Với tình yêu và niềm đam mê cổ ngoạn, gần 20 năm nay anh Nguyễn Minh Huy (trú thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa) đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đi khắp nơi để sưu tầm, tìm kiếm hàng trăm cổ vật có giá trị, tạo nên một bảo tàng nhỏ cho riêng mình giữa một miền quê.
Xuất thân làm nghề nông, vợ làm nghề buôn bán, nhưng trong căn nhà nhỏ của anh Huy chỗ nào cũng chứa đầy cổ vật, giống như một bảo tàng thu nhỏ.
Kẻ ngoại đạo
Gần đây nhất, là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, anh Huy đã cùng với những người chơi cổ vật đem đến hàng chục món đồ cổ để trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Bởi những người chơi cổ vật như anh muốn giới thiệu lịch sử một triều đại, lịch sử văn hóa một mảnh đất qua cổ vật đến với khách thưởng lãm. |
Cuộc sống của gia đình anh Huy cũng giống như bao gia đình khác ở miền quê Hòa An là làm nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài mấy sào ruộng khoán, anh còn nuôi nai và phụ vợ làm chả, bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập.
Từ năm 1999, anh Huy “dở chứng” thích sưu tầm đồ cổ. Ngoài thời gian làm việc phụ giúp gia đình, còn lại anh dồn hết vào niềm đam mê này. Anh chịu khó đi nhiều nơi tìm mua nào là đồ sứ, gốm, đồng thậm chí có những đồ đã vỡ làm đôi, làm tư… Vợ con và hàng xóm đều hết sức khuyên can. Thế nhưng, tất cả những lời khuyên đó đều không ngăn được niềm đam mê cổ vật trong anh.
Ngồi bên bộ ấm trà gốm có niên đại hàng chục năm, anh Huy kể: Từ nhỏ, tôi đã rất thích những họa tiết và hình dáng của các đồ gốm sứ cổ, nhiều lần tôi lấy đất sét để nặn theo những chiếc bình gốm cổ đó. Sau này lớn lên, qua sách vở và internet, tôi mới am hiểu những giá trị văn hóa vô giá của cổ vật, nên niềm đam mê về cổ vật qua năm tháng càng mãnh liệt và thôi thúc tôi tìm kiếm, sưu tầm.
Chỉ cần có người mách ở đâu có cổ vật giá trị là anh Huy lại lên đường. Nhiều lần anh đi đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Xuân, Sơn Hòa để săn cổ vật. Nếu như nhiều người chơi cổ vật thiên về xu hướng sưu tầm một loại cổ vật như: Đồng hồ, đồ gốm, đồ đồng, âm ly loa đài… thì anh lại chú trọng sưu tầm các loại gốm sứ từ các triều đại như Chăm, thời nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn hay gốm Quảng Đức… Vì vậy, anh thường chỉ sưu tầm những vật dụng còn tương đối nguyên vẹn vì chúng vẫn giữ nguyên được giá trị.
Chính vì vậy, bàn chân anh đã đi khắp mọi miền quê ở Phú Yên và đến cả các tỉnh, thành lân cận. Anh bảo rằng, chơi đồ cổ cũng lắm gian truân. Ban đầu, anh thường xuyên bị “cò” lừa mua phải đồ giả, mất cả chục triệu đồng. Hay nhiều khi đến nơi, nhìn trực tiếp món đồ ưng ý nhưng chủ nhân đột ngột đổi ý không bán thì coi như mất cả công sức và chi phí đi lại...
Dành quá nhiều tình yêu và đam mê cho cổ vật nên vợ chồng anh cũng nhiều phen “cơm không lành, canh không ngọt”. Vợ anh Huy tâm sự: “Thấy chồng suốt ngày đi tìm cổ vật, tôi rất buồn. Nhưng trước niềm đam mê mãnh liệt của anh ấy, dần dần tôi cũng hiểu và thông cảm cho ổng hơn…”.
Chính niềm đam mê và tình yêu với cổ vật đã giúp anh Huy vượt qua những khó khăn, thử thách để sưu tầm các món đồ cho riêng mình.
Lưu giữ giá trị văn hóa
Sau hơn 20 năm miệt mài sưu tầm, đến nay, anh Huy đã có gia tài trên 200 cổ vật gồm các đồ sành sứ của các thời Lý, Lê, Trần, Nguyễn. Không chỉ có đồ cổ Việt Nam, anh còn sưu tầm bát, đĩa, ấm chén của các triều đại nhà Minh, nhà Thanh (Trung Quốc)… Do vậy, trong nhà, những bộ tủ chè, những chiếc tủ kính đều được trưng dụng để trưng bày vô số đồ sứ, đồ gốm như: Ấm, chén, bình, chậu, chum, đĩa… các loại. Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại khác nhau rất quy củ và khoa học, trông như một bảo tàng thu nhỏ thực sự.
Theo anh Huy, mỗi cổ vật trong bộ sưu tập của anh có giá từ 5-100 triệu đồng, tùy theo niên đại và giá trị. Không chỉ đam mê cổ vật, anh Huy còn lập ra sân chơi cổ ngoạn sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần tại nhà anh để anh em chơi cổ vật Phú Yên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Để am hiểu về các cổ vật, anh Huy phải tự học, đọc nhiều sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về xã hội học, sách lịch sử về sự hình thành và phát triển của gốm sứ các nước. Với anh, chơi cổ vật không chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê, mà còn là để lưu giữ báu vật của thời gian, lưu giữ giá trị lịch sử chứ không kinh doanh. Vì vậy, mỗi khi đến dịp lễ, Tết và khi Bảo tàng tỉnh kêu gọi trưng bày hiện vật là anh và các thành viên trong hội chơi cổ vật của mình nhiệt tình đem cổ vật đến để trưng bày. Gần đây nhất là dịp kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, anh Huy đã cùng với những người chơi cổ vật đem đến hàng chục món đồ cổ để trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Bởi những người chơi cổ vật như anh muốn giới thiệu lịch sử một triều đại, lịch sử văn hóa một mảnh đất qua cổ vật đến với khách thưởng lãm.
Anh Nguyễn Văn Thi, chơi cổ vật ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, cho biết thêm: “Anh Huy rất nhiệt tình và năng nổ. Được tham gia cùng anh trong hội những người bạn chơi cổ vật, tôi hiểu hơn các giá trị của cổ vật, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến lịch sử, văn hóa nước nhà cùng một số nước khác. Do đó, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm sớm thành lập hội chơi cổ vật để những người chơi cổ ngoạn có một sân chơi thiết thực, giao lưu, trao đổi cổ vật với nhau. Để rồi qua đó, chúng ta sẽ giúp cho người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại mà tự hào, nâng niu và gìn giữ.
VĂN TÀI