Lão nông Nguyễn Công (60 tuổi), ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) lượm lặt các vật dụng làm ra bánh xe nước. Bánh xe này đứng vững gần 20 năm, ngày đêm lặng lẽ quay tròn, “cần cù” múc nước từ mương lên, tưới ruộng lúa gia đình và của người dân quanh vùng.
Đi trên con đường nội đồng nối từ cổng UBND xã Hòa Định Tây ra sông Ba, hai bên đường là cánh đồng lúa mênh mông, nhìn từ xa, chúng tôi phát hiện bánh xe nước đang quay tròn. Thấy lạ, chúng tôi men theo bờ ruộng lại gần tận mắt chiêm ngưỡng, “công trình” bánh xe nước có đường kính 6m, được làm từ các vật liệu khác nhau. Trưa nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến nhà lão nông làm ra bánh xe nước này.
Ông tên Nguyễn Công (người trong xóm gọi là ông Năm Công, năm nay 60 tuổi. Khi được hỏi về “tiểu sử” bánh xe nước, ông cười nói: “Tôi làm bánh xe này từ năm 1997, lúc đầu làm bằng tre và gỗ, sau khi tưới “ăn” một mùa lúa, vành bánh xe bị gãy mục, sau đó tôi cải tiến làm bằng sắt”.
Ông Công kể, ông mua sắt 10 (10 ly) lận tròn, đo thước tấc “làm dấu” đâu vào đó rồi mang đến thợ hàn gần nhà nối các vòng tròn qua thanh tăm vào trục bánh xe, trục này tận dụng từ ống tuýp nước bỏ ra. Thợ hàn xong, bánh xe nặng khoảng 50kg, ông nhờ người khiêng ra ruộng. Ông lựa cây tre già, chẻ ra nan nhỏ đan thành tấm liếp (vỉ), gắn vào các tăm hình thành cánh quạt để dòng nước đẩy vào các cánh quạt này làm cho bánh xe quay tròn. Ông còn trang bị những ống nước, bằng ống tre đục rỗng một bên cột đều trên vành của bánh xe; khi bánh xe quay, các ống này múc nước dưới mương rồi đổ nước vào cái máng. Cái máng nước, ông Công tận dụng mấy tấm bao xi măng chắp vá lại rồi lận vào phía trên mấy tấm ni lon lấy ra từ bao phân. Cái phểu hứng nước từ máng nước, ông lấy bình nhựa đựng dầu ăn loại 5 lít cắt bỏ phần đít, chúc ngược xuống, chỗ cổ bình đổ nước vào ống dẫn nước chảy thẳng vào ruộng. Để bánh xe trụ vững quay từ ngày này qua năm nọ ông bạ (nẹp) thêm các cây gỗ.
Đám ruộng của ông rộng 3 sào (1.500m2) nằm giữa cánh đồng Hòa Định Tây nhưng lại là mô đất cao hơn các ruộng liền kề, vì vậy nước từ mương không tự chảy vào được. Mấy năm đầu ông trồng bắp, đậu, sau đó bỏ hoang, thời gian sau ông chuyển sang trồng lúa. Ban đầu ông sắm gàu sòng tát, nhưng tát gàu sòng nhọc công vì mùa nắng, ruộng mau khô nước, bỏ nhiều công sức và tát liên tục. Có năm nắng hạn kéo dài tát không xuể, ruộng khô héo, xung quanh cánh đồng lúa hưởng nước tự chảy xanh tươi còn ruộng nhà ông liên tục “mất mùa riêng”.
Sau nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, ông nhớ lại sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, có dịp ông đi qua thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) thấy bánh xe múc nước từ suối. Lúc đó, ông chỉ nhìn sơ qua, nên khi bắt tay vào làm ông “moi” trong trí nhớ ra và lượm lặt các vật dụng làm ra bánh xe nước phục vụ tưới ruộng. Nhờ có nước tưới thường xuyên nên năng suất lúa tăng cao, mỗi vụ ông thu trên 1 tấn lúa. Và bánh xe nước này tồn tại từ đó đến nay; hằng năm, ông Công chỉ tu bổ lại các trụ gỗ, tấm liếp, máng… “Tôi làm bánh xe nước “cứu” 3 sào đất trước đây bỏ hoang. Hiệu quả của nó là không tốn dầu tốn mỡ, lại không nhả khói đen ra môi trường như máy bơm nước”, ông Công nói.
Toàn bộ cánh đồng xã Hòa Định Tây rộng 500ha, hưởng nước tự chảy của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Khi nước từ hệ thống này chảy về tưới cả cánh đồng rộng lớn, từng đám ruộng no nước tràn bờ hoặc chảy ra từ các lỗ mậu đổ ra mương rồi chảy ra sông Ba. Ông Công đặt bánh xe nước trên mương rút này, và bánh xe nước của ông Công múc nước thừa từ mương rút. Dòng mương rộng nên ông đắp hai bên bờ mương lại chỉ chừa một trổ để “ép” dòng nước dồn vào chảy mạnh đẩy bánh xe.
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Định Tây Nguyễn Phi Hổ cho biết, bánh xe “độ” này đã quay mấy chục năm rồi. Nó không chỉ tưới riêng ruộng lúa của gia đình ông Công mà còn tưới ruộng lúa người dân xung quanh, góp phần trải dài thêm màu xanh cánh đồng lúa nơi đây.
MẠNH HOÀI NAM - TRÚC HIỀN