Thứ Sáu, 10/01/2025 23:01 CH
Chuyện đời trên đất Thái:
KỲ 2: Buồn vui ở Bangkok và Pattaya
Thứ Ba, 03/11/2015 14:00 CH

ĐIỆN THỜ ERAWAN - NƠI XẢY RA TẤN THẢM KỊCH

 

Xe của đoàn dừng ngay trước trung tâm thương mại BigC, đối diện là tòa nhà cao tầng của siêu thị Central World chuyên bán hàng cao cấp, cạnh đó là siêu thị Gaysorn và các chợ bán lẻ Pratunam, chợ bán sỉ Platinum… Mọi người nhanh chóng vào các siêu thị, chỉ còn lại vợ chồng tôi. Theo dõi đài báo, tôi biết nơi bị đánh bom hồi tháng 8 vừa qua cũng gần đâu đây. Tôi bảo với hướng dẫn viên: “Cháu có thể đưa cô chú đến Điện thờ Erawan được không? Thấy cậu ta có vẻ do dự, tôi tiếp: - Hay là cháu chỉ đường cho cô chú đi cũng được”. Phân vân giây lát, thấy chúng tôi có vẻ cương quyết, cậu bảo: “Cháu sẽ đưa đi, gần đây thôi”. Nói là làm, chúng tôi rảo bước theo con phố lớn người đông như mắc cửi, được khoảng 400m, băng qua ngã tư là tới một khuôn viên hình vuông rộng khoảng sân bóng rổ, không có mái che, ngoài mấy chiếc dù. Du khách đủ màu da, sắc tộc, trang phục, tuổi tác đang chen chúc nhau mua hương, hoa khấn vái, tiếng người nói chuyện, tiếng xe cộ ngang qua ngã tư, tiếng nhạc phát ra từ một dàn nhạc dân tộc hòa lẫn vào nhau tạo thành một không khí sôi động như trong lễ hội. Ngay cạnh đội nhạc công là một tốp múa áo váy thướt tha đang trình diễn các vũ điệu dân tộc. Chính giữa khuôn viên là một điện thờ cao ngang đầu, trên đó có tượng thần bốn mặt bằng vàng đặt trong cái giá cũng bốn mặt trang trí hoa văn rất tinh xảo. Bao quanh điện thờ là hàng rào thưa ngang ngực, có chỗ để cắm nhang, còn vòng hoa viếng của du khách thì được móc lên hàng rào. Du khách đến viếng, ai cũng mua hương hoa để cúng vái, hoa được tết thành vòng rất đẹp, người có tiền thì bồi dưỡng cho đội nhạc để được phục vụ múa hát.

 

Toàn cảnh thành phố Pattaya nhìn từ đồi Vọng Cảnh Phra Tamak - Ảnh: M.HIỆP

 

Theo lời cậu hướng dẫn viên, quả bom phát nổ chỉ cách bức tượng khoảng chục mét, làm nhiều người chết và bị thương, các giá, bệ, hàng rào xung quanh bị thổi bay hết, vậy mà bức tượng phật không hề hấn gì, chỉ xước một vết nhỏ trên cằm. Khi chính quyền Thái bắt được kẻ đánh bom, nghe nói trên khuôn mặt hắn cũng có một vết sẹo ở cằm. Dân chúng lại càng tin chuyện báo ứng. Điện thờ Erawan là địa điểm tôn giáo rất nổi tiếng thờ thần Brahma của đạo Hindu, tuy nhiên đến viếng không chỉ có người Ấn, mà còn rất nhiều tín đồ phật giáo và các tôn giáo khác, đó là chưa kể hàng trăm du khách nước ngoài cũng ghé thăm mỗi ngày. Điện thờ được xây dựng vào năm 1956 để xua đuổi các thế lực ma quỷ đang vây ám công trình xây dựng khách sạn năm sao Grand Hyatt Erawan nằm ngay bên cạnh, gây nhiều tai nạn chết người. Khi đó, chủ đầu tư sợ quá đến chùa hỏi, nhà sư khuyên, nên đổi tên công trình, nhưng nhà đầu tư không muốn, khi đó, nhà sư bảo, chỉ còn một cách là thỉnh một bức tượng thần bốn mặt về thờ ở đây. Nhưng tượng thần bốn mặt là một thứ rất linh thiêng, dù có cúng bao nhiều tiền cũng không có nhà chùa nào cho rước đi cả. Do vậy, nhà đầu tư đành phải đặt làm một bức tượng thần bốn mặt bằng vàng và một điện thờ bằng vật liệu quý, đưa vào chùa làm phép, rồi đặt bên cạnh công trình. Ngay sau đó, tòa nhà khách sạn nhanh chóng hoàn thành, còn điện thờ trở nên linh thiêng, nổi tiếng khắp cả nước, lúc nào cũng đông nghịt khách tứ phương đến viếng.

 

Tôi để ý thấy bên ngoài khuôn viên khu điện thờ có một cảnh sát mặc áo đen, nhưng suốt mấy chục phút, chẳng thấy anh ta làm gì cả, chỉ vòng tay trước ngực ngắm nhìn dòng xe cộ nườm nượp vút qua ngã tư. Nghe nói, người cảnh sát này chỉ xuất hiện sau ngày điện thờ bị đánh bom, còn trước đó không có. Một nơi chốn yên bình và linh thiêng như thế này, quả là không có chỗ cho những người mang theo vũ khí. Ngắm nhìn khung cảnh, tôi không nhận ra bất cứ dấu vết nào còn lại của vụ đánh bom, không có chút sợ hãi nào trên nét mặt của dòng người đến viếng mà chỉ có lòng thành kính và sự ngưỡng mộ, và tôi cũng không thể hình dung nổi cảnh tan hoang nơi đây hồi mấy tháng trước, lại càng không thể chấp nhận nổi mục đích vụ đánh bom dù với bất cứ lý do gì.

 

PATTAYA, NÀNG CÔNG CHÚA ĐƯỢC CHIẾN TRANH ĐÁNH THỨC

 

Xe chạy đến TP Pattaya thì trời đã xẩm tối. Tôi nhìn ra ngoài, phố xá rực ánh đèn màu nhấp nháy, san sát các cửa hàng. Pau kể: “TP Pattaya ngày xưa vốn là một làng chài nghèo không ai biết tới…”. Tôi giật mình, hình như cái cụm từ “vốn là một làng chài nghèo” mình đã nghe ở đâu đó rồi thì phải, đúng rồi, đó là lần tôi đến tham quan TP Thâm Quyến của Trung Quốc và quốc đảo Singapore. Những lần ấy, khi giới thiệu về thành phố đáng tự hào của mình, các hướng dẫn viên cũng bắt đầu bằng một câu như vậy: “Ngày xưa Thâm Quyến (hay Singapore) vốn là một làng chài nghèo…”. Việt Nam có bao nhiêu làng chài nghèo được lột xác thành nàng công chúa?

 

Du khách đến viếng Điện thờ Erawan ở trung tâm thương mại Bangkok, nơi đã bị đánh bom vào ngày 17/8/2015 - Ảnh: M.HIỆP

 

Pau tiếp: “…nhưng Pattaya có được diện mạo như ngày hôm nay, trước hết là nhờ cuộc chiến tranh của Việt Nam…” Quỷ thật, tôi lại giật mình lần nữa, thằng nhóc này nói cái gì lạ vậy? Nhưng Pau chẳng thèm bận tâm đến những băn khoăn của tôi, cậu ta vẫn hồn nhiên tiếp tục: “Khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam bước vào thời kỳ ác liệt vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, chính phủ Mỹ quyết định đầu tư nâng cấp sân bay U-Tapao ở gần Pattaya vốn là sân bay Hải quân Hoàng gia Thái Lan thành một trong những sân bay lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á để làm căn cứ cho các máy bay B-52 của Mỹ xuất phát ném bom xuống các chiến trường ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam và cả Lào và Campuchia nữa. Nói đến đây, Pau dừng lại giây lát, rồi mỉm cười, tiếp: Mà như các cô chú biết rồi đó, ở đâu có lính Mỹ là ở đó có dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí. Vậy là dân chúng đổ xô đến cái làng chài nghèo Pattaya này để phục vụ cho lính Mỹ và kiếm sống. Ngôi làng, cứ thế mà phát triển cho đến khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, rồi sẵn cái trớn đó, tiếp tục phát triển như ngày nay”.

 

Tôi thầm nghĩ, chàng trai này quá nhấn mạnh yếu tố chiến tranh Việt Nam, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là người Thái đã biết tận dụng cơ hội có một không hai đó để biến cái làng chài nghèo thành một trung tâm du lịch tầm cỡ của khu vực.

 

Xe chạy dọc con phố lớn, một bên là nhà hàng, khách sạn, một bên là bãi biển dập dờn sóng vỗ. Pau chỉ tay ra ngoài của sổ, hỏi to:

 

- Ở Pattaya có một loài cây cực kỳ quý giá, đố cô chú biết là cây gì?

 

Mọi người xôn xao bàn luận ầm ĩ, cố nêu tên một vài loại cây trái nhưng Pau đều lắc đầu. Sau đó, Pau thản nhiên đáp, trên môi thoáng một nụ cười tinh quái:

 

- Đó là cây dừa biển

 

Mọi người ồ lên, nhao nhao phản đối:

 

- Cây dừa chỗ nào không có, trái của nó chỉ uống nước, ăn cùi, có chi mà cực kỳ quý giá?!

 

- Vậy cô chú nhìn ra ngoài cửa sổ xem.

 

Chúng tôi nhìn ra, trời đã tối, chỉ nhìn thấy bãi cát hẹp trắng nhờ nhờ, mặt biển tím sẫm phía xa, loáng thoáng bên vệ đường là hàng dừa, vài người thơ thẩn dạo chơi. Chẳng có gì đặc biệt. Mọi người lại nhao nhao. Chờ cho không khí lắng xuống, Pau cố làm vẻ mặt trịnh trọng, nói:

 

- Ở Pattaya, cây dừa trồng ven biển rất quý, nên hàng đêm người ta đều tự nguyện cử người canh gác bảo vệ, cứ mỗi cây một đến hai người, và phải là gái đẹp để làm phân tâm kẻ trộm. Tên trộm nào mò đến đều bị các cô gái mê hoặc nên chẳng còn ai nghĩ đến chuyện chặt dừa nữa. Có thế mà các cô chú cũng không nghĩ ra, dở ẹc!

 

Mọi người ồ lên cười như chợ vỡ, nhất là cánh đàn ông. Có vị còn hăng hái: “Nhất định tối nay tui phải đi trộm dừa thôi”. Vừa nghe nói vậy, Pau lấy giọng nghiêm túc, lần này là nghiêm túc thực sự:

 

- Cháu khuyên các chú không nên đi “trộm dừa”, nếu có nhu cầu thì vô cửa hàng đàng hoàng. Ở đó có giấy phép hành nghề, khám sức khỏe định kỳ, còn những người “coi dừa” kia không có chi đảm bảo hết. Ngừng vài giây, Pau nói tiếp: Ở Thái, cờ bạc bị cấm tuyệt đối, nhưng mại dâm là nghề hợp pháp, hoạt động công khai. Pattaya thu hút du khách quốc tế vì ở đây có nhiều khách sạn, sân golf, quán rượu cao cấp, còn mật độ hộp đêm thì vào loại nhất nhì thế giới với các sex show độc đáo. Mỗi năm, Thái Lan đón khoảng 15 triệu du khách và tất cả đều ghé Pattaya.

 

KỲ CUỐI: Chuyện đời

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Nhà vua và nhà sư
Thứ Hai, 02/11/2015 11:48 SA
Những “cơ trưởng” đam mê nghiên cứu
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:00 CH
Thợ hồ... ca đêm
Thứ Bảy, 31/10/2015 09:56 SA
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH
Kỹ sư trẻ làm trưởng thôn
Thứ Bảy, 10/10/2015 09:28 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek