Khi đến Lâm Đồng, du khách không thể bỏ qua tour du lịch Lang Biang. Đỉnh núi hùng vĩ này cách TP Đà Lạt khoảng 15km, thuộc địa phận huyện Lạc Dương, có độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển. Đến đây du khách có thể ngắm nhìn suối Vàng và suối Bạc hoặc quan sát Đà Lạt huyền ảo.
Muốn lên đỉnh núi Lang Biang, du khách không phải đi bộ men theo con đường mòn hiểm trở giữa rừng thông, mất cả ngày mới đến nơi như ở thập niên 90 của thế kỷ trước; thay vào đó là xe ô tô của công ty du lịch đưa - đón, thời gian đi chỉ 20 phút.
Chuyện tình yêu đôi lứa
Chuyện kể, truyền thuyết về ngọn núi Lang Biang, được các nhà nghiên cứu lịch sử sưu tầm, ghi chép với nhiều dị bản, lý giải sự tích khác nhau; trong đó có câu chuyện tình đẹp nhưng đầy trắc trở của đôi trai gái khác bộ tộc. Chuyện kể rằng: Chàng thanh niên tên Lang của bộ tộc Lạch có lòng nhân ái, đem lòng yêu thương nàng Biang xinh đẹp, con của tù trưởng Jiềng của bộ tộc Sre.
Những ngày nàng Biang vào rừng hái hoa trái thì thiên nhiên, cây cỏ hình như thắm thiết và vui tươi hơn. Chim rừng xôn xao ca hót, những con thú hiền lành quây quần, săn đón nàng. Có lần nàng Biang vào rừng hái hoa, bị thú dữ uy hiếp thì chàng Lang xuất hiện, giải cứu. Được cứu sống khỏi nanh vuốt thú dữ, Biang e lệ cảm ơn Lang và mời dũng sĩ theo nàng về nhà để tù trưởng Jiềng đền công.
Du khách thích thú chụp ảnh bên những luống hoa trên đỉnh Lang Biang. Ảnh: NGUYỄN QUANG |
Từ đó, dũng sĩ Lang và nàng Biang xinh đẹp yêu nhau tha thiết - cho dù khác bộ tộc và ở xa nhau. Vào những đêm trăng sáng, họ thường hẹn hò nhau. Tin Biang thương yêu dũng sĩ Lang lan truyền nhanh trên cao nguyên, nhưng họ không thể đến với nhau vì mối thù hận giữa hai bộ tộc Lạch và Sre.
Biang khóc nức nở, quyết định không bắt chồng nữa và sẽ trọn đời chung thủy với Lang. Hai người đấu tranh chống lại tục lệ vô lý và sự thù hận giữa hai bộ tộc, khiến dân làng hai bộ tộc đau khổ. Sau đó, Lang và Biang lên đỉnh núi, ngồi bên nhau cho đến chết, mặc cho đêm xuống, trăng lên, sương tan, nắng xế.
Theo ước nguyện của Biang trước khi chết, cha nàng - tù trưởng Jiềng họp các tù trưởng khác trong vùng, cùng thống nhất xóa bỏ những hiềm khích trước đây. Từ đó, các bộ tộc quyết định lấy ngọn núi nơi chàng Lang và nàng Biang chết, đặt tên là Lang Biang. Mỗi năm, các bộ tộc họp và đắp mộ cho hai người và thề không chia rẽ. Từ đó ngọn Lang Biang là biểu trưng cho sự thống nhất, hòa hợp của các tộc người trong vùng.
Ngắm Đà Lạt từ trên cao
Từ trung tâm TP Đà Lạt đến Lang Biang có thể đi theo nhiều lộ trình, nhưng dễ đi nhất là đường từ Khu trung tâm Hòa Bình theo đường 3 Tháng 2 đến đường Phan Đình Phùng, tiếp tục đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường Dankia, với nhiều khúc cua, uốn lượn qua các vườn rau xanh tốt.
Đến chân núi, du khách mua vé để xe ô tô của công ty du lịch đưa lên đỉnh núi, với chiều dài khoảng 5km. Con đường quanh co được bao bọc bởi rặng thông, cùng những đoạn dốc thẳng đứng từ chân núi lên tới đỉnh, mang đến cảm giác thích thú khi chinh phục đỉnh núi này.
Đồng bào K’Ho ở chân núi Lang Biang biểu diễn điệu múa truyền thống tại một lễ hội, thu hút đông đảo du khách đến xem. Ảnh: NGUYỄN QUANG |
Chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Lâm Đồng đưa đi tham quan đỉnh Lang Biang vào một buổi chiều giữa tháng 8, trời nắng nhẹ, ít sương, se lạnh. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt về hướng Đà Lạt, thấy thành phố ẩn hiện thấp thoáng sau màn sương mù huyền ảo, được bao quanh bởi những vườn rau; dòng suối Vàng màu đỏ - màu của đất đỏ bazan đặc trưng của vùng Tây Nguyên và rừng thông hùng vĩ, mang đến cảm giác yên bình.
Dãy Lang Biang là một phần của Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà, do vậy rừng vẫn còn nguyên sinh với rất nhiều cây cổ thụ quý. Trên đỉnh thường xuyên có sương mù bao phủ. Thời điểm tốt nhất để chinh phục đỉnh núi là giữa trưa, khi sương tan dần, ngắm cảnh tuyệt vời nhất.
Ngọn núi Lang Biang đến nay vẫn là một khu rừng nguyên sinh, nên hệ động thực vật ở đây còn bảo lưu được rất nhiều loài và những bộ gen quý hiếm, có nhiều loài đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Núi Lang Biang có những loại cây lâu năm, thân rất lớn như pơ mu, thông tràm, thông ba lá, thông năm lá, thông hai lá dẹt, ngo tùng. Các nhà khảo cứu đã tìm được hơn 300 loài lan rừng ở vùng núi này. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái, môi trường, động thực vật, côn trùng… phục vụ cho nghiên cứu và du lịch dã ngoại.
Sau khi chinh phục đỉnh Lang Biang, xe đưa chúng tôi xuống chân núi và thưởng thức các món ăn đặc trưng của người dân bản địa. Cá suối, rau rừng và những sản vật khác của núi rừng - món quà của mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng người dân nơi đây được giới thiệu đến chúng tôi bằng tấm lòng chân tình. Bếp hồng rực lửa, men rượu cần hòa cùng nhịp điệu âm vang của cồng chiêng Tây Nguyên mang đến cho chúng tôi nhiều ấn tượng về hương vị, văn hóa ẩm thực của người dân sống quanh dãy núi hùng vĩ này.
Có người nói thời điểm đẹp nhất để chinh phục đỉnh Lang Biang là mùa xuân - mùa hoa anh đào nở rộ và khí hậu trong lành nhất của năm, hoặc vào mùa nắng từ tháng 11 đến cuối năm, vì thời tiết không có mưa dầm. Nhưng với chúng tôi, dù thời điểm nào trong năm, nắng đẹp hay mưa dầm thì việc tìm hiểu những câu chuyện về một Lang Biang huyền bí, cộng đồng dân cư giàu bản sắc văn hóa luôn là điều thú vị và cuốn hút.
Nhờ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, cùng với những lát cắt văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số địa phương, tất cả làm nên một Lang Biang đầy sức hút. |
NGUYỄN QUANG