Vậy là sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng chúng tôi quyết định đến đất nước Triệu Voi, theo đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo. Ấn tượng sâu sắc đọng lại trong tâm trí là sự hiền hòa, chân chất của người dân nơi vùng đất tâm linh này.
Từ Huế đi Lao Bảo, xe ngang qua những địa danh lịch sử nổi tiếng của một thời kháng chiến chống Mỹ mà mới chỉ nghe nhắc đến tên như Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, sông ĐakRông, căn cứ Làng Vây, căn cứ Khe Sanh, hay sân bay Tà Cơn… là trong trí tôi lại vang lên những giai điệu quen thuộc, vừa hào hùng vừa lãng mạn của một thời như “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái Pa Kô”, “Ơi! Dòng suối La La”, “Tiếng hát trên đường quê hương”, “Đường về Khe Sanh”…
Sau khi làm thủ tục nhập cảnh sang cửa khẩu Densavan của Lào, chúng tôi lên đường đi Thakhet theo quốc lộ 9 Nam Lào, xe chạy ngang qua Muang Phin hay còn gọi là Mường Phìn - cái nôi cách mạng của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào. Hai bên đường, cảnh vật cũng giống như ở miền Trung Việt Nam, vẫn là những ngôi nhà sàn đơn sơ bằng gỗ, khoảnh sân đất đỏ, vài con heo, gà, dê chạy loăng quăng kiếm ăn. Đang là mùa khô, cây cối xác xơ, cằn cỗi, quanh nhàhầu như không có vườn cây ăn trái, ngoài mấy cây dừa và thốt nốt còi cọc, chủ yếu là cây điệp vàng, trứng cá, móng bò, hoa ban... Một cảm giác đượm buồn chợt thoáng qua.
Đến Thakhet, một thị xã nằm bên bờ sông Mekong thì trời đã tối nhưng chúng tôi vẫn nhận ra dòng Mekong mênh mang sóng nước, xa xa bờ bên kia là những ngọn đèn nhấp nháy của TP Nakhon Phanom, Thái Lan. Sáng hôm sau, mới 5 giờ, cả phốthịThakhet vẫn đang chìm trong giấc ngủ thì những kẻ hiếu kỳ như chúng tôi đãchoàng tỉnh cơn mơ, í ới gọi nhau dậy. Phong cảnh thơ mộng bên dòng Mekong có sức cám dỗ không thể cưỡng nổi. Mọi người vội vàng chọn những bộ cánh ưng ý nhất rồi kéo nhau ra bờ sông ngay sát khách sạn tranh thủ chụp ảnh. Đường phố vắng hoe, hầu như không một bóng người, kể cả người đi tập thể dục, trong khi đó ở Tuy Hòa, vào giờ này nhiều người đã dậy và bị cuốn ngay vào dòng đời mưu sinh sôi động.
Chúng tôi tản bộ dọc bờ sông, bắt gặp ngôi chùa cổ kính. Phía đối diện có con đường bậc thang xuống sát mép nước, hai bên lan can trang trí bằng hai con thuồng luồng dáng vẻ rất dữ tợn. Trong tín ngưỡng của người Lào cổ từ hơn 2.000 năm trước, dưới triều đại vương quốc Thẻn (hay được gọi là vương quốc Nỏng Sẻ), thì thuồng luồng là thần Naga, là biểu tượng và là vật tổ của người Lào do đời sống của họ gắn liền với sông nước. Hình ảnh rắn thần Naga thể hiện trên nhiều hiện vật cổ mang tính tôn giáo, liên quan với các hoạt động tâm linh của các dân tộc Lào.
Viêng Chăn, tiếng Lào đọc là Viang Chan, còn tiếng Việt, ngày xưa gọi là Vạn Tượng hay Mường Viêng, là đơn vịhành chính địa phương cấp 1 ngang với các tỉnh khác, là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất ở Lào, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp 2. Khu vực đô thị hay nội thành, gồm 5 quận được xác định là thủ đô Viêng Chăn. Trên đường từ Thakhet đi Viêng Chăn theo quốc lộ 13, tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam dọc đất nước giống như quốc lộ 1 của Việt Nam, du khách có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt, đó là số lượng ô tô di chuyển trên quốc lộ 13 rất ít, chạy cả cây số mới gặp một chiếc xe ngược chiều, còn xe máy lại càng ít.
Nước Lào thường được gọi là đất nước Triệu Voi, hay đất nước Chùa Tháp. Theo thống kê, trên toàn bộ lãnh thổ Lào có tới 1.400 ngôi chùa tháp, trong đó đáng kể nhất là chùa tháp Thạt Luông (hay còn gọi là Thạt Luổng, That Luang), chùa Hoprakeo, chùa Si Muang (hay còn gọi là Si Muong), chùa Sisaket… Chùa tháp Thạt Luông ở Viêng Chăn được coi là ngôi chùa tháp quan trọng nhất và linh thiêng nhất, là chốn tâm linh của dân tộc và là biểu tượng quốc gia vềPhật giáo. Ngôi tháp được xây dựng từ năm 1566 dưới triều vua Xệt-thả-thi-lạt, trên phế tích của ngôi đền Ấn Độ thế kỷ XIII. Theo truyền thuyết, trong tháp còn lưu giữ xá lợi của Đức Phật, đó là một sợi tóc và mảnh xương đầu gối. Vào thế kỷ XIX, trong cuộc chiến với người Thái, ngôi tháp đã bị phá hủy nhưng sau đó được khôi phục nguyên trạng. Kiến trúc ngôi chùa tháp gồm tháp chính cao 45m theo hình nậm rượu, bao quanh là các tháp phụ, mang phong cách văn hóa và bản sắc Lào, ngôi tháp trở thành biểu tượng quốc gia, được in trên quốc huy và trên đồng tiền chính của đất nước. Bãi đỗ xe của khu tháp rộng mênh mông, chật kín các loại xe du lịch.
Du khách chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng đài vua Anouvong - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP |
Ngôi chùa cổ Sisaket ở Viêng Chăn được xây dựng từ năm 1818 với hơn 6.840 pho tượng Phật khác nhau, chủ yếu làm bằng đồng, một số mạ vàng, số khác làm từ đá, gỗ, thạch cao hay bạc, được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷXVI-XIX, trong đó có nhiều pho tượng cổ bằng đồng mạ vàng rất quý hiếm. Trong chùa còn có một thư viện gần 400 năm tuổi, lưu giữ hơn 8.000 cuốn sách cổ, chủ yếu là kinh Phật, có cuốn viết bằng tay trên lá cọ. Ở Viêng Chăn còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo nữa như Tượng đài Chiến thắng Patuxay, được xây theo phong cách kiến trúc Khải hoàn môn Paris của Pháp, nhưng mang phong cách Phật giáo theo trường phái Nam Tông, có thêm bồn hoa cây cảnh và đài phun nước nên du khách cónhiều điểm chụp ảnh thú vị.
Trên đường từ Viêng Chăn đến Savanakhet, chúng tôi ghé thăm ngôi tháp That Bot, còn gọi là tháp Dấu Chân Tiên. Vềmặt kiến trúc thì ngôi tháp không cógì đặc biệt, tiết diện hình vuông, cao khoảng 15-20m với hai màu chủ đạo là vàng và trắng. Khi hướng dẫn viên kể rằng, hiện trong tháp còn lưu giữ dấu chân của Đức Phật in trên tảng đá thì ai cũng háo hức muốn vào trong để “mục sở thị”, tuy nhiên tháp chỉ mở cửa vào những dịp đặc biệt. Vềdấu chân tay của thánh thần in trên đá, tôi đã nhìn thấy ở một số điểm di tích lịch sử danh thắng trên thế giới, gần đây nhất là tảng đáthiêng Zerusalem, Israel. Ở chỗ nào hướng dẫn viên cũng nói, nếu đặt chân tay vào những dấu vết ấy sẽ gặp may mắn. Tôi không nhớ mình đã làm theo bao nhiêu lần, nhưng chưa lần nào gặp may cả. Ở gành Đá Đĩa quê mình, có rất nhiều khối đá đẹp nhưng không nghe ai nói về dấu chân tay của thánh thần in trên đá. Nếu có, hẳn sẽ là một chi tiết quan trọng để thu hút du khách.
Theo thông lệ, người đi viếng chùa thường mua hoa để cúng lấy may. Hoa bán bên các ngôi chùa ở Lào được kết thành bórất độc đáo: bó hoa bằng lá chuối cuộn lại thành hai ống, trên nhỏ dưới to như hai cái chai, miệng mỗi chai gắn một bông cúc vạn thọ vàng, còn xung quanh thành chai gắn những bông hoa nhài trắng muốt. Màu xanh của lá chuối, màu vàng của cúc vạn thọ và màu trắng của hoa nhài tạo nên sự tương phản rất ấn tượng. Bóhoa đưa vào cúng chùa vừa đẹp vừa trang nhã, lại chiếm rất ít diện tích trên bàn thờ. Sau khi làm xong các nghi lễ, chúng tôi thơ thẩn trong khuôn viên tòa tháp rồi ra bên ngoài chụp ảnh ngôi tháp cao tới 45m và pho tượng Phật nằm ở cạnh tháp cũng rất to, tất cả đều được sơn son thếp vàng.
Với những người yêu thích nghệ thuật thì khi thăm viếng các cơ sở tôn giáo, ngoài việc cầu tự lấy may, còn có cái thú nữa là chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc. Một trong số các điểm tham quan trên đất nước Triệu Voi để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là Vườn Tượng Phật Xiengkhuan với các bồn hoa rực rỡ sắc màu. Nhưng điều quan trọng thu hút sự quan tâm của du khách chính là hàng trăm bức tượng Đức Phật và ác quỷvới những bố cục khác nhau dựa theo các câu chuyện trong kinh Phật, nhưng cuối cùng thì tất cả ác quỷ đều bị Đức Phật và thiên thần trừng trị đích đáng. Đến đây, du khách có thể lên thiên đường hay xuống địa ngục, tùy chọn, có bảng chỉ dẫn cụ thể. Dĩ nhiên, lên thiên đường thì được chiêm ngưỡng Đức Phật và các thiên thần, còn xuống địa ngục thì phải đối mặt với ác quỷ, khiến người ta sẽ phải cân nhắc trước khi làm một việc gì đó. Có thể chính vì vậy mà vườn tượng còn được gọi là Thiên đường và Địa ngục. Tôi để ý thấy nhiều gia đình đưa con nhỏ đi tham quan, và họ đều dựa vào ý nghĩa của các bức tượng để giáo huấn cho con cái về đạo làm người và luật nhân quả.
Nhân nói đến tượng đài ở Viêng Chăn thì không thể không nhắc đến tượng đài đức vua Anouvong trên bờ sông Mekong. Anouvong (1767-1829) còn được gọi là Chao Anouvong, hay Chaiya-Xethathirath III, là vị vua cuối cùng của vương quốc Viêng Chăn, trị vì từ năm 1805-1828, là con trai thứ tư của vua Bunsan. Khi vua cha bịngười Xiêm lật đổ vào năm 1779 thì Anouvong và các anh của mình bị bắt làm tù binh ở Xiêm, phải sống lưu vong Bangkok như một con tin từ 1780-1795. Mãi đến năm 1795, Anouvong mới được vua Xiêm bổ nhiệm làm Phó vương của vương quốc Viêng Chăn với tước hiệu là Somdetch Brhat Chao Maha Uparaja, làm trợ lý cho vua anh làIntharavong Setthathirath III. Năm 1805, sau khi vua anh băng hà, Anouvong lên ngôi, hiệu là Xaiya Setthathirath IV. Năm 1824, ông cho xây chùa Wat Sisaket, một ngôi chùa rất đẹp vẫn còn đến ngày nay. Tượng đài đức vua Anouvong trong khu vườn cây cối sum suê bên dòng Mekong, tay trái cầm gươm, tay phải chỉ xuống sông, dáng vẻ uy nghi như muốn khẳng định biên cương lãnh thổ quốc gia.
Kỳ cuối: Những điều kỳ thú
ĐÀO MINH HIỆP