Thứ Bảy, 23/11/2024 00:04 SA
Về với “Thủ đô gió ngàn”
Thứ Bảy, 30/08/2014 09:50 SA

Nhà tưởng niệm Bác Hồ - Nguồn: thainguyen.edu.vn

Một ngày trung tuần tháng 8, tôi có mặt ở khu di tích lịch sử - sinh thái lớn nhất Việt Nam. Đó là An toàn khu (ATK) ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - khu di tích lịch sử văn hóa sinh thái cấp quốc gia đặc biệt, có đến 128 điểm di tích.

 

Tên núi, tên sông, tên đất, tên bản nơi đây đâu đâu cũng gắn với những địa danh lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc ta. ATK ngày nay với nhiều tên gọi còn lưu lại sử sách, đánh dấu chặng đường vẻ vang sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ (2/9/1945).

 

ATK Định Hóa - Thái Nguyên được gọi là “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”, là “Phủ Chủ tịch” ở chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1947 đến 1953, đây là nơi làm việc của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bác Hồ, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặc biệt, “Thủ đô kháng chiến” này là nơi Bác Hồ và các cơ quan Trung ương hoạt động lâu nhất. Trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi: “Các quyết sách lớn của Chính phủ phần lớn đều quyết định trên đất Định Hóa”.

 

Nơi đây còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử rất đáng được quan tâm, tìm hiểu. Giữa chập chùng mây ngàn, gió núi, chập chùng xanh ngát nơi đèo Đe, núi Hồng, ta bắt gặp nhà sàn của Tổng bí thư Trường Chinh ở Nà Mòn, nơi làm việc của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Thẩm Khen (xã Phú Đình), nơi phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1948) ở Nà Lẹm (xã Phú Đình) - vị Đại tướng Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đứng trước mái lá đơn sơ của di tích này, lòng không khỏi bồi hồi xúc động xen lẫn ngậm ngùi. Các di tích là nơi mở đầu và là tiền thân của các cơ quan Trung ương, các cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng: Nhà in báo Sự thật và Tòa soạn Báo Nhân dân ra số đầu tiên tại khu nhà ở Quang Kỳ, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Điện ảnh và nhiếp ảnh ở Đồi Cọ (xã Mặc Điền), nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở Roòng Khoa. Ta thấy rằng ATK là “quần thể di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX”.

 

Nơi làm tôi xúc động và dừng lại lâu nhất trong chuyến hành hương về “Thủ đô gió ngàn” lần này là lán Bác Hồ ở và làm việc trong những năm từ 1947 đến 1953 rợp tán cây rừng. Những bậc cao đưa chúng tôi lên lưng chừng đồi Tỉn Keo - nơi Bác từng ở và làm việc. Bác Hồ là một con người vĩ đại song rất giản dị, gần gũi với nhân dân; ngay nơi ở Bác cũng ở gần dân, gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Ngôi nhà sàn phục chế trong di tích rộng chừng 30m2 được chia làm 2 phần, lợp bằng lá cọ, có bậc thang lên cao chừng 1,2m. Nhà sàn ẩn mình giữa rừng già xanh mát, lại rất gần dân. Phía trước nhà, hàng cây dâm bụt Bác trồng năm 1948 nay vẫn đơm bông.

 

Tác giả tại khu di tích ATK - Ảnh: C.T.V

 

Tại lán Tỉn Keo này, Hồ Chủ tịch đã chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (6/12/1953) - trận quyết chiến chiến lược đem lại cho dân tộc ta chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu). Và đặc biệt ở ATK còn có “Phủ Chủ tịch” đầu tiên của Bác Hồ ở Việt Bắc, tại lán Khau Tý. Nơi Hồ Chủ tịch đặt cơ quan Chính phủ đầu tiên (xã Điềm Mặc) cũng là nơi Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.

 

Ngày nay, đến thăm khu di tích ATK, ta không thể bỏ qua nhà tưởng niệm Bác Hồ (được người dân nơi đây gọi là đền). Đền nằm trên quả đồi hình mu rùa trên đỉnh đèo De, tựa lưng vào dãy núi Hồng (địa danh đi vào thơ Tố Hữu - trong bài thơ Việt Bắc). Nơi đây là bức tường thành của chiến khu Việt Bắc năm xưa, “trái tim” khu di tích. Từ đỉnh cao của ngôi đền thờ Bác có thể phóng tầm mắt rộng dài nhìn về Khuôn Tát. Toàn bộ khu di tích tọa lạc trên diện tích hơn 16.000m2. Bên phải và bên trái đền có mái che kiểu mái đình vút cong, nơi treo chuông đồng và khánh đồng. Khi du khách đến viếng đền thờ Bác Hồ, hai người nam ở phía bên phải (nơi treo chuông đồng) gióng lên 9 tiếng chuông. Từ phía bên trái, khánh đồng do hai người nữ phụ trách cũng cất lên 9 tiếng, hòa âm vang vọng đất trời, hòa vào cõi mênh mông linh thiêng nơi đền thờ anh linh của Bác.

 

Từ Tỉn Keo và nhà trưng bày ATK phóng tầm mắt xuống cánh đồng Nà Lọm, ta nhìn thấy thác 7 tầng Khuôn Tát. Bên dòng thác bạc này, làng du lịch sinh thái đã mọc lên, thu hút đông đảo khách hành hương. Ngành Du lịch Thái Nguyên đang khai thác tốt thế mạnh của khu di tích lịch sử - sinh thái đặc biệt này.

 

Từ cổng Tứ Trụ, khách bộ hành bước lên 115 bậc đá cao, gần như vuông góc. Con số 115 ghi dấu công trình được xây dựng kỷ niệm 115 ngày sinh của Người (khánh thành năm 2005). Tới tam quan, du khách dừng chân trước khi bước tiếp 79 bậc với 79 cây vạn tuế trồng hai bên đường - tưởng nhớ 79 mùa xuân Bác Hồ sống trọn cuộc đời với dân với nước. Sân đền tưởng niệm rộng rãi, thông thoáng. Đứng trước đền thờ theo lối kiến trúc đình chùa của dân tộc Việt, tôi miên man bao cảm xúc. Giờ đây tôi mới hiểu hết tại sao gọi là “Thủ đô gió ngàn” - ý lấy từ câu thơ của Tố Hữu. Đây chính là nơi hội tụ, gặp gỡ mà Tố Hữu đã viết: “Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”.

 

Hành hương về ATK, thêm một lần nữa trong tôi dậy lên nhiều cảm xúc về một thời oanh liệt của cha ông ta trong hành trình đến với độc lập, tự do, về mùa thu cách mạng tháng 8 năm nao đã làm rạng rỡ non sông đất Việt. Thế hệ chúng ta có bổn phận gìn giữ, phát triển, hội nhập, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh.

 

HỮU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Sốt” với con ba ba có hình mặt người
Thứ Bảy, 02/08/2014 08:51 SA
Bài cuối: Nghĩa tình đồng đội
Thứ Ba, 29/07/2014 14:00 CH
Bài 2: Lắng lòng nơi “đất lửa”
Thứ Hai, 28/07/2014 08:29 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek