Thứ Bảy, 19/10/2024 01:17 SA
Chuyện đời trên đất Thái:
KỲ CUỐI: Chuyện đời
Thứ Tư, 04/11/2015 14:00 CH

Xe chạy ngang qua một ngôi chùa, thấy thấp thoáng có nhiều chú tiểu đi qua đi lại, Pau giải thích:

 

- Ở Thái, đối với nam giới, việc tu hành như một nghĩa vụ bắt buộc. Học sinh cấp 2 đã phải đi tu, nhưng chỉ trong thời gian 2 tháng hè. Đi tu ở tuổi học trò, vừa được nhà chùa dạy dỗ, rèn luyện nhân cách, tránh lêu lổng, vừa đỡ tốn cơm cha mẹ, tu xong lại còn được nhận tiền thù lao nữa, nên các bậc phụ huynh rất khuyến khích con em mình đi tu vào dịp hè. Tuy nhiên, đi tu ở tuổi này không được cấp giấy chứng nhận, chỉ từ 21 tuổi trở lên mới được cấp giấy.

 

Nhà sư trên đường phố Bangkok

 

- Nhưng giấy chứng nhận tu hành để làm gì? - một số du khách tò mò.

 

- Ở Thái, giấy chứng nhận tu hành còn quan trọng hơn cả bằng cấp học vấn - Pau đáp tỉnh queo. - Không có bằng đi tu, rất khó xin việc làm và quan trọng hơn không thể đi hỏi vợ. Ngoài ra, đi tu cũng là một cách trả hiếu cho cha mẹ.

 

Trong khi tôi còn đang há hốc mồm vì kinh ngạc thì một du khách bật lên:

 

- Dùng tiền mua bằng đi tu được không?

 

- Thưa với cô chú, ở Thái, bằng cấp học vấn có thể chạy mua được, nhưng giấy chứng nhận tu hành thì không thể mua bán với bất cứ giá nào vì không có nhà chùa nào dám làm chuyện đó - Pau thản nhiên đáp.

 

- Thế ngoài nghĩa vụ tu hành, còn nghĩa vụ gì khác không?

 

- Còn nghĩa vụ quân sự nữa, nhưng hơi khác với Việt Nam một chút. Trước khi đi khám sức khỏe, mỗi người đều được bắt thăm, nếu trúng mới đi khám và nhập ngũ, nếu không trúng thì không phải đi. Nhân tiện, xin thông báo cho cô chú biết, người Thái được phép sử dụng vũ khí để phòng vệ, nhưng phải đăng ký. Nếu cô chú xâm nhập tư gia bất hợp pháp rất có thể bị bắn chết đấy! - nói xong, Pau nhoẻn miệng cười khì.

 

Xe dừng lại trước tòa nhà cao hình vòng cung, trông na ná như đấu trường Colosseum ở La Mã, hai bên cửa ra vào có hai cụm tượng người khỏa thân theo phong cách châu Âu tuyệt đẹp.

 

Ở Pattaya, một trong những show diễn có giá trị nghệ thuật cao, rất nổi tiếng và được nhiều người đến xem là chương trình ca múa nhạc “Alcazad show” do các vũ công và ca sĩ nam chuyển đổi giới tính thành nữ thực hiện tại nhà hát Colosseum Show với những màn múa hát mang phong cách dân tộc và hiện đại. Theo lời Pau, người chuyển đổi giới tính là người đã phải sử dụng các biện pháp y khoa để thay đổi giới tính của mình cả về mặt thể chất lẫn tâm lý, vì họ không cảm thấy thoải mái hoặc phải đau khổ khi sống với giới tính bẩm sinh. Trước khi phẫu thuật họ phải tiêm hoặc uống hormone trong một thời gian dài, làm cho tâm lý bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút. Sau đó họ sẽ phải trải qua hàng chục ca tiểu phẫu rất đau đớn, có nguy cơ tai biến cả về thể xác lẫn tinh thần.

 

- Sau khi giải phẫu xong, cuộc sống của họ có ổn định không? - tôi tò mò.

 

- Chẳng có gì ổn định cả - Pau lắc đầu buồn bã. - Họ sẽ phải dùng hormone thường xuyên, nhưng vẫn già đi rất nhanh, tuổi thọ thấp, sống không quá 50 tuổi.

 

- Như vậy, dưới một góc độ nào đó, có thể xem người chuyển đổi giới tính như những người khuyết tật bẩm sinh.

 

- Đúng thế. Ở Thái Lan, người chuyển đổi giới tính không bị kỳ thị mà được đối xử công bằng, thậm chí còn được ưu tiên khi xin việc làm, nghe nói sắp tới sẽ cho họ làm tiếp viên hàng không nữa. Lạ một điều là người chuyển đổi giới tính nam thành nữ phần lớn đều có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực ca múa nhạc.

 

- Khi chuyển đổi giới tính, họ có gặp trở ngại gì về mặt pháp lý không? - tôi gặng hỏi.

 

- Không hề - Pau đáp ngay. - Chỉ có điều các số liệu trong chứng minh nhân dân vẫn phải giữ nguyên, nhất là về giới tính. Ngừng một lát, cậu mỉm cười tiếp: Ở đây, chú có thể bắt gặp một cô gái rất xinh, nhưng khi xem chứng minh nhân dân hóa ra lại là nam. Thái Lan được coi là "thiên đường" chuyển đổi giới tính đó chú.

 

Nhà hát Closseum Show, mỗi ngày có 4 suất do những người chuyển đổi giới tính biểu diễn. Cạnh đó có một nhà hàng lớn mở cửa suốt ngày đêm cũng do người chuyển đổi giới tính phục vụ. Pau kể, ông chủ của nhà hát và nhà hàng này là một người bình thường, nhưng trong gia đình ông có một người chuyển đổi giới tính. Cảm thông với nỗi bất hạnh của người thân, ông đã cho thành lập nhà hát, nhà hàng, mời các đạo diễn tài năng và tuyển các ca sĩ, vũ công, nhân viên là người chuyển đổi giới tính về đây làm việc. Chương trình ca múa nhạc được đầu tư thích đáng về chuyên môn nên rất hay, khán giả đông lắm, nhờ vậy mà thu nhập của họ cũng cao và đương nhiên lợi nhuận của ông chủ cũng lớn.

 

Quả thật, khi bước vào nhà hát tôi không hy vọng mình sẽ được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đích thực vì bị ám ảnh bởi các tiết mục của các “diễn viên pêđê” ở nước ta vào mỗi dịp tết. Nhưng càng xem, tâm trí lại càng bị cuốn hút, gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Điều thú vị là ngoài các tiết mục ca múa nhạc của Thái Lan, còn có tiết mục của các nước khác trong khu vực và dĩ nhiên là của các nước có đông du khách đang ngồi xem trong khán phòng. Việt Nam cũng có một tiết mục với các “cô gái” cao khoảng mét bảy, nét mặt xinh đẹp, áo dài thướt tha cùng với chiếc nón bài thơ trong một vũ điệu sôi động và tiếng hát cuốn hút lòng người. Khi cô ca sĩ mới hát được vài câu là các du khách người Việt vỗ tay bắt nhịp theo, tiếng vỗ tay mỗi lúc một to dần, to dần, vang động cả khán phòng cho đến khi tiết mục kết thúc, hình như là du khách các nước khác cũng vỗ tay theo.

 

Để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là một tiết mục mà khi mở màn, người xem chỉ thấy những bức tượng đá bất động trên sân khấu trong bóng tối huyền ảo, rồi khi tiếng hát cô ca sĩ cất lên, mỗi lúc một to hơn, tha thiết hơn, nồng nàn hơn thì những bức tượng bắt đầu thức tỉnh, chuyển động, giao tiếp với nhau, mỗi lúc một nhanh hơn, uyển chuyển hơn và cuối cùng biến thành một điệu múa sôi động làm say đắm lòng người. Tiết mục kết thúc rồi mà tôi cứ ngồi thẫn thờ, cố nặn óc nghĩ xem tác giả của nó đã gửi tới người xem thông điệp gì mà có sức lay động tâm can đến thế?

 

Kết thúc buổi diễn, cả diễn viên và khán giả cùng ùa ra khoảng sân rộng bên hông nhà hát. Mọi người tranh nhau chụp ảnh chung với các diễn viên, tôi cố len lại thật gần để nhìn cho rõ các cô gái cao mét bảy, mét tám, làn da trắng mịn, mái tóc bồng bềnh, cơ thể cân đối, bộ ngực nở nang, giọng nói trong trẻo và đặc biệt là khuôn mặt mà theo gu thẩm mỹ của tôi còn đẹp hơn cả các hoa khôi, hoa hậu trên tivi nữa. Lạ thật! Tôi chợt nhớ tới câu nói bất hủ của Shakespeare “tồn tại hay không tồn tại”, rồi tự hỏi “nữ hay không phải là nữ?” và không tìm ra câu trả lời! Không hiểu tại sao khi lên xe trở về khách sạn, một nỗi buồn mênh mang cứ choáng ngợp tâm trí, tôi bỗng thấy thương cảm những con người bạc mệnh ấy, họ như những nhân vật trong tác phẩm “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan, nhưng họ còn khổ hơn vì ngoài cái buồn của đời kép hát, họ còn cái đau của người khuyết tật về giới tính. Tôi biết, sau khi ánh đèn màu sân khấu tắt, sau khi khán giả đã về hết, họ lại quay về trong cái chốn nương thân cô độc của mình, không gia đình, không con cái, không tương lai. Nghe nói thu nhập của họ cũng khá, rồi còn tiền thù lao chụp ảnh với khán giả nữa, cứ mỗi tấm 40 bạt, nhưng tiền mua thuốc uống hàng ngày, tiền điều trị bệnh, cùng với bao khoản chi khác rồi cũng như gió vào nhà trống. Nhưng ít ra là ở Thái họ còn có chỗ để kiếm sống và vui vầy với nhau.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 2: Buồn vui ở Bangkok và Pattaya
Thứ Ba, 03/11/2015 14:00 CH
Kỳ 1: Nhà vua và nhà sư
Thứ Hai, 02/11/2015 11:48 SA
Những “cơ trưởng” đam mê nghiên cứu
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:00 CH
Thợ hồ... ca đêm
Thứ Bảy, 31/10/2015 09:56 SA
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek