Để đến trường, học sinh xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) phải vượt đường đồi cả chục cây số. Những chiếc xe đạp trị giá hơn 1 triệu đồng được các mạnh thường quân hỗ trợ khi bị hư là bỏ xó, vì vùng này không có tiệm sửa xe đạp. Những khó khăn về kinh tế, phong tục tập quán của người dân tộc Chăm, khiến tỉ lệ học sinh bỏ học ở xã Phước Tân từng lên con số 20% trong năm học. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và nỗ lực vận động của các thầy cô giáo cùng chính quyền, hội, đoàn thể đã giúp các em đến lớp, giảm thiểu tối đa học sinh bỏ học…
Trường tiểu học và THCS Phước Tân có 361 học sinh là người dân tộc Chăm. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, Trường tiểu học và THCS Phước Tân có các điểm trường thôn Ma Y, Tân Hải và Gia Trụ.
Vượt đồi tìm con chữ
Trường tiểu học và THCS Phước Tân được bao bọc bởi những ngọn đồi. Con đường bê tông nhỏ dẫn đến cổng trường không nhiều người qua lại. Khi tiếng trống trường báo hiệu giờ học kết thúc, nhiều người nghĩ con đường sẽ nhộn nhịp bởi học sinh tan trường. Nhưng không, ở đây các em không đi trên đường bê tông, mà chọn cách vượt đồi để về nhà. “Em vẫn hay đi về nhà theo cách này vì nó gần hơn. Dù leo đồi mệt hơn một chút, nhưng em rút ngắn được khoảng 2-3 cây số. Không chỉ riêng em mà nhiều bạn ở thôn Gia Trụ cũng vậy”, La O Ran Đô, học sinh lớp 5B, cho biết.
Hình ảnh học sinh nối nhau vượt ngọn đồi có thể xa lạ với những người mới đến xã Phước Tân, nhưng với người dân và nhiều thầy cô đang công tác tại trường thì đó là chuyện thường ngày. Sau khi vượt qua ngọn đồi, học sinh ở thôn Gia Trụ sẽ đi theo tuyến đường nhựa ĐT646. Từ đây, các em sẽ vượt thêm hai con dốc dài với quãng đường gần chục cây số để về đến nhà. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa dầm thì hành trình ấy không thay đổi, chỉ có khó khăn là nhân lên.
Có thể nghe được những tiếng thở dốc vì mệt của các em học sinh, nhưng vì con chữ, sự vất vả ấy giờ đã thành thói quen. Ánh mắt, nụ cười hồn nhiên mà chúng tôi bắt gặp trên gương mặt của những học sinh trên đường về nhà sau buổi học là minh chứng cho những nỗ lực giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở xã miền núi này.
Xã không xe đạp
Hàng năm, nhiều tổ chức, mạnh thường quân đến trường giúp đỡ, trao tặng xe đạp để các em bớt vất vả trên hành trình tìm con chữ. Nhưng thực tế cho thấy, những chiếc xe đạp ấy không giúp ích được nhiều cho học sinh nơi đây.
Theo thống kê của Trường tiểu học và THCS Phước Tân, trong hai năm học gần nhất, trường đã nhận khoảng 60 chiếc xe đạp để trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vượt khó trong học tập. Tuy nhiên, khi tan trường chúng tôi gần như không thấy hình ảnh học sinh sử dụng xe đạp để đi về, thay vào đó là hình ảnh vượt dốc bằng đôi chân thoăn thoắt…
Đi một vòng trung tâm xã Phước Tân dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy, nhưng để tìm thấy một chiếc xe đạp là rất khó. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về sự kỳ lạ này, một giáo viên của Trường tiểu học và THCS Phước Tân cho biết, cả xã không có một tiệm sửa xe đạp nào, nên sau một thời gian sử dụng, xe hư, không có điều kiện để sửa, gia đình các em lại để những chiếc xe ấy vào góc nhà, khi không còn chỗ để, họ bán lại cho những người mua ve chai, đồng nát đến từ thị trấn Củng Sơn.
Học sinh xã Phước Tân vượt đồi để về nhà. Ảnh: NHẬT HUY |
Nhà em La Thanh Kỳ (thôn Gia Trụ) có đến 3 chiếc xe đạp bị hỏng được xếp chồng lên nhau. “Tại sao không mang sửa để đi học”, tôi hỏi Kỳ. Câu trả lời mà tôi nghe được từ cậu học sinh lớp 8A Trường tiểu học và THCS Phước Tân là không có tiệm để sửa, nếu mang xuống chợ Trà Kê (xã Sơn Hội) hay thị trấn Củng Sơn để sửa thì vừa xa, vừa tốn kém…
“Ở đây chúng tôi chỉ sửa xe máy chứ không sửa xe đạp. Chúng tôi cũng muốn giúp bà con sửa xe cho các em học sinh nhưng phụ tùng xe đạp lên tới xã Phước Tân có chi phí tăng gấp đôi, bà con không có tiền để sửa xe”, anh Nguyễn Văn Công, chủ tiệm sửa xe máy tại xã Phước Tân cho biết.
Ông Sô Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân thừa nhận khó khăn này và địa phương đang tìm cách giải quyết câu chuyện học sinh phải lội bộ đi học trong khi xe đạp được hỗ trợ thì hư bỏ đống chỉ vì cả xã không có tiệm sửa xe đạp, qua đó giúp các em đến trường thuận tiện hơn và giảm tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Nỗ lực giúp học sinh đến trường
Theo lời ông Sô Minh Huấn, trước đây Trường THCS Phước Tân đã từng có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng lên đến 20%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Kinh tế khó khăn, việc đi lại không thuận tiện, phong tục tập quán của người đồng bào… khiến việc học trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.
Vận động học sinh đến lớp là chuyện không dễ dàng với các thầy cô giáo nơi đây. Đã nhiều năm nay, hơn 31 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học và THCS Phước Tân quyên góp tiền lương để hỗ trợ hàng tháng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lúc thì bộ quần áo, khi là dụng cụ học tập. Ngoài những món quà hàng tháng, ban giám hiệu nhà trường còn triển khai chương trình “góc học tập” gồm bộ bàn ghế, đèn chiếu sáng, sách, vở, dụng cụ học tập... Đến nay đã có hơn 10 góc học tập được thực hiện tại nhà của học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Những món quà tuy giá trị không cao, nhưng đó là tấm lòng của các thầy cô, quan trọng hơn đó như một sự nhắc nhở, từng bước nâng cao nhận thức của người đồng bào Chăm về tầm quan trọng của con chữ.
Vì điều kiện đi lại xa xôi, trong số 31 giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học và THCS Phước Tân có khoảng 10 người phải ở lại khu nội trú của trường, cuối tuần mới về nhà. Ngoài thời gian lên lớp, các thầy cô giáo đến nhà dân để nắm bắt tình hình và khi có những dấu hiệu học sinh bỏ học, họ là những người trực tiếp làm công tác vận động trước khi báo cáo cho ban giám hiệu, cùng với các hội, đoàn thể tại xã Phước Tân.
Hình ảnh thầy giáo Tổng phụ trách Đội Cao Xuân Ngọc cầm đồ nghề đến từng nhà hớt tóc miễn phí cho học sinh; các thầy giáo Trần Đình Đạt, Võ Văn Lộc... đến tận nhà tặng các em và người nhà những bộ đồ, đôi dép, vật dụng gia đình được quyên góp từ vùng xuôi đã quá quen thuộc với người dân tộc Chăm ở xã Phước Tân.
“Ngoài việc giảng dạy, hầu hết giáo viên của trường đều làm công tác từ thiện. Có được gì chúng tôi đều mang tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mình thấy vui, còn bà con thì có thêm điều kiện để cho con đến trường, góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”, thầy Cao Xuân Ngọc tâm sự.
Trường tiểu học và THCS Phước Tân được hợp nhất vào tháng 8/2018. Học sinh của trường gần 100% là người dân tộc Chăm. Phần lớn các em bị hổng kiến thức ở cấp tiểu học và khó tiếp thu kiến thức ở cấp THCS. Các em còn quen với phong tục, tập quán của người bản địa nên thường xuyên vắng, bỏ học, đặc biệt là khi có vụ mùa hoặc buôn làng có ma chay, cưới hỏi. Trước đây, tỉ lệ học sinh bỏ học khoảng 5-6%, nhưng ban giám hiệu và tập thể giáo viên nhà trường quyết tâm tăng cường công tác vận động, tìm mọi biện pháp đưa các em ra lớp. Năm học vừa qua, tỉ lệ bỏ học đã giảm, chỉ còn khoảng 2%.
Thầy Dương Văn Thông, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Phước Tân |
NHẬT HUY