Thứ Năm, 17/10/2024 04:01 SA
Những nơi khởi đầu của vương quốc Khmer
Thứ Bảy, 23/03/2019 09:11 SA

Nhiều người biết Angkor Thom là thủ đô của vương quốc Khmer - từng là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Nhưng lịch sử của vương triều này không khởi đầu ở đó. Có hai vùng đất thiêng liêng khác là nơi các vua Khmer đầu tiên đã chọn để tạo lập cơ nghiệp của mình. Ở những nơi đó vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích xưa…

 

Kỳ 1: Kulen - dãy núi linh thiêng

 

Nằm ở đông bắc Campuchia, dãy núi Kulen là khối núi sa thạch dài 30km, rộng 15km. Nếu tính cả những ngọn đồi lân cận phía tây bắc thì dãy núi này dài đến 40km, độ cao trung bình 400m so với mặt biển.

 

Tác giả trước cổng chùa Preah Ang Thom - Ảnh: CTV

Trên đồi Mahendra của dãy núi, vào năm 802, một người Khmer từ đảo Java trở về đã tuyên bố thành lập vương quốc Khmer độc lập, tách khỏi đế quốc Java và chọn nơi đây làm thủ đô. Đó là vua Jayavarman II, tự xưng là Devaraja (vua - thần). Do địa hình hiểm trở, mãi đến năm 1968, các nhà khảo cổ Pháp mới phát hiện khu di tích này, nhưng chiến tranh triền miên đã cản trở việc tìm kiếm và khôi phục các kiến trúc còn lại.

 

Đường lên Kulen chỉ có đoạn đầu làm bằng bê tông chắc chắn, nhìn xuống thấy đồng bằng Siem Reap ngút ngàn. Sau đoạn dốc ban đầu là địa hình thoai thoải rộng lớn với những làng mạc rải rác cùng các di tích cổ. Ngành Du lịch bố trí những trạm gác nhỏ cách nhau vài cây số để hướng dẫn du khách, vì có những đoạn đường tương đối vắng vẻ, chật hẹp.

 

Với chiếc xe máy thuê mang biển số Battambang, tôi chạy trên đường xuyên rừng qua những cây to, thỉnh thoảng lại thấy những giò phong lan lủng lẳng trên đầu, vượt qua những trảng sim rừng bát ngát, những chòi bán trái cây. Ghé vào đổ xăng tại một ngôi nhà bên đường, tôi thấy ngoài xăng được bán lẻ từng chai còn có chuối, trái cây rừng và một số mặt hàng thiết yếu khác.

 

Trong khu rừng nguyên sinh này có đến 56 ngôi đền, chùa làm bằng gạch và đá có tuổi đời ngàn năm nhưng hầu hết đã đổ nát. Ngày nay chỉ có 18 điểm đặc trưng được giới thiệu trên bản đồ chính thức gồm các đền, chùa, hang động, các nhóm tượng đá, thác nước nằm rải rác cách nhau hàng chục ki lô mét đường rừng.

 

Chùa Phật Lớn (Preah Ang Thom Pagoda) được xây dựng vào thế kỷ XVI với một cầu thang rộng nhiều bậc dẫn lên, cổng vào ấn tượng với ba nóc có hình ngọn đuốc, hai bên là tượng các cặp rắn thần Naga bảy đầu, sư tử, hổ, Dvarapala (người gác có vũ khí) canh gác. Bên trong nhiều điện thờ xây rải rác và các tượng Phật đủ cỡ được thờ dưới những tảng đá lớn tựa vào nhau tạo thành những mái che tự nhiên. Tượng Phật nổi tiếng nhất được chạm khắc trực tiếp vào đỉnh của một khối đá khổng lồ cao gần 20m, chiều rộng phần chân hàng chục mét. Phật nằm nghiêng trong tư thế nhập Niết Bàn, được sơn màu vàng ở phần thân và màu đen ở phần tóc, có chiều dài 8m và cao hơn 3m tính từ sàn chùa, là bức tượng chạm trực tiếp vào đá lớn nhất Campuchia. Xung quanh tượng là sàn bê tông đúc nối vào tảng đá, lát gạch hoa, vách bằng gỗ và kính, mái lợp tôn kẽm. Sàn tạo thành lối đi hẹp trong lòng chùa rộng chừng 1,5m kể từ hai bên thân tượng. Phần trước đầu tượng để một số vật dụng thờ cúng, phần chân tượng ngay lối vào có một không gian hành lễ. Lối vào bên trái có treo một chiêng đồng lớn, lối vào bên phải dọc theo thân tượng đặt hàng trăm tượng Phật nhỏ với nhiều thùng quyên góp từ thiện đặt dưới sàn. Từ sân của khu vực chùa chính lên đây bằng hai cầu thang rộng ngoài trời có tay vịn, nối vào khối đá ở phía chân tượng tạo thành lối vào hai bên, cũng là điểm cao tuyệt vời để ngắm cảnh núi rừng Siem Reap. Khách viếng thăm được nhắc nhở không mặc áo hở vai, quần ngắn trên đầu gối và để lại giày dép dưới chân cầu thang để tỏ lòng tôn kính. Thật tiếc là có rất nhiều dòng chữ lưu niệm được viết bằng đủ loại bút, sơn trên lưng Phật dù nơi đây có hẳn một bảng cấm bằng tiếng Anh.

 

Một người dân bản địa chờ sẵn bên chân cầu thang mời khách đi xem dấu chân thần trên núi phía sau chùa. Đường đi gập ghềnh nhưng bù lại là được xem nhiều phế tích bằng đá. Huyền sử kể rằng để xây dựng kỳ quan thế giới Angkor, có một vị thần khổng lồ đã giúp người Khmer. Vị thần còn để lại một dấu chân trên đá dài 2m, rộng 8 tấc, sâu 4 tấc. Dấu chân còn lại nằm ở tận núi Bakheng cách đây 50km, tất cả vẫn còn đến ngày nay. Sẽ không cần phân tích về nguồn gốc của nó vì dân tộc nào mà không sùng bái những vị thần của mình và truyền thuyết lúc nào cũng đẹp để cho du khách cũng như người dân được sống trong không khí của những câu chuyện cổ tích đượm màu thần thoại.

 

Srah Damrey (ao Voi) không có nước như tên của nó mà là một bộ sưu tập những con thú bằng đá khổng lồ được xem như có nhiệm vụ canh giữ núi thiêng. Đường đến đây chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc đi bộ và đôi khi khách bỗng giật mình khi thấy bất chợt hiện ra một ngôi đền đơn độc hoặc một cụm ba cổ tháp trầm mặc dưới những vòm lá rừng nhiệt đới. Đó là những tượng voi, sư tử, hổ, bò nằm uy nghiêm trong ánh sáng loang lổ xiên qua lá rừng. Có một tượng voi cao 4,5m tạc từ một khối đá cứng phủ đầy rêu xanh. Ngày xưa trên đỉnh núi này có thành phố thủ đô Mahendraparvata (thành phố của thần Indra - vua của các vị thần - vĩ đại) nay đã vùi trong lòng đất, có thể những con thú này canh giữ cổng vào thành? Năm 2012, các nhà khoa học nước ngoài đã dùng công nghệ quét tia laser và khám phá ra di tích độc đáo này cùng nhiều ngôi đền lịch sử. Và những phát hiện mới vẫn không ngừng được công bố.

 

Con suối lớn trên đỉnh núi có tên Sông Ngàn Linga (River of a thousand lingas) rộng chừng 20m, là nơi bắt nguồn của dòng sông Siem Reap chảy qua khu đền Angkor. Từ năm 1050, vua Udayadityavarman cho chặn dòng trên một đoạn dài 4.000m để chạm khắc trực tiếp các bức tranh trên nền đá lòng suối với hàng ngàn hình ảnh linga - yoni, thần Vishnu nằm trên rắn thần Ananta và vợ là nữ thần Laksmi trên đùi cùng một hoa sen trổ ra từ rốn mang hình ảnh thần Brahma, các vũ nữ Apsara… trong thời gian hơn 100 năm! Giờ đây ngàn năm đã trôi qua nhưng các kiệt tác điêu khắc này dường như vẫn bất chấp quy luật “nước chảy đá mòn”. Người Campuchia thích cho trẻ em tắm dưới dòng suối, tin rằng chúng sẽ mau lớn, khỏe mạnh và thông minh. Hàng năm vào mùa trăng sáng, lễ hội Sông Ngàn Linga được tổ chức hoành tráng tại đây. Đã qua mùa khô, dòng nước chảy mạnh làm cho các phù điêu, tượng đá chìm dưới làn nước trông càng huyền ảo, sống động. Chắc chắn vào mùa nước cạn, khi ít bị nước khỏa lấp thì trông sẽ rõ ràng, sắc nét hơn nhưng tôi tự nhủ rằng nhìn qua làn nước mới đúng ý đồ của người xây dựng cũng như việc tránh được ánh nắng nhiệt đới gay gắt sẽ làm cho các tượng bền hơn.

 

Thác nước nổi tiếng nhất gần chùa Preah Ang Thom chia làm hai cụm, cụm thứ nhất cao 5m và bề rộng 25m, cụm thứ hai cao 20m và trải rộng 15m vào mùa mưa với một hồ nước cạn dưới chân. Người Khmer tin rằng tắm trong đó sẽ phục hồi sức lực và gặp nhiều may mắn. Họ xem đây là nước thánh và thường mang về nhà để uống.

 

Kulen cũng là công trường khai thác đá để xây dựng các ngôi đền của thủ đô Angkor sau này. Vẫn còn đó vết tích các mỏ đá cổ, kênh đào dùng trong việc vận chuyển đá với chiều dài 34km và bây giờ việc phục chế các ngôi đền Angkor vẫn dùng nguồn sa thạch tại đây.

 

Ngày nay, Kulen là địa điểm du lịch khảo cổ, văn hóa, tín ngưỡng và là một nơi lý tưởng để dạo chơi hay cắm trại cuối tuần cũng như các lễ hội tôn giáo. Để làm nổi bật giá trị về môi trường và tăng cường bảo vệ nó, 375km2 rừng ở đây được chuyển thành Công viên quốc gia Kulen vào năm 1993.

 

Kỳ cuối: Hariharalaya - cố đô trước Angkor Thom

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lên sông Đà nhớ Tản Đà và Nguyễn Tuân
Thứ Bảy, 16/03/2019 07:00 SA
Lãng mạn Amsterdam
Thứ Hai, 04/02/2019 11:00 SA
Người Nhật ăn Tết
Chủ Nhật, 03/02/2019 15:00 CH
Dấn thân cùng bánh tráng gia truyền
Chủ Nhật, 27/01/2019 10:40 SA
Đường truông năm cũ
Thứ Ba, 22/01/2019 10:27 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek