Thứ Bảy, 19/10/2024 02:31 SA
Thợ hồ... ca đêm
Thứ Bảy, 31/10/2015 09:56 SA

Thợ hồ làm ca đêm xây ngôi nhà ở hẻm đường Lê Thành Phương (phường 2, TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.H.NAM

Cuộc sống phát triển, nhiều gia đình đầu tư xây nhà cao tầng, vì thế mà người thợ hồ “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, từ đó phố xá thêm sầm uất. Tuy cực khổ, nhưng những người làm nghề này luôn ước mơ ngày càng có nhiều gia đình xây nhà cao tầng để họ mưu sinh từ “bàn tay xây dựng”.

 

“CHẠY SÔ” CÔNG TRÌNH

 

Xẩm tối, tại con hẻm nhỏ ở đường Lê Thành Phương, phường 2 (TP Tuy Hòa), những người làm nghề thợ hồ ca đêm chạy xe máy đến. Trên đống gạch đá bề bộn, ngổn ngang họ ngồi nghỉ lấy sức, đàn ông thì giải khát bằng ly cà phê đen đá đựng trong cái ly nhựa, còn phụ nữ thì bì nước mía. Anh Nguyễn Hùng, một thợ hồ quê ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), cho hay: Trong khi chờ tốp thợ đến đông đủ, tôi ngồi nghỉ 5 phút rồi “ráp” vô công việc; đàn ông, người thì xây nới phòng lòi tầng trên, người thì chạy chỉ, làm nguội tầng trệt, còn nữ thì phụ hồ.

 

Sau ít phút nghỉ ngơi, tốp thợ hồ bắt đầu làm ca đêm, anh Hùng lấy gạch, múc vữa hồ xây cái kệ ở gian bếp, chậm rãi nói: Thợ hồ làm ca đêm ở đây là “dân góp” từ nhiều nơi, người ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), người thì ở xã Hòa Trị, Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa). Người thầu công nhận thầu xây nhà nhiều nơi nên danh sách thợ hồ họ nắm “cả sớ”, lúc nào nhà xây nhiều thì người thầu công gọi, thợ hồ ứng trực đi ngay. Thời gian làm việc rất vô chừng, có lúc thì ca ngày, lúc thì ca đêm chứ ai cũng lãnh phần sướng nhận ca ngày, còn phần khổ ca đêm “nạnh” cho ai, làm ăn lâu dài thì có qua có lại.

 

Ca đêm mới trôi qua một tiếng đồng hồ thì cơn mưa đổ xuống tầm tã. Những người nữ làm công việc phụ hồ, chuyển gạch vẫn miệt mài làm việc dưới mưa. Chị Phan Thị Liên, quê ở Hòa Kiến, giãi bày: “Phụ hồ ca đêm từ 18 giờ đến 22 giờ được chủ thầu trả 120.000 đồng; nếu làm cả ngày ròng rã thì được 170.000 đồng. Làm ca đêm chúng tôi phải hết sức cẩn thận, kỹ càng, phụ hồ phải gọn gàng. Công việc này nặng nhọc, có hôm trời mưa, người ướt nhũng và lạnh nhưng vẫn làm việc”.

 

Cạnh đó, chị Bùi Thị Minh Chánh (cùng quê chị Liên) cũng đang chuyển gạch, người đàn ông đang đứng xây chỗ góc nhà trên tầng 2 ngôi nhà là chồng chị. “Cả hai vợ chồng đều làm ca đêm, con thì ở nhà, đứa lớn 12 tuổi trông đứa nhỏ 7 tuổi. Chồng tôi vừa “dứt bay” xây một ngôi nhà ở phường 9 thì đến phường 2 tiếp tục xây nhà khác, mà không kịp về nhà thay quần áo. Thông thường, làm ca ngày đến 17 giờ là nghỉ, sau đó chuyển qua ca đêm lúc 18 giờ. Thời gian “chuyển ca”, các thợ tranh thủ ăn chiều, người thì ăn tô bún, người thì ăn vội đĩa cơm rồi “chạy sô” ca đêm. Có lúc buổi chiều, phụ hồ lỡ trộn vữa nhiều, thợ phải ráng làm cho hết rồi “chạy sô” đến nơi mới, người chưa kịp ráo mồ hôi đã bước lên giàn giáo làm tiếp”- chị Chánh nói.

 

Còn anh Lương Văn Minh, chồng chị Chánh, cho hay: Năm nay giá vật liệu xây dựng ổn định, nên nhiều người tranh thủ xây nhà, do vậy cánh thợ hồ cũng phải gấp gáp làm việc để kịp tiến độ. Người làm nghề này “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, công làm ngày thì 220.000 đồng, còn làm đêm 150.000 đồng. Có đêm đi làm về nhà mệt quá, ngã lưng xuống giường ngủ ngay, quên cả ăn uống.

 

NỐI NGHIỆP

 

9 giờ tối, tại một ngôi nhà đang xây cao 3 tầng ở cạnh đường Nguyễn Trung Trực (phường 8, TP Tuy Hòa), một tốp thợ hồ đang hì hục làm việc. Chị Trương Thị Thủy ở xã Hòa Trị đang chuyển đống gạch vụn đi nơi khác, cho biết: Trước đây, chồng chị làm thợ hồ, chị ở nhà nội trợ. Hai vợ chồng làm lụng nuôi đứa con trai đang học đại học ở Bình Dương. Gần đây, chồng chị bị chứng đau thần kinh tọa, khiến lưng đâu, chân tê nên không làm nặng được, vì vậy từ lao động phụ chị trở thành lao động chính, bám theo nghề thợ hồ để kiếm tiền cho con ăn học.

 

Chị Thủy cười nói: Ban đầu tôi không nghĩ ra công việc thợ hồ, vì từ nhỏ đến lớn chưa một lần cầm đến cái bay. Dịp hè vừa rồi, do đau đáu lo đến ngày con vào Bình Dương học đại học năm thứ ba nên tôi quyết định bám theo nghề thợ hồ ngay cả vào ban đêm, với mong muốn cùng chồng dành dụm được nhiều tiền nuôi con ăn học.

 

Còn anh Nguyễn Mạnh Phan ở xã Hòa Quang Nam đang chà giấy nhám chuẩn bị sơn phòng khách, kể: Trước đây, ba tôi cũng làm nghề thợ hồ, lớn lên tôi “chê” nghề thợ hồ khổ nên vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân tại một nhà máy. Bao nhiêu năm bôn ba nơi đất lạ quê người, có tiền nhưng chi phí cao, nên cũng không dư dả nhiều. Từ khi lập gia đình, sinh con nhỏ, tôi về lại quê nhà làm nghề thợ hồ. Làm thêm ca đêm có thêm tiền, ở quê làm được đồng nào chắc đồng đó”.

 

Gần 10 giờ đêm, tốp thợ hồ xuống giàn giáo, ông Thái Văn Minh (55 tuổi) ở xã Hòa Trị loay hoay rửa cái bay, rồi bảo con gái dọn dẹp xô, xẻng, xe rùa… cất ngăn nắp. Chị Thái Thị Hằng, con gái ông Minh, mấy năm qua làm công nhân may ở TP Hồ Chí Minh, vừa rồi ông khuyên con về quê và theo ông đi phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ông Minh trải qua nghề thợ hồ hơn 15 năm và ông không nhớ nổi mình đã xây bao nhiêu ngôi nhà. Ông chỉ nhớ là khi làm xong công đoạn quét sơn, thấy ngôi nhà sáng sủa, ngồi nghỉ mệt và ngắm thì nghiệm ra thành quả “bàn tay xây dựng” của mình. “Làm nhà này xong, tôi cầu mong thời gian đến, nhiều gia đình làm ăn phát đạt, có nhu cầu xây nhà để chúng tôi mưu sinh và cứ thế phố thị ngày càng sầm uất”, ông Minh nói.

 

MẠNH HOÀI NAM - HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Những “cơ trưởng” đam mê nghiên cứu
Thứ Bảy, 31/10/2015 13:00 CH
Lễ hội tháng Mười ở Munich
Thứ Bảy, 24/10/2015 15:39 CH
Chợ gùi ở Sa Pa
Thứ Ba, 13/10/2015 13:00 CH
Kỹ sư trẻ làm trưởng thôn
Thứ Bảy, 10/10/2015 09:28 SA
Vẻ đẹp Long Thủy
Thứ Bảy, 19/09/2015 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek