Thứ Sáu, 10/01/2025 22:24 CH
Tận tụy giúp người bằng “năng lượng tình thương”
Thứ Bảy, 05/12/2015 10:00 SA

Chị Sương (bìa trái) chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp dưỡng sinh tâm thể - Ảnh: Y.LAN

Đẩy lùi hơn chục căn bệnh bằng dưỡng sinh tâm thể, một phụ nữ vốn quen với công việc ruộng rẫy đã trở thành huấn luyện viên và tích cực phát triển phong trào chữa bệnh không dùng thuốc. Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Nghiên cứu ứng dụng Dưỡng sinh tâm thể Việt Nam, chị được viện trao bằng khen.

 

VƯỢT QUA BỆNH TẬT 

 

Sông Hinh là địa phương có phong trào luyện tập dưỡng sinh tâm thể phát triển mạnh với 2 CLB (tại thị trấn Hai Riêng và xã Sơn Giang) cùng các điểm tập. Điểm tập lâu đời nhất là tại khuôn viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện (ra đời vào năm 2006), hiện vẫn được đôi vợ chồng hướng dẫn viên Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Thị Hương Cúc duy trì. Điểm tập mới nhất là tại xã Sơn Giang, được CLB Dưỡng sinh tâm thể xã này mở từ giữa tháng 9 đến nay, hoạt động vào các buổi sáng: thứ ba, thứ sáu và chủ nhật.

Chị Hà Thị Mau (tên thường gọi là Sương, ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) bị bệnh tim bẩm sinh. Rồi cứ như số phận thử thách, chị mắc hết bệnh này đến bệnh khác, có những chứng rất oái ăm. “Suốt 10 năm tôi không ngủ được, cả ngày lẫn đêm. Rồi tháng nào tôi cũng mắc gió đến 20 ngày, đang yên lành thì thấy ớn lạnh, tay chân co rút lại, phải cắt lể, thoa dầu mới đỡ. Sau đó thì nổi mề đay và tụt huyết áp. Rồi tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, không thể cử động cổ mà phải xoay cả người. Sau đó còn bị tắc ruột, khi đói ăn vào thì đau như đau dạ dày. Ra Bình Định khám, tôi mới biết mình bị tắc ruột; uống thuốc thì đỡ, bỏ thuốc thì đau. Năm 1994, tôi lại bị bệnh nặng về thận. Tôi vô TP Hồ Chí Minh khám, bác sĩ khuyên nên ghép thận. Vợ chồng tôi không có tiền. Mà nếu có thì tìm thận ở đâu để ghép?”, chị Sương kể lại tình cảnh của mình khi đó. 

 

Cũng trong năm 1994, chị Sương bị đau thần kinh tọa và mắc thêm vài chứng bệnh khác; trong một ngày, chị bị liệt khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Người phụ nữ từng chịu đựng quá nhiều thử thách này kể lại: “Đến khi bị đau thần kinh tọa, tôi ra ngoài sân “ngồi thiền” từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng mới ngủ được. Ở trong nhà ngủ không được thì ra sân ngồi. Tôi ngủ ngồi từ năm 1994 cho đến năm 2001 mới “gặp” dưỡng sinh tâm thể, qua chị Nguyễn Thị Hương Cúc ở Sông Hinh và cô Năm Mai ở Tuy Hòa. Được họ hướng dẫn, tôi luyện tập một thời gian, các bệnh thuyên giảm được một nửa”. Anh Hà Văn Đông, chồng chị, thấy sức khỏe của vợ tiến triển tốt thì mừng vô cùng. Vì vậy, dù bản thân không có bệnh tật gì, anh vẫn tham gia luyện tập dưỡng sinh tâm thể. 

 

Giữa năm 2006, chị Sương xuống Tuy Hòa, gặp huấn luyện viên Đỗ Ngọc Mỹ (hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng luyện tập dưỡng sinh tâm thể Phú Yên - PV). “Thầy Mỹ hướng dẫn cách chữa bệnh bằng phương pháp này và bảo tôi vừa học vừa làm. Tôi nghe lời thầy, theo anh Minh và chị Cúc - hai hướng dẫn viên dưỡng sinh tâm thể - ra Bình Kiến chữa bệnh. Tôi gặp một phụ nữ lớn tuổi cũng bị thoái hóa đốt sống cổ như mình. Bà ấy than thở: “Cô ơi, tui xoay cổ không được, khó chịu lắm; ngủ cũng không được”. Tôi nói: “Em không ngủ được suốt 10 năm nè chị”. Khi nghe bà ấy kể về việc không xoay cổ được y như mình lúc trước, tôi mới sực nhớ bèn xoay qua xoay lại cổ, thấy… hết đau. Tôi mừng ghê gớm, nói: “Chị ơi, em hết đau rồi!” - chị Sương kể. Sau khi nhận ra mình không còn bị đau ở cổ, chị phấn khởi “đập đập xoa xoa” cho người phụ nữ lớn tuổi kia. Ngày hôm sau, bà ấy đến điểm tập.

 

Khỏe lại và có những hiểu biết căn bản về dưỡng sinh tâm thể - phương pháp tập luyện thu hút năng lượng vũ trụ vào cơ thể bằng miệng kết hợp với vận động tay chân hoặc toàn thân và luyện cho tâm lành, chị Sương trở về Sông Hinh. Tháng 10/2006, chị cùng vợ chồng chị Cúc mở một điểm tập trong khoảng sân của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Khi đó, điểm tập này có 4 hướng dẫn viên là đôi vợ chồng Nguyễn Văn Quang - Nguyễn Thị Hương Cúc và vợ chồng chị Sương. Đến năm 2009, vợ chồng chị Sương tách ra, mở điểm tập tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện.

 

TẬN TỤY GIÚP BÀ CON TÌM LẠI SỨC KHỎE

 

Ngày ngày cặm cụi trên rẫy, kiếm tiền nuôi các con ăn học, đêm đêm vợ chồng chị Sương đến điểm tập, hướng dẫn người dân địa phương cách luyện tập dưỡng sinh tâm thể để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Cứ tưởng cuộc sống êm đềm trôi trong sự chăm chỉ và nhiệt huyết của hai vợ chồng, nào ngờ tai nạn giáng xuống. Vào một buổi tối tháng 2/2012, trên đường chở vợ đến điểm tập, anh Hà Văn Đông bị một chiếc ô tô 7 chỗ ngồi đâm phải. Vụ tai nạn khiến anh Đông tử vong tại chỗ, còn chị Sương bị chấn thương sọ não, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện.

 

Mất đi người bạn đời và cũng là trụ cột trong gia đình, chị Sương đau đớn, chới với. Từ đây, chị thay chồng gồng gánh cuộc mưu sinh nuôi các con và chăm lo cho mẹ chồng, đồng thời duy trì điểm tập dưỡng sinh tâm thể ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Đó là chưa kể điểm tập tại nhà chị, cũng ở thị trấn Hai Riêng - nơi chiều chiều bà con trong khu phố tập trung đến, để “cô Sương” “đập đập xoa xoa” cho bớt bệnh.

 

Ngày qua ngày, người phụ nữ sinh năm 1967 này chẳng có phút giây nào nghỉ ngơi. Sáng sáng, chị cùng con trai thứ hai lên rẫy (con gái đầu của chị đang học năm cuối đại học ở Đà Nẵng; con út đang học lớp 7 - PV). Hai mẹ con chăm sóc 3ha mía, 1ha rừng. Chiều về, chị hướng dẫn bà con luyện tập dưỡng sinh tâm thể tại nhà, sau đó đến điểm tập ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Sông Hinh. Bữa cơm chiều của chị bao giờ cũng muộn màng, khi nhiều người đã tắt đèn đi ngủ.

 

Từ giữa tháng 9/2015, khi UBND xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) thành lập CLB Dưỡng sinh tâm thể ở xã này, một điểm tập được mở ở Sơn Giang. Vậy là một tuần ba buổi, chị Sương hăm hở đi xe máy vượt gần 20km từ thị trấn Hai Riêng xuống Sơn Giang “tiếp sức” cho các hướng dẫn viên và hướng dẫn bà con luyện tập dưỡng sinh tâm thể.

 

Tất bật nhưng trên gương mặt chị Sương luôn rạng rỡ nụ cười. Chị nói nhờ dưỡng sinh tâm thể đẩy lùi “tập đoàn” bệnh tật, chị khỏe mạnh trở lại nên cố gắng chữa bệnh giúp bà con. Đó là cách chị trả ơn dưỡng sinh tâm thể.

 

Điều lạ lùng là làm việc quần quật hết ngày này sang ngày khác nhưng chị Sương vẫn rất khỏe, dù chị ăn chay trường đã mấy năm nay.

 

Chị Sương (bìa trái) chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp dưỡng sinh tâm thể - Ảnh: Y.LAN

HẠNH PHÚC KHI LÀM VIỆC THIỆN

 

Tại điểm tập do “cô Sương” phụ trách, bệnh nhân đủ lứa tuổi, đủ thành phần. Bà Trịnh Thị Dịch (67 tuổi, ở khu phố Ngô Quyền, thị trấn Hai Riêng) gắn bó với điểm tập chưa đầy một năm nhưng rất tâm đắc. Bà Dịch cho biết: “Tôi bị viêm đa khớp, thoái hóa khớp, gai khớp, đã đi khám ở bệnh viện. Uống thuốc thì khỏi, nhưng đi nhiều thì đầu gối lại sưng lên. Chú Định (ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh - PV) đến chơi, nói: “Chị đi tập dưỡng sinh tâm thể đi. Tôi tham gia từ tháng 8 âm lịch năm ngoái. Nhờ có dưỡng sinh tâm thể, bệnh của tôi giảm đến 80%, giờ có thể duỗi chân, đi bộ được, đêm ngủ rất thoải mái, lúc trước trở mình rất đau. Từ khi đi tập dưỡng sinh tâm thể, tôi không hề uống thuốc…”.

 

Bé T (sinh năm 2011, ở thị trấn Hai Riêng) bị bệnh đao, chậm đi chậm nói. “Nghe các cô giới thiệu, tôi đưa cháu đến điểm tập này, tập được hơn một năm thì thấy cháu tiến bộ nhiều: đi vững, nói được một số từ. Còn tôi bị đau lưng, nhức hai khớp gối, đi tập một thời gian thì thấy lưng bớt đau, hai đầu gối không còn đau”, chị N.T.T, mẹ bé T cho biết.

 

Chị T.T.T ở thị trấn Hai Riêng có con mắc chứng bất sản sụn, ngắn chi. Chị T kể: “Khi sinh ra, xương của cháu rất yếu, tay chân rất yếu. Bác sĩ chẩn đoán cháu sẽ chậm đi. Khi cháu được 1 tuổi, tôi đưa đến điểm tập này. Sau một thời gian, chân tay cháu cứng cáp. Giờ cháu đã đi được, nói được nhưng chiều cao thì không như những đứa trẻ bình thường. Tôi cũng chỉ mong con mình sống khỏe mạnh, vui vẻ”.

 

Duy trì điểm tập này từ năm 2009 đến nay, chị Sương đã “đào tạo” được 6 hướng dẫn viên. Nhận nhiều bằng khen, giấy khen nhưng huấn luyện viên rất hay cười này nói rằng hạnh phúc lớn nhất là giúp nhiều người đẩy lùi bệnh tật và có thêm những người đồng hành với mình để cùng phát triển môn dưỡng sinh tâm thể. 

 

Tôi chứng kiến các huấn luyện viên, hướng dẫn viên làm việc tận tâm, xoa cho những đứa trẻ không bình thường, giúp các cháu đi được, trí não phát triển. Việc làm đầy tâm huyết của chị Sương và các hướng dẫn viên đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người. Tôi muốn phát triển dưỡng sinh tâm thể khắp huyện; xã nào cũng có điểm tập. Nếu phong trào được nhân rộng ra các xã thì sẽ có thêm nhiều người luyện tập nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, rất tốt. Đây là một hoạt động từ thiện, giúp ích cho nhiều người. Những người chữa bệnh bằng phương pháp này đều có tấm lòng nhân ái, chứ họ không được hưởng lợi ích vật chất nào cả.

Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

 

YÊN LAN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ CUỐI: Chuyện đời
Thứ Tư, 04/11/2015 14:00 CH
KỲ 2: Buồn vui ở Bangkok và Pattaya
Thứ Ba, 03/11/2015 14:00 CH
Kỳ 1: Nhà vua và nhà sư
Thứ Hai, 02/11/2015 11:48 SA
Những “cơ trưởng” đam mê nghiên cứu
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:00 CH
Thợ hồ... ca đêm
Thứ Bảy, 31/10/2015 09:56 SA
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek