Thứ Bảy, 19/10/2024 13:50 CH
Lặng lẽ tri ân cuộc đời
Thứ Bảy, 20/12/2014 13:00 CH

Cô Linh hướng dẫn học sinh rèn chữ - Ảnh: T.THỦY

“Tôi đã sống như lời thầy dạy!”. Câu nói ấy bật ra tận đáy lòng cô giáo Phan Thị Hoàng Linh khi đã trải qua những tháng ngày vận dụng bài học làm người, làm nghề gieo chữ thiêng liêng. Với “người đưa đò” này, bao nhiêu năm dạy học là bấy nhiêu nghĩa tình để chia sẻ và yêu thương.

 


Bất ngờ bén duyên với lĩnh vực sư phạm, nhưng khi đã vận vào người thì cô gái ấy luôn tận tâm, tận lực. Khi còn là giáo sinh trên giảng đường sư phạm, Linh khắc ghi sâu sắc lời dạy của thầy: “Giáo viên chủ nhiệm phải là một người mẹ thứ hai, có lúc như một vị thẩm phán thông minh, song cũng có lúc như người bạn thân tình”. Để rồi, ngày qua ngày dù gieo chữ nơi vùng cao hay chốn thị thành, cô Linh vẫn luôn tận tụy vì sự nghiệp trồng người.

 

THƯƠNG TRÒ VÙNG CAO

 

Tháng 9/2000, Linh tốt nghiệp Trung cấp sư phạm loại ưu, tình nguyện xin về công tác tại Trường tiểu học Phước Tân - một trường thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Sơn Hòa. Cô được phân công chủ nhiệm lớp 3D với sĩ số 27 học sinh tại phân trường Ma Giai, nhưng khi đứng lớp, học sinh chỉ hiện diện 16 em. “Tôi hỏi cô học trò có nước da đen cháy, cao nhất lớp, khuôn mặt tròn với mớ tóc không được buộc gọn gàng:

 

- Con sinh ngày tháng năm nào?

 

- Tao không biết.

 

- Vậy con biết mình mấy tuổi không?

 

- Mùa rẫy năm ngoái tao 12 tuổi thì năm nay kể gì tuổi đấy cô.

 

Tôi sững người bàng hoàng, sao học sinh lại xưng hô như thế? Sao cả tuổi của mình mà em cũng không biết? Tôi dần tìm hiểu thì ra ở đây các thầy chỉ chú trọng dạy làm sao để các em biết đọc, biết viết mà quên đi giáo dục và rèn những kỹ năng sống cần thiết”, cô Linh mở đầu câu chuyện khi nhớ về những ngày đầu vào nghề.

 

Không ngại khó, nhiều tháng liền, cô tích cực đến từng nhà vận động, nhưng học sinh vẫn chưa ra lớp hết. Đầu học kỳ 2, cô phát hiện em A Lê Thị Huề thường nghỉ học không lý do; vui buồn bất chợt, hay né tránh các hoạt động của lớp. Rồi một trò trong lớp cho biết, Huề sẽ không đi học nữa vì phải lên rừng bẻ đót, về bán kiếm tiền nuôi ông bà.

 

Cô Linh tìm đến nhà Huề ở buôn Ma Giai. Lê ra cửa đón cô là ông cụ cụt cả hai chân. Huề thì đang giã lá sắn - món ăn duy nhất của gia đình em trong buổi chiều hôm ấy. Qua tìm hiểu, cô giáo nghẹn lòng khi biết Huề bị bố bỏ rơi lúc chưa lọt lòng. Mẹ em vì sinh khó nên đã chết khi em vừa cất tiếng khóc chào đời. Bà là lao động chính trong nhà, nay lại bệnh nặng không ai kiếm tiền mua gạo. Còn ông bị tật nguyền do chiến tranh để lại nên không làm được việc nặng. Cô cố thuyết phục người ông cho Huề đi học lại, nhưng không lay chuyển được suy nghĩ của ông. Đêm hôm ấy, cô giáo trẻ cứ trằn trọc mãi về cô bé mới mấy tuổi phải bỏ học, gồng mình đi làm kiếm tiền. 


 

Cô bé A Lê Thị Huề năm xưa định bỏ học, đã thi đậu cả hai trường đại học. Hiện em đang học năm cuối khoa Toán tại Trường đại học Quy Nhơn. Nói về cô giáo của mình, Huề thổ lộ: “Em xem cô Linh như người mẹ thứ hai. Em sẽ tiếp nối sự nghiệp trồng người và sống theo gương sáng của cô”.

Một lần trên đường đến nhà Huề để tiếp tục vận động, cô Linh gặp một cậu học sinh nằm dưới gốc cây đang sốt mê man. Không chút chần chừ, cô quay đầu xe chở em tới trạm y tế cách đó gần 5km để khám bệnh. Đợi em khỏe lại, cô chở em về nhà. Em ấy là La O Thoan, học lớp 4A và là anh họ của Huề. Ông của La O Thoan cảm kích trước hành động của cô nên đã đồng ý cùng cô đến vận động Huề ra lớp. Cô thuyết phục ông của Huề trong nước mắt: “Con biết gia đình mình khó khăn, nhưng ông cho Huề nghỉ học là quyết định sai lầm. Huề còn nhỏ, không đủ sức để gánh vác chuyện gia đình, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và mất hết tương lai. Con sẽ cố gắng giúp em Huề những việc con có thể làm…”. Trước tấm chân tình ấy, ông cụ rưng rưng: “Thôi, tôi không ép con Huề nghĩ học nữa. Nó phải đi học để đuổi cái dốt, cái nghèo”.

 

Trưa hôm sau, cô giáo trẻ không khỏi ngạc nhiên vì con dốc gần trường gồ ghề, trơn trợt đã được sửa lại bằng những vật dụng thô sơ: vỏ trấu, cành cây và những mảnh ván. Đến trường, cô thêm ngạc nhiên khi thấy các em nhỏ trong làng và học sinh của mình đứng thành hàng ở vệ cỏ ven đường, đứa đầu không mũ, đứa chân không dép… đồng thanh “cháo cồ”, “cháo cồ”.

 

Hôm ấy, Huề đến lớp học với khuôn mặt tươi tắn, vui đùa hồn nhiên cùng bạn bè. “Tôi thấy thật hạnh phúc khi mình vừa làm một việc tuy nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa. Xúc động hơn khi tôi được biết con dốc kia do chính gia đình em Thoan, em Huề cùng một số thanh niên trong làng làm để cảm tạ tấm chân tình của cô giáo đã cứu con họ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và giúp họ hiểu cần tiếp tục học để thoát nghèo”, cô Linh thổ lộ.

 

Mở sổ chủ nhiệm điểm danh, cô giáo phát hiện hôm ấy ngày 18/2, cũng chính là ngày sinh nhật của A Lê Thị Huề. Ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu, cô muốn dùng tiết sinh hoạt tổ chức sinh nhật cho Huề để cổ vũ tinh thần, giúp em học tốt hơn và không còn suy nghĩ bỏ học nữa. Giờ ra chơi, cô vội vàng vẽ chiếc bánh sinh nhật trên giấy, trang trí thật đẹp rồi dán lên bảng, sau đó đến quán gần trường mua vài bì kẹo, phong bánh. Xong thủ tục cho nhân vật chính, cô mời các trò ăn kẹo, hát hò, kể chuyện và tranh thủ giải thích cho các em ý nghĩa của ngày sinh nhật. Cô còn hứa nếu lớp đi học đầy đủ, đến cuối năm sẽ tổ chức sinh nhật cho cả tập thể lớp. Buổi tiệc hôm ấy rất đơn sơ, nhưng nó đã để lại trong lòng mỗi cô trò những kỷ niệm khó quên. Kế tiếp những ngày sau đó, lớp 3D luôn đông đủ sĩ số.

 

Phan Thị Hoàng Linh trong một chuyến tình nguyện (năm 2002) tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: L.MINH

 

CHÁY MÃI LỬA NHIỆT TÌNH

 

Năm 2012, Linh được thuyên chuyển về công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực (phường 2, TP Tuy Hòa) theo nguyện vọng đoàn tụ gia đình. Ở ngôi trường mới, cô Linh quý trọng và ngưỡng mộ cô Đỗ Thị Kim Cúc, một giáo viên sắp về hưu. “Tôi may mắn trong năm học qua, được sinh hoạt chung tổ với cô Cúc. Có lẽ nụ cười lạc quan luôn hiện hữu trên gương mặt đã giúp cô vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Nhờ vậy, khi chồng sớm qua đời, hơn 20 năm nuôi con một mình, cô vừa hoàn thành tốt công tác giáo dục vừa đảm nhiệm xuất sắc vai trò của người mẹ, người cha nuôi dạy con thành người có ích. Tôi mong rằng những thành công, những hy sinh của cô là tiền đề cho lớp trẻ chúng tôi học hỏi và tiếp bước trong công việc trồng người. Tôi học ở cô bản tính điềm đạm, hiền lành, biết lắng nghe để rồi an ủi, động viên và khích lệ mọi người vươn lên trong cuộc sống”.

 

Từ những cuộc tiếp xúc, chia sẻ tình cờ, Linh đã âm thầm viết bài về cô đồng nghiệp đáng kính ấy để tham dự Cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, tiểu đề án 1 trong ngành Giáo dục và đạt giải nhất cấp thành phố. Nói về Linh, cô Cúc chia sẻ: “Linh luôn xuất sắc trong mọi hoạt động. Khi nghe trường thông báo Linh đạt giải, tôi mới biết em ấy viết về tôi; em hiểu tôi thật nhiều. Linh dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp tận tâm. Là bà mẹ của hai cô con gái nhỏ; chồng lái xe nay đây, mai đó, song cô Linh phải luôn nỗ lực để gánh vác tốt mọi việc”.

 

Sự nhiệt tình, đam mê nghề nghiệp và chu đáo chăm lo cho học sinh là những cụm từ mà tập thể cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực dành riêng cho cô Linh mỗi khi nhắc đến. Có thể nói, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn với những kiến thức được soạn sẵn trong giáo án thì cô Linh đôi khi còn trở thành người chị, người mẹ, nhân viên tư vấn tâm lý “bất đắc dĩ”. Đó là những tri thức, tình cảm, kinh nghiệm sống không có trong chương trình đào tạo, nhưng có thể vô tình, hay hữu ý đã giúp uốn nắn, nuôi dưỡng và trưởng thành một con người. Thiên chức ấy càng đáng trân trọng hơn… Tiếp nối việc tổ chức sinh nhật cho các em học sinh trước đây, khi về Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, cô Linh lại tiếp tục thực hiện và áp dụng vào lớp mình chủ nhiệm. Kết quả, cô đã giúp được một học sinh mê chơi game hay bỏ học trở lại lớp và tiến bộ về mọi mặt.

 

Ở tuổi 34, những trải nghiệm công trong đời của cô Linh là hết sức quý báu. Cô giáo có khuôn mặt phúc hậu luôn tạo cho người đối diện niềm tin. Linh kể, khi còn là giáo sinh Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên), Linh là thanh niên tiên tiến khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Rồi năm đầu giảng dạy ở Phước Tân, Linh là đại biểu thanh niên tiên tiến toàn quốc, tham dự đại hội tại TP Hồ Chí Minh (năm 2000). Tuổi trẻ với những ước mơ hoài bão, Linh xông pha trên các mặt trận tình nguyện nơi vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ dân làng; hiến máu tình nguyện cứu người. “Học ngành Y, nhưng chỉ vài ngày đầu khi tiếp xúc với máu, tôi thấy sợ nên chuyển sang học sư phạm. Song điều đáng ngạc nhiên là tôi sợ máu nhưng không ngần ngại đi hiến máu. Đã 6 lần tôi hiến máu cứu người”, Linh chia sẻ. Rồi khi công tác ở buôn làng, hễ gặp hoàn cảnh bất hạnh, Linh tìm cách cứu giúp. Nếu ngoài khả năng, cô kết nối với bạn bè và kêu gọi vận động.

 

Gần 15 năm nhiệt huyết với nghề, cô càng thấm thía hơn lời dạy của Bác: Mỗi người thầy giáo phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự vừa “hồng” vừa “chuyên”. Chính vì thế, cô đã hình thành cho mình đức tính tự học, tự sáng tạo, tận tụy với nghề. Với cô, phần thưởng lớn nhất chính là sự trưởng thành của các thế hệ học trò, giúp các em có tri thức thoát khỏi sự khó khăn trong tương lai. Cô đãtruyền cảm hứng cho học sinh qua từng bài giảng, từng mẩu chuyện vềBác, tạo hứng thú và ý thức tu dưỡng, rèn luyện theo gương Bác. Cô Linh luôn ýthức, không gìthiết thực làm gương cho học sinh bằng chính nhân cách, đạo đức và những việc làm cụ thể của mình. Cô đãluôn đi bên cạnh, làm chỗdựa cho các em trong mọi hoàn cảnh, nâng bước cho các em đi đến thành công. 

 

Mỗi giờ học do cô Linh đứng lớp đều tạo cho học sinh sự say mê, hào hứng, bởi cô luôn sáng tạo ra những cách dạy mới, giúp học sinh tiếp thu bài nhanh hơn. Mới đây, cô đã tốt nghiệp đại học ngành Giáo dục tiểu học. Với những nỗ lực của mình, cô Linh đạt rất nhiều giải thưởng, nhận nhiều giấy khen của Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa, Đảng ủy Phường 2, trong đó có thành tích về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giải xuất sắc toàn diện Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi.

 

(Thầy Võ Văn Nhân, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực)

 

DƯƠNG THU THỦY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nặng lòng với động duối hoang 100 tuổi
Thứ Bảy, 13/12/2014 13:00 CH
Lên đỉnh làng Đồng
Thứ Bảy, 29/11/2014 13:00 CH
Mưu sinh trong mùa mưa
Thứ Bảy, 15/11/2014 10:02 SA
Người giữ hồn Chapi
Thứ Bảy, 01/11/2014 09:20 SA
Bài cuối: Tựa vào niềm hy vọng
Thứ Sáu, 24/10/2014 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek