Thứ Bảy, 30/11/2024 11:31 SA
Thụy Sĩ - xứ sở huyền thoại:
Kỳ 1: Đất nước nhỏ bé ẩn chứa sức mạnh kỳ lạ
Thứ Bảy, 01/02/2020 14:00 CH

Hệ thống tàu điện trong thành phố ở Thụy Sĩ rất tiện lợi cho người dân và hầu như thay thế các loại phương tiện giao thông khác. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Rất nhiều người Việt Nam đã từng nghe nói đến Thụy Sĩ, đặc biệt là cái tên Geneve. Thụy Sĩ là một nước nhỏ, bình yên và tươi đẹp. Trong tôi, Thụy Sĩ như một xứ sở huyền thoại, lòng hằng mơ có một ngày sẽ đặt chân tới đó.

 

Thụy Sĩ là một nước nhỏ nằm ở vùng núi Trung Âu. Nhìn trên bản đồ thế giới, ta thấy Thụy Sĩ nhỏ xíu nằm kẹp giữa các nước Đức, Pháp, Ý, Áo; diện tích khoảng 42.000km2, chỉ gấp 4 lần diện tích tỉnh Lâm Đồng, với gần 8 triệu dân nhưng có tới 26 bang. Đất nước nhỏ tới mức mà máy bay phản lực khi cất cánh chỉ cần đạt tốc độ vượt âm thanh là đã vọt ra khỏi biên giới của Thụy Sĩ!

Thụy Sĩ cách chúng ta 6 múi giờ. Đúng 11 giờ trưa một ngày cuối tháng 10, chiếc Su 293 E của Hãng hàng không Aeroflot gầm lên, phóng nhanh trên đường băng Tân Sơn Nhất rồi lao vút lên bầu trời chói chang nắng miền nhiệt đới, xuyên qua các tầng mây. Đạt độ cao 10.000m, chiếc máy bay nhắm hướng tây lướt đi nhẹ êm cho ta cảm giác ta đang bay về hướng mặt trời. Sau 16 giờ bay, chúng tôi đến TP Zurich lúc 21 giờ địa phương, tức 3 giờ sáng ngày hôm sau ở Việt Nam. Lúc này, những người thân mến ở nhà đang say giấc nồng, còn chúng tôi thì xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh.

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thụy Sĩ đó là nụ cười thân thiện của những nhân viên hải quan và an ninh sân bay. Nếu ai đã từng đi qua hải quan của nhiều nước thì sẽ cảm thấy rất thoải mái khi đến sân bay Thụy Sĩ, có thể nói mỗi người đi qua cổng hải quan tốn không quá một phút và đều cảm nhận thái độ vui vẻ của nhân viên chức trách. Họ luôn nói lời cám ơn và chúc may mắn những người đi qua.

 

Thụy Sĩ nhỏ tới mức mà máy bay phản lực khi cất cánh chỉ cần đạt tốc độ vượt âm thanh là đã vọt ra khỏi biên giới! Đất nước toàn núi đồi và sông hồ cùng với bàn tay chăm chút của con người tạo nên một giang sơn đẹp như tranh vẽ. Tôi chưa đọc các tài liệu nói về tổ chức giao thông của Thụy Sĩ nhưng qua trải nghiệm từ bắc xuống nam, đi lại nhiều thành phố thì thấy rằng Thụy Sĩ là một đất nước có hệ thống đường sắt phát triển cực thịnh với hệ thống đường sắt ngang dọc đất nước. Từ tàu điện trong thành phố, metro, tàu nhanh nối liền các bang, các thành phố với nhau cho đến tàu leo núi bằng đường sắt răng cưa… Tất cả đều hiện đại, tiện lợi, nhanh chóng và đúng giờ; các bạn Thụy Sĩ nói vui rằng những con tàu đúng giờ như tác phong của người Thụy Sĩ. Người Thụy Sĩ thì đúng giờ như đồng hồ Thụy Sĩ, một thương hiệu đồng hồ nổi tiếng thế giới.         

 

Với trình độ hàng trăm năm sản xuất, xây dựng đường sắt và những con tàu bán đi khắp thế giới, Thụy Sĩ đã đưa những con tàu của mình đi qua bất cứ địa hình phức tạp nào, qua sông, vượt hồ, băng ngang thung lũng sâu hàng trăm mét, xuyên lòng núi, và cả trèo lên đỉnh núi cao đầy băng tuyết. Độc đáo nhất là hệ thống đường sắt đưa du khách trèo lên đỉnh Jung Frau thuộc dãy Alpes, một dãy núi cao nhất châu Âu với đỉnh Mont Blanc nổi tiếng. Đỉnh Jung Frau cũng được mệnh danh là “Top of Europe - Đỉnh của châu Âu”. Xuất phát từ một chuyến leo núi của vua đường sắt Thụy Sĩ, ông bất chợt nảy ra ý tưởng táo bạo “Tại sao không kéo đường sắt lên đỉnh núi?”. Và họ đã làm được.

 

Ngày nay, những con tàu đã hàng ngày trèo đèo vượt thác, xuyên vào đá đưa du khách vượt lên các đỉnh núi để đến nơi cao nhất: 3.571m. Du khách đi vào một đường hầm dài được đục xuyên qua lớp băng ổn định lạnh dưới 00C để bước ra ngoài trời tuyết trắng xóa một màu trắng miên man. Những cơn gió từ đỉnh trời thổi ngang qua ngọn núi bốc tuyết bay lên phủ vào người, lạnh rát mà thú vị vô cùng. Đó là đường sắt răng cưa leo núi nổi tiếng số một của thế giới hiện nay.

 

Du khách trong đường hầm xuyên băng lên đỉnh tuyết Jung Frau. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

 

Điều thú vị là đường sắt này khởi đầu là đứa con song sinh với đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt của Việt Nam cũng do Thụy sĩ chế tạo cách đây trên trăm năm - đường sắt leo núi duy nhất ở Việt Nam, một thời được xem là huyền thoại. Ngày nay, những con tàu chạy điện đã thay thế tàu chạy bằng hơi nước xưa nên đầu máy hơi nước trở thành đồ cổ quý giá và rất đắt khách. Người Thụy Sĩ sớm nhìn ra điều đó và họ đã mua lại đầu tàu HG 4/4 hơn trăm năm trước đã từng ngược xuôi Đà Lạt - Tháp Chàm nay đang nằm hoang phế, đưa về lại nơi sản xuất ra nó. Sau khi được sửa chữa, tân trang, con tàu Đà Lạt xưa, nay làm nhiệm vụ đưa đón khách du lịch trên đèo Furka Thụy Sĩ. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về Furka để được du hành trên chuyến tàu chạy bằng hơi nước cổ điển ngạo nghễ với tiếng còi tàu hụ dài, làn sương hơi lan tỏa trong không gian, ngắm núi đồi hùng vĩ và nghĩ về thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất của nhân loại từ hàng trăm năm trước. Giá vé để lên tàu này là 60 franc Thụy Sĩ (một franc Thụy Sĩ bằng 23.000 đồng, cao hơn USD một tí). Các bạn Thụy Sĩ cho biết mỗi tháng con tàu này thu về hàng triệu USD.

 

Đi qua nhiều nơi trên đất nước Thụy Sĩ, tôi không thấy nhiều nhà cao tầng, không thấy những công trình vĩ đại, không thấy sự hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ã; chỉ thấy sự êm đềm, khiêm tốn mà đĩnh đạc, ngăn nắp của đô thị, làng mạc. Bàn tay con người tác động vào thiên nhiên một cách khéo léo, hợp lý, làm cho cả đất nước nơi nào cũng đẹp một cách hữu tình, nhiều nơi phong cảnh đẹp như tranh vẽ làm nao lòng du khách và là niềm tự hào của cư dân bản địa. Đặc biệt, môi trường rất trong lành. Trời cuối thu, lá vàng rực trên các triền đồi; bầu trời xám, mưa bay bay, mặt đất ướt át nhưng đường sá vẫn sạch sẽ, thành phố tươm tất, đường vẫn đen màu nhựa và bánh xe các loại vẫn đen màu không bùn đất. Điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả dòng sông, con suối, hồ nước đều trong xanh, sạch như nước giếng. Ngay cả con sông Limat chảy qua TP Zurich hay con sông lớn chảy qua giữa thủ đô Bern với cư dân sầm uất ở hai bờ, thế mà dòng nước vẫn trong vắt nhìn thấy đá sỏi dưới đáy sâu; đàn ngỗng trời tung tăng bơi lội.

 

Những người đầu tiên mà chúng tôi gặp ở sân bay: nhân viên hải quan, an ninh sân bay… là người Thụy Sĩ. Và những ngày trên đất nước Thụy Sĩ, tôi tiếp xúc với rất nhiều người dân, cảm nhận người Thụy Sĩ thật sự hiền hòa và thân thiện. Họ từ tốn, đĩnh đạc, nhanh nhẹn nhưng nhường nhau từng bước chân trên đường, sẵn sàng giúp nhau mọi lúc. Có người bảo đây là một nước trung lập, họ không thích, không ủng hộ chiến tranh, từ 200 năm qua không có chiến tranh, không có kẻ thù. Và họ khá thân thiện với mọi người.

 

Đất nước giàu, đời sống người dân cao, Thụy Sĩ ở bên cạnh nước Đức không ít tệ nạn xã hội, kề bên nước Pháp với những cuộc biểu tình đốt phá và thỉnh thoảng là những tiếng súng tiếng bom khủng bố, sát nước Ý - nơi có nạn trộm cắp mà bất cứ du khách nào đến đó cũng đều được cảnh báo là phải đề phòng. Trong lúc biên giới giữa các nước trong cộng đồng châu Âu là biên giới mở, thế mà Thụy Sĩ vẫn thanh bình, không trộm cắp, không khủng bố, không đốt phá, không ăn xin, không kỳ thị, không tệ nạn, và rất ít tội phạm. Một đất nước nhỏ bé, con người hiền hòa, khiêm tốn nhưng ẩn chứa một sức mạnh kỳ lạ mà thế giới ngưỡng mộ!

 

Kỳ 2: Geneve - những vui buồn lịch sử

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 2: Genève - những vui buồn lịch sử
Chủ Nhật, 02/02/2020 13:00 CH
Bình yên nơi ngã ba biên giới
Thứ Hai, 20/01/2020 11:55 SA
Chuyện học ở Phước Tân
Thứ Năm, 19/12/2019 13:00 CH
Anh Huy đam mê đồ cổ
Thứ Bảy, 07/12/2019 10:00 SA
Muôn lối khởi nghiệp làm giàu
Thứ Bảy, 30/11/2019 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek