Thứ Bảy, 19/10/2024 01:18 SA
Chuyện đời trên đất Thái
Kỳ 1: Nhà vua và nhà sư
Thứ Hai, 02/11/2015 11:48 SA

Mặc dù đã lên kế hoạch đi du lịch Thái Lan từ lâu, nhưng sau vụ đánh bom ngôi đền Erawan ở trung tâm thương mại Bangkok ngày 17/8, tôi cũng hơi “ngán”. Thôi, “tránh bom chẳng xấu mặt nào”, tôi đành phải tự an ủi rồi chờ cho tới khi người ta bắt được kẻ đánh bom mới đăng ký tour. Trước khi đi, tôi xác định hai mục tiêu: đến Pattaya để mục sở thị cái thành phố này làm du lịch kiểu nào mà du khách cứ đổ về đây nườm nượp, thứ hai, phải đến tận nơi ngôi đền bị đánh bom ở Bangkok. Bạn bè khuyên, tránh xa chỗ ấy ra kẻo tai bay vạ gió, nhưng theo dõi trên đài báo, tôi không thấy có trường hợp nào đánh bom hai lần trên cùng một địa điểm, nên yên tâm… lên đường.

 

Chùa Xá Lợi, còn gọi là chùa Thuyền, nơi lưu giữ nhiều xá lợi nhất ở Thái Lan

 

Hướng dẫn viên người Thái có tên là Pau (gọi là Bao cũng được), là một chàng trai tháo vát, mau miệng và hài hước, nói tiếng Việt bằng giọng Nam Bộ khá lưu loát. Vừa lên xe, Pau liền mở đầu bài thuyết minh của mình: Nước Thái Lan có tên đầy đủ là “Racha Anachakra Thai”. Racha có nghĩa là "quốc vương", Anachakra là "lãnh thổ", còn Thái có nghĩa là "tự do". Dịch ra là "Vương quốc của người tự do". Còn trong tiếng Việt của các cô chú, từ "Thái Lan" có xuất xứ từ tiếng Anh “Thailand”, là miền đất tự do.

 

Thú vị thật, trong khi tôi còn đang ngẫm nghĩ, thì Pau lại tiếp: Quốc kỳ Thái gồm 3 màu đỏ, trắng, xanh, tiếng Thái là “Thong Trairong”, tức là cờ tam sắc. Màu đỏ là máu của người Thái, tượng trưng cho dân tộc, màu trắng là tôn giáo (ở Thái Lan hơn 95% dân số theo đạo Phật), còn màu xanh nằm ở giữa lá cờ tượng trưng cho đức vua, ngài là trung tâm của dân tộc và tôn giáo. Xã hội Thái rất tôn kính các nhà sư và nhà vua, điều đó đã được thể hiện rất rõ trên lá quốc kỳ.

 

Và để chứng minh cho lời mình nói, Pau đưa chúng tôi đến tham quan Phật Vàng ở núi Khau Che Chan, nói theo tiếng Hán là Trân Bảo Phật Sơn. Nhìn từ xa, thấy một quả núi bị vạt hẳn một bên, tạo thành mặt phẳng. Nổi bật trên nền đá xanh xám là các đường nét lấp lóa ánh vàng hình phật Thích Ca trong tư thế ngồi thiền, cao 118m, ngang 70m. Đến gần hơn mới rõ, các đường nét được đục vào đá núi và được dát vàng. Pau nói, toàn bộ số vàng nguyên chất được dát theo các đường nét là một tấn. Công trình được thực hiện vào năm 1996 nhân kỷ niệm 50 năm đăng quang của nhà vua Rama thứ IX. Vua Rama IX là một tiến sĩ chuyên ngành nông nghiệp, có công lớn trong việc lai tạo ra nhiều giống cây có giá trị kinh tế cao, đưa Thái Lan trở thành quốc gia nổi tiếng về xuất khẩu nông sản. Trong Hoàng cung, ông có cả một trang trại để nghiên cứu về nông nghiệp.

 

Trong số các cung điện Hoàng gia Thái Lan qua các thời kỳ đều mang phong cách kiến trúc Thái với mái cong đỉnh nhon, thì chỉ có cung điện Ananta Samakhom Throne (còn có tên Art of Kingdom) là hoàn toàn mang phong cách châu Âu. Đây là một tòa lâu đài bằng đá cẩm thạch xây theo kiến trúc Italia thời Phục hưng, được vua Rama V khởi công xây dựng vào năm 1907, nhưng đến năm 1910 thì nhà vua qua đời trong khi cung điện vẫn chưa hoàn thành. Vua Mongkut, biệt hiệu là Rama VI lên ngôi, tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng cho đến năm 1915 thì hoàn tất với tổng kinh phí khoảng 15 triệu bạt lúc bấy giờ. Công trình do hai kiến trúc sư người Italia là Mario Tamango và Annibale Rigotti thiết kế. Đá cẩm thạch được chở về từ Canada và Italia, còn những vật liệu khác cũng nhập từ nước ngoài. Chính giữa tầng một là ngai vàng của nhà vua, còn trên mái vòm là bức bích họa tuyệt đẹp mô tả triều đại Chakri qua nét vẽ tài hoa của hai họa sĩ người Italia Galileo Chini và Carlo Riguli. Trong cung điện trưng bày vô số tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ cực kỳ tinh xảo. Đặc biệt, bộ sưu tập tranh thêu và những đồ vật được chế tác từ những chiếc cánh màu xanh biếc của con cánh cam.

 

Cung điện hoàng gia Ananta Samakhom Throne, còn có tên Art of Kingdom ở thủ đô Bangkok mang phong cách châu Âu

 

Mục đích ban đầu của cung điện là để tiếp đón các quan chức nước ngoài và tổ chức các hội nghị của Hội đồng Cố vấn Hoàng gia. Năm 1932, sau cuộc đảo chính, cung điện được dùng làm nhà Quốc hội đầu tiên của Thái Lan. Hiện nay, đây là nơi đón tiếp các quan chức ngoại giao nước ngoài, tổ chức các cuộc hội nghị của nhà nước và cũng là nơi thường xuyên tổ chức các nghi lễ của hoàng tộc.

 

Về vị trí của đạo Phật trong xã hội Thái, không thể không nhắc đến ngôi chùa Xá Lợi. Theo quan niệm của Phật giáo thì xá lợi là những hạt nhỏ còn lại sau khi thi thể của các vị cao tăng được hỏa táng. Đây là những bảo vật của thế giới Phật giáo. Hiện nay, khoa học hiện đại vẫn chưa có câu giải thích thuyết phục về nguyên lý hình thành của các hạt này. Chùa Xá Lợi, còn gọi là chùa Thuyền ở thủ đô Bangkok là ngôi chùa tập hợp nhiều xá lợi nhất ở Thái Lan. Trong chùa, trưng bày hàng trăm lục bình thủy tinh chân không được chế tác tinh xảo, chứa đựng xá lợi của các vị cao tăng qua hàng trăm năm, có cả xá lợi mọc tóc (phủ một lớp sợi trăng trắng) khiến tôi trộm nghĩ, có thể là một loại nấm yếm khí nào đó chăng? Ở đây còn bán nhiều đồ trang sức như, nhẫn, bông tai, mặt dây chuyền được chế tác rất tinh xảo bằng pha lê nạm vàng tuyệt đẹp, và điều quan trọng nhất là trong mỗi bình pha lê nhỏ xíu ấy có chứa một chút xá lợi. Người nào đeo những đồ trang sức ấy sẽ luôn gặp may. Ở Thái Lan, người ta hay nhắc đến một nhà sư tính cách rất ngang tàng, hoàn toàn khác với tính cách mềm mỏng, ôn hòa nói chung của người Thái. Tương truyền, một lần, thái tử đến thăm chùa, nhà sư hỏi, sao cha mày không tới, thái tử tức giận rút súng ra bắn nhưng súng không nổ, thái tử bỏ ra máy bay, nhưng máy bay không khởi động được. Sau này khi sắp viên tịch, nhà sư dặn, khi ông chết cứ để hai tháng sau mới hỏa táng. Trong khoảng thời gian đó, tín đồ đến viếng đông kinh khủng và số tiền cúng dường cho chùa lên tới hàng trăm tỉ (để du khách dễ hình dung, mọi khoản tiền, Pau đều quy sang tiền Việt).

 

Nói đến chùa Xá Lợi, không thể không nhắc đến “tòa tháp ma” nằm đối diện với ngôi chùa. Đó là một cao ốc 49 tầng đã xây xong phần thô, nhưng vẫn chưa hoàn thiện và không thể đưa vào sử dụng. Công trình này là của tỉ phú người Ả-Rập được khởi công từ năm 1995, đến nay đã qua tay 3 đời chủ nhưng vẫn chưa xây xong vì các ông chủ của nó liên tiếp gặp các sự cố phải bỏ dở hoặc sang tên cho người khác. Trước khi khởi công, nhà sư trụ trì chùa Xá Lợi khuyên nên hủy bỏ dự án hay tìm vị trí khác vì tòa tháp sẽ đổ bóng xuống mái chùa, có thể gây nên nhiều sự cố nghiêm trọng, nhưng chủ đầu tư không nghe, ngay sau đó cả ông và gia đình đều gặp tai nạn giao thông. Đến nay, ngôi chùa không hề hấn gì, khách viếng thăm đông nghịt, trong khi tòa nhà xây miết không xong, ngay cả chính quyền cũng không dám can thiệp.

Người Thái, đa số đều có tính cách khá ôn hòa, tác phong từ tốn, chậm rãi. Thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vì có thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội tương đối tốt, giáo dục, y tế miễn phí, nên người Thái chỉ thích làm những công việc nhẹ nhàng, còn lao động nước ngoài, chủ yếu là Lào, Campuchia và Việt Nam thì lao động cật lực để kiếm tiền. Ở Thái Lan không cần phải đăng ký tạm trú tạm vắng. Trên chứng minh nhân dân có hai chíp điện tử nạp đầy đủ các thông tin cá nhân và định vị toàn cầu. Cảnh sát chỉ cần lên mạng là biết ngay công dân đang ở đâu. Phương thức mua hàng trả góp rất phổ biến, không chỉ với những mặt hàng và tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, xe cộ, máy móc, đồ dùng sinh hoat, mà ngay cả quần áo, giày dép, tạp hóa… cũng có người mang đến tận nhà cung cấp rồi thu tiền dần. Các căn hộ trả góp hầu hết là nhà cấp 4, còn nhà mặt phố thì chiều ngang chỉ khoảng ba mét.

 

Miền Bắc Thái Lan phong cảnh đẹp, gần khu vực Tam giác vàng, đặc sản nơi đây là mật ong từ hoa anh túc. Còn miền Trung có các loại động vật quý hiếm như voi, hổ, cá sấu, chim yến, rắn, đá quý… nên công nghệ chế biến sản phẩm từ các loại động vật và đá quý rất phát triển. Điều đặc biệt là tất cả các mặt hàng “đặc sản” này đều do Hoàng gia quản lý độc quyền, từ khai thác, gia công đến phân phối, tiêu thụ. Chúng tôi được đưa đi tham quan các cơ sở sản xuất và buôn bán đá quý, đồ da, mật ong, yến sào, nọc rắn… Giá cả thuộc loại “ngất ngưởng”.

 

KỲ 2: Chuyện buồn vui ở Bangkok và Pattaya

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những “cơ trưởng” đam mê nghiên cứu
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:00 CH
Thợ hồ... ca đêm
Thứ Bảy, 31/10/2015 09:56 SA
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH
Kỹ sư trẻ làm trưởng thôn
Thứ Bảy, 10/10/2015 09:28 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek