Ấp ủ hoài bão trong 7 năm, mọi công đoạn tổ chức về chuyến đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” không hề đơn giản, nhưng với quyết tâm của một người trẻ, Võ Mạnh Tuấn (SN 1987, công tác tại Trường trung cấp Nghề tỉnh Kon Tum) đã thực hiện được 2/3 chặng đường. Còn cả một hành trình dài để chinh phục, nhưng có cơ sở để tin rằng Võ Mạnh Tuấn sẽ hoàn thành kế hoạch lớn không chỉ riêng anh mà còn cho cả cộng đồng.
Nếu dùng công cụ Google để tìm cái tên Võ Mạnh Tuấn, bạn sẽ có hơn 800.000 địa chỉ liên quan. Tất nhiên, phần lớn bài viết đều nói về hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” mà Tuấn là người khởi xướng và thực hiện. Tiếp xúc với Tuấn khi anh dừng chân một ngày tại TP Tuy Hòa, tôi đã tìm thấy tố chất đặc biệt trong anh.
HÀNH TRÌNH CỦA TRÁI TIM
Võ Mạnh Tuấn bắt đầu thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” ngày 19/7 từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ba Đình, Hà Nội) dự kiến sẽ đến Dinh Độc lập (TP Hồ Chí Minh) vào cuối tháng 9 khi hoàn thành khoảng 1.730km.
Mọi ủng hộ cho hành trình của Tuấn xin gửi về địa chỉ: Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kon Tum; tài khoản 0761002349346 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Kon Tum. |
Đã biết, nghe và nhìn thấy Võ Mạnh Tuấn trên các phương tiện truyền thông, nhưng khi gặp anh trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa), tôi không khỏi bất ngờ. Chàng trai cao tầm 1,6m, thân hình gầy nhom, khuôn mặt đen nhẻm, bước chân thoăn thoắt, khoác trên lưng túi đồ khá đồ sộ. Theo lời Tuấn, túi đồ ấy là hành trang để cùng anh trên bước đường chinh phục hơn ngàn cây số từ điểm đầu là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ba Đình, Hà Nội) đến điểm cuối là Dinh Độc lập (TP Hồ Chí Minh). Trong đó, món đồ mà anh trân trọng nhất là lá cờ Tổ quốc có chữ ký của những người đã chung tay với anh trên suốt chuyến đi.
Hàng loạt những câu hỏi tôi đặt ra đã được Tuấn giải đáp một cách rành rọt. Theo Tuấn, càng nhiều người hỏi càng tốt, nhờ thế mọi người mới hiểu được mục đích và ý nghĩa của hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” mà anh đang thực hiện. “Tôi chắc rằng nhiều người bảo tôi không bình thường, nhưng tôi vẫn vững tin vào những gì mình đang làm. Mục đích của chuyến đi là quyên góp tiền ủng hộ học sinh nghèo, con em của ngư dân vùng biển, góp phần tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, Tuấn cho biết.
Khó khăn là điều không tránh khỏi trong suốt hành trình. Với số tiền lận lưng khoảng 10 triệu đồng, để tiết kiệm không còn cách nào khác, Võ Mạnh Tuấn buộc phải “ngủ bờ, ngủ bụi” nếu nơi đó không có người quen. Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng những ngày đầu tiên đi bộ, bàn chân của Tuấn bị bỏng nặng. Không thể để hành trình bị chậm so với dự kiến, Tuấn đã học hỏi kinh nghiệm từ những người lính chiến trường xưa. Đó là lấy kim đâm nhẹ vào các chỗ bỏng để nước dần thoát ra và khâu vết bỏng lại, tránh lở loét, như vậy có thể đi tiếp mà không vấn đề gì. “Khả năng con người là không giới hạn, quan trọng là họ có ý chí và quyết tâm để theo đuổi hay không”, Võ Mạnh Tuấn nói như vậy khi được trải nghiệm từ hành trình mà anh đang thực hiện.
THÔNG ĐIỆP CHO NGƯỜI TRẺ
Là thạc sĩ, đảng viên, Bí thư Đoàn Trường trung cấp Nghề tỉnh Kon Tum, với nền tảng như vậy, anh có thể yên tâm công tác và lo cuộc sống cho riêng mình, nhưng Tuấn lại cho rằng, sống như vậy không hẳn là một điều hay. “Tôi có cảm giác một bộ phận giới trẻ bây giờ khá vô cảm với cuộc sống xung quanh, chỉ biết lo cho bản thân. Đó là mối nguy đối với tương lai của đất nước”, Võ Mạnh Tuấn chia sẻ.
Tuấn kể, trong suốt hành trình anh đã gặp rất nhiều trường hợp minh chứng cho nhận định trên. Có lần anh đang ngồi tại một quán nước để nghỉ ngơi ở một tỉnh miền Trung thì thấy một vụ tai nạn giao thông. Xung quanh có rất đông người qua lại, nhưng không ai giúp đỡ mà họ chỉ nhìn thoáng qua rồi đi. Đích thân Tuấn, một người “lạ nước, lạ cái” phải dìu người bị nạn vô quán nước và gọi cấp cứu. Lần khác, Tuấn thấy vật cản khá lớn trên quốc lộ 1 có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào cho người đi đường, nhưng không ai dịch chuyển vật cản ấy đi nơi khác.
Ngay chính công việc mà Võ Mạnh Tuấn đang thực hiện, nhiều tổ chức, cá nhân cũng tỏ ra nghi ngờ về kết quả của nó. Người thì cho rằng Tuấn không bình thường; người thì không dám đứng ra hỗ trợ vì họ sợ liên lụy, nếu chẳng may Tuấn có mệnh hệ gì trên hành trình chinh phục của anh.
Khó khăn là vậy, nhưng Võ Mạnh Tuấn vẫn kiên định với những gì mình ấp ủ và theo đuổi bấy lâu. “Sống là đâu chỉ nghĩ cho bản thân mình” - Tuấn đã không ít lần nói đến câu này khi trò chuyện với tôi. Những việc làm của Tuấn không chỉ khiến tôi mà nhiều người sẽ tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong cuộc sống này. Ở góc độ nào đó, hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” của Tuấn đã gửi một thông điệp đến một bộ phận giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
TIN VÀO TƯƠNG LAI
Khi đến TP Tuy Hòa, Võ Mạnh Tuấn thừa nhận nhiều đêm anh mất ngủ vì lo lắng. Không phải anh lo cho bản thân, bởi anh đã trải qua 2/3 chặng đường (14 tỉnh, thành với hơn 1.000km) đầy cam go. Nắng, mưa, bệnh tật dọc đường anh không sợ, song nỗi sợ lớn nhất là khi gặp những ánh mắt nghi ngờ và sự thờ ơ của cộng đồng về mục đích chuyến đi bộ xuyên Việt mà anh đang thực hiện. Khi ấy, những em nhỏ ở vùng biển sẽ còn lắm khó khăn vì không nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Số tiền ủng hộ vào tài khoản Chương trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” sau 2/3 chặng đường là bao nhiêu, Tuấn có biết không? Nhấp vội ly cà phê, Tuấn thừa nhận số tiền ấy hiện nay là chưa nhiều. “Có lẽ mọi người đang dõi theo kết quả chuyến đi và khi đến đích chắc số tiền ủng hộ sẽ nhiều hơn”, Tuấn chia sẻ.
Khi bài viết này đến với bạn đọc, Võ Mạnh Tuấn vừa chinh phục xong đèo Cả để đến tỉnh Khánh Hòa. “Đã lên đỉnh đèo, cũng là lúc mây đen và gió kéo đến, những tiếng rít vào khe đá đến rợn người, mưa nặng hạt nhưng cũng đủ thời gian cho hắn lật đật lấy vội áo mưa nhưng loay hoay mãi vẫn không mặc đuợc. Trùm được người thì không phủ được balô, phủ được balô thì không trùm được người (nắng, gió, cơm đường cháo chợ bào mòn thân hình vốn hom hem của hắn, khiến hắn gần bằng với cái balô hắn đeo)... Hắn cứ thế cặm cụi, lầm lũi đi trong đêm mưa... Sau lưng hắn, những cái am thờ vẫn nằm cô đơn, lạnh lẽo... nhưng trước mặt hắn đã thấy ánh sáng, không phải le lói như những túp lều phía trên kia, đó là thứ ánh sáng của niềm tin và hy vọng”, Tuấn đã viết như vậy trên mạng xã hội, tiếp thêm niềm tin của nhiều người về hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” của anh, trong đó có tôi.
NHẬT HUY