Thứ Sáu, 18/10/2024 17:26 CH
Tươi mát Kỳ Châu
Thứ Bảy, 17/09/2016 14:00 CH

Cánh đồng ruộng làng được tưới nước từ hồ Kỳ Châu - Ảnh: CTV

Hồ chứa nước Kỳ Châu (xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân) không chỉ nuôi mát vùng mía cao sản rộng bạt ngàn năng suất vượt hơn 100 tấn/ha mà còn “chảy lên rừng” tưới hàng trăm hécta cây keo lai. Có nước hồ, nông dân mót từng mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo” bỏ hoang lâu năm cày lên sạ lúa. Những ngày nắng cháy da, gò mía, ruộng lúa, rừng cây ở đây vẫn xanh bạt ngàn. Bao năm qua, ruộng gò phả vào mắt của người dân ở xã đặc biệt khó khăn này một màu xanh mát mắt…

 

Xanh ngát những cánh đồng lúa, mía

 

Trưa tròn trong bóng nắng rực lửa, chúng tôi vào cánh đồng Gò Chai của xã Đa Lộc. Ruộng nơi đây được tính bằng tô (tô lúa giống), cứ mỗi tô là 100m2 và cánh đồng này có cái lạ là đám ruộng nào to lắm cũng không quá 5 tô (500m2). Ông Trần Văn Đạt, một nông dân đang nhổ cỏ, nói: Đất ở khu này trên giồng dưới dốc, khi chưa có hồ chứa nước Kỳ Châu thì bỏ hoang, khô hạn đến nỗi cỏ không ngóc đầu lên được. Từ khi nước từ hồ Kỳ Châu chảy về thì bà con mót từng đám đất chỉ rộng chừng 1 tô để cày sạ lúa. Có người ráng be bờ cày sạ ruộng ở dưới chân trảng gò, nên ruộng từ bờ này cách bờ bên kia chỉ 5 bước chân, giống như ruộng bậc thang ngoài vùng Tây Bắc. Nhờ có nước hồ nên tuy trời nắng cháy da, ruộng vẫn “đơm” màu xanh.

 

Chúng tôi lội xuống cánh đồng Hóc Lùn, Lỗ Ao. Lúa ở đây đang thì con gái mượt mà, và nhiều đám ruộng gié lúa trổ đòng thả quặt cần câu. Tại cánh đồng này, có đám ruộng không cần đi lấy nước vì nước tưới cho mía ở trên cao rồi tràn bờ chảy xuống ruộng quá tiện lợi. Ông Nguyễn Quyền đi thăm ruộng, hồ hởi: Nhà tôi có 2 đám ruộng, mỗi đám 3 tô, sạ một năm hai vụ, ăn giáp năm còn lại bồ lúa cũ. Mấy năm trước khi chưa có hồ Kỳ Châu thì một năm gieo vụ lúa thổ (lúa cạn), nắng hạn mất mùa liên tiếp nên phải đi mua gạo chợ. Giờ thì thừa lúa xay gạo ăn giáp vụ!

 

Dọc theo tuyến ĐT644 đoạn qua thôn 3 (xã Đa Lộc), nhìn ra cánh đồng Ruộng Làng, thấy lá lúa vươn cao xanh tốt sà ra bờ ruộng. Mấy năm qua, người dân thôn 3 bước ra khỏi nhà là nhìn thấy ngay màu xanh của lúa, chứ không phải đồng khô cỏ cháy như trước đây. Xuôi xuống cánh đồng thôn 1 cùng xã, lúa chín sớm, bà con đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na, Chăm H’roi đang gùi những bó to. Cánh đồng thôn 1 mỗi vụ sạ 1,7ha lúa nước, đến mùa, chủ ruộng ra be bờ cuốc khui trổ nên nước chảy vào cả ngày lẫn đêm. Còn trước đây bước vào vụ gieo sạ, ban đêm trời mưa, người dân thức giấc vác cuốc ra đồng be bờ hứng nước rồi cày bừa gieo lúa thổ. Anh Lê Văn Hường, Phó Giám đốc HTX Đa Lộc, nói: Trồng lúa có nước tưới, khi cắt gánh về gié lúa hạt sáng trưng, không như trước làm lúa thổ có năm cây lúa “tròn mình” (sắp trổ đồng) gặp nắng hạn kéo dài, lúa ăn gần đến miệng rồi vẫn mất, gié lúa đen và bị lép xẹp, sàng sảy mót từng hột lúa lừng. Hơn nữa làm lúa thổ, thời điểm cắt lúa là cuối mùa mưa nên sấy lúa trên gác bếp, gạo bị nát vụn. Còn nay, lúa phơi trong nong tre nên hạt gạo trọng suông.

 

Chúng tôi len lỏi qua các vùng mía trồng khu gò đồi Kà Te và nhìn “rừng” mía cây to, thẳng tắp một màu xanh. Anh Châu Văn Hiền, cán bộ Văn phòng UBND xã Đa Lộc, đưa khách đi thăm gò mía, cho hay: Cách đây hơn 3 năm, vùng đất khô hạn này nông dân trồng mía “ông bà” (mía ta), mới sống nổi nhưng đến kỳ thu hoạch cây nào lớn lắm chỉ bằng ngón tay cái. Còn giờ trồng mía cao sản có nước tưới, mía cao như cây sào, chặt rồi cầm nặng trịch. Anh trồng mía trên diện tích 1.000m2, vừa rồi thu hoạch được 10 tấn, tính ra năng suất đạt 100 tấn/ha (trong khi đó hiện năng suất mía của cả tỉnh mới đạt 65 tấn/ha)…

 

Hồ nuôi rừng, tưới cỏ, tắm bò

 

Từ khu gò đồi Kà Te đi theo tuyến kênh ngược về đập đầu mối hồ chứa nước Kỳ Châu đến khu rừng Từ Cho, chúng tôi thấy kênh mương chảy xuyên qua rừng keo lai, keo tai tượng. Người dân ở đây đặt ống hút nước từ kênh tưới cho khu rừng. Nguồn nước từ hồ chứa nước Kỳ Châu “nuôi” rừng keo Từ Cho mau lớn, đến 5 năm là thu hoạch.

 

Hồ chứa nước Kỳ Châu còn “dư sức” tưới cho 70ha cỏ voi, cỏ tây lai nuôi bò lai sind. Trước đây mùa nắng hạn, bò chủ yếu ăn rơm khô, tối ngủ đói. Còn nay trồng cỏ có hệ thống bơm tưới nước, nông dân mua máy cắt cỏ, xe vận chuyển và máy băm cỏ cho bò ăn cả ngày còn ăn thêm sang đêm, sáng ra bò no cành hông. Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc, cho biết: Có nước từ hồ Kỳ Châu, người nuôi bò lắp đặt ống dẫn nước về tắm bò tại chuồng, bò mướt lông mau mập. Có nước về tận nhà tiện cho việc dội chuồng tắm heo, nông dân trong xã đầu tư 10 trang trại nuôi heo siêu nạc với trên 1.000 con. Tắm heo, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng mang lại thu nhập cao nên nhiều người xây nhà lầu, mua xe và toàn xã hiện có 14 xe tải, 6 xe khách.

 

Có hồ chứa nước Kỳ Châu, người dân xã Đa Lộc không còn thức đêm gánh nước giếng. Trước đây đi làm về đôi tay đầy bùn đất, đến sẩm tối, bà con còn gánh đôi thùng đi lấy nước nhưng giếng khô nước phải ngồi chắt từng gàu đổ đầy thùng rồi gánh về. Còn nay, nước đầy tràn trong lu chát. Người dân chỉ cần làm siêng đặt ống hút từ bờ mương theo kiểu bình thông nhau đưa nước tự chảy từ mương về nhà là đủ nước dùng sinh hoạt hàng ngày.

 

Ông Phạm Thế Vụ, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: “Hồ chứa nước Kỳ Châu có hệ thống kênh dài khoảng 20km, tưới 480ha, trong đó, lúa 77ha, cỏ 70ha, còn lại là mía và cây trồng khác. Khi hồ mới khánh thành còn thiếu mương nhánh nội đồng, xã đầu tư thêm 12 kênh mương nhánh từ thôn 1 đến thôn 6. Ngoài việc tưới hoa màu, hồ còn cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.100 dân. Từ ngày có nước hồ Kỳ Châu, đời sống người dân ở xã đặc biệt khó khăn này khá lên thấy rõ”.

 

Công trình hồ chứa nước Kỳ Châu được xây dựng trên địa bàn xã Đa Lộc, với tổng kinh phí hơn 101 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, do Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh làm chủ đầu tư. Tổng dung tích của hồ là 3,5 triệu m3 nước, cao trình thiết kế mực nước dâng bình thường 141,1m; mực nước dâng gia cường hơn 144m, cao trình đỉnh đập 145m, tràn xả lũ với lưu lượng thiết kế 223,45m3/s, được đưa vào sử dụng trong quý I/2013 . Trong đợt nắng hạn gay gắt vừa qua, các hồ khác trong tỉnh như Đồng Tròn (huyện Tuy An), Phú Xuân (huyện Đồng Xuân) xuống mực nước chết, nhưng hồ chứa nước Kỳ Châu vẫn đủ nước.

 

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 1: Những cung đường Thống Nhất
Thứ Hai, 25/07/2016 07:11 SA
Nghề nấu đường đen
Thứ Bảy, 16/07/2016 11:00 SA
Tác nghiệp ở biên đảo Lý Sơn
Thứ Bảy, 09/07/2016 10:14 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek