Về sự độc đáo và kỳ lạ của các di tích ở Lào, không thể không nói đến cái chiêng đồng trong ngôi chùa Xay Nha Phum, một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Xavanakhet, được nhiều người đến cầu tự, kể cả các quan chức.
Xét về mặt hình dạng thì cái chiêng đồng ở đây không có gì đặc biêt, đường kính khoảng 1,5m, treo trên giá. Đối với những cái chiêng bình thường, phải gõ vào thì chúng mới kêu, còn tiếng kêu (âm thanh, độ vang xa) tùy thuộc vào kích thước, hình dạng, chất liệu, cũng như kỹ thuật chế tác cái chiêng và lực gõ vào chiêng…
Tác giả bên tượng voi ốp gốm sứ - Ảnh: LÊ DIỆP |
Nhưng cái chiêng ở Xay Nha Phum thì không nhất thiết phải gõ mà chỉ cần xoa bàn tay lên núm chiêng là nó cũng phát ra âm thanh rất to. Rồi người ta lại nói, ai vuốt mà chiêng kêu thì sẽ gặp may, nhưng khi vuốt phải thành kính, chú tâm, tin tưởng, thậm chí phải có duyên nữa thìchiêng mới kêu.
Dĩ nhiên là du khách nào cũng muốn vuốt tay vào núm chiêng cho nó kêu để lấy may, nhưng khổ nỗi không phải ai vuốt nó cũng kêu, có người vuốt nhẹ một cái là chiêng kêu ngay, thậm chí rất to, nhưng có người vuốt mãi nó cũng chẳng kêu, như tôi chẳng hạn. Tôi bực lắm, cứ vuốt đi vuốt lại mãi mà cái chiêng chẳng thèm lên tiếng, trong khi đó nhà báo Lê Diệp chỉ vuốt nhẹ một cái là ngay lập tức chiêng liền ngân lên như trêu tức.
Ra về, tôi chợt nhớ đến bức tường âm thanh bí hiểm ở đền Ta Prohn Angkor, Campuchia. Khi đó, tôi chỉ đứng dựa lưng vào tường rồi đập bàn tay lên ngực mình, ngay lập tức âm thanh vang lên, lan ra, to như tiếng cồng trong hang núi, trong khi nhiều người khác cũng làm y như tôi nhưng chỉ nghe lẹt đẹt. Người ta bảo, tôi “có duyên” với bức tường. Còn lần này, với cái chiêng, hình như tôi là kẻ “vô duyên”.
Với danh xưng là đất nước Triệu Voi, nên ở Lào có rất nhiều tượng voi làm bằng các chất liệu khác nhau như đá, gỗ, xi măng, kim loại… trang trí không chỉ ở các điểm du lịch, văn hóa mà cả ở công sở. Còn voi sống, tôi chỉ nhìn thấy đôi lần trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Đẹp nhất và độc đáo nhất có lẽ là cụm tượng voi ở Viêng Chăn, có chiều cao hơn chục mét, chính giữa là ngọn tháp trên đế hình vuông, còn bốn góc là bốn con voi trông rất hoành tráng.
Với góc độ của người làm kỹ thuật, tôi đặc biệt quan tâm đến hai chi tiết: Thứ nhất là con voi to nặng và cao khoảng 3-4m, cả cơ thể cùng với vòi và hai chân trước nâng cao, chỉ tiếp xúc với mặt đất bằng hai chân sau vậy mà voi không ngã, chứng tỏ trọng tâm và nền móng của nó phải được tính toán rất chính xác để đảm bảo độ an toàn. Thứ hai là toàn bộ công trình tượng voi đều được ốp bằng các đồ vật gốm sứ như chén, bát, đĩa, bình, lọ… còn nguyên vẹn, chứ không phải bằng các mảnh gốm sứ. Nghe nói, người ta phải sản xuất riêng nhiều lô hàng gốm sứ khác nhau cả về hình dạng, kích thước và màu sắc để ốp cho công trình này.
Trong số các ngôi chùa ở Lào, có một ngôi chùa do người Việt xây dựng, đó là chùa Phật Tích ở giữa thủ đô Viêng Chăn với tòa tháp cao 7 tầng khá nguy nga và đẹp mắt theo kiểu kiến trúc Phật giáo Nam Tông của người Lào. Tuy nhiên, đi vào từng chi tiết, ngôi chùa lại mang những nét văn hóa đặc sắc pha trộn giữa hai phái Nam Tông và Bắc Tông.
Chính giữa điện thờ là 3 bức tượng Phật kích thước lớn, được làm bằng các chất liệu khác nhau. Bức tượng Phật chính giữa được đúc bằng đồng ngay tại nước Lào từ tiền cúng dường của bà con Việt kiều, còn thợ đúc đồng thì đưa từ Việt Nam sang. Bức bên trái làm bằng gỗ, bức bên phải bằng đá.
Hơn 1.000 pho tượng Phật lớn nhỏ còn lại và các chiêng, trống trong chùa đều được chế tác tại Việt Nam rồi đưa sang đây. Tổng kinh phí trùng tu và xây mới toàn bộ ngôi chùa nghe nói lên tới gần nửa triệu USD.
Đi chơi, ngoài mục đích là chiêm ngưỡng cảnh quan và ngắm nhìn thiên hạ, khách du lịch còn có một nhu cầu quan trọng nữa là mua sắm. Chính vì vậy mà ngay trong buổi chiều đầu tiên đặt chân lên đất nước Chùa Tháp, hướng dẫn viên liền đưa chúng tôi đi chợ Sáng. Buổi chiều mà đi chợ Sáng kể cũng ngược đời, nhưng thời gian không có nhiều, phải tranh thủ tối đa.
Thực ra, cái chợ này có tên là chợ Sáng vì nó mở cửa rất sớm, 4-5 giờ sáng đã đông nghịt người, hàng hóa đa dạng, từ thủ công mỹ nghệ cho đến trang sức, dệt may, chủ yếu là hàng Trung Quốc, Thái Lan, có cả hàng Việt Nam nữa. Và có vẻ như ngôi chợ này được lập ra để phục vụ người Việt vì người bán đa số là bà con Việt kiều ở Lào, và cũng như mọi cái chợ khác trên thế giới, mua bán ở chợ là phải mặc cả.
Người bán lúc nào cũng nhăm nhăm chiếc máy tính bỏ túi để hai bên mặc cả bằng cách bấm vào máy. Mua bán kiểu này rất thú vị, nhiều người mua được những món hàng ưng ý với giá cả phù hợp, nhưng có người vừa mới mang ra khoe đã bị chê đắt.
Chợ ven đường ở Lào - Ảnh: ĐÀO MINH HIỆP |
Cũng may là hàng hóa ở chợ giá trị không lớn, nên có đắt rẻ một chút cũng chẳng mấy ai buồn lòng, vấn đề quan trọng là mua được thứ mình thích. Có vẻ như buổi chiều đi chợ Sáng chưa đã, nên vừa ăn chiều xong, cả hội lại í ới rủ nhau đi chợ đêm, họp ngay trong công viên trước mặt khách sạn.
Chợ đêm cũng đủ loại hàng hóa và cũng giống như chợ Sáng, kẻ bán người mua phần lớn cũng là người Việt, khá nhộn nhịp, hàng may mặc là chính, đủ loại từ thượng vàng đến hạ cám, nhiều nhất là hàng Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam, người mua toàn là khách du lịch, người bán đa số là người Việt nên có thể mặc cả thoải mái bằng tiếng Việt. Có người bảo, hoạt động thương mại bán lẻ ở Lào chủ yếu là do người Việt nắm giữ.
Một trong số những điểm tham quan hấp dẫn ở miền Trung Lào mà du khách không thể bỏ qua, đó là Di sản thế giới Thánh địa Phật giáo Đông Dương That Ing Hang ở ngoại ô tỉnh lỵ Savan, nằm cách Savanakhet khoảng 15km ngay bên quốc lộ 9, được vua Saysethathirath cho xây dựng vào năm 1548.
Ngôi chùa tháp được xem là điểm hành hương thứhai sau di sản văn hóa Wat Phou ở Champasak ở miền Nam Lào. Nghe nói, công chúa Thái Lan là người đã tài trợ để làm con đường vào chùa That Ing Hang.
Theo truyền thuyết, ngày xưa ngay tại chỗ tháp Xálợi ởgiữa khuôn viên chùa bây giờ cómột cây Hang cổthụ. Một vị sư già không biết từ đâu đến, hàng ngày tựa lưng vào cây Hang thiền định. Đến một ngày, vị sư già thăng thiên trong tư thế tọa thiền. Dân chúng trong vùng liền dựng lên một ngôi tháp ngay tại chỗ nhà sư viên tịch để lưu giữ xá lợi của ông và lấy tên là “Ing Hang” theo tiếng Lào tức là “tựa vào cây hang”.
Trải qua thời gian, ngôi tháp ngày càng xuống cấp, và mặc dù được người Pháp trùng tu vào năm 1930, nhưng nhiều chi tiết kiến trúc không còn như nguyên bản. Chúng tôi thơ thẩn trong khu nhà hành lễ, một số người đến chỗ nhà sư đang tụng kinh, xin ông cột chỉ tay để lấy may.
Cạnh đó có một bức tượng Phật bằng đồng chỉ cao khoảng 40cm, nếu ai nhấc lên nổi thì coi như đã được Đức Phật phùhộ độ trì không chỉ cho chuyến đi mà cho cả cuộc đời nữa. Nhiều người háo hức nhấc thử, và đúng là có người nhấc được, có người không. Tôi cũng định thử, nhưng lại sợ không “có duyên” với bức tượng như với cái chiêng đồng, nên thôi.
Chia tay với đất nước Triệu Voi, ấn tượng sâu sắc đọng lại trong tâm trí là sự hiền hòa, chân chất của người dân nơi vùng đất tâm linh này, tạo cho du khách cảm giác yên bình, nhẹ nhõm như vừa trút xong mọi vướng bận của đời sống thường nhật để an tâm vững bước trên những chặng đường mới.
ĐÀO MINH HIỆP