Thứ Sáu, 18/10/2024 00:38 SA
Tình người trong chiến cuộc
Thứ Bảy, 16/09/2017 14:00 CH

Ông Nguyễn Ngọc Trường và ông Võ Bối (bìa trái và giữa) trong lần hạnh ngộ ở Đắk Tô (Kon Tum) - Ảnh: XUÂN HUY

42 năm trước, đường 7 và đường 5 đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công chói lọi của quân, dân ta trong cuộc truy kích, tiêu diệt hơn 2 vạn quân địch rút lui từ Tây Nguyên về duyên hải miền Trung, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến ấy, ngoài nhiệm vụ bao vây, chặn đánh địch, quân dân ta còn cứu sống, nuôi dưỡng nhiều đứa trẻ bị thất lạc. Đây chính là nốt nhạc nhân văn mà đầy khí phách của bản hùng ca cách mạng đã được quân và dân ta viết nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…

 

Một ngày tháng bảy oi ả, trong ngôi nhà nhỏ của ông Võ Bối (xã Kon Đào, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) diễn ra cuộc hội ngộ đầy xúc động. Đến từ hai gia đình mang hai số phận khác nhau, từng một thời đối đầu trên hai chiến tuyến nhưng giờ đây giữa họ chỉ còn lại tình thân thiết như anh em một nhà. Với ông Võ Bối - lính của Trung đoàn 42 Bộ binh (Quân đoàn II chế độ cũ), thì gia đình ông Nguyễn Ngọc Trường, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam chính là ân nhân lớn nhất. Bởi ông Trường không chỉ cứu sống mà còn có công chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con gái của ông Bối bị thất lạc trong cuộc tháo chạy trên đường 7 năm ấy. Ông Bối nghẹn ngào: “Hồi đó, con tôi mới lên ba. Nếu không có ông Trường thì làm sao cháu nó có thể sống được đến bây giờ. Thật sự chỉ có người cộng sản các ông mới có thể làm được điều này”.

 

Khi lòng nhân lên tiếng

 

Với ông Nguyễn Ngọc Trường, hiện ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), ngày nhặt được đứa con gái nuôi trên đường 7 cách đây hơn 40 năm đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên. Hồi đó, ông Trường là thượng úy Pháo binh. Tháng 3/1975, khi đang cùng Sư đoàn 320 truy kích địch rút chạy khỏi Tây Nguyên, đến buôn Ma Lất (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa), ông nghe có tiếng khóc thét của một bé gái giữa những chiếc xe đang bốc cháy ngùn ngụt. Bất chấp hiểm nguy, ông nhảy vào bế cháu ra ngoài, rồi quyết định mang về nuôi và đặt tên Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Chị Hoa sau này trở thành chị cả của 4 đứa em trong gia đình. Bà Đặng Thị Khánh, vợ ông Trường, nhớ lại: “Khi thấy ảnh mang con Hoa về, tôi cũng hơi buồn bực vì nghĩ mình vừa sinh con xong mà chồng lại ra ngoài “tranh thủ” này nọ. Nhưng khi biết rõ mọi chuyện, cả hai quyết tâm dù có khổ đến mấy cũng phải nuôi dạy con bé nên người”.

 

Cũng hoàn cảnh ấy là trường hợp của chị Sô Thị Xuyến (thôn Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa). Năm ấy, chị Xuyến và 4 anh chị em được mẹ đưa đi di tản. Trong lúc hỗn loạn, chị và chị gái lạc vào rừng sâu. May mắn thay, chị được các cô, chú bộ đội, các cán bộ an ninh giải phóng tìm thấy khi đang bò xuống suối uống nước. Sau đó, một hộ đồng bào người Ê Đê nhận nuôi chị. Một thời gian sau, do bị bệnh nặng nên chị được ông Sô Giang Tiên, nguyên Trưởng Trạm Y tế Miền Tây Phú Yên, đưa về nhà chạy chữa và nuôi nấng cho đến khi trưởng thành.

 

Tương tự như vậy, trong lúc cùng bộ đội chủ lực ta truy kích, chặn đánh địch trên đường 7, ông Lê Chăm Ram (Lê Mo Ram), nguyên A trưởng của C18 thuộc Tỉnh đội Phú Yên (hiện đang ở Sơn Hội) nghe có tiếng khóc yếu ớt của một bé trai đi lạc trong rừng, đã nhường tất cả phần lương khô, nước uống của mình cho em. Mặc cho những lời dị nghị, ông vẫn nhận bé làm con nuôi và đặt tên là Lê Chăm Đào theo họ của người Chăm. Ông Ram trầm ngâm nhớ lại: “Khi đơn vị tôi đến nơi, khung cảnh trước mắt cực kỳ hỗn loạn. Những xác người nằm ngổn ngang bên cạnh các loại vũ khí, xe cơ giới... Trong lúc cùng đồng đội giúp đỡ những người bị thương, tôi bỗng thấy từ đằng xa có cái gì đó động đậy. Nhìn kỹ lại thì thấy thằng bé vừa đi vừa khóc, từ đầu xuống chân toàn là bùn đất, đôi mắt đầy sợ hãi, tôi liền chạy tới ôm chặt, vừa vỗ về vừa nói: Con đi với chú, về nhà chú nuôi…”

 

Anh Lê Chăm Đào, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (thứ hai và thứ ba, từ phải sang) và đại diện chính quyền xã Sơn Hội - Ảnh: XUÂN HUY

 

“Như chưa hề có cuộc chia ly”

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng những ông cha, bà mẹ nuôi vẫn cưu mang, chăm sóc những đứa trẻ bị thất lạc như con đẻ. Không chỉ cho ăn học đàng hoàng, dựng vợ gả chồng mà họ còn cho đất để xây nhà, phát triển kinh tế. Những con người tốt bụng ấy đã làm tròn trách nhiệm như bao người cha, người mẹ khác.

 

Mặc dù vậy, trong sâu thẳm tâm hồn, những người con bị thất lạc vẫn chưa thôi day dứt về thân phận, vẫn trăn trở nỗi đau của sự mơ hồ về cội nguồn, gốc gác. Vì thế, những ông cha, bà mẹ nuôi lại cất công tìm kiếm cha mẹ ruột thay con. Ngoài việc tra thông tin trên mạng, hễ nghe thấy thông tin gì, dù xa đến mấy, họ cũng tất tả lên đường. Hàng chục chuyến bôn ba lên Tây Nguyên hay xuôi Bắc vào Nam để tìm người thân cho con nhưng họ vẫn không lần ra bất cứ manh mối nào dù là nhỏ nhất. Và mỗi lần hy vọng lại là một lần thất vọng. Những chuỗi ngày đầy âu lo, thấp thỏm cứ như thế kéo dài hàng chục năm trời. Anh Lê Chăm Đào cho biết: Nhiều lần vì quá khao khát tìm lại cha mẹ ruột, tôi đã trốn gia đình lên Gia Lai, Đắk Lắk vừa làm thuê vừa hóng tin tức. Có lần tôi đến một nhà ở An Khê (Gia Lai), họ kể cho tôi nghe về trường hợp lạc con trong chiến tranh, lòng tôi mừng rơn vì thấy giống hoàn cảnh của mình quá. Sau khi nghe tôi kể, họ đã nhận tôi làm con trai của họ. Vậy là tôi ở lại làm không công cho gia đình đó. Mấy tháng sau, họ nói thẳng rằng tôi không phải là đứa con mà họ đang tìm kiếm. Tôi sốc vô cùng. May là đúng lúc đó cha nuôi cũng đi xe lên đón về.

 

Khác với anh Đào, chị Hoa và chị Xuyến may mắn hơn nhiều. Cuối năm 2009, thông qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), con gái nuôi của vợ chồng ông Trường đã tìm được cha mẹ thất lạc hiện ở huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum). Ít lâu sau, chị Xuyến cũng tình cờ tìm lại được cha mẹ ruột của mình. Ngày đó, cha ruột của chị Hoa, chị Xuyến đều là lính của chế độ cũ, trên đường di tản cả nhà đã bị thất lạc.

 

Thế là một cuộc sum họp đầy xúc động đã diễn ra tại trường quay của VTV. Những người trong cuộc không ai nói nên lời. Tất cả chỉ là những giọt nước mắt hòa lẫn trong niềm thổn thức vô bờ. Hơn 35 năm dài đằng đẵng sống trong day dứt và u hoài, cuối cùng rồi cũng đến lúc lòng người được thanh thản, an nhiên…

 

Trả ơn cho đời

 

Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng. Những đứa trẻ bị thất lạc năm xưa giờ đây có cả hai ông bố, bà mẹ, là niềm hạnh phúc thật sự không dễ gì có được trên cuộc đời này.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, con gái nuôi ông Trường, hiện có một cuộc sống ổn định với hai cậu con trai ngoan ngoãn. Anh Lê Chăm Đào cũng đang hạnh phúc bên vợ và hai con trai. Vợ anh và con trai cả đang công tác tại UBND xã Sơn Hội. Còn đứa con trai út Lê Chăm Truyền, là sinh viên tiêu biểu, vừa tốt nghiệp Trường đại học An ninh nhân dân và đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Anh Đào bộc bạch: Sau này nếu có gặp được gia đình thật sự thì tôi vẫn xem mảnh đất này là quê hương, là máu thịt bởi nhờ nó mà tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay. Giờ đây, tôi chỉ biết cố gắng hết sức để chăm lo làm ăn phát triển kinh tế cũng như có đóng góp chút gì cho thôn, cho xã.

 

Chị Sô Thị Xuyến (vừa qua đời) cũng từng có một cuộc sống ổn định với người chồng nguyên là cán bộ UBND xã Sơn Hội cùng ba người con. Trong đó, trai út là kỹ sư nông nghiệp đang công tác ở UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa). Bản thân từng là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tân Lương, chị luôn tận tụy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, chị còn theo học nghề làm thuốc từ bố nuôi để có thể chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo khổ. Sinh thời, chị từng tâm sự rằng mình làm như vậy đơn giản chỉ để trả ơn cho đời.

 

Theo thống kê chưa chính thức của các cơ quan chức năng, hàng trăm trẻ em đã bị thất lạc gia đình trên đường 7 và đường 5 vào mùa xuân năm 1975. Và kỳ diệu là hầu hết số trẻ em nói trên đều được quân dân ta cứu sống, đưa về nuôi dưỡng nên người. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, với những người bị thất lạc cha mẹ trong chiến tranh, chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để họ yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống lâu dài. Trong đó, nhiều người làm ăn khấm khá, con cái học hành thành đạt. Sau khi tìm được cội nguồn, họ cũng không theo cha mẹ ruột mà gắn bó với mảnh đất đã cưu mang, nuôi dưỡng mình nên người. Những người này, tiêu biểu như anh Đào, chị Xuyến, đều là những công dân tích cực, gương mẫu, có những đóng góp nhất định cho địa phương.

 

Vĩ thanh

 

Chiến tranh đã gây ra quá nhiều đau thương, mất mát. Nhưng cũng chính trong cái khốc liệt ấy đã nảy nở những câu chuyện tình người thấm đẫm nhân văn, làm bừng tỉnh và thay đổi biết bao số phận của mỗi con người. Câu chuyện nuôi con của những người bên kia chiến tuyến của những người cộng sản chính là biểu hiện sinh động nhất về tinh thần nhân đạo, cao cả của Đảng, Nhà nước, là sự bao dung, độ lượng của quân dân ta, là cái kết đẹp của tình người trong cuộc chiến. Và hơn hết, con đường đoàn kết, hòa hợp dân tộc không ở đâu xa mà bắt đầu từ những việc làm cụ thể nhất ở mỗi con người…

 

XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Hòn đảo của vạn ngôi đền
Thứ Bảy, 09/09/2017 14:00 CH
Tháng Tám, về nguồn Trường Sơn
Thứ Bảy, 02/09/2017 06:00 SA
Mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh
Thứ Bảy, 26/08/2017 14:00 CH
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek