Thứ Sáu, 10/01/2025 22:58 CH
Có một người lính trở về từ Gạc Ma
Thứ Hai, 04/05/2015 10:08 SA

Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma - Ảnh: CTV

“Trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy đảo chìm. 64 người lính hải quân - đồng đội tôi - vẫn còn “canh giữ” Gạc Ma. Gạc Ma vẫn luôn là một phần của đất nước mình” - cựu chiến binh Trường Sa Lê Minh Thoa nói.

 

Ông Lê Thừa (SN 1942), cha cựu chiến binh Lê Minh Thoa, nói: “Thoa là con đầu của vợ chồng tôi. Khi nghe tin báo tử từ đơn vị, gia đình tôi vô cùng đau đớn và đã lập bàn thờ. Rồi chúng tôi nghe tin từ Bộ Tư lệnh Hải quân, rằng có thể Thoa bị bắt giam bên Trung Quốc. Đến khi người của Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế đến gặp Thoa và đồng đội nó trong tù rồi báo về, gia đình mới biết chắc rằng Thoa còn sống. Ngày nó trở về nhà sau mấy năm bặt tin, vợ chồng tôi và mấy đứa em chỉ biết ôm nó mà khóc”.

Trong phòng khách của căn nhà chật hẹp, nồng nã mùi phở trên đường Tăng Bạt Hổ (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), ông chủ quán phở Trường Sa không ngăn được xúc động khi nhắc đến hai tiếng “Gạc Ma”. Ký ức 27 năm trước như một thước phim quay chậm hiển hiện ngay trước mắt. Cựu chiến binh Gạc Ma Lê Minh Thoa rưng rưng: “Đó là nơi 64 người lính - đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại trong trận chiến không cân sức. Tôi còn sống là quá may mắn. Gia đình đã nhận tin báo tử từ đơn vị, đã lập bàn thờ tôi”.

 

KÝ ỨC GẠC MA

 

Anh Lê Minh Thoa nhập ngũ vào tháng 2/1985. Người thanh niên quê Tây Sơn (tỉnh Bình Định) trở thành thợ máy ở Hải đội 1 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân. Năm 1988, anh cùng đồng đội được tăng cường sang tàu HQ 604, chở hàng và đưa quân ra đảo Trường Sa, tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền. “Khoảng 4 giờ chiều ngày 13/3/1988, tàu đến nơi, thả neo cách đảo chìm Gạc Ma chừng 500m. Anh em dọn vệ sinh trên boong rồi ăn cơm chiều. Khi đó, một chiếc tàu hiện đại của Trung Quốc đi ngang qua, chĩa loa về phía chúng tôi và nói bằng tiếng Việt: Đây là lãnh thổ Trung Quốc (?!), lính Việt Nam rời khỏi ngay” - cựu chiến binh Gạc Ma nhớ lại.

 

Đợi đến nửa đêm, khi thủy triều xuống, một số đồng đội của anh Thoa lên đảo khảo sát, cắm cờ rồi trở về tàu. Khoảng 5 giờ sáng ngày 14/3/1988, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ thấy lính Trung Quốc lố nhố trên đảo Gạc Ma, liền báo động sẵn sàng chiến đấu. Đang đứng cẩu hàng trên tàu, anh Thoa thấy quân ta và quân Trung Quốc xáp lá cà trên đảo. Tiếng súng của quân Trung Quốc xé tan buổi sáng, tàu của chúng cũng lập tức nã đạn vào tàu HQ 604. Một quả đạn găm vô buồng máy, lửa bùng lên ngay khi anh Thoa vừa xuống nơi này. Bị bỏng ở lưng, trung sĩ quê Bình Định chạy lên trên, thấy đạn bắn như mưa từ phía tàu Trung Quốc. Tàu HQ 604 chìm dần.

 

“Tôi thoát ra khỏi tàu và chứng kiến một cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên được” - anh Thoa kể - “Từ tàu lớn, quân Trung Quốc thả ca nô xuống, cứ 3 người một chiếc, một người cầm lái, còn 2 người kia cầm súng xả xuống biển. Lính của ta đang bám vào các đồ vật nổi trên mặt biển, đều bị giết chết bởi những loạt đạn ác nghiệt của quân Trung Quốc”.

 

Hai tay ôm hai trái bí xanh có được từ tàu HQ 604, bập bềnh trên mặt nước với cái lưng bị bỏng, tay phải và chân phải đều bị thương, anh Thoa trải qua những phút giây căng thẳng. Mỗi khi thấy ca nô của quân Trung Quốc đi về phía mình, anh nhanh chóng lặn xuống nước.

 

Anh Lê Minh Thoa sau khi trở về từ nhà tù Trung Quốc - Ảnh: CTV

 

TRONG NHÀ TÙ NGOẠI BANG

 

Đến chiều, người lính bị thương vui mừng xiết bao khi nhìn thấy một chiếc tàu từ phía đông tiến lại. Anh ngỡ đó là tàu của Việt Nam. Đến khi người trên tàu thả xuồng xuống, chiếc tàu xoay ngang, anh Thoa lạnh người khi nhìn thấy dòng chữ tiếng Hoa. Anh kể: “Chiếc xuồng của quân Trung Quốc chạy vòng vòng chung quanh tôi nhưng chưa dám tới gần, có lẽ vì chúng sợ, không biết tôi đang ôm cái gì. Chúng ra dấu bảo tôi đầu hàng. Lúc đó đâu có biết sợ chết nữa, tôi không đầu hàng. Chúng bắn cả loạt đạn chung quanh tôi để dọa, nhưng tôi kiên quyết không đầu hàng. Rồi chúng dùng một cái cây dài có móc kéo tôi lại, lấy vải đen bịt mắt. Sau đó chúng chở tôi đến tàu lớn và cẩu lên tàu. Tôi vừa đặt chân xuống tàu thì bị chúng đánh tối tăm mặt mũi, không biết trời đất gì nữa. Tỉnh dậy thì miệng đầy máu, mấy cái răng bị gãy. Tôi nhìn thấy 8 đồng đội từ các tàu HQ 505, HQ 605, ai nấy đều thương tích đầy mình, bị trói nằm ngay hàng”.

 

Theo lời anh Lê Minh Thoa, suốt 2 ngày 2 đêm đi trên biển, quân Trung Quốc không cho 9 người lính hải quân Việt Nam ăn uống. Đói và khát cháy cổ nên khi thấy một cô gái người Hoa cầm ly nước đi ngang qua, anh Thoa xin nước. Thật bất ngờ, cô gái này tuy còn rất trẻ nhưng tâm hồn đã bị nhuốm đen bởi sự độc ác. Chẳng những không cho chúng tôi uống nước, cô ta còn dùng chân mang giày binh đá mạnh vào người bị thương!

 

Quân Trung Quốc chở 9 người lính hải quân Việt Nam tới đảo Hải Nam rồi chuyển qua tàu khác, chở tới bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Anh Thoa vẫn nhớ như in cái cảnh 9 người lính bị thương và kiệt sức vì đói khát, chân không dép, trên người chỉ có áo may ô với quần đùi, hai tay bị trói quặp ra, bị bắt đứng trên boong sắt dưới cái nắng tháng 3 trong suốt thời gian chờ tàu của chúng đến.

 

3 tháng đầu trong nhà tù ngoại bang, anh Thoa và đồng đội bị tra khảo, đánh đập. Chúng giam riêng từng người, không cho họ giáp mặt nhau. Trước sau anh Thoa đều nói ngắn gọn: “Tôi là người lính, chỉ huy có lệnh thì tôi chấp hành”. Rồi chuyện tra hỏi cũng chấm dứt, anh Thoa và đồng đội có dịp gặp nhau trong lúc đổ bê tông, chẻ củi… Bị thương, thiếu ăn, thiếu mặc, lại phải làm việc nặng nhọc nên người tù nào cũng tiều tụy. Lúc chưa bị bắt, anh Thoa nặng hơn 60kg. Sau 3 tháng trong nhà tù Trung Quốc, anh chỉ còn da bọc xương.

 

Những người lính hải quân Việt Nam bị bắt làm tù binh không biết số phận mình sẽ ra sao, cho đến khi Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cử người tới nhà tù. “Họ nói với chúng tôi: Các anh yên tâm, Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế đã đến đây thì các anh đừng lo không giữ được mạng sống, nhưng không biết đến khi nào các anh mới được trở về đất nước mình. Sau khi người của Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế đến, chúng tôi không còn phải làm việc nặng nữa mà chăn nuôi gia súc, gia cầm” - anh Thoa kể.

 

VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG, ĐỒNG ĐỘI

 

3 năm đằng đẵng. Thời gian chậm chạp trôi bên trong song sắt nhà tù. Một buổi chiều cuối năm 1991, những người lính Việt Nam bất ngờ được cai tù cho ăn một bữa cơm ngon. Bữa cơm hết sức khác thường đó khiến họ hoang mang lo lắng, chẳng biết điều gì đang chờ mình ở phía trước. Khoảng 2, 3 giờ sáng hôm sau, cai tù đánh thức những người lính Việt Nam. Ra khỏi buồng giam, họ nhìn thấy một chiếc xe hơn 50 chỗ ngồi đậu sẵn, lính tráng rất đông. Lên xe, cứ hai người lính Trung Quốc kèm một người lính Việt Nam. Quân Trung Quốc cho hay: Hôm nay phóng thích tù binh về nước. Anh Thoa và đồng đội bán tín bán nghi, chẳng biết họ có nói thật hay không. Chiếc xe chở 9 người lính hải quân Việt Nam đi suốt 3 ngày đêm mới tới biên giới Việt - Trung. Và sau hơn 3 năm bị giam cầm ở Trung Quốc, họ đặt chân lên đất nước mình, về với đồng bào mình...

 

Anh Lê Minh Thoa kể: “Khi tôi trở về quê nhà thì đã gần tết. Tôi đi tàu, xuống ga đón xe thồ về lúc trời chưa sáng hẳn. Hồi đó, nhà lụp xụp lắm, phía trước rào lưới B40. Khi xe thồ dừng trước cổng, má tôi ở trong nhà nhìn ra, thấy một người mặc áo hải quân nên mở cửa bước ra. Má nhận ra tôi, liền gọi ba và mấy đứa em chạy ra. Cả nhà òa lên khóc”.

 

Trở về từ nhà tù Trung Quốc, anh Lê Minh Thoa mong muốn tiếp tục phục vụ trong quân đội và được về đơn vị cũ - Lữ đoàn 125, công tác ở trạm sửa chữa tàu. Người lính sinh năm 1968 này tiếp tục tham gia các chiến dịch bảo vệ chủ quyền, nhưng không có dịp trở lại Trường Sa. Năm 1996, anh nhận quyết định xuất ngũ, đến năm 1997 thì xuất ngũ.

 

Trở về đời thường và lập gia đình, trung úy hải quân ngày nào chật vật kiếm tiền nuôi vợ con bằng công việc sửa chữa điện máy và chạy xe thồ ở TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống thiếu trước hụt sau, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Sau khi sinh đứa con trai được 4 tháng, vợ anh giao con cho ông bà nội rồi ra đi. Anh Thoa trở về Bình Định, gà trống nuôi con và làm đầu bếp cho một resort. Rồi anh gặp người vợ thứ hai…

Anh Lê Minh Thoa không nói nhiều về cuộc sống hiện tại của mình. Anh chỉ kể về Gạc Ma - nơi đồng đội anh ngã xuống. “Trong những giấc mơ, tôi vẫn thấy đảo chìm. 64 người lính hải quân - đồng đội tôi - vẫn còn “canh giữ” Gạc Ma. Gạc Ma vẫn luôn là một phần của đất nước mình” - cựu chiến binh Trường Sa Lê Minh Thoa nói.

 

Trong đầu người lính trở về từ Gạc Ma vẫn còn một mảnh kim loại găm gần thái dương. Những vết thương cũ vẫn cựa quậy khi trái gió trở trời. Thời gian không bao giờ dừng lại, nhưng với anh Lê Minh Thoa (cũng như những người lính khác đã trở về từ khói lửa Gạc Ma), trận huyết chiến ấy vẫn chưa xa, vẫn hằn những nỗi đau trong tâm trí họ.

 

Gạc Ma! Gạc Ma! Những giấc mơ thảng thốt gọi tên. Tôi nhận ra điều đó khi người lính hải quân năm nào dõi mắt về phía xa xăm, nơi trùng trùng sóng dữ.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người giữ hồn cho sách
Thứ Bảy, 18/04/2015 13:00 CH
Vươn lên từ quá khứ lầm lỗi
Thứ Bảy, 11/04/2015 13:00 CH
Người giữ hồn cồng chiêng
Thứ Bảy, 04/04/2015 14:00 CH
Lão nông làm bánh xe nước
Thứ Bảy, 28/03/2015 15:00 CH
Đi tìm sò huyết Ô Loan
Thứ Bảy, 28/03/2015 08:30 SA
Về thăm mẹ Thứ
Thứ Bảy, 21/03/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek