Genève được mệnh danh là thành phố toàn cầu, ở đó có rất nhiều “tổng hành dinh” của các tổ chức quốc tế. Trên đường phố ta có thể gặp rất nhiều người mang quốc tịch khác nhau đang sinh sống và làm việc nơi này.
Chiếc ghế gãy trên quảng trường trước tổng hành dinh của Liên Hợp Quốc tại châu Âu. Ảnh: CTV |
Từ Bern, thủ đô của Thụy Sĩ đi Genève tàu chạy mất gần 2 giờ. Lúc ở Bern, loa thông tin trên tàu được phát bằng tiếng Đức, nhưng tàu chạy ra khỏi thủ đô, tôi lại nghe họ phát thanh bằng tiếng Pháp. Tìm hiểu mới biết người Thụy Sĩ thường dùng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Romansh. Mỗi vùng thường dùng phổ biến một ngôn ngữ theo truyền thống. Người Genève dùng tiếng Pháp là phổ biến.
Genève, một thành phố ở miền Nam Thụy Sĩ, nằm bên bờ hồ Genève rộng mênh mông. Bờ bên kia xa thẳm là những dãy núi như mọc từ dưới đáy nước vươn thẳng lên trời; bên này là thành phố hoa lệ, một sự tương phản mà gắn kết hợp lý tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, như một bức tranh sơn thủy và nhân sinh sống động. Genève chỉ có gần 200.000 dân, tương đương với TP Đà Lạt nhưng sầm uất, nhộn nhịp; bến tàu hiện đại, tàu vào ra không ngừng nghỉ. Genève được mệnh danh là thành phố toàn cầu, ở đó có rất nhiều “tổng hành dinh” của các tổ chức quốc tế, như trụ sở Hội Chữ thập đỏ quốc tế, trụ sở Liên Hợp Quốc tại châu Âu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… Trên đường phố ta có thể gặp rất nhiều người mang quốc tịch khác nhau đang sinh sống và làm việc nơi này.
Genève còn được mệnh danh là trung tâm tài chính, trung tâm ngoại giao quốc tế. Tòa nhà Palais des Nations (Nhà của các quốc gia) là nơi thường xuyên diễn ra các hội nghị quốc tế, các cuộc ngoại giao, đàm phán liên quốc gia. Tòa nhà được xây xong vào năm 1938, từ đó đến nay hàng năm đều diễn ra hàng ngàn hội nghị, đàm phán quốc tế, cho ra đời hàng ngàn hiệp định, hiệp ước. Việt Nam có một hiệp định lịch sử ra đời ở đây, sau 16 năm tính từ lúc khánh thành khu nhà. Vào năm 1954, từ chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, tại đây đã diễn ra hội nghị quốc tế bàn về việc đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau 3 tháng đàm phán, tranh luận và vận động, một hiệp định đã được ký kết ngày 21/7/1954, sau đó người ta công bố là ngày 20/7/1954 mà chúng ta thường gọi tắt là Hiệp định Genève. Có nhiều điều khoản quan trọng song nội dung mà người dân vui mừng hân hoan chờ đợi đó là Pháp rút quân khỏi bán đảo Đông Dương, đình chiến, Việt Nam tạm thời lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới để hai bên tập kết quân. Sau 2 năm, tức vào năm 1956, sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Mọi người vui vì thắng lợi của ta cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán và vui vì hy vọng không còn cảnh chiến tranh bom đạn, đất nước sẽ thống nhất, thanh bình và phát triển.
Hiệp định Genève đã đưa hàng trăm ngàn quân của hai bên rời địa bàn tập kết về hai bên vĩ tuyến 17 theo quy định, hàng triệu người rời bỏ nhà cửa ra Bắc vào Nam. Lịch sử chứng minh rằng các nước lớn không dễ gì muốn chúng ta thắng lợi trọn vẹn, không dễ gì muốn chúng ta thống nhất, giàu mạnh! Bàn cờ chính trị cứ xoay chuyển và Mỹ đã nhảy vào thay chân Pháp; Ngô Đình Diệm đã lật đổ Bảo Đại lập nên cái gọi là “nền đệ nhất Cộng hòa” ở miền Nam, xóa bỏ Hiệp định Genève. Những cán bộ Việt Minh ở lại miền Nam để vận động cho cuộc tổng tuyển cử, rất nhiều người bị bắt, bị giam cầm! Biết bao chiến sĩ cách mạng bị lưu đày xa xứ, mà khắc nghiệt nhất là nhà tù Côn Đảo! Cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu! Những cán bộ và chiến sĩ tập kết ra Bắc những tưởng hai năm sau sẽ trở về, nhưng họ phải tiếp tục chiến đấu, tiếp tục hy sinh suốt 20 năm nữa. Cảnh chồng Bắc vợ Nam kéo dài hàng thập kỷ; những người vợ trẻ xa chồng lúc đôi mươi vừa tần tảo nuôi cha mẹ già, dạy trẻ vừa tham gia hoạt động tại địa phương và mong sớm có ngày đoàn tụ. Họ lại bị bắt, bị tù đày và mòn mỏi chờ mong. Đến khi gặp lại chồng thì tuổi xuân đã trôi theo thời gian tự bao giờ. Có người chờ chồng đến hết cuộc đời vẫn không gặp lại vì người đi đã vĩnh viễn không về! Ở làng quê tôi chỉ trăm nóc nhà đã có hơn 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các con bà lớn lên cũng đã lên đường đi theo lý tưởng của cha và cả cha cùng con đều nằm lại ở chiến trường!
Chiếc ghế gãy lúc đầu nhằm ủng hộ hiệp ước chống bom mìn sát thương, sau này có nhiều cách giải thích khá thú vị về nó, như đó là hình ảnh biểu tình để gửi thông điệp đến Liên Hợp Quốc, đến lãnh đạo các quốc gia về họp ở đây hãy nhớ rằng nhân loại luôn bị tổn thương bởi chiến tranh. |
Nhắc đến Hiệp định Genève, lạ lùng thay tôi lại nhớ… dì tôi. Mẹ thường kể về dì với sự kính trọng, trìu mến và cả thương cảm. Hồi đó dì tôi trẻ lắm, ở tuổi 22 dì là một cô gái xinh đẹp dịu dàng, có học thức, đã tốt nghiệp bằng Sa de femme của Pháp. Mối tình của dì với một chiến sĩ Việt Minh là mối tình đẹp mà nhiều người ngưỡng mộ. Ông ấy chưa đến tuổi 30 đã là trung đoàn trưởng của một trung đoàn từng dọc ngang khắp vùng làm cho quân Pháp khiếp sợ. Họ yêu nhau đằm thắm, tình yêu đẹp tuyệt vời của một đôi trai tài gái sắc. Thế rồi Hiệp định Genève ra đời, ông bận rộn đưa quân rời địa bàn, xuống tàu tập kết ra Bắc; dì tôi chưa được mặc áo cưới với người lính mà dì yêu. Trước ngày rời xa, họ chỉ có được vài tiếng đồng hồ tổ chức một lễ hỏi nhỏ theo phong tục và hẹn nhau 2 năm sau ông sẽ trở về, họ sẽ cưới nhau và hạnh phúc trọn đời! Thời gian cứ trôi đi, 2 năm, 10 năm rồi 20 năm, người đi vẫn biền biệt như cánh chim cuối trời; dì tôi vẫn đợi chờ héo hon như người chinh phụ xưa. Ngày gặp lại nhau tuổi đã xấp xỉ ngũ tuần, họ tâm sự nhiều về những kỷ niệm của một thời yêu nhau và kể về những năm tháng nhớ mong. Dì khóc, nhưng cuộc sống nhiều lẽ, dì vẫn một mình cô đơn đến cuối đời.
Đất nước có biết bao người phụ nữ ở cả hai phía buồn đau! Thế giới có biết bao người phụ nữ buồn đau như thế bởi chiến tranh! Thời gian sau này, ai đến Genève sẽ được chiêm ngưỡng một chiếc ghế gãy đặt hiên ngang giữa quảng trường đối diện với tòa nhà Palais des Nations và “tổng hành dinh” của tổ chức Liên Hợp Quốc tại châu Âu. Ở đó người ta đã dựng lên một chiếc ghế gãy một chân; cái chân gãy bị dập nát như bị bom mìn tàn phá tạo nên cảm xúc mạnh cho người xem. Chiếc ghế gãy lúc đầu nhằm ủng hộ hiệp ước chống bom mìn sát thương, sau này có nhiều cách giải thích khá thú vị về nó, như đó là hình ảnh biểu tình để gửi thông điệp đến Liên Hợp Quốc, đến lãnh đạo các quốc gia về họp ở đây hãy nhớ rằng nhân loại luôn bị tổn thương bởi chiến tranh. Chiếc ghế do Tổ chức Handicaft International (Những người tàn tật thế giới) ủy nhiệm cho nhà điêu khắc Thụy Sĩ Daniel Berset thực hiện. Ghế cao tới 12m, nặng 5,5 tấn. Lúc đầu người ta dự tính chỉ để ở đó 3 tháng rồi tháo dỡ, nhưng do được nhiều người, nhiều tổ chức trên thế giới tán dương ủng hộ nên chiếc ghế vẫn tồn tại đến nay đã 20 năm và người ta tin là nó sẽ tồn tại lâu dài.
Những ký ức của người thân, những ký ức của thế hệ chúng tôi trong chiến tranh sau Hiệp định Genève đã theo tôi đến thành phố này. Đứng trên quảng trường trước mặt tòa nhà nơi diễn ra Hội nghị Genève vào năm 1954, tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó ở Việt Nam không mấy người biết đến TP Genève, người dân Genève cũng không mấy ai biết Việt Nam nằm ở nơi nào trên trái đất này, và đang có gì xảy ra ở đó. Nhưng như một định mệnh tên Genève của Thụy Sĩ ở bên trời Tây đã xuất hiện trên các trang lịch sử của đất nước Việt Nam ở tận trời Đông.
KỲ CUỐI: Từ nghèo đói đến cường thịnh
HOÀNG NGUYÊN