Chủ Nhật, 05/01/2025 11:53 SA
Thú vị nơi “hợp long” đường sắt Đông Dương xưa
Thứ Bảy, 21/12/2024 10:17 SA

Có lẽ nhiều người từng lưu thông trên quốc lộ 1, hay đi tàu hỏa qua khu vực ga Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, nhưng ít ai biết nơi đây là điểm nối thanh ray cuối cùng thông tuyến đường sắt Đông Dương cách đây gần 1 thế kỷ.

 

Ngày 2/9/1936 tại Km1221, thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa ngày nay, thống đốc René Robin và hoàng đế Bảo Đại cho đặt thanh ray đường sắt cuối cùng, đánh dấu cột mốc hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt Đông Dương. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Tôi biết sự kiện nối thanh ray cuối cùng thông tuyến đường sắt Đông Dương xưa (tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam ngày nay) khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lễ khánh thành phục dựng mốc bia ghi dấu tích phát triển đường sắt Việt Nam tại thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam vào năm 2016.

 

Lưu dấu tích

 

8 năm sau, tôi cùng nhóm bạn ở TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đến khu vực đèo Cả - Vũng Rô tham quan, khi dừng chân tại ga Hảo Sơn và giới thiệu lịch sử bia đá, ai cũng tỏ ra ngạc nhiên về sự tồn tại dấu tích này của tuyến đường sắt Bắc - Nam.

 

Tấm bia phục dựng vào ngày 1/10/2016, ngay đúng vị trí từng được dựng bia cũ, qua thời gian chữ sơn màu vàng đã phai mờ, nằm khiêm tốn sát đường ray và quốc lộ 1. Cạnh đó là những tảng đá dấu tích đã bị vỡ, khắc ghi ngày 2/9/1936 diễn ra lễ nối thanh ray cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.

 

Bia phục dựng được làm bằng đá tự nhiên, cao 2m, ngang 1m. Mặt bia hướng ra Bắc được khắc bằng tiếng Việt, mặt hướng vào Nam khắc bằng tiếng Pháp, với nội dung: “Nơi đây, đường sắt xuyên Đông Dương do Paul Doumer khởi xướng để tạo ra tính thông suốt của Đông Dương đã hoàn thành vào ngày 2/9/1936 bằng việc nối đường ray từ biên giới Trung Quốc vào đường ray từ Sài Gòn ra, (Km1221, khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh”.

 

Anh Trần Văn Huy quê Phú Yên đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh tâm đắc: “Tôi đã qua lại khu vực này rất nhiều lần nhưng không hề biết tại đây có một dấu tích đánh dấu sự kiện lịch sử của ngành Đường sắt. Rất thú vị!”.

 

Tảng đá dấu tích nối thanh ray cuối cùng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương xưa bị vỡ. Ảnh: NGUYỄN QUANG

 

Tìm hiểu thêm về sự tồn tại của dấu tích này, nhóm bạn chúng tôi tìm kiếm nhiều thông tin liên quan lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam và lịch sử tỉnh Phú Yên; trong đó đáng chú ý là cuốn “Đất Phú Trời Yên” của tác giả Trần Sĩ Huệ, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018.

 

Tài liệu có đoạn: “Việc xây dựng đường sắt xuyên Việt (ngày trước gọi là xuyên Đông Dương) được đề ra từ năm 1897 thời Toàn quyền Paul Doumer. Qua 39 năm xây dựng, từng đoạn ngắn từ Bắc vào và từ Nam ra, ngày 7/1/1936, đường ray được đặt tới Tuy Hòa”.

 

Cũng theo tài liệu “Đất Phú Trời Yên”, tuyến đường sắt qua Phú Yên từ ranh giới tỉnh Bình Định đến ranh giới tỉnh Khánh Hòa dài 120km, là đoạn hoàn thành cuối cùng trong hệ thống đường sắt xuyên Việt. Ngày 2/9/1936, trong buổi lễ tại Km1221 phía Nam ga Hảo Sơn dưới chân đèo Cả, vua Bảo Đại mặc quốc phục, cầm cờ lê, làm động tác siết bu lông nối ray, chính thức công nhận đã hoàn thành.

 

Các tài liệu nghiên cứu khác cũng cho biết, tại nơi nối thanh ray thông tuyến đường sắt xuyên Đông Dương ngày ấy dựng một tấm bia bằng đá nguyên khối, trên đó khắc những dòng chữ bằng tiếng Pháp ghi dấu con người, sự kiện liên quan.

 

Tư liệu giá trị

 

Không chỉ du khách muốn tìm hiểu về dấu tích nơi nối thanh ray cuối cùng của tuyến đường sắt năm xưa, nhiều giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh cũng tìm hiểu về dấu tích này để phục vụ việc giảng dạy các môn Lịch sử, Giáo dục địa phương, trong đó có thầy Nguyễn Bảo Toàn, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Văn Linh (TX Đông Hòa).

 

Du khách tìm hiểu thông tin khắc ghi trên tấm bia phục dựng ngày 1/10/2016. Ảnh: NGUYỄN QUANG

 

Thầy Bảo Toàn tìm đến dấu tích này để chụp ảnh, ghi lại nội dung trên các phần còn lại của tấm bia cũ cũng như trên bia phục dựng để làm tư liệu phục vụ giảng dạy. Thầy Bảo Toàn nhận xét rằng tấm bia mới được phục dựng góp phần giúp người dân, du khách và những người quan tâm đến ngành Đường sắt qua lại nơi này biết được đây là địa điểm lưu dấu một phần lịch sử quan trọng của tuyến đường sắt Đông Dương xưa, đường sắt thống nhất Bắc - Nam ngày nay.

 

Hiện tại, màu sơn vàng những dòng chữ khắc trên bia đá phục dựng năm 2016 đã phai màu, khó đọc. Nhiều người băn khoăn khi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2035, không biết dấu tích của tuyến đường sắt năm xưa tại thôn Hảo Sơn Bắc có bị lãng quên!?

 

Chúng tôi đem băn khoăn này trao đổi với lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Phú Khánh và nhận được thông tin lạc quan rằng trong lộ trình chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam (21/10/1946-21/10/2026), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có chủ trương phục dựng nguyên bản tấm bia đã được dựng ngày 1/10/1936 tại khu vực ga Hảo Sơn.

 

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh cho biết, chủ trương phục dựng nguyên bản tấm bia đã có, đơn vị đang khảo sát, triển khai thực hiện để hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam.

 

Ngoài sự kiện nối thanh ray cuối cùng, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương do người Pháp xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX, còn có sự kiện đáng nhớ nữa là lễ khánh thành toàn tuyến cũng diễn ra ngày 1/10/1936 tại khu vực ga Hảo Sơn, với sự chứng kiến của Toàn quyền Đông Dương tạm quyền A.Sylvestre, hoàng đế Bảo Đại.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghĩa tình tàu và bến
Chủ Nhật, 08/12/2024 10:08 SA
Trở lại Seoul
Chủ Nhật, 06/10/2024 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek