn đến Hòa Hiệp, Hòa Xuân và lên căn cứ của Tỉnh ủy Phú Yên, căn cứ Liên Tỉnh ủy 3 và các tỉnh Nam Tây Nguyên.
Hàng trăm thanh niên xung kích, dân công Hòa Hiệp, Hòa Xuân theo những con đường mòn bí mật len theo khe núi, đèo dốc đã vận chuyển hàng trăm tấn khí tài về hậu cứ, tỏa đi khắp các chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên, trang bị kịp thời cho những trận đánh lớn, mở rộng vùng giải phóng…
Việc tiếp nhận vũ khí, thuốc men chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk từ các chuyến tàu Không số được quân, dân Phú Yên tổ chức chu đáo, chặt chẽ. Cùng với đó là câu chuyện về tinh thần dũng cảm, mưu trí, kiên cường của bộ đội, du kích, dân công đã nỗ lực bốc dỡ, chuyển tải vũ khí từ tàu vào bờ và đưa vũ khí đến các chiến trường.
Thượng úy Tống Trọng Điểm và ngư dân Lưu Bá Còn ngồi ôn lại kỷ niệm những ngày làm nhiệm vụ ở bến Vũng Rô. Ảnh: NGỌC DUNG |
2. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, dù trải qua nhiều nhiệm vụ ở các đơn vị khác nhau nhưng ông Tống Trọng Điểm không thể quên thời gian cùng đồng đội làm nhiệm vụ đón những chuyến tàu Không số, bảo vệ bến tàu, tổ chức bốc dỡ vũ khí chuyển về tuyến sau.
Trong căn nhà nhỏ ở khu phố Phú Thọ 3 (phường Hòa Hiệp Trung), ông Điểm bồi hồi, nhớ lại: “Khi ấy, khí thế dân quân Hòa Hiệp ngút trời. Hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, dân công, du kích Hòa Hiệp và các địa phương khác không sợ gian khổ, hy sinh, tham gia chiến đấu, bảo vệ, vận chuyển vũ khí, hàng hóa tại bến Vũng Rô chuyển đến các chiến trường, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng ở Phú Yên và Khu 5 phát triển để tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...”.
Cách nhà ông Điểm chưa tới 100m là nhà ông Lưu Bá Còn - một trong những ngư dân ngày ấy đảm nhận nhiệm vụ chèo ghe, vận chuyển vũ khí từ bến Vũng Rô về kho tạm. Ông Còn nhớ lại: “Hồi đó, tôi mới hơn 20 tuổi cùng anh em ngư dân trong làng được huy động vào đội chèo ghe vận chuyển vũ khí ngay trong đêm. Lúc ấy, chúng tôi chèo ghe cả đêm, được tham gia hoạt động vì nước, vì dân, chúng tôi vui lắm!”.
Tại bến Vũng Rô, còn có câu chuyện về nắm đất làm quà đến bây giờ đã trở thành biểu tượng đẹp của tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là cô dân công Nguyễn Thị Tảng quê ở Hòa Hiệp đã trao cho Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất Vũng Rô gói trong chiếc khăn tay khi tàu sắp rời bến, để gửi tấm lòng quân dân Phú Yên ra miền Bắc.
Câu nói của cô dân công: “Bà con quê hương Phú Yên xin gởi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô - mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ” đã khiến vị thuyền trưởng lặng người xúc động tiếp nhận nắm đất Vũng Rô như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt. Nắm đất thiêng Vũng Rô đã được các thủy thủ nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển, hiện đang đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân.
3. Những năm chiến tranh chống Mỹ xâm lược, Hòa Hiệp khi ấy phía Nam là cảng biển quân sự Vũng Rô, phía Bắc là sân bay Đông Tác của Mỹ, phải đấu tranh trực diện với kẻ thù. Hòa Hiệp là nơi tranh chấp, ta và địch quyết liệt giành nhau từng tấc đất, có những trận đánh ác liệt, kéo dài nhiều ngày liền.
Trên quê hương làng cát này đã có bao người con ngã xuống từ những cuộc càn quét đẫm máu của địch. Từ trong đau thương mất mát, bao thế hệ người con làng cát nung nấu ý chí đấu tranh, sẵn sàng xông pha trên những tuyến đầu đánh giặc. Với ý chí kiên cường, đồng lòng, anh dũng, quả cảm, quân và dân Hòa Hiệp đã bẻ gãy các trận càn của địch khiến quân thù khiếp sợ.
Ông Tống Trọng Điểm là Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp những năm đầu sau ngày giải phóng, tự hào: “Ngày ấy, bà con ở đây không lo sợ cái chết đến với mình, mà chỉ có lòng căm thù giặc. Hòa Hiệp là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”.
… Sau ngày đất nước giải phóng, những cán bộ chiến sĩ, người dân làng cát anh dũng, kiên cường năm xưa trở về với đời thường bắt tay xây dựng lại quê hương trên đống đổ nát, hoang tàn bởi bom đạn chiến tranh. Họ hăng hái lao động sản xuất, chung tay dựng xây cuộc sống mới trên mảnh đất cha ông.
Gần 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, chúng tôi về lại vùng đất “vành đai trắng” năm nào thật khó nhận ra dấu tích chiến tranh khốc liệt ngày ấy. Những nhà máy, khu công nghiệp, khu phố mới với nhà cửa khang trang, sầm uất thay cho những làng quê cát trắng năm nào. Làng cát bây giờ nhìn đâu cũng thấy màu xanh thanh bình, no ấm, hạnh phúc!
Ở tuổi 82, ông Tống Trọng Điểm nở nụ cười hạnh phúc: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình, vượt qua hòn tên mũi đạn của kẻ thù, được sống trong những tháng ngày đất nước hòa bình, chứng kiến quê hương đổi thay, phát triển từng ngày như hôm nay, trong lòng tôi vui sướng, hạnh phúc lắm!”. |
NGỌC DUNG