Thứ Ba, 07/01/2025 08:11 SA
Những người lính Thành cổ Quảng Trị và ký ức không thể nào quên
Chủ Nhật, 15/09/2024 08:00 SA

“Sáng cuối thu này, nắng ấm đang lên trong tiết trời se se lạnh. Chúng tôi, 3 người lính già nhâm nhi ly cà phê, nhìn các cháu học sinh khăn quàng đỏ tươi tung tăng đến trường; người người bình yên ngược xuôi đi làm mà lòng rộn niềm vui chen nỗi bâng khuâng. Biết bao đồng đội chúng tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến dữ dội, khốc liệt năm xưa mà không được thấy cảnh thanh bình này!”.

 

Bác sĩ Lê Văn Thức (phải) thăm cựu chiến binh Nguyễn Phước. Ảnh: THÁI HÀ

 

Đó là lời của bác sĩ Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, người lính đã may mắn trở về sau 81 ngày đêm khói lửa cùng đồng đội bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ông đang ngồi đó, kể cho tôi nghe về một mùa hè của tuổi trẻ bi tráng, hào hùng mà cũng đầy sâu lắng!

 

Đi qua những ngày hoa lửa

 

Hồi tưởng những năm tháng nhiều buồn vui, bác sĩ Lê Văn Thức cho biết, ấy là lúc ông vừa học xong năm thứ hai Trường đại học Y Hà Nội. Ở lứa tuổi thanh niên nhiều mộng mơ, ông xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện và bổ túc thêm về nghiệp vụ y tế, cấp trên điều ông về Đại đội Quân y 24, Trung đoàn 101, thuộc Sư đoàn 325D chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Cuộc đời người lính của một sinh viên y khoa bắt đầu bất ngờ và bình dị như vậy!

 

Ngày ấy, Quảng Trị là chiến trường ác liệt. Suốt ngày đêm, máy bay phản lực, B52, pháo hạm ở biển và đất liền của địch bắn phá không lúc nào ngớt. Ngay ngày đầu tiên bác sĩ Thức cùng đồng đội bước chân đến phía Bắc sông Thạch Hãn, bom của máy bay B52 đã làm cho đội phẫu thuật Đại đội Quân y 24 hy sinh gần hết. Mấy ngày sau, khi trung đoàn bộ binh và đại đội quân y về ở vùng Đại Áng, B52 tiếp tục thả trúng hầm làm chủ nhiệm hậu cần và các chiến sĩ cận vệ hy sinh; trung đoàn trưởng và vài chiến sĩ bị thương nặng; các y tá, sinh viên ở tuyến đại đội, tiểu đoàn hy sinh và bị thương gần một nửa.

 

Khi ấy, bác sĩ Thức công tác ở đại đội quân y trung đoàn. Từng đợt khi lực lượng quân y tuyến dưới bị hao hụt, bác sĩ Thức lại được điều xuống tăng cường. “Ở chiến trường, những người lính sinh viên y vai khoác túi cứu thương, tay mang súng trực tiếp chiến đấu cùng các đơn vị bộ binh. Còn nhớ, đêm đêm, tại hầm cấp cứu tiểu đoàn, các thương binh được đơn vị vận tải cáng về. Vào hầm, thương binh được cho uống 1 ly sữa, chích kháng sinh, băng bó và sơ cứu rồi chuyển về tuyến sau; vậy mà số lượng đông đến mức quân y phải làm việc từ đầu hôm đến mờ sáng hôm sau. Riêng các đồng đội hy sinh chuyển về, chỉ được bọc vào tấm áo ni lông, chôn vội vàng xung quanh trạm vì ngoài trời lúc nào cũng có tiếng gầm rít của bom pháo… Ngày ấy, sự sống và cái chết chỉ gần trong gang tấc”, bác sĩ Thức nhớ lại.

 

Bác sĩ Lê Văn Thức (hàng phía sau, thứ tư từ trái sang) cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm trên đường tiến vào Quảng Trị tháng 12/1971. Ảnh nhân vật cung cấp

 

Cái nắm tay quý báu ngày hòa bình

 

Sau này, khi chiến tranh đã lùi xa, tỉnh tổ chức họp mặt cựu chiến binh, bác sĩ Thức mới biết, vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết năm ấy, Phú Yên còn có 2 người lính Trung đoàn 101 vẫn đang công tác và họ đang sống gần nhau.

 

Ông Nguyễn Thanh, quê ở Hòa Trị, nay đã 76 tuổi, nhập ngũ năm 1964, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Ngày Trung đoàn 101 tham chiến ở chiến trường Quảng Trị, ông là trung đội trưởng bộ binh. Lúc đơn vị đang chiến đấu ở sân bay Ái Tử, bị B52 rải thảm, ông Thanh bị thương nặng, về quân y trung đoàn chữa trị và trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu. Qua 81 ngày đêm chiến đấu quanh Thành cổ, ông bị thương 6 lần. Sau khi giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Thanh về lại địa phương.

 

Ông Nguyễn Phước đang sống tại TP Tuy Hòa, nay đã 78 tuổi. Sau 2 lần từ chối ra miền Bắc học tập, ông được ở lại, nhập ngũ vào lực lượng công an từ năm 1964. Trong một trận chiến đấu với lính Đại Hàn, ông bị thương nên được cấp trên cho ra miền Bắc học ở Trường Sĩ quan Lục quân I. Đến năm 1971, ông là chính trị viên đại đội thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101. Thời gian ở vùng Thành cổ, ông Nguyễn Phước trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu, bị thương 2 lần. Sau khi ký kết Hiệp định Paris, ông được điều về trung đoàn bộ binh. Khi về Phú Yên, ông là chính trị viên Bộ CHQS tỉnh cho đến khi về hưu.

 

Hôm tôi cùng bác sĩ Thức đến thăm ông Nguyễn Phước, dù tuổi già và đau ốm đã làm ông quên đi nhiều thứ nhưng ký ức về những ngày còn tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị vẫn được ông lưu giữ. “Đại đội tôi làm chính trị viên đã chiến đấu giành giật với địch từng góc vườn, từng ngôi nhà. Riêng trận chiến ở cảng Cửa Việt, đơn vị tôi đánh bọn lính ngụy lấn chiếm, tuy đánh bật được chúng, giành lại đất cảng, nhưng đơn vị vừa hy sinh, vừa bị thương gần 1/3 quân số. Mỗi trận đánh qua đi, lòng tôi lại buồn rười rượi vì quân số của anh em giảm dần; buồn vì vừa cùng ngồi ăn vội bữa cơm, đã “người còn, kẻ mất”.

 

Hồi ấy, quân số được bổ sung liên tục, lính chưa biết mặt chỉ huy thì đã hy sinh rồi; cho nên sau mỗi trận đánh, anh em ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Mừng vì mình vẫn sống, tủi vì phải vùi vội đồng đội xuống đất, gạt dòng nước mắt chực rơi để tiếp tục hành quân và thực hiện nhiệm vụ. Những hy sinh, mất mát của anh em là không gì đo đếm được, để đổi lấy hòa bình hôm nay”, ông Phước xúc động hồi tưởng.

 

Về bác sĩ Thức, sau thời gian tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, đến năm 1975, ông cùng sinh viên các trường đại học được Bộ Quốc phòng, trường đại học cho về học lại. Đến năm 1983, sau khi tốt nghiệp cao học, bác sĩ Lê Văn Thức được phân công về công tác ở Phú Yên, giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu. Được sống trong hòa bình nhưng lòng ông vẫn đau đáu về những đồng đội cũ. “Hàng vạn chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn ở tuổi đôi mươi. Họ đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị”, bác sĩ Thức bùi ngùi nhớ lại.

 

Mang theo những ký ức chung về Trung đoàn 101, về những tháng ngày ác liệt và sục sôi ý chí chiến đấu của tuổi trẻ, 3 người lính già hằng năm, cứ đến Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) lại gặp nhau, cùng ôn lại ký ức những tháng ngày hoa lửa. Trong câu chuyện, ai cũng không ngờ gần 5 năm ở chiến trường Quảng Trị, nhất là qua 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ, họ có thể sống sót và trở về để tận mắt nhìn thấy hòa bình lấp lánh trên đường phố ngược xuôi, trong từng bước chân trẻ nhỏ tung tăng đến trường; để hít một hơi thật dài và nhủ lòng: Gian khổ đã qua rồi!

 

Cựu chiến binh Lê Bá Dương là đồng đội của tôi đó!

 

Ngày hòa bình, anh thăm lại chiến trường cũ và đã viết những dòng thơ xúc động thế này:

 

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

 

Bài thơ của anh cũng là tiếng lòng của chúng tôi, đã được khắc trên bia đá bên bờ Nam sông Thạch Hãn để tưởng nhớ những đồng đội của chúng tôi đã chiến đấu không tiếc tuổi xuân và vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ Quảng Trị!

 

Cựu chiến binh Nguyễn Phước

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Say lòng Lang Biang
Thứ Ba, 03/09/2024 07:00 SA
Thênh thang những vòng xe trên phố
Chủ Nhật, 11/08/2024 10:00 SA
Sông quê kể chuyện trăm năm
Chủ Nhật, 04/08/2024 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek