Thứ Sáu, 10/01/2025 22:52 CH
Người giữ hồn cồng chiêng
Thứ Bảy, 04/04/2015 14:00 CH

Dàn cồng chiêng ở thôn Xí Thoại với nhiều thành viên trẻ và già đan xen biểu diễn tại một ngày hội ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: V.HOÀNG

22 thành viên của Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) như 22 nốt nhạc trong bản nhạc bất tận của núi rừng. Những nhịp điệu ấy đủ sức đưa người nghe đong đưa theo tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, xập xẻng, lục lạc… Và hơn 10 năm nay, anh Bùi Văn Hiệp được xem là người “nhạc trưởng” tận tụy của đội.

 

Chúng tôi về Xí Thoại trong những ngày đội cồng chiêng của thôn đang tập luyện để biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng huyện Đồng Xuân, 30 năm tái lập huyện. Anh Bùi Văn Hiệp là người tất bật nhất. Sắp xếp xong công việc với rẫy sắn đang vào mùa thu hoạch, anh thông báo các thành viên trong đội đến đúng giờ tập luyện. Rồi chuyện trang phục cũng một tay anh Hiệp chăm lo. Hình ảnh ấy đủ sức thuyết phục những người cầm bút khắc họa về hình ảnh người đàn ông luôn tự hào về dòng máu Ba Na đang chảy trong người.

 

XỨNG DANH “NHẠC TRƯỞNG”

 

Già làng La Chí Thái cho rằng: “Bùi Văn Hiệp là một trong những niềm tự hào của thôn Xí Thoại và là nhân tố nổi bật của người dân tộc Ba Na. Từ nhỏ, Hiệp đã có năng khiếu và đam mê các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ba Na. Không chỉ với đội cồng chiêng, khi thôn Xí Thoại có việc gì cần thì Hiệp rất nhiệt tình tham gia. Chúng tôi rất tự hào về Bùi Văn Hiệp với những gì anh đã cống hiến cho người dân tộc Ba Na ở Xí Thoại”.

Bùi Văn Hiệp lớn lên với nhiều kỷ niệm ở vùng đất mẹ Xí Thoại được bao bọc bởi ngọn núi Đá Đen, hòn Dù và được những giọt nước mát lịm từ con suối Cà Te nuôi dưỡng nên người. Từ thuở nhỏ, Bùi Văn Hiệp đã có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống của người dân tộc mình. Trong làng, mỗi khi có lễ hội, lễ cúng đám, tiệc với những âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, người ta lại thấy anh. Chính niềm đam mê ấy giúp Hiệp dần dần chinh phục và sử dụng thành thạo hết dàn chiêng năm khi anh mới 17 tuổi. Một thời gian sau đó, Bùi Văn Hiệp đã sử dụng thành thạo và đủ khả năng biểu diễn tất cả nhạc cụ trong dàn cồng chiêng của người dân tộc Ba Na (trống đôi, chiêng năm, cồng ba, xập xẻng, lục lạc). Bị thuyết phục bởi hậu sinh có tố chất và luôn xem các nhạc cụ cồng chiêng như máu thịt, những nghệ nhân cồng chiêng lâu năm ở thôn Xí Thoại đã chọn anh Hiệp làm đội trưởng khi anh vừa chạm tuổi 30. Và hơn 10 năm nay, anh Hiệp phát huy tốt vai trò “nhạc trưởng” của Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại trong việc gìn giữ, quảng bá hình ảnh, bản sắc của người dân tộc Ba Na.

 

Đội trưởng đội cồng chiêng đòi hỏi rất nhiều tố chất. Trước hết, đó phải là người có uy tín trong làng. Vì như vậy, Bùi Văn Hiệp mới vận động được người dân tham gia vào đội cồng chiêng. Một số người dù có khả năng, nhưng không mặn mà với việc gia nhập đội, vì vừa không có thu nhập vừa tốn thời gian, nhưng sau khi được anh Hiệp thuyết phục, họ đã đồng ý. “Mình nói một lần họ không nghe, thì mình đến thuyết phục nhiều lần. Nói sao cho người dân mình hiểu, tiền bạc quan trọng, nhưng bản sắc của dân tộc mình là tài sản vô giá cần phải gìn giữ”, anh Hiệp tâm sự.

 

Về năng khiếu, đội trưởng phải là người có thể chơi được hết tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc, cũng như hiểu ý nghĩa của từng âm thanh mỗi khi phát lên. Thực tế, trong dàn cồng chiêng của người Ba Na, trống đôi là nhạc cụ được nhiều người yêu thích nhất và đó chính là sự khác biệt với những dàn cồng chiêng khác. Bùi Văn Hiệp là một trong những người chơi trống đôi tốt nhất đội, nhưng khi biểu diễn anh lại chọn lục lạc. “Nếu ai cũng chơi trống đôi thì ai chơi những nhạc cụ khác. Nhạc công chơi lục lạc là người đóng vai trò quan trọng trong dàn nhạc. Nó là sự khởi đầu của dàn nhạc mỗi khi bước lên sân khấu và dẫn nhịp để các nghệ nhân có thể vừa chơi nhạc cụ vừa nhún nhảy theo vũ điệu tổng thể của dàn cồng chiêng”, anh Hiệp cho biết thêm.

 

Ông Lê Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Xuân, đánh giá: “Bùi Văn Hiệp là người góp công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển đội cồng chiêng dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại. Hiệp thể hiện sự nhiệt tình và đầy trách nhiệm trong quản lý đội. Chúng tôi rất yên tâm khi Bùi Văn Hiệp cùng Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại biểu diễn ở các chương trình lễ hội do huyện, tỉnh… tổ chức”.

 

Anh Bùi Văn Hiệp với bộ chiêng năm mà anh xem là tài sản vô giá với người Ba Na - Ảnh: N.HUY

 

VƯỢT KHÓ ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

 

Là người rất có trách nhiệm trong những lần dẫn đoàn đi biểu diễn trong các ngày lễ lớn, Bùi Văn Hiệp luôn tạo niềm tin với già làng, trưởng thôn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ba của Bùi Văn Hiệp, ông Bá Thanh Nanh từng là Trưởng Công an huyện Tây Sơn (cũ) trong những ngày đầu giải phóng đất nước. Mẹ của anh Hiệp, bà Bùi Thị Kim Nhơn, là y tá trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ và sau này công tác ở Bệnh viện huyện Tây Sơn. Xuất phát điểm như vậy nên gia đình của anh Hiệp luôn là niềm tự hào của người dân tộc Ba Na ở vùng đất phía tây Phú Yên với cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

 

Tuy nhiên, bi kịch xảy đến với gia đình khi mẹ anh bị bệnh và qua đời năm anh 17 tuổi. Ba anh vì quá đau buồn, không giữ được mình, suốt ngày đắm chìm trong những cơn say. Tài sản tích góp bấy lâu của gia đình lần lượt đội nón ra đi theo tiếng gọi của men rượu. Để lo cho bản thân và hai người em, Bùi Văn Hiệp không còn cách nào khác phải gác lại chuyện học để đi làm thuê, kiếm từng cân gạo sống qua ngày. “Có những ngày buồn tủi, tôi không quan tâm đến cuộc sống xung quanh, nhưng rồi lại suy nghĩ, mình là đàn ông của núi rừng, nên phải mạnh mẽ để vượt qua khó khăn. Lúc buồn thì tôi tìm đến âm thanh của núi rừng từ chiếc trống đôi, cồng ba, chiêng năm… Thời gian còn lại, tôi cố gắng làm việc để lo cho em còn nhỏ”, anh Hiệp nhớ lại trong nước mắt. Chính sự cần cù chịu thương, chịu khó ấy đã giúp Hiệp thuyết phục ông La Văn Nung (nguyên Trưởng thôn Xí Thoại) gả con gái La Thị Hách, với nghi thức chỉ là 3 miếng trầu cau và 1 xị rượu.

 

Không tự nhận mình là người giàu có, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, tài sản hiện tại của gia đình anh Hiệp cũng được xếp vào diện khá ở thôn Xí Thoại. Với 3ha sắn, 4ha keo và 6 con bò, anh Hiệp đã có thể không còn bận tâm nhiều đến chuyện kinh tế, mà tập trung vào việc duy trì và phát triển Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại. Qua đó giúp các thế hệ đi sau gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của người dân tộc Ba Na.

 

Ông Lê Viết Tứ, cán bộ Phòng Văn hóa xã Xuân Lãnh, nhận xét: “Mỗi khi có chương trình biểu diễn, anh Hiệp đều hoàn thành chu đáo các thủ tục cần thiết. Khi đội cồng chiêng đi biểu diễn ở xa, anh luôn làm tròn vai đội trưởng và gương mẫu trong lối sống - điều giúp cho tiếng nói của anh có trọng lượng với các thành viên và người dân thôn Xí Thoại”.

 

TRUYỀN LỬA CHO THẾ HỆ TRẺ

 

Điều tâm huyết nhất của Bùi Văn Hiệp là xây dựng được đội ngũ nghệ nhân kế cận của Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại. Trong gia đình, Bùi Văn Hiệp đã hướng hai con của mình là Bùi Văn Hưng (19 tuổi), La Thị Mỹ Hiền (21 tuổi) chơi được nhạc cụ của dân tộc Ba Na. Giờ đây, Hưng là một trong những người trẻ của thôn Xí Thoại có thể chơi tốt trong dàn chiêng năm và các loại nhạc cụ khác trong dàn cồng chiêng. Ngoài 12 nghệ nhân chơi cồng chiêng trong đội, Bùi Văn Hiệp đã cất công tìm được 12 người trẻ có đủ đam mê và khả năng để từng bước thay thế các bậc đàn anh. La Mai Hàn, một thành viên trẻ trong Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại, tâm sự: “Được anh Hiệp thuyết phục, mình tham gia đội cồng chiêng. Qua các hoạt động biểu diễn, cộng với những lời động viên của anh Hiệp, mình thấy càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na”. Theo cách tính linh hoạt của anh Hiệp, Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại có thể biểu diễn 4 đến 5 lần/năm, và trong những lần lên sân khấu như vậy, anh sẽ sử dụng xen kẽ những người cũ và những người mới. Điều đó giúp nghệ nhân trẻ có thời gian để trưởng thành và từng bước tự tin thể hiện mình.

 

“Một nghệ nhân vừa có thể biểu diễn nhạc cụ, vừa nhảy đúng theo nhịp điệu của dàn cồng chiêng phải mất nhiều thời gian và không phải ai cũng có thể làm được. Với cách làm như hiện nay, tôi tin rằng Đội cồng chiêng thôn Xí Thoại sẽ còn phát triển trong việc quảng bá bản sắc văn hóa của người dân tộc Ba Na”, anh Hiệp cho biết. Về công tác tuyển chọn nghệ nhân trẻ, anh Hiệp chia sẻ: Yếu tố đầu tiên của một nghệ nhân chơi cồng chiêng là đam mê nhạc cụ truyền thống và dạn dĩ trên sân khấu. Người có năng khiếu thì học nhanh hơn người bình thường, nhưng người không có sự đam mê và khả năng đứng trước đám đông thì không thể theo đuổi được việc tập luyện và gần như không thể phối hợp với các thành viên khác khi biểu diễn.

 

Trước khi chúng tôi rời thôn Xí Thoại, anh Bùi Văn Hiệp đã giới thiệu bộ chiêng năm mà anh cất giữ cẩn thận trong nhà. “Đó là tài sản quý mà tôi gìn giữ lâu nay. Con bò, cây sắn, mình có thể quy ra tiền, còn nhạc cụ truyền thống này gần như là vô giá. Đó sẽ là điều mà con em người dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại có thể tự hào về truyền thống của cha ông”, anh Hiệp tâm sự.

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lão nông làm bánh xe nước
Thứ Bảy, 28/03/2015 15:00 CH
Đi tìm sò huyết Ô Loan
Thứ Bảy, 28/03/2015 08:30 SA
Về thăm mẹ Thứ
Thứ Bảy, 21/03/2015 14:00 CH
“Lạc” vào xóm Gò Ổi
Thứ Bảy, 14/03/2015 13:00 CH
Home-Stay trong nhà đồng bào Dao Hà Giang
Thứ Sáu, 20/02/2015 10:35 SA
Bánh Bèo Quơ - hương vị quê nơi đất khách
Chủ Nhật, 15/02/2015 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek