Thứ Bảy, 30/11/2024 09:55 SA
Blouse trắng
Thứ Hai, 24/02/2020 13:01 CH

Một ca mổ lấy thai nhiều cảm xúc tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân (ảnh do đơn vị cung cấp)

Từ trang phục của nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, áo blouse trắng được sử dụng vào đầu thế kỷ XX và rồi trở thành biểu tượng tấm lòng của những người bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chữa bệnh cứu người. Nhưng mấy ai biết được những giọt mồ hôi từng giờ, từng ngày… thấm vào blouse trắng.

 

Kỳ 1: Niềm vui và những… đắng cay 

 

Nghề y rất vất vả, áp lực, khắc nghiệt và nguy hiểm. Không chỉ có nỗi lo về sự cố y khoa, tai biến…, những người thầy thuốc còn đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất độc hại, nhiễm xạ. Chưa hết, họ còn nỗi lo khác, áp lực khác.

 

Không quản ngày đêm

 

Gần 30 năm làm bác sĩ sản khoa, Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Hồ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đã quá quen với những cuộc gọi lúc đêm hôm khuya khoắt, những ca mổ cứu bệnh nhân đang nguy kịch. Bác sĩ Thanh cho biết, các trường hợp cấp cứu sản khoa là không thể trì hoãn, cũng không thể chuyển đi như một số bệnh khác mà buộc phải xử trí tại chỗ. Chính vì vậy, điện thoại của ông mở suốt ngày đêm, và người đứng đầu Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên luôn trong tư thế sẵn sàng phẫu thuật cấp cứu những ca phức tạp tại bệnh viện hoặc đến các huyện, hỗ trợ tuyến dưới trong những ca khó.

 


 Một buổi sáng cách đây gần hai năm, chuẩn bị giao ban thì bác sĩ Thanh nhận được cuộc gọi của bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy An, báo rằng một bệnh nhân mang thai lần thứ hai được 39 tuần, có vết mổ cũ (có tiền sử sinh con bằng phương pháp mổ đẻ hoặc đã thực hiện các phẫu thuật khác tại tử cung), nhập viện trong tình trạng choáng nặng, nghi vỡ tử cung. Trao đổi nhanh với các phó giám đốc, bác sĩ Thanh lên xe cứu thương đi Tuy An, cùng các đồng nghiệp ở đây tiến hành mổ cấp cứu. Mở ổ bụng bệnh nhân, ê kíp phẫu thuật thấy nhận định của bác sĩ Thanh là đúng: tử cung không vỡ mà bị xoắn ngược, do hệ thống dây chằng yếu. Đây là trường hợp rất hiếm gặp. Sau khi mổ lấy thai, bác sĩ Thanh xoay tử cung của bệnh nhân trở về vị trí bình thường.

 

“Thường thì mổ cấp cứu xong rồi, mình vẫn còn lo, vì luôn có một tỉ lệ tai biến trong và sau khi mổ. Xử trí chu toàn cho bệnh nhân là điều tiên quyết để hạn chế tai biến”, bác sĩ Thanh chia sẻ.

 

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, một trong những “trọng điểm” của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các bác sĩ, điều dưỡng đã quen với những cuộc chạy đua sinh tử.


Trưa 21/1 (27 tháng Chạp), từ Sông Hinh, bệnh nhân K.Y.M được Trung tâm Y tế huyện chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu sau khi bị rắn độc cắn. Khi được đưa từ Khoa Cấp cứu đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, người đàn ông Ê Đê này ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ lập tức ép tim, đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy… và dùng huyết thanh kháng nọc rắn. “Chúng tôi điều trị tích cực trong 8 giờ, bệnh nhân tỉnh lại, mở mắt được. Tiếp tục điều trị, tình trạng của người bệnh khá dần. Trường hợp này, nếu nhập viện muộn, chắc chắn sẽ tử vong”, Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Lê Phải, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết. 

 

Trong nhiều ca cấp cứu khá ngoạn mục ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có ca can thiệp mạch vành do ê kíp can thiệp trẻ của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp thực hiện vào ngày 7/1 vừa qua. Bệnh nhân 75 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành dưới, block nhĩ thất độ 3. Đáng nói là khi nhập viện, người bệnh không có các triệu chứng điển hình của hội chứng mạch vành cấp; nhịp tim rất chậm, chỉ còn 16 nhịp/phút. Sau khi được can thiệp cấp cứu, cơ tim được tái tưới máu, nhịp tim của bệnh nhân nhanh chóng ổn định. Thời gian từ lúc tiếp nhận bệnh nhân cho đến khi kết thúc ca can thiệp cấp cứu chưa đầy 2 giờ.

 

Không cam go như tuyến tỉnh song tuyến huyện cũng có những ca mổ đầy cảm xúc. Thầy thuốc Ưu tú - BSCKI Cao Thị Hoa Lý, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân kể rằng vào tháng 11/2019, một phụ nữ mang thai hơn 39 tuần đến khám, nhờ tư vấn và nói muốn chờ thêm ít ngày nữa cho qua 3 ngày xấu thì sẽ mổ lấy thai. Sau khi khám, bác sĩ Hoa Lý khuyên thai phụ nhập viện mổ ngay bởi có vết mổ cũ, khi xuất hiện cơn gò tử cung thì có nguy cơ vỡ tử cung tại vết mổ cũ. Mặt khác thai phụ đã khô ối, em bé sẽ bị ngạt. Nghe lời khuyên, cô ấy nhập viện, được làm xét nghiệm rồi đưa đến phòng mổ. Mở ổ bụng thai phụ, kíp mổ sửng sốt khi thấy phẫu trường là một màu đen, tóc của thai nhi đã thò cả ra ngoài! “Riêng mình có cảm giác lâng lâng khó tả, vừa mừng vừa run. Mừng vì “mẹ tròn con vuông”, run vì nếu mình lơ đãng một chút, mê tín một chút, chiều ý bệnh nhân thì sẽ như thế nào”, bác sĩ Hoa Lý chia sẻ. 

 

Áp lực từ người… nhà bệnh nhân và nỗi lo bạo hành

 

Nghề y rất vất vả, áp lực, khắc nghiệt và nguy hiểm. Không chỉ có nỗi lo về sự cố y khoa, tai biến…, những người thầy thuốc còn đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất độc hại, nhiễm xạ. Chưa hết, họ còn nỗi lo khác, áp lực khác. Đó là áp lực từ người nhà bệnh nhân, là nạn bạo hành nhân viên y tế.

 

Các bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại Khoa Cấp cứu - nơi "đầu sóng ngọn gió" của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - ẢNH: YÊN LAN

 

Khoảng 22 giờ 30 ngày 21/11/2019, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên tiếp nhận 2 bệnh nhân bị thương do ẩu đả, trong đó có một người bị đâm thấu phổi và thêm một vết thương ở bụng, được sơ cứu rồi chuyển đến Khoa Gây mê - Hồi sức, chờ các kết quả cận lâm sàng cần thiết để tiến hành phẫu thuật. Bạn bè người bệnh tập trung rất đông, chửi bới, đe dọa hành hung… Họ gây áp lực là phải mổ ngay, trong khi chưa có kết quả cận lâm sàng! Họ yêu cầu bác sĩ nói rõ là ca mổ có bao nhiêu phần trăm thành công, nếu không thì chuyển viện.

 

“Tôi đang giải thích thì một người trong nhóm xông vào, giật hồ sơ đập xuống bàn, giằng cây bút rồi bóp cổ tôi”, Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Đặng Anh Toàn, Trưởng khoa, kể lại - “Họ cứ đòi mổ ngay, nhưng chúng tôi muốn mổ thì phải có cơ sở để mổ, đầu tiên là có kết quả xét nghiệm máu, có chẩn đoán hình ảnh. Chúng tôi làm việc rất khẩn trương, cố gắng rút ngắn thời gian, có thể bỏ qua một vài bước để cấp cứu theo quy trình “báo động đỏ” nhưng không thể bỏ qua tất cả các bước được”.

 

Vị bác sĩ điềm đạm, có hơn 30 năm trong nghề nói về tình thế của mình lúc đó: “Nếu không mổ cấp cứu mà đồng ý cho chuyển viện theo yêu cầu của người nhà, trên đường đi bệnh nhân choáng vì mất máu và chết, thì rõ ràng là mình sai, bởi biết bệnh nhân chuyển viện sẽ chết mà vẫn cho đi. Còn mổ tại đây mà bệnh nhân tử vong thì mình cũng “chết”, vì người ta đâu biết bệnh cảnh quá nặng mà sẽ nghĩ là mình mổ chết”…

 

Sau khi có các kết quả cận lâm sàng, ê kíp phẫu thuật do bác sĩ Đặng Anh Toàn làm phẫu thuật viên chính tiến hành mổ cấp cứu. An ninh trật tự tại bệnh viện ổn định sau khi công an phường 9 và Cảnh sát 113 có mặt.

 

Ngày 2/1/2020, một vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Phú Yên; nạn nhân là điều dưỡng N.T.T.T, công tác tại Khoa Cấp cứu. Chị T kể: “Có một bệnh nhân nghi thủng dạ dày, đã được xét nghiệm máu, chụp X-quang. Riêng giấy chỉ định siêu âm, bệnh nhân cất vào túi và quên. Khi chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, tôi kiểm tra hồ sơ thấy thiếu kết quả siêu âm, hỏi lại thì biết bệnh nhân chưa siêu âm nên lật đật đưa đi siêu âm. Thấy phòng siêu âm không có bệnh nhân, tôi đẩy người bệnh này vào. Người nhà một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tim mạch - Lão học nói tại sao tôi chen ngang vào phòng siêu âm. Tôi giải thích rằng bệnh nhân này cần siêu âm gấp để chuyển lên phòng mổ cấp cứu, vậy mà người đó vẫn la lối, lấy dép đánh vô mặt tôi”. Đối tượng đánh chị T đã bị Công an phường 9 xử phạt hành chính.

 

Chứng kiến vụ bạo hành, BSCKII Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc bệnh viện, quá bất ngờ, không biết phản ứng như thế nào. “Không thể đôi co với họ hay có phản ứng đối kháng, nhưng cam chịu thì rất uất ức, đau lòng”, ông nói. “Người dân nếu biết được đặc thù công việc của chúng tôi, sẽ hiểu vì sao chúng tôi có sự sắp đặt, xử trí như vậy. Tôi nghĩ cần có sự thấu hiểu, cảm thông của người dân, của cộng đồng; nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, của người nhà và tranh nhau bảo vệ quyền lợi đó thì sẽ gây rối rắm rất nhiều”, bác sĩ Hoàng nói thêm.

 

Phần đông những ai chọn nghề y đều xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người bệnh. Đừng để chúng tôi đơn độc với nạn bạo hành trong y tế.

 

(BSCKII Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên)

 

 Trước thực trạng bạo hành xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế trong nước, theo bác sĩ Hoàng, cần có cơ chế bảo vệ thầy thuốc đang làm nhiệm vụ, có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, góp phần giáo dục, phòng ngừa chung. Nhân viên y tế cũng phải thực hiện đúng lương tâm, trách nhiệm của mình, hiểu được tâm lý bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Hiểu thì sẽ có ứng xử phù hợp. Và sự thấu hiểu này phải đến từ hai phía.

------------------------

Kỳ cuối: Mồ hôi thầm lặng

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ông Mười “nuôi” tre
Thứ Bảy, 15/02/2020 09:58 SA
KỲ 2: Genève - những vui buồn lịch sử
Chủ Nhật, 02/02/2020 13:00 CH
Bình yên nơi ngã ba biên giới
Thứ Hai, 20/01/2020 11:55 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek