Hội Thầy trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh vừa tổ chức gặp mặt những học sinh trước năm 1950 của trường. Buổi gặp mặt này trở nên đặc biệt vì có sự hiện diện bất ngờ của Anh hùng lao động, tiến sĩ Thái Phụng Nê, chuyên gia thủy điện hàng đầu của Việt Nam, người con tiêu biểu của đất Phú và là học trò xuất sắc của mái Trường Lương Văn Chánh.
1. 8 giờ sáng, gần 20 cựu học sinh trước năm 1950 và các thế hệ hiệu trưởng của Trường Lương Văn Chánh tề tựu về phòng họp của trường. Khác với những buổi gặp mặt trước đó, buổi gặp mặt này diễn ra bất ngờ và mới chỉ được thông báo cách đó… một ngày. Một số người mang theo máy ảnh, máy ghi âm; nhiều người còn mang theo sách do mình viết và cả sổ để xin chữ ký… Tất cả cùng thấp thỏm, đợi chờ một đồng môn từ Hà Nội vào. Đúng 8 giờ 15, tiến sĩ Thái Phụng Nê bước vào phòng họp. Vẻ mặt thân thiện, nụ cười phúc hậu, ông đi một lượt khắp phòng bắt tay các đồng môn cũ. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, người chủ xướng buổi gặp mặt lên tiếng: “Buổi gặp mặt hôm nay khác hơn những lần trước vì chúng ta vinh dự được đón chào một người bạn cũ, một học trò xuất sắc - tiến sĩ Thái Phụng Nê. Với những đóng góp cho ngành Thủy điện Việt Nam, ông đã làm rạng danh ngôi trường thân yêu và là niềm tự hào của quê hương đất Phú”.
Những kỷ niệm về ngôi trường thời chiến tranh cứ ùa về. Người “trẻ” nhất tóc cũng bạc trắng nhưng khi gợi nhắc về thời đi học vẫn cứ hồn nhiên và hứng khởi như học sinh tiểu học. Ông Trần Học nhớ lại: “Khi ấy, tôi học lớp 7A, còn Thái Phụng Nê học lớp 7B. Tôi rất ấn tượng với Nê vì ông ấy thông minh và học rất giỏi. Chúng tôi luôn tò mò vì Nê có một cây bút nhưng viết hoài cả năm chưa hết mực, thì ra ông ấy có “bí kíp”. Rồi mọi người nhắc về những lần vì bom đạn, trường phải dời từ Đồng Me sang Hòa Thắng, học sinh cũng theo đó mà chạy ngược chạy xuôi… học tiếp. Tiến sĩ Thái Phụng Nê kể: “Lúc ấy, Trường Lương Văn Chánh chỉ dạy đến lớp 7 nên tôi đi bộ ra Quảng Ngãi học tiếp. Không có tiền, tôi vắt cơm mang theo, tối đến thì trải bạt nằm ngủ dọc đường, 3 ngày mới đến nơi. Mặc dù chỉ học tại Trường Lê Khiết nửa năm nhưng sau này, tôi được trường chọn là học sinh xuất sắc nhất. Chính những năm tháng này đã hun đúc ước mơ xây dựng quê hương giàu đẹp từ việc nỗ lực học tập trong tôi”.
2. Tiếp xúc với tiến sĩ Thái Phụng Nê, nghe ông kể chuyện về đời mình và gần 40 công trình thủy điện có dấu ấn của ông, mới thấy trí nhớ của tiến sĩ minh mẫn đến nhường nào. Những người tiếp xúc với ông đều khâm phục cách nói chuyện rành rọt, thu hút, sự dẻo dai phi thường so với tuổi 80 của ông. Không có câu hỏi nào của các đồng môn cũ mà tiến sĩ không trả lời rành mạch, cặn kẽ. Nhất là khi một số người hỏi về thủy điện và Điện lực Việt Nam, ông nói vanh vách như nằm lòng. Thậm chí, lúc ngồi trên bàn ăn, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm đọc một bài thơ do mình sáng tác cho mọi người nghe, có một chi tiết sai về năm khởi công Thủy điện Sơn La, không ai để ý nhưng tiến sĩ Thái Phụng Nê đã tinh ý chỉnh lại. Tiến sĩ bảo: “Rất nhiều người hỏi tôi về bí quyết để nhớ lâu và có sức khỏe tốt. Tôi thì nghĩ rằng, ngoài ăn uống điều độ, mỗi người nên tập cho mình thói quen vận động, làm việc mọi lúc, mọi nơi”. Chính vì vậy nên dù đã dành cả quãng đời thanh xuân, bôn ba vào rừng sâu núi thẳm, dựng xây các công trình thủy điện cho đất nước, từ Thác Bà, Hòa Bình, Yaly đến Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi… nhưng đến khi về hưu, tiến sĩ vẫn tiếp tục dành thời gian và công sức cống hiến cho ngành Thủy điện. 13 năm làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về thủy điện, ông đã dốc tâm huyết vào công trình Thủy điện Sơn La, đưa công trình này về đích sớm hơn thời hạn 3 năm, làm lợi hàng chục nghìn tỉ đồng cho đất nước. Và hiện nay, ở cái tuổi 80, tiến sĩ Thái Phụng Nê vẫn đang là cố vấn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tiến sĩ nói: “Nhắc về thủy điện Việt Nam, tôi dành mấy ngày liền nói cũng không hết chuyện. Tất cả như đã ngấm vào máu của tôi và tôi xem đó là cả cuộc đời”.
3. Hơn 4 giờ đồng hồ gặp mặt là quá ngắn để các cựu học sinh trước năm 1950 hoài niệm về mái Trường Lương Văn Chánh trong những năm khói lửa và bày tỏ sự cảm phục trước thành công vang dội của người đồng môn Thái Phụng Nê. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian cũng đủ để những người có mặt hiểu hơn về nhân cách, cốt cách của một Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên một thời và họ đã không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ về ông. Nhiều người kiến nghị trong những ngày họp mặt truyền thống Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh sắp tới, Hội Thầy trò nhà trường nên mời tiến sĩ Thái Phụng Nê về giao lưu với học sinh để các em được khơi bật niềm tự hào, nuôi dưỡng ước mơ. Thậm chí có người còn đề xuất sẽ có một con đường, một ngôi trường tại Phú Yên mang tên tiến sĩ. Thầy Phan Long Côn, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh những năm đầu tái lập trường không giấu nỗi xúc động: “Mặc dù tiến sĩ Thái Phụng Nê chưa trải qua ngày nào đứng trên bục giảng nhưng với những thành công, đóng góp của ông, tôi xin gọi ông là thầy. Người thầy dạy cho tôi phải luôn dốc sức mình vì sự giàu đẹp của quê hương, đất nước; dạy cho tôi lẽ khiêm nhường, đức tính giản dị, biết sống vì mọi người”.
Trước những lời ngợi khen chính đáng ấy, tiến sĩ Thái Phụng Nê chỉ nở nụ cười hiền từ, phúc hậu. Suốt cả buổi gặp mặt, ông không nhận mình giỏi mà chỉ cho rằng mình đã may mắn có một nền tảng giáo dục bài bản, vững vàng. Và ngôi Trường Lương Văn Chánh chính là nơi đã ươm mầm cho ước mơ về một ngày mang điện về thắp sáng quê hương trong ông. Tiến sĩ Thái Phụng Nê nói: “Khoa học là không giới hạn, nhưng mỗi cán bộ làm khoa học đều có một quê hương. Và tôi mang số tiền 20 triệu đồng mà Bộ Công thương thưởng cho mình về góp vào Quỹ Khuyến học Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cùng niềm tin mãnh liệt vào tương lai thế hệ trẻ. Hy vọng với sự tiếp sức của các thế hệ học trò đi trước, các thế hệ học trò sau này sẽ phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của nhà trường”.
“Tham dự buổi gặp mặt, được nghe các cựu học sinh trước năm 1950 và nhất là tiến sĩ Thái Phụng Nê bày tỏ tâm nguyện, tôi càng ý thức hơn việc phải giáo dục các thế hệ học sinh hiện nay giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường; nhân lên truyền thống hiếu học và tinh thần cống hiến cho quê hương”.
(Huỳnh Tấn Châu, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)
HÀ MY