Bến thì phải có tàu vào. Tàu vào không có bến thì không ai đón. Bến và tàu gắn bó với nhau. Chiều dài thời gian làm cho nghĩa tình giữa những người lính trên tàu Không số với những người lính ở bến Vũng Rô càng thêm sâu đậm.
1. Một ngày giữa tháng 11/2024, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số, cùng ông Trần Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội CCB Phú Yên; ông Ngô Văn Định, Trưởng ban Liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô... vào Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) thăm ông Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội bảo vệ bến Vũng Rô, mật danh K60. Đi cùng những người lính đã kinh qua bao trận mạc có cả bạn đời của họ.
Ông Ngô Minh Thơ vừa trải qua bạo bệnh, phải điều trị dài ngày tại TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Khi biết ông Thơ xuất viện về nhà, vị thuyền trưởng tàu Không số năm nào liền cùng các đồng chí vào thăm.
Đi lại rất khó khăn, ông Ngô Minh Thơ vui lắm khi “đoàn” của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh đến nhà. Bao kỷ niệm ùa về - kỷ niệm về quãng thời gian ông Thơ làm liên lạc cho chính trị viên và đại đội trưởng K60. Những lời thăm hỏi ân cần, những câu chuyện sôi nổi càng thắt chặt mối dây gắn kết giữa tàu và bến.
Cách đây 60 năm, trong khói lửa chiến tranh, nghĩa tình giữa tàu Không số với bến Vũng Rô đã sâu đậm.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ như in lần đầu tiên tàu Không số vào bến Vũng Rô đêm 28/11/1964. “Phút gặp gỡ đầu tiên vui mừng xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai hàng nước mắt chảy ròng nghẹn ngào không nói nên lời. Anh Sáu và các anh ở bến bắt tay anh em trên tàu. Siết chặt tay anh mà lòng tôi không cầm được nước mắt. Không ngờ anh Sáu (ngoài kia tôi được chỉ thị vào gặp anh Sáu Râu) lại chính là anh Trần Suyền - ông Tú đầu tiên và duy nhất quê tôi, ở cách nhà tôi không quá 30 phút đi bằng xe đạp. Đồng chí Trần Suyền, khi đó là Ủy viên Ban Chấp hành Khu ủy Liên khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trực tiếp làm bến trưởng” - Anh hùng Hồ Đắc Thạnh viết trong hồi ký Nhớ và ghi lại.
Kỷ niệm, tình cảm với Bến trưởng Vũng Rô luôn lấp lánh trong tim. Sau này, kỷ niệm đó được thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đưa vào bài thơ Khóc người Bến trưởng Vũng Rô:
“... Nhớ ngày về lại quê hương
Gặp anh ở tại chiến trường Vũng Rô
Niềm vui đến thật bất ngờ
Anh ôm tôi chặt mắt mờ lệ rơi
Con tàu Không số đây rồi!
Biết bao ngày tháng đứng ngồi đợi trông...”
Bài thơ là nén tâm hương tiễn biệt một đồng chí, một người con ưu tú của quê hương Phú Yên.
Lại nói về tàu Không số và bến Vũng Rô. Sau chuyến đi thứ nhất vào Vũng Rô thắng lợi, trên hành trình trở lại miền Bắc, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nghĩ mãi về những dân công bốc dỡ hàng ở bến. Khi nhận thấy nhiều anh em rất mệt, ông hỏi thì họ cho biết: “Mấy bữa rày tụi tui ăn trái sung, chờ đón tàu vào”. Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh ngạc nhiên: “Sao phải ăn trái sung? Phú Yên có lúa gạo mà”. Anh em trả lời: “Lúa gạo ở trên kia, nhưng không qua được quốc lộ 1 - nơi có địch án ngữ”.
Về đến Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, khi họp giao ban, thuyền trưởng tàu 41 báo cáo tình hình với cấp trên và đề xuất: “Nếu tôi có đi lần thứ hai, các anh cho tôi 3 tấn gạo để anh em ở bến ăn, đủ sức bốc dỡ vũ khí”.
Nghe vậy, nhiều ý kiến không đồng tình. Có người bảo chở gạo vào Phú Yên chẳng khác nào... chở củi về rừng. Có người bảo trong đó chỉ cần vũ khí, sao lại chở thêm 3 tấn gạo, chiếm mất chỗ của 3 tấn vũ khí?
Cuối cùng, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã thuyết phục được cấp trên.
Chuyến thứ hai đưa vũ khí vào bến Vũng Rô, trên tàu có 3 tấn gạo Tám thơm của miền Bắc gửi tặng những người đang làm nhiệm vụ tại bến. Loại gạo này rất thơm ngon.
Đêm hôm đó tàu vào bến, những người làm nhiệm vụ tại bến nhận quà từ miền Bắc, nấu cơm ăn no bụng, hoàn thành việc bốc dỡ vũ khí.
Với ông Ngô Văn Định, chiến sĩ K60 ngày ấy, kỷ niệm đó thật khó quên. Ông thổ lộ: “Anh em chúng tôi ở đây ăn củ sắn củ khoai, tham gia cách mạng. Đón tàu Không số, chúng tôi được nhận quà là gạo Tám thơm”.
Vợ chồng Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, ông Trần Văn Mười, ông Ngô Văn Định đến thăm ông Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội Bảo vệ bến Vũng Rô (đứng giữa). Ảnh: CTV |
Theo Trưởng ban Liên lạc tàu Không số - bến Vũng Rô, năm đó ông và đồng đội mới mười tám đôi mươi. Gặp nhau, người trên tàu và người ở bến ôm nhau mừng rỡ. “Sau này tìm hiểu, tôi rất xúc động khi biết thuyền trưởng tàu 41 là người Phú Yên. Lúc đó quê hương mình thiếu vũ khí, thiếu đạn dược. Thuyền trưởng cùng anh em thủy thủ vượt qua sóng gió, vượt qua hàng trăm tai mắt của kẻ thù, đưa được vũ khí vào đây chi viện cho quê hương đánh giặc. Về già gặp nhau, ôn chuyện tàu và bến, tôi rất xúc động, nhất là những dịp kỷ niệm, được gặp lại anh em thủy thủ trên những chuyến tàu ngày đó. Bến thì phải có tàu vào. Tàu vào không có bến thì không ai đón. Bến và tàu gắn bó với nhau”, ông Ngô Văn Định chia sẻ.
2. Cách đây gần tròn 60 năm, quân và dân ở bến Vũng Rô cùng những người lính Hải quân trên chuyến tàu Không số thứ ba cập bến đã đón một cái tết rất đặc biệt, ấm áp tình quân dân, trong đó có nữ du kích Nguyễn Thị Tảng (quê ở Hòa Hiệp). Bà Tảng là người đã trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất Vũng Rô gói trong chiếc khăn tay khi tàu sắp rời bến và nói: “Bà con quê hương Phú Yên xin gởi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô - mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh vẫn nhớ như in cảm xúc của mình khi đó: “Cầm nắm đất Vũng Rô, lòng tôi xúc động vô cùng, coi như ôm mảnh đất Phú Yên - quê hương mình - sau những năm xa cách. Nắm đất đó tôi để trên ca bin đầu giường trong suốt hành trình ra miền Bắc và gởi lại cho Bảo tàng Hải quân”.
Bà Nguyễn Thị Tảng sống cùng gia đình tại xã An Dân (huyện Tuy An). Trong một lần đón Anh hùng Hồ Đắc Thạnh, ông Ngô Văn Định, ông Tống Trọng Điểm và ông Ngô Minh Thơ - các chiến sĩ K60 ngày đó - đến thăm, bà Tảng kể lại: “Lúc đó tôi nghĩ đơn giản: Mình đánh địch hằng ngày trên mảnh đất này, chịu đói chịu khổ trên mảnh đất này, chết cũng trên mảnh đất này. Mình gởi nắm đất Vũng Rô ra miền Bắc, cầu mong các anh đi về trọn vẹn, hoàn thành nhiệm vụ. Tấm lòng của những người tại bến Vũng Rô, của quê hương Phú Yên gói gọn trong nắm đất này gởi ra miền Bắc”.
Nắm đất Vũng Rô - nắm đất chứa đựng biết bao nghĩa tình giữa bến Vũng Rô với tàu Không số - được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân, ở Hải Phòng.
Chiều dài thời gian làm cho nghĩa tình giữa những người lính trên tàu Không số với những người lính ở bến Vũng Rô càng thêm sâu đậm. |
Chiến tranh lùi xa nhưng bản hùng ca về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn vang vọng. Đó là bản hùng ca về tinh thần quả cảm, kiên cường, được hun đúc từ khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Bến Vũng Rô của quê hương Phú Yên đã đóng góp những nốt đầy tự hào trong bản hùng ca.
Và chiều dài thời gian làm cho nghĩa tình giữa những người lính trên tàu Không số với những người lính ở bến Vũng Rô càng thêm sâu đậm.
YÊN LAN