“Đẹp. Lạ. Độc” - đó là nhận xét của nhiều du khách sau khi có trải nghiệm thú vị tại nhà nghỉ “ống cống” Circle Hostel ở thành phố hoa Đà Lạt. Mở cửa đón khách từ cuối tháng 10/2015, Circle Hostel thu hút không chỉ “dân” phượt mà nhiều du khách đứng tuổi cũng thích thú với nhà nghỉ này.
Ông chủ trẻ Nguyễn Quang Khải - Ảnh: H.AN |
DỰ ÁN TÁO BẠO CỦA CHÀNG TRAI MÊ PHƯỢT
“Cha đẻ” Circle Hostel là anh Nguyễn Quang Khải, 31 tuổi, người Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp đại học và cầm tấm bằng cử nhân Ngoại ngữ, anh Khải xuống TP Hồ Chí Minh, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Mấy năm sau, anh quyết định nghỉ việc để thực hiện ước mơ của mình: du lịch xuyên Việt và đặt chân đến một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Những chuyến đi khiến anh “bén duyên” với nghề chụp ảnh. Khải mở studio ở TP Hồ Chí Minh, ban đầu thì chụp ảnh cưới, sau chuyển sang chụp ảnh quảng cáo.
Thích phượt, đi phượt nhiều, Nguyễn Quang Khải nhận thấy các bạn trẻ đam mê phượt thường muốn có một chỗ quây quần chơi vào buổi tối. Một hôm Khải lên mạng, thấy mô hình khách sạn 4 sao ở nước ngoài với những ngôi nhà tròn tròn như cái ống trông rất đặc biệt. Anh hỏi một người bạn thân làm bên xây dựng, người đó nói rằng chi phí xây dựng ở Việt Nam cũng không cao lắm.
“Khi cùng vài người bạn phượt ngồi uống cà phê ở TP Hồ Chí Minh, tôi nói: Hay là mình kiếm chỗ nào có không gian, góc nhìn thật đẹp để làm nhà nghỉ như thế này, rồi trải thảm cỏ thật xanh, buổi tối đốt lửa trại? Các bạn nghe vậy hưởng ứng ngay. Tôi về nói chuyện với vợ. Vợ chồng bàn bạc trong vòng hai tiếng đồng hồ rồi quyết định đầu tư luôn. Tôi trở về Đà Lạt tìm mặt bằng. Phải mất gần 3 tháng, cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ này, sau đó thì bắt đầu thi công”, Nguyễn Quang Khải kể lại.
Vợ Khải là một phụ nữ trẻ quê ở Đồng Nai, làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Chị đặt niềm tin vào dự án táo bạo mang tên Circle Hostel của chồng nên nghỉ việc ở TP Hồ Chí Minh và đưa cậu con trai nhỏ trở về Đà Lạt, cùng nhau thực hiện dự án. Số tiền đầu tư xây dựng nhà nghỉ “ống cống” gần 1 tỉ đồng. Đó là vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng cộng với số tiền do gia đình hỗ trợ.
Người thân trong gia đình khá băn khoăn với những gì mà vợ chồng Khải bắt tay thực hiện. “Bố tôi nói làm gì mà kỳ cục vậy! Khi tụi tôi bắt đầu thi công, nhiều người rất thắc mắc, không biết tụi này làm gì. Các “ống cống” được đúc tại chỗ, chúng nằm ngang, người ta nhìn vào cứ nghĩ tụi tôi đúc bi để làm giếng”, anh Khải mỉm cười, kể lại.
Theo chàng trai mê phượt này, cái khó nhất khi xây dựng nhà nghỉ “ống cống” là không biết nó sẽ ra sao, vì chỉ có thể làm theo sự hình dung của mình. Mặt khác, không có đơn vị nào nhận làm những ống tròn quá khổ; và với số lượng ít thì không thể gọi các nhà thầu có tiềm lực tài chính, công nghệ cao thi công. Cuối cùng, một người bạn thân hồi học cấp 2 làm bên xây dựng đã nhận lời làm công trình này cho vợ chồng Khải. Trong quá trình thực hiện có nhiều phát sinh vì mô hình này quá mới. Chủ đầu tư và cánh thợ phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Rồi công trình cũng hoàn thành trong niềm vui và sự hồi hộp của hai vợ chồng.
“Lúc khai trương nhà nghỉ, tôi mời một số bạn bè thân đến đây trải nghiệm và đánh giá, vì hai vợ chồng đều là “tay ngang”, chưa có kinh nghiệm gì trong kinh doanh khách sạn nhà hàng. Bạn bè tôi rất thích vì thấy mới lạ. Circle Hostel có không gian riêng tư, tường cách âm rất tốt, song vẫn có không gian sinh hoạt chung. Còn khi mở cửa ra bên ngoài thì góc nhìn đẹp; buổi tối có lửa trại để sinh hoạt chung. Họ rất thích”, anh Khải cho biết.
Circle Hostel nơi lưng đồi - Ảnh: H.AN |
“TÁC PHẨM SẮP ĐẶT” TRÊN LƯNG ĐỒI
Nằm ở lưng đồi, giữa không gian tràn ngập màu xanh được điểm tô bởi sắc vàng rực rỡ của dã quỳ, Circle Hostel như một tác phẩm sắp đặt bên dưới con đường Đặng Thái Thân (phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vốn không ồn ã. 10 phòng nghỉ hình tròn ngộ nghĩnh hướng mặt về phía thung lũng, mỗi phòng được ghép từ 2 ống bê tông có đường kính 2,2m, tổng chiều dài 2,5m. Bên trong ống được bày biện tối giản: giường ngủ 1,7x2m, quạt thông gió, kệ nhỏ, ổ cắm điện ở trên cao, “ngăn tủ” mini dưới gầm giường - nơi khách đặt ba lô, giày dép. Mặt tiền các phòng nghỉ là khoảng sân xinh xắn trải cỏ xanh mượt với những lối đi được lát đá, điểm nhấn là một vòng tròn xi măng với những băng ghế giản dị - nơi đêm đêm du khách đốt lửa trại, chuyện trò giao lưu và thưởng thức những món ăn thức uống hấp dẫn của Đà Lạt. Anh Khải cho biết: “Tôi muốn tạo một không gian mở cho du khách - nhất là các bạn trẻ - sinh hoạt chung. Nhiều bạn chưa từng quen biết nhau, tới đây gặp nhau bên lửa trại, trò chuyện với nhau, hôm sau hẹn nhau đi chơi và lập kế hoạch cho những chuyến đi sắp tới. Tôi thấy như vậy cũng khá hay. Mọi người khá thích thú với mô hình này”.
Tham quan nhà nghỉ “ống cống”, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các “ống cống” có bị “nung” trong mùa nắng? Anh Khải cho biết đã xử lý cách nhiệt và đặt thông gió, nói chung là có các giải pháp cho mùa nắng lẫn mùa mưa.
Một điểm đặc biệt khác khi lưu trú ở Circle Hostel là nếu muốn tự tay chế biến thức ăn, du khách chỉ việc mua nguyên liệu và bước vào gian bếp tươm tất, ấm cúng bên cạnh các “ống cống”, trong khuôn viên nhà nghỉ. Các phòng tắm, toilet được bố trí ở gần đó, tách biệt nhưng không xa các “ống cống”.
Lúc đầu tư xây dựng Circle Hostel, vợ chồng anh Khải nghĩ mô hình này phục vụ khách đi phượt là chính. Tuy nhiên, sau khi biết thông tin về nhà nghỉ “ống cống” thì cả những người có con nhỏ và người già cũng thích đến đây trải nghiệm. “Lượng khách đúng là ngoài dự tính”, anh Khải vui vẻ cho biết.
Circle Hostel thường xuyên “kín ống”, còn ông chủ trẻ Nguyễn Quang Khải nuôi ước mơ về chuỗi nhà nghỉ “ống cống” trên những miền đất xinh đẹp khắp Việt Nam. Anh chia sẻ: “Khi bắt tay thực hiện dự án, tôi nghĩ đến việc sẽ phát triển nó thành một chuỗi. Sau một thời gian ngắn Circle Hostel đi vào hoạt động, phản ứng của cộng đồng khá tốt. Tôi nhận được nhiều cuộc gọi của các nhà đầu tư và du khách. Có một anh ở TP Hồ Chí Minh gọi điện nói: Anh đã chán ở khách sạn, nhà nghỉ thông thường, chỉ thích trải nghiệm cái mới như thế này. Nếu nhà nghỉ “ống cống” không còn chỗ thì anh sẵn sàng mang lều lên đây để trải nghiệm. Tôi mong muốn làm một chuỗi Circle Hostel ở các địa điểm đẹp, phát triển hệ thống này”.
“Đẹp, lạ, độc - đó là cảm nhận của tôi về nhà nghỉ “ống cống”. Qua đêm trong ống tròn khác rất nhiều so với việc nghỉ ở các khách sạn, nhà nghỉ thông thường”, chị Trương Ngọc Linh, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
“Nhà nghỉ “ống cống” rất lạ và ấm cúng”, anh Lưu Vĩ Cường, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, nói. |
HÀ AN